Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Xây dựng quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

Xây dựng quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL

Đến năm 2020, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hướng đến phát triển cân bằng, hài hòa, kết hợp kiểm soát lũ tại vùng, giảm thiểu ảnh hưởng thay đổi bất thường của thiên nhiên với các đô thị ven biển, ven sông trong khu vực.

Đây là một định hướng phát triển chú ý đến những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) được nêu trong Quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1581/QĐ-TTg, ngày 9/10/2009.

Tại hội thảo “Lúa gạo và nông sản hướng tới phát triển bền vững” diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Nông nghiệp quốc tế tại Cần Thơ hồi cuối năm 2010, Ths. Lê Thị Xuân Lan - Đài khí tượng Thủy văn Nam Bộ cho rằng những hạn chế về điều kiện tự nhiên ở ĐBSCL đối với sản xuất lúa gồm 3 nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của lũ trên vùng đầu nguồn; sự xâm nhập mặn ở vùng ven biển; những vùng thấp trũng có đất bị phèn, chua và vấn đề thiếu nước ngọt trong các tháng mùa khô ảnh hưởng đến vụ hè thu.

Dự báo mực nước biển sẽ dâng cao 33cm vào năm 2050 và 1m vào năm 2100. Do địa thế thấp vào năm 2050, khoảng 45% diện tích của ĐBSCL có nguy cơ nhiễm mặn cao, năng suất lúa có khả năng giảm 9%, diện tích trồng lúa sẽ bị thu hẹp đáng kể.

Bà Lan nhận định, BĐKH sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất nông nghiệp ĐBSCL. Trong những năm gần đây lũ không về hoặc có về nhưng ở mức thấp, làm cho ĐBSCL cũng đứng trước nguy cơ mất mùa lũ; Xâm nhập mặn gia tăng làm giảm năng suất cây trồng; diện tích canh tác cây lương thực có thểm giảm thêm do di dân từ vùng ngập lụt vùng duyên hải; sức đề kháng của vật nuôi giảm đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh bùng phát.

Theo bà  Lan, để ứng phó với BĐKH cần thực hiện một số giải pháp, chính sách cụ thể như áp dụng công nghệ, sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng; tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió); trồng và bảo vệ rừng; cải tiến kỹ thuật tưới tiêu trong nông nghiệp; thay đổi kỹ thuật canh tác giống, thời vụ; nâng cấp công trình thủy lợi, giao thông.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Hữu Chiếm, Trường ĐH Cần Thơ, để ứng phó với BĐKH cần có những vùng quy hoạch cụ thể để phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó, những vùng lũ ngập sâu (trồng lúa đông-xuân, hè thu với cá đồng, tràm hoặc khóm); vùng lũ kín (lúa đông xuân, khoai ngọt, rừng tràm, sen với cá đồng); vùng lũ ảnh hưởng triều (mô hình VACB, lúa đông xuân, lúa hè thu, cây màu, cá tra); vùng phức hệ ven biển (bần chua chống xói lở, lúa mùa, tôm, cua biển, cá đồng); vùng mặn cao (mắm và đước, tôm quản canh, cá đồng, cua biển); vùng bán đảo Cà Mau (tràm, cá đồng, ong mật, lúa đông xuân, cây màu, mía, dứa).

Mới đây, thực hiện thỏa thuận đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và quản lý nước (SPA) đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan ký ngày 4/10/2010, hội thảo cấp cao lần thứ tư Việt Nam- Hà Lan đã xem xét các  mô hình ra quyết định thông qua thử thiết kế quy hoạch. Đây là kỹ thuật lập quy hoạch tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới, nó sẽ cho thấy mỗi thay đổi đầu vào của hệ thống sẽ quyết định như thế nào đến tương lai phát triển của ĐBSCL.

Tại hội thảo các phương pháp xây dựng hệ thống đê, xây hồ trữ nước ngọt nhằm giúp ĐBSCL phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH được đưa ra phân tích và hiển thị kết quả thử thiết kế quy hoạch trên màn ảnh để mọi người cùng tham luận.

Chống lũ lụt, đối phó với tình trạng nước biển dâng thì đê bao được xem là giải pháp hữu hiệu. Nhưng như thế sẽ phá vỡ lợi ích của những người đang hưởng lợi từ lũ, sẽ loại bỏ khả năng bồi lắng phù sa do các trận lũ mang lại, đồng thời loại bỏ khả năng bồi đắp đất làm cho cao độ của đồng bằng bị hạ thấp dần so với mực nước biển...

Còn rất nhiều vấn đề các chuyên gia, các nhà khoa học Việt Nam và Hà Lan phải bàn luận để có một quy hoạch bền vững cho ĐBSCL. Nhưng các giải pháp ngăn chặn tình trạng xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu đều được xem là việc phải làm cấp bách, trong đó có việc cải thiện hệ thống cấp nước và xây dựng cống ngăn mặn trên các con kênh là việc cần ưu tiên cũng như chú trọng nghiên cứu tìm ra các giống lúa có khả năng chịu mặn./.

Công Trí

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm