Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Phản biện Tùy bút về không gian Hà Nội

Tùy bút về không gian Hà Nội

Viết email In
Sông Hồng và Hà Nội

Hà Nội gắn với sông Hồng. Toàn vùng bốn quận nội thành cũ (từ cuối thế kỷ XX về trước) đặt trọn vẹn trên cái bãi lầy cổ xưa do sự thay đổi dòng chảy sông Hồng tạo ra. Lịch sử xây dựng trên đất này, có lẽ kể từ trước khi có thành Tống Bình cho đến tận thế kỷ XXI này, vẫn là lịch sử san lấp hồ ao, tôn cao đất trũng để xây nên phố xá, cửa nhà. Việc người Việt chọn vùng đất thấp, đầm lầy để xây thành dựng phố là một thứ hiện tượng dành cho các sử gia giải thích. Ta chỉ ghi nhận thêm khó khăn cho các giới kiến trúc xây dựng.
  • Bãi sông Hồng mùa nước cạn (Nguồn: ttvnol)
Thời thuộc Pháp tức là cho đến 1945, trên đất Hà Nội không có tòa nhà nào cao quá năm tầng. Cho đến những năm 1970, đứng trên đường Minh Khai đoạn trước cửa Nhà máy Dệt 8/3 nhìn lên phía bắc, người ta chỉ thấy vài ba khối nhà nhô cao trên tán cây hoàn toàn có thể kể tên: tháp Nhà thờ Lớn gần Hồ Gươm, nhà in báo Nhân dân ở phố Tràng Tiền, nóc Bảo tàng Lịch sử ở đường Bờ sông.

Cho đến tận cuối những năm 1980, khi được thấy qua phim ảnh những thành phố có các cao ốc chọc trời nhưng lại nghe vài vị khách ngoại quốc đến đây khen Hà Nội đẹp vì nhiều cây xanh, vì ít nhà cao chọc khỏi tán cây, vì nhiều đầm hồ, thì thú thật, có rất ít người Hà Nội tin đó là những lời khen chân thật...

Trở lại chuyện sông Hồng. Từ lúc còn ngồi ở bậc tiểu học, mỗi chúng ta đã được biết rằng đồng bằng Bắc Bộ là do phù sa hai hệ thống sông Hồng và Thái Bình bồi đắp nên. Sông Hồng lớn hơn nên đồng bằng Bắc Bộ còn được gọi là đồng bằng sông Hồng.

Một số chuyên gia địa chất nhắc chúng ta một thứ “quy tắc” của tự nhiên, ấy là: dòng sông tạo ra đồng bằng phải được “chung sống” với chính cái đồng bằng mà nó tạo ra, nghĩa là về mùa mưa hằng năm, nước sông phải được dâng lên phủ khắp lưu vực của nó (tùy lượng mưa từng năm), nhân đó mỗi năm bồi đắp thêm một lớp đất màu cho đồng bằng của nó. Quy tắc này không nên bị quên, bị làm ngược, nhất là ở thời hậu công nghiệp, khi loài người thấy cần tôn trọng tự nhiên hơn là chinh phục, chế ngự nó. Chính hệ thống đê điều như hệ đê sông Hồng đã đi ngược quy tắc trên.

Trải ngót ngàn năm, đê điều càng được hoàn thiện thì phù sa càng đọng lại, đáy sông càng lúc càng bị nâng cao lên. Không chỉ trong giới các nhà kỹ thuật, ngay trong dân gian người ta cũng biết rằng “cốt” đáy sông Hồng cao hơn mặt sân ga Hàng Cỏ. Hệ thống đê sông Hồng luôn luôn đứng trước nhu cầu phải được tôn cao thêm lên mỗi năm. Rốt cuộc sông Hồng về mùa lũ tựa như một máng nước khổng lồ treo cao trên đồng ruộng, làng mạc Bắc Bộ. Đê vỡ trở thành nguy cơ thường trực trong khi các vùng rốn trũng như Bình Lục đã từ lâu bị tước mất cơ hội được phù sa bồi đắp.

Từ cuối thế kỷ XIX, Nguyễn Trường Tộ đã phê phán chủ trương đắp đê quai vạc của các triều đại trước là bắt chước theo lối “nhai lại mà không tiêu hóa” hệ đê sông Hoàng Hà của Trung Hoa. Không phải ngẫu nhiên hồi những năm 1920, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương đã toan phá bỏ hệ thống đê sông Hồng.

Nguy cơ của cái máng nước khổng lồ treo trên đầu đồng bằng Bắc Bộ còn trở nên trầm trọng hơn khi các nhà địa chất học cho biết thêm: sông Hồng nằm trên một đứt gãy địa chất được gọi là đứt gãy sông Hồng. Nhà giáo, nhà nghiên cứu địa chất học Tạ Hòa Phương ở Đại học Quốc gia Hà Nội đã viết rõ về điều này trên tạp chí Tia sáng cách nay vài năm. Ông cho biết khi có động đất, ở nơi có đứt gãy địa chất thường xảy ra hiện tượng chờm trượt, các khối của vỏ trái đất xê dịch, xô lệch. Với các loại chấn động ấy, dù đê xây bằng đá, bằng bê tông cũng chẳng nghĩa lý gì, chưa nói đến đê bằng đất.
  • Ảnh bên : Sông Hồng (Nguồn: flickr.com)

Hà Nội gắn với sông Hồng tức là Hà Nội nằm ngay dưới chân cái đập nước khổng lồ. Ngày nay hẳn không thể tính đến phương án bỏ đê sông Hồng, nhưng chắc hẳn phải tính đến các nguy cơ và lo đối phó. Trước tiên, vùng ngoại đê, tức là không gian từ đê chính bờ tả đến đê chính bờ hữu, cần được thông thoáng tối đa, sẵn sàng dành cho nước mùa lũ. Các đê bao nên được tiếp tục phá bỏ, các loại canh tác thuộc phạm vi này nên cho tồn tại theo mùa. Các dự án “đô thị nổi” trên các bãi bồi giữa sông và sông nên được xem là những ý đồ lãng mạn phản tự nhiên cần bị dẹp bỏ.

Nhân cái nhận thức rằng Hà Nội nằm dưới đập nước, dưới khối nước di động khổng lồ, rằng Hà Nội nằm trên một vùng đất yếu, các giới quy hoạch và quản lý nên nghĩ đến việc giới hạn độ dãn nở đang trở nên khó kiểm soát của đô thị này. Nên hướng sự phát triển sang các đô thị vệ tinh, nơi có nền đất chắc hơn, tránh xa sự đe dọa của cái máng treo đầy nước khổng lồ mỗi mùa mưa lũ.

Nói chung là người Việt ta nên xem lại lối nghĩ của chính mình. Vài chục năm trước dân Thái Bình đi kinh tế mới Tây Nguyên cứ nhất quyết tạo ra ruộng nước cho cây lúa trên đồi đất đỏ bazan; mãi sau mới hiểu đất ấy thích hợp hơn cho cao su, cà phê, ca cao, dâu tằm...

Cho đến hiện giờ, có vẻ như người Việt vẫn đang muốn đem hệ thống đê sông Hồng áp dụng cho chín nhánh Cửu Long. Một kiến trúc sư vừa nhắc nhở trên báo Tuổi trẻ rằng cả các giới quản lý lẫn các nhà báo đều đang làm cho dư luận quên mất “mùa nước nổi” hiền hòa có từ hàng trăm năm nay. Một lầm lẫn lịch sử nữa lại có thể tái diễn.

Chợ Đồng Xuân với phố “cổ”

Cách nay mươi, mười lăm năm, dư luận đã rộ lên khi giới hữu trách chuẩn bị cải tạo, thực chất là xây lại chợ Đồng Xuân. Phía muốn làm mới viện lẽ ngôi chợ có thể sập đổ vì quá cũ. Phía muốn giữ cái cũ viện lẽ đây là di tích lịch sử, di tích cách mạng và kháng chiến. Rốt lại, người ta giữ lại những bức tường phía đầu hồi nhà của ngôi chợ cũ phía quay ra phố Đồng Xuân (vì hình dáng của chúng có thể đánh lừa những con mắt hời hợt rằng đằng sau đó dường như vẫn là ngôi chợ cũ); còn lại người ta cho xây mới, lại chồng cao lên mấy tầng, thực tế là tăng gấp bội diện tích buôn bán.

Hóa ra cái ngôi chợ cũ vốn bị chê là xập xệ kia, chỉ sau khi đã được thay bằng tòa nhà nhiều tầng toàn sắt thép bê tông, mới bốc cháy. Sau lần cháy chợ lịch sử ấy, chợ vẫn được sửa theo hướng tăng mặt bằng buôn bán. Thời ấy Đồng Xuân là chợ lớn nhất Hà Nội, liên hợp chợ Đồng Xuân − Bắc Qua là chợ đầu mối duy nhất trong nội thành.

Thế nhưng khu vực Đồng Xuân − Bắc Qua lại gắn với khu ba mươi sáu phố phường. Dù có đích thực là khu “phố cổ” hay không, khu vực ba mươi sáu phố phường này, từ giữa những năm 1990 trở đi, dần dần trở thành địa chỉ thường xuyên của du lịch. Việc ngày càng nhiều du khách, nhất là du khách ngoại quốc, có mặt thường xuyên tại đây khiến cư dân của chính khu vực này chuyển hướng trong kinh doanh.


Chợ Đồng Xuân - một trong những biểu tượng không thể thiếu của Hà Nội (Nguồn: Hanoi2D)

Người ta chú trọng các loại dịch vụ khách sạn nhỏ, phòng cho thuê, bán hàng lưu niệm, hàng ăn đặc sản hoặc gia truyền. Những nhà xưởng chiếm nhiều diện tích bị giảm xuống hoặc chuyển đi. Một số mặt hàng thô, nặng ở Đồng Xuân − Bắc Qua được lặng lẽ chuyển giao sang chợ Long Biên. Rồi gần đây, đến lượt hoạt động xuất nhập hàng tươi sống, rau quả củ ở chợ Long Biên tỏ rõ nó là đầu mối xả rác và gây hỗn độn cho một vùng đường phố hè phố quanh hai đầu cầu Long Biên và Chương Dương vốn là một vùng đầu mối giao thông, chưa nói là nó cận kề “phố cổ”.

Rõ ràng việc chuyển chức năng “chợ đầu mối” (nhất là các mặt hàng tươi sống, rau quả củ...) khỏi các khu vực gần ba mươi sáu phố phường là ý định hợp lý, khi khu ba mươi sáu phố phường đã thành một trong những điểm đến của khách du lịch. Nếu khéo điều chỉnh (về kinh doanh, về mật độ dân cư), có thể ở khu vực này sẽ diễn ra việc “tái cổ hóa”, điều từng xảy ra ở một số căn nhà ở Hội An, được làm lại theo kiểu kiến trúc thời trước.

Biết đâu, một lúc nào đó, cái chợ Đồng Xuân "mới" bây giờ sẽ được hạ thấp độ cao, rồi được chuyển chức năng để trở thành một bảo tàng riêng về Hà Nội cổ?

Từ phố “cổ” đến phố cũ

Còn nhớ cũng khoảng trước sau hồi cháy chợ Đồng Xuân, một số “cựu tù nhân nhà tù đế quốc” đã lên tiếng phản đối việc phá Hỏa Lò Hà Nội, “Maison central” của chế độ thực dân cũ. Rốt lại, những người muốn bảo vệ di tích đã thất bại trên thực tế, mặc dù người ta còn giữ lại chừng dăm phần trăm diện tích của kiến trúc cũ, lại cho gắn biển di tích hẳn hoi. Tòa tháp cao ngất ngự trên 9/10 đất nhà tù xưa trên thực tế đã xoá sổ Hỏa Lò Hà Nội.

  • Ảnh bên : San sát những nóc nhà phố cổ Hà Nội (Nguồn: vnu.edu.vn)

Nhưng Tháp Hà Nội không phải là nỗ lực đầu tiên nhằm “cao ốc hóa” khu trung tâm Hà Nội. Các giới đầu tư trong ngoài nước dường như cực kỳ cảm thông và sẵn lòng thỏa mãn khát vọng của các quan chức muốn đưa các dinh thự Hà Nội lên độ cao lưng chừng trời. Ngoảnh trước trông sau, không rõ từ lúc nào, hàng chục tòa nhà cao vài chục tầng đã nghiễm nhiên đứng ngay trong khu vực vốn in dấu phong cách kiến trúc Pháp thời thuộc địa. Những công thự, biệt thự không vượt quá chiều cao năm tầng hài hòa bên nhau cùng cây xanh, dù đã định hình như một phong cách kiến trúc mang tính lịch sử cụ thể, cũng đứng trước nguy cơ bị che khuất, bị phá vỡ hài hòa chỉnh thể.

Lạ một điều, Hà Nội không thiếu đất trống để xây mới các tòa nhà thật cao, miễn là xa khỏi trung tâm Hồ Gươm chừng 3km đường chim bay, bởi các khu vực cần giữ lại không gian như cũ tựu trung gồm phố “cổ” và phố “cũ” hầu như thu gọn trên địa bàn hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình. Vậy mà các cao ốc mới cứ tìm đất đứng ở chính khu vực đáng bị cấm kỵ đối với chúng. Tháp Hà Nội đã cao, khách sạn Melia xây trên nền nhà máy Điện Cơ thành một tháp đôi cũng cao không kém, khiến tháp Nhà thờ Lớn gần đó lùn hẳn xuống, không thể là “tháp” được nữa.

Khách sạn Hilton Opera biết cách giả vờ giấu độ cao trước con mắt nhìn từ phố Tràng Tiền, nhưng vẫn vượt chiều cao Nhà hát Lớn và làm biến đâu mất nóc nhà Bảo tàng Lịch sử. Phía Hàng Vôi gần đường bờ sông, một loạt cao ốc ngân hàng ngạo nghễ như cho mình là nơi giữ tiền bạc nên không thể thấp hơn bất cứ ai, thành thử những dãy “phố cũ” tiếp giáp trở nên thô lậu, thấp kém, tội nghiệp, rõ ra là di sản của quá khứ nghèo nàn.

Hồi những năm 1960, người ta chứng kiến việc những ngôi biệt thự một chủ bị buộc phải gia tăng số hộ lên gấp năm mười lần, kèm theo là những sửa chữa cơi nới lụn vụn phá hỏng các ngôi nhà từ bên trong. Hiện tượng ấy có thể đến giờ vẫn chưa hết, nhưng đã bắt đầu thấy một quá trình khác, ngược hẳn: những căn nhà cạnh nhau, mỗi căn dăm mười hộ, nay được ai đó mua lại, “giải phóng mặt bằng”, tạo chỗ đứng cho các dinh thự mới, các cao ốc.

Chính quá trình này đang đe dọa cả “phố cũ” lẫn “phố cổ”. Mà đó lại chính là những không gian đặc thù của Hà Nội, nếu không được giữ gìn thì “phố cổ” và “phố cũ” sẽ tan biến, nhòe nhạt.

Lại Nguyên Ân (Sách "Mênh mông chật chội : Tiểu luận - Phê bình văn học", NXB Tri thức, 2009)

>> Di sản đô thị: "Đứt đoạn" phá hoại "bền vững" 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo