Ashui.com

Monday
Dec 02nd
Home Tương tác Phản biện Bảo tồn phố cổ: không thể cứ trông chờ chính quyền

Bảo tồn phố cổ: không thể cứ trông chờ chính quyền

Viết email In

Đã hơn 20 năm từ khi Hà Nội đặt ra vấn đề bảo tồn phố cổ, nhưng hiệu quả vẫn chưa thấy đâu. Mọi công việc có vẻ vẫn đang ở vạch xuất phát: xác định bảo tồn cái gì, và tại sao phải bảo tồn.

Giậm chân tại chỗ

"Chúng tôi đã biết rõ phải bảo tồn cái gì và tại sao phải bảo tồn, vấn đề là bảo tồn như thế nào...?" - Giáo sư Fukukawa Yuichi, ĐH Chiba, trưởng nhóm nghiên cứu dẫn lại lời một số người có trách nhiệm quản lý phố cổ Hà Nội.

Kể lại câu chuyện này, ông Fukukawa muốn lưu ý việc một số người có trách nhiệm nhưng đã tỏ ra quá tự tin và chưa hiểu trúng vấn đề. "Bảo tồn cái gì - tại sao phải bảo tồn - bảo tồn như thế nào giống như hai mặt của một đồng xu, không thể tách rời được. Xung quanh câu chuyện bảo tồn văn hoá không thể tiếp cận một cách xa vời được", ông Fukukawa nói.

Những lưu ý của vị chuyên gia đến từ Nhật xem ra có lý. Bởi đã sau hơn 20 năm khi Hà Nội đặt ra vấn đề bảo tồn phố cổ, nhưng hiệu quả vẫn chưa thấy đâu, và tất cả có vẻ còn ở vạch xuất phát: xác định bảo tồn cái gì, và tại sao phải bảo tồn.

Gần đây dư luận không ngớt lên tiếng về việc các công trình văn hoá, di tích bị xâm hại, các trò chơi dân gian, làng nghề truyền thống, khu phố cổ đang bị mai một theo thời gian.

Có rất nhiều hướng gợi ý cho lãnh đạo Hà Nội bảo tồn khu phố cổ. Nhiều ý kiến nghiêng về việc Hà Nội cần sớm nhận thức được việc bảo tồn phố cổ gắn liền với giữ nguyên người dân sinh sống theo nếp sống truyền thống nơi đây.


Các ngôi nhà trên phố Hàng Buồm được giáo sư Fukukawa đề cập đến trong nghiên cứu 

Giáo sư Paullet Girard đến từ ĐH Toulouse (Pháp) lấy ví dụ về thành phố cổ Bordeaux được bảo tồn, nhưng rất ít người dân địa phương ở lại sinh sống. Dù đã trở thành điểm du lịch, nhưng Bordeaux vẫn thiếu hơi thở của cuộc sống kinh tế địa phương. 

Trong bản chiến lược phát triển tổng thể, ông Normand Rodigue, đại diện UNESCO Việt Nam cũng nhấn mạnh đầu tiên đến việc "nâng cao điều kiện sống và khuyến khích các thành viên tham gia giữ gìn khu phố cổ".


Hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia người Nhật Bản, Pháp... 


Loay hoay hướng giải quyết

Trong một buổi làm việc tại địa bàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhắc bảo tồn khu phố cổ là "hết sức cần thiết, phải làm ngay", chỉ đạo theo hướng muốn có quy hoạch chi tiết lại khu phố cổ trên khuôn viên cũ 100 ha.

Tình trạng mức sống ở khu phố cổ đã xuống cấp đến mức báo động.

Chỉ có 44/102 gia đình được điều tra có nhà vệ sinh riêng, 42 gia đình phải dùng chung nhà tắm, và chỉ có 83 gia đình có bếp riêng.

Nhưng trong công tác bảo tồn phố cổ mà chính quyền đưa ra trong các năm qua, rất ít khi chú trọng đến việc cải thiện điều kiện sống của người dân.

Trong khi đó, đây là mối quan tâm trước tiên của các nhà nghiên cứu có mặt tại hội thảo. 

Tại Hội thảo "Bảo tồn khu phố cổ Hà Nội - tìm kiếm những giải pháp thực tiễn từ kinh nghiệm quốc tế" với sự tham gia của các chuyên gia Nhật Bản, Pháp, đại diện UNESCO, Việt Nam tổ chức hôm 20/3, TS. Dương Đức Tuấn - Phó GĐ Sở Quy hoạch Kiến trúc HN cho rằng "phải có quy hoạch xây dựng 1/500 để chính quyền quản lí có hiệu quả hơn". 

Nhưng TS Phạm Thúy Loan - Viện phó Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (UAI) lại cho rằng: "Tập trung vào lập quy hoạch chi tiết, hòng tìm ra giải pháp quản lý là sai lầm". Điều này tương tự như chúng ta thường tách rời việc quy hoạch và lập dự án. Trong khi đây là 2 mặt tương tác của một vấn đề.

Hướng giải quyết được cả các chuyên gia người Nhật, Pháp và Việt Nam ủng hộ là: mọi bảo tồn đều lấy người dân đang sinh sống trong khu vực làm trung tâm. Theo đó, hầu như không ai ủng hộ phương án giãn dân ra khỏi khu vực này (như cách chúng ta đã tính đến), và người dân cũng không ai muốn đi.

Vấn đề là thống nhất cải tạo để nâng cao diện tích nhà ở theo hướng thêm tầng ở độ cao cho phép (*), tăng diện tích không gian công cộng, phục dựng lại mặt tiền các khu nhà, cải tạo điều kiện vệ sinh và bếp bên trong.


Minh họa thực trạng gian bếp trong các ngôi nhà ở khu phố cổ HN của TS. Utsumi Sawako, ĐH Nữ Chiêu Hòa 


Không thể mãi trông chờ chính quyền


Bài học kinh nghiệm qua nghiên cứu bảo tồn ở các thành phố Kawagoe, Nagahama, Sawara đều cho thấy: muốn bảo tồn thành công, phải do chính người dân đứng ra làm. Chính người dân địa phương đã đưa ra phương án và quy tắc bảo tồn, do thương nhân địa phương thực hiện.

Họ chỉ đệ trình lên chính phủ để được bảo vệ dưới luật với tư cách là một khu phố cổ. Chính quyền đã không (và không thể) thọc tay quá sâu vào quá trình tôn tạo bảo tồn.

Song, những yếu tố giúp người Nhật thành công trong việc bảo tồn phố cổ hầu như lại chính là trở ngại ở Việt Nam.

Người dân địa phương các khu phố cổ Nhật Bản nhanh chóng lập nên được một công ty cộng đồng, hay các hội đồng địa phương, do một thương nhân trong vùng đứng đầu, thì người dân phố cổ Hà Nội chưa có khái niệm này. Vì "ở ta có quá nhiều loại sở hữu giằng xé nhau" - phát biểu của một người dân đang có 200 m2 đất vườn nằm trong khu phố cổ - cụ Phạm Hoàng Sang (115 Hàng Bạc) phản bác.


Đại diện người dân đang sinh sống trong khu phố cổ Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Chính quyền địa phương và trung ương của Nhật Bản cũng không tham gia quá sâu vào quá trình thực hiện bảo tồn của người dân. Họ khuyến khích bằng chính sách cho dân tự làm, bảo hộ bằng luật khi đã công nhận di sản, và hỗ trợ kinh phí ở mức thương lượng (dưới 50%).

Nhưng ở khu phố cổ Hà Nội "tấc đất ngàn tấc vàng", "chính cấp chính quyền cũng góp phần phá cảnh quan khu phố bằng cách cho xây các nhà cao tầng" - ông Bùi Duy Mạn (123 Hàng Buồm - Hà Nội) nói.

Do vậy, TS. Phạm Thúy Loan hiến kế, "không nên tiếp tục trông chờ kế hoạch của các cấp chính quyền, cộng đồng hãy tự nâng cao ý thức cải thiện điều kiện sống và bảo vệ khu phố cổ. Với sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn, các nhóm người dân phải nhanh chóng đạt đến thỏa thuận để bắt tay vào cải tạo - bảo tồn khu phố cổ", bà Loan nói.


Một số minh họa nghiên cứu của ThS.KTS Nguyễn Phương Nga (ĐH Xây dựng) về kinh nghiệm bảo tồn phố cổ ở Sawara - Nhật Bản 

Bài : Linh Thủy (Tuần Việt Nam) - Biên tập và minh họa : Việt Khang (Ashui.com)

  • (*) Nhấn mạnh là các chuyên gia người Nhật tính toán rất kĩ đến độ cao cho phép, không phải là chồng tầng tùy tiện, và tuyệt đối không tán thành việc xây cao ốc trong phố cổ. Phương pháp tính và các giới hạn được mô hình hóa cụ thể trong các nghiên cứu trình bày tại hội thảo, tài liệu được cung cấp bởi Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị UAI - ĐH Xây Dựng.
  • Ảnh tư liệu: UAI

>> Bảo tồn phố cổ Hà Nội: Cần sự chung sức 

>> Hội thảo "Bảo tồn khu phố cổ Hà Nội - Tìm kiếm những giải pháp thực tiễn từ kinh nghiệm quốc tế"  

[ FORUM > Vấn đề bảo tồn, tôn tạo phố cổ Hà Nội

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo