Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Phản biện Di sản đô thị: "Đứt đoạn" phá hoại "bền vững"

Di sản đô thị: "Đứt đoạn" phá hoại "bền vững"

Viết email In

Phát triển bền vững không chỉ là những công trình mang tính thương mại hay tiện nghi, mà phải là sự phát triển đồng bộ, tích hợp nhiều lĩnh vực cùng tạo nên các vùng đô thị đó.

Một đô thị có được coi là phát triển được không, nếu đô thị ấy không giữ được những kết cấu văn hóa – lịch sử và bản sắc riêng?

Câu trả lời là không. Phát triển bền vững không chỉ là những công trình mang tính thương mại hay tiện nghi, mà phải là sự phát triển đồng bộ, tích hợp nhiều lĩnh vực cùng tạo nên các vùng đô thị đó.

Việc nhận thức về bảo tồn di sản văn hóa rất quan trọng, bởi chỉ qua con đường đó, di sản mới được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.


Angkor Wat (Campuchia)

Campuchia: Bảo tồn đứt đoạn phá bảo tồn bền vững

Angkor (Campuchia) là một ví dụ. Công trình này  được công nhận là Di sản thế giới nhờ sự tổng hòa của khối lượng di sản vật thể và phi vật thể được gìn giữ và tôn tạo khá toàn vẹn trong quá trình phát triển.

Ngoài các giá trị kiến trúc, nghệ thuật, di sản, Angkor đã giữ được cốt cách kiến trúc trải từ thế kỷ IX đến XV với một chuỗi các đền đài, cung điện đặc trưng của dân tộc này. Nhờ đó di sản Angkor được đánh giá là bảo tồn bền vững.

Trong khi đó, cũng tại Campuchia, việc bảo tồn di sản ở Xiêm Riệp lại bị làm ngược lại.

Thành phố này hầu như “chối bỏ hoàn toàn quá khứ” bằng việc đô thị hóa mạnh mẽ. Chính vì vậy, Xiêm Riệp bị đánh giá là “phát triển đứt đoạn”.

Xiêm Riệp được mở rộng địa giới hành chính và trở thành đối tượng biến đổi chuyển hóa, tái tạo kiến trúc và quy hoạch. Tuy nhiên sự chuyển hóa này được làm một cách vội vã, gần như không có quy hoạch và kiểm soát.

Giới chuyên môn quan ngại cách làm này kích thích sự ra đời của hàng loạt dự án tức thời mà mẫu số chung duy nhất thường lại nằm ở trong khả năng sinh lợi ngắn hạn kết hợp thái độ vô trách nhiệm đối với văn hóa kiến trúc. 


Khu phố cũ ở Xiêm Riệp

Vì kiểu phát triển tự phát này đã có những ảnh hưởng đến cụm di sản Angkor.

Chính vì vậy, sau khi Angkor được đưa vào danh sách Di sản thế giới (1992), chính quyền Campuchia đã có ngay một loạt hành động bảo vệ.

Các chính sách phân giới khu di tích cũng như các biện pháp kiểm soát phát triển đối với Xiêm Riệp với những dự án quy hoạch mặt bằng tổng thể và các hồ sơ quy hoạch về thể chế được ban hành.

Ý tưởng bảo tồn táo bạo của người Nhật

Phố cổ Kawagoe và Imai (Nhật Bản) cũng có những đặc điểm khá giống với phố cổ Hà Nội: Hệ số sử dụng mặt bằng và không gian lớn, mật độ dân cư cao, trong đó 80% diện tích được sử dụng cho mục đích thương mại và sinh hoạt.

Chiều cao chủ yếu trong các khu phố này là những dãy nhà 2 tầng- một kiểu kiến trúc cổ.

Tuy nhiên mô hình truyền thống này, cũng giống như ở các thành phố khác, bắt đầu có nguy cơ biến dạng khi những kết cấu xây dựng khác hình thành.

Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã cấp tập đưa ra  những giải pháp.

Theo đó, chiều cao trong hai khu phố này được giới hạn tuyệt đối: không chỉ những công trình kiến trúc mà ngay cả phương tiện sinh hoạt như những chiếc xe đi qua khu vực này cũng bị giới hạn chiều cao.

Ngay cả hệ thống giao thông cố gắng ngầm hoá ở mức có thể để không ảnh hưởng đến kết cấu cảnh quan. 


Phố cổ Kawagoe (Nhật)

Còn trong khu vực phố cổ chủ yếu chỉ dành cho người đi bộ. Bao quanh tuyến phố chính là các khu vực đệm và không gian sinh hoạt công cộng thân thiện không ảnh hưởng tới cảnh quan.

Những giải pháp này được giới chuyên môn đánh giá là mô hình táo bạo và hợp lý có thể áp dụng rộng rãi ở các thành phố di sản.

Việt Nam: Vẫn loay hoay tìm cách bảo tồn

Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều vấn đề nan giải trong việc bảo tồn bền vững.

Với khu vực phố cổ Hà Nội. Nhà nghiên cứu Đỗ Minh Huyền đề xuất chính phủ nên hỗ trợ tài chính cho người dân trong khu phố cổ để họ có điều kiện tư duy tu bảo tồn ngôi nhà của mình, tránh sự xuống cấp di sản vật thể trong khu vực, đồng thời quảng bá củng cố về giá trị "phi vật thể".

Cần khoanh vùng và đẩy mạnh phát triển du lịch ở các khu phố cổ, để khách du lịch có thể chia sẻ trong việc gìn giữ di sản, bà Huyền gợi ý.

Trong khi đó, ông Paul Schuttenbelt, Giám đốc khu vực châu Á của Urban Sollution, cho rằng, nên tập trung xây dựng Hà Nội thành một thành phố văn hoá thuần tuý.

Còn hai nhà nghiên cứu khác là Đặng Minh Nam và Giovanni Issini lại khuyến cáo, Việt Nam nên đưa công nghệ vào công tác bảo tồn và phát triển bền vững tại một số cụm di sản. 


Phố Mã Mây - Hà Nội

Cộng đồng và trách nhiệm bảo tồn bền vững

Để có thể bảo tồn di sản bền vững, ông Jin Kwang SO (một chuyên gia về kiến trúc) góp lời: Nếu một đô thị phát triển vượt khỏi tầm kiểm soát, thiếu kiến thức nền tảng về văn hóa lịch sử khó có thể coi đó là sự phát triển bền vững.

Theo ông SO, một đô thị chỉ có thể được coi là phát triển bền vững khi cân bằng được sự phát triển kinh tế - xã hội – văn hóa. Trong đó cộng đồng xã hội đóng một vai trò rất lớn.

Và rằng, để bảo tồn những giá trị văn hóa đô thị, không thể chỉ chú trọng đến các di sản vật thể, mà cần tích hợp giá trị của cả các di sản vật thể và phi vật thể để cùng tôn tạo giá trị bền vững. 

Chính vì vậy, chuyên gia này khuyến cáo cần tạo ra kiến thức nền tảng về di sản cho cộng đồng, cân nhắc cẩn thận những chất lượng cuộc sống, những giá trị cho tương lai để có chiến lược phát triển con người cân bằng với phát triển văn hoá.

Hoàng Hường

>> Diễn đàn UNESCO - Trường đại học và di sản lần thứ 12 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo