Ashui.com

Wednesday
Apr 24th
Home Tương tác Phản biện Giao thông đô thị và nguyên tắc thay thế

Giao thông đô thị và nguyên tắc thay thế

Viết email In

Giao thông đô thị là bài toán tổng thể toàn thành phố, không thể giải quyết từng khu vực riêng, cũng không thể giải quyết đối với một phương tiện riêng lẻ. Cách tiếp cận cần thiết là xác định tất cả các yếu tố liên quan đến mục tiêu của giao thông đô thị (GTĐT), xem xét tác động của từng yếu tố, mối liên hệ của chúng, đối chiếu với mục tiêu quản lý đô thị  để xác định các giải pháp cần thiết.

Đã có nhiều giải pháp được đưa ra: (1) Gây khó dễ và tiến đến cấm xe gắn máy, (2) Hạn chế ô tô con, (3) Phát triển xe buýt, bù lỗ cho xe buýt, (4) Phát triển hệ thống MRT. Các giải pháp này đều có liên quan đến cấu trúc đô thị.

  • Ảnh bên: Hệ thống giao thông hiện đại sẽ góp phần giải quyết vấn nạn kẹt xe ở TPHCM (Ảnh: Thanh Tâm)
Đối với giải pháp (1), có thể thấy giải pháp này chưa giải đáp đúng nguyên nhân vì sao nhân dân chọn xe gắn máy. Trong hoàn cảnh kinh tế, mức sống và cấu trúc đô thị hiện nay chưa nên đặt vấn đề cấm xe gắn máy. Mà ngược lại, chiếu theo mục tiêu con người, nên tạo một số thuận lợi cho phương tiện này như làm thêm cầu nhẹ, đường dành riêng cho xe gắn máy. Đồng thời theo nguyên tắc “Ai được hưởng lợi phải trả tiền” mà thu phí giao thông cả với xe gắn máy để làm đường.

Đối với giải pháp (2), các giải pháp cụ thể còn ít, trong khi khả năng phát triển ô tô cá nhân rất cao và nguy cơ tắc nghẽn do việc phát triển ô tô con rất lớn. Chúng ta không nên đánh đồng xe gắn máy với ô tô con. Với mật độ đường và cấu trúc đô thị như hiện nay thì phát triển xe buýt và ô tô con sẽ làm tăng nguy cơ tắc nghẽn.

Đối với giải pháp (3), việc bù lỗ cho xe buýt là bất đắc dĩ. Nên chuyển dần theo hướng tạo điều kiện bằng cách cải tạo cấu trúc đô thị để tập trung khách đi xe công cộng, kết hợp xe buýt với các loại hình vận tải công cộng khác, hạn chế xe cá nhân vào khu trung tâm (như đặt 37 trạm thu phí, tuy nhiên cần đề phòng nguy cơ tắc nghẽn do chính các trạm này gây ra).

Đối với giải pháp (4), đây là giải pháp cơ bản cho tương lai GTĐT, tuy nhiên rất tốn kém. Vận tải công cộng khối lượng lớn chỉ phát huy tác dụng tốt khi cấu trúc đô thị theo mô hình đa trung tâm, các trung tâm đều là đô thị “nén”, đồng thời kết hợp giao thông đa phương tiện.

Trong các giải pháp chống tắc nghẽn giao thông, cải tạo các nút tắc sẽ có hiệu quả cao. Khi chuyển một nút giao thông trên mặt bằng thành nút lập thể có thể tăng lưu lượng thông qua ít nhất lên 2 lần.

Quản lý đô thị là công việc của chính quyền, xu hướng chung trong thời kỳ chuyển đổi từ cơ chế hành chính bao cấp qua cơ chế thị trường là sử dụng nhiều biện pháp hành chính. Các biện pháp hành chính điều chỉnh cấp thời hành vi người dân, có thể đem lại hiệu quả nhanh, nhưng có thể làm méo mó thị trường. Người dân cũng chỉ điều chỉnh hành vi theo quyết định của chính quyền có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên giải pháp kinh tế và nương theo “bàn tay vô hình” của thị trường có thể có hiệu quả cao hơn, dễ thuận lòng dân hơn. Người dân sẽ đi xe buýt nhiều hơn khi được bù lỗ cho xe buýt hoặc khi thu phí giao thông cả xe gắn máy. Giá xăng cao sẽ bắt mọi người phải cân nhắc khi sử dụng xe cá nhân… Giải pháp thị trường là tạo điều kiện để các phương tiện cạnh tranh nhau. “Bàn tay hữu hình” của nhà nước làm 2 việc, một là điều chỉnh (như bù lỗ, thu phí…), hai là hỗ trợ người nghèo.

Có một nguyên tắc rất quan trọng khi ra quyết định thực hiện một giải pháp nào đó liên quan tới đời sống người dân, đó là nguyên tắc thay thế. Cuộc sống của con người là liên tục, nhu cầu hàng ngày của người dân là liên tục, không thể dùng một quyết định hành chính để chấm dứt đột ngột.

Do đó trách nhiệm của người ra quyết định là phải xem xét quyết định của mình ảnh hưởng như thế nào tới đời sống người dân. Cấm một phương tiện giao thông phải nghĩ tới phương tiện khác thay thế; cấm một chỗ đậu xe, phải nghĩ một chỗ khác thay thế để bảo đảm sinh hoạt bình thường, ổn định của đô thị. Ở một đô thị trên đường phát triển, cái mới thay thế cái cũ bao giờ cũng nên tốt hơn cái cũ (hoặc ít ra là bằng cái cũ).

Giải pháp GTĐT là giải pháp đồng bộ từ luồng tuyến đến bến bãi, từ cửa đến cửa (giải pháp cục bộ về cấu trúc đã có trong quy chuẩn xây dựng). Giải pháp về GTĐT cần được nghiên cứu một cách toàn diện và phải bám sát mục tiêu con người, hướng đến các biện pháp tạo điều kiện, hạn chế các giải pháp hành chính đơn thuần. Các giải pháp GTĐT không được làm ảnh hưởng xấu đến đời sống nhân dân, làm mất lòng dân./.

TS Võ Kim Cương

[ Chuyên đề: Giao thông đô thị ]

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo