GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: Hà Nội đang lặp lại sai lầm!
Chuyện xây đền thờ Lý Thái Tổ đã được nói quá nhiều, các nhà khoa học cũng đã bàn luận quá nhiều. Ngoài chuyện không gian chật hẹp, ảnh hưởng cảnh quan kiến trúc Pháp xung quanh thì chỉ riêng chuyện xây đền đã bất hợp lý.
- Ảnh bên : Nhà Kèn (còn gọi là Nhà bát giác), sẽ được thay bằng đền thờ Lý Thái Tổ? (Ảnh: TTVH)
Đã là đền thì phải có ngai, phải có đôi tượng thờ, thờ ai thì người ấy phải ngồi trên ngai, mắt phải sáng, tai phải to... và phải là thánh vì đền là thờ thánh. Trong khi Vua Lý đã được xây tượng rồi, thành ra ông ngồi trên ngai lại ngồi nhìn lưng ông đứng trên tượng, mà vẫn là một người. Về thẩm mỹ là bất ổn, chưa nói đến những bất tiện khác: khi thắp hương người hành lễ phải quay lưng về một ông, thế là phạm kỵ huý.
Tượng là để nhìn ngắm; còn đền là yếu tố tâm linh, để thắp hương khấn vái, không ai đặt hai cái này cạnh nhau cả. Nếu để thể hiện sự tôn kính thì có tượng là đủ rồi.
Trong khi đó, chúng ta đã có đền Lý Bát Đế thờ 8 đức vua thời Lý, trong đó đương nhiên là có đức Lý Thái Tổ. Đền Lý Bát Đế cũng chỉ cách Bờ Hồ chừng 20km, là quê hương của Lý Thái Tổ. Tại sao chúng ta lại xây đền ở Bờ Hồ làm gì?
Bản thân Bắc Ninh đã có cái dở là sau khi Hà Nội làm tượng đài Lý Thái Tổ, Bắc Ninh cũng làm một bức giống y chang. Bây giờ, Hà Nội lại lặp lại sai lầm đó.
Nếu thấy việc xây đền quá quan trọng, Hà Nội rất muốn làm thì tìm chỗ khác, sao cứ phải Bờ Hồ?
Nếu chỉ để có một chỗ thắp hương, thì có một cách rất đơn giản là xây một lư hương trước tượng đài Lý Thái Tổ. Tại sao cứ phải cố gắng để có cái đền? Nó quá khiên cưỡng, cũng giống như xây tượng Thánh Gióng ở Sóc Sơn trong khi Sóc Sơn đã có đền Thánh Gióng. Truyền thuyết chẳng liên quan gì đến 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cả.
Nên nhớ rằng, những công trình xã hội thông thường chúng ta xây lên để sử dụng, khi cũ nát, hư hỏng thì chúng ta đập đi xây lại, nhưng những công trình văn hoá, đền đài thì không ai đập đi cả. Nó chỉ được xây một lần và tồn tại mãi mãi. Vì thế cần phải tính toán hết sức chính xác, thận trọng.
Công trình xã hội mẫu mực của ngày hôm nay, ngày mai sẽ trở thành di tích
Thay vì tập trung vào đền đài danh nhân, để kỷ niệm thành phố 1000 năm tuổi, chúng ta cần xây dựng những công trình kiến trúc có dấu ấn của thời đại. Công tác bảo tồn bảo tàng chỉ là một phần thôi. Cách chúng ta đang làm hiện nay giống như việc tôn vinh một danh nhân văn hoá hơn.
- Ảnh bên : Những công trình xã hội mẫu mực của ngày hôm nay, ngày mai sẽ trở thành di tích, giống như cầu Long Biên chẳng hạn, là dấu ấn thời đại của thế kỷ 19. (Ảnh tư liệu)
Để kỷ niệm một đô thị 1000 năm tuổi phải là những công trình để dấu ấn đô thị đó thời điểm 1000 tuổi, làm sao đến dịp Hà Nội 1110 tuổi hay 2000 tuổi, con cháu chúng ta có được một di sản kiến trúc lúc Hà Nội 1000 tuổi.
Hãy thử nhìn lại xem, công trình nào của thời đại của chúng ta sẽ trở thành di sản cho ngày mai? Chẳng có gì cả!
Chúng ta không thể lấy những công trình của nước ngoài và gọi đấy sẽ là di sản của chúng ta, giống như ta lấy toà nhà Keangnam của Hàn Quốc đưa vào những công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội chẳng hạn. Điều đó thật nực cười!
Phải là một công trình hay một quần thể kiến trúc xứng tầm của chính chúng ta. Tuy đã muộn, nhưng cá nhân tôi cho rằng, rất nhiều hạng mục kỷ niệm 1000 năm cần phải xem lại. Chẳng hạn chúng ta bỏ ra hàng ngàn tỷ xây Bảo tàng Hà Nội, theo tôi là không cần thiết.
Nếu muốn trưng bày các hiện vật Hà Nội, hãy tận dụng các ngôi nhà trong Hoàng thành Thăng Long, hay quy hoạch trưng dụng một số nhà cổ như khu biệt thự Pháp để trưng bày, đồng thời bảo tồn di sản.
Thay vào chúng ta dùng hàng nghìn tỷ bạc đó để xây một bệnh viện thật tốt. Suốt thời đại của chúng ta chỉ toàn bệnh viện vá víu: Xanh Pôn, Bạch Mai, Thanh Nhàn... Hà Nội không có một bệnh viện nào thực sự tốt. Từ năm 1954 đến giờ chúng ta chưa xây thêm một bệnh viện nào. Có nhất thiết Hà Nội phải có một bảo tàng riêng của thành phố mình, trong khi đã có hàng loạt bảo tàng quốc gia nằm trên địa bàn. Hơn nữa, sẽ có bao nhiêu người vào thăm bảo tàng, trong khi tất cả các bệnh viện hiện nay đều quá tải với gần 10 triệu dân của Hà Nội, cũng như bệnh nhân từ khắp các nơi đổ về.
Hoặc chúng ta có thể dùng tiền đó xây một trường đại học thực sự mẫu mực. Hãy nhìn nước Nga, vào thời kỳ khó khăn nhất năm 1948, ba năm sau cuộc đại chiến thế giới thứ 2, họ vẫn quyết tâm xây dựng Trường Đại học Lomonoxop và nó trở thành biểu tượng mẫu mực muôn thủa của nước Nga. Chúng ta phải có trường đại học đẳng cấp để sinh viên phải rất tự hào khi được học ở đó. Cái gì chúng ta đang làm cũng vá víu, làng nhàng, và sản sinh ra một thế hệ cũng làng nhàng.
- Ảnh bên : Hà Nội cần có một cuộc "đại thẩm mỹ" (Ảnh: Hoàng Hường)
Những công trình xã hội mẫu mực của ngày hôm nay, ngày mai sẽ trở thành di tích, giống như cầu Long Biên chẳng hạn, là dấu ấn thời đại của thế kỷ 19. Còn chúng ta, thời đại cuối thế kỷ 19 - đầu 20 có gì để đời? Chẳng có gì!
Bây giờ ta lại chạy theo những công trình không khả thi, không thuyết phục để kỷ niệm 1000 năm, thực sự không hợp lý. Theo tôi, thời điểm này đã là muộn rồi, thay vì băn khoăn với những hạng mục xây dựng trên, bên cạnh việc tập trung tổ chức lễ hội cho đàng hoàng, chúng ta nên làm một cuộc "đại thẩm mỹ" Hà Nội, làm cho bộ mặt thủ đô đẹp đẽ tươm tất hơn, nào đào đường, nào dây dợ, nào nhà xiêu vẹo, nào quảng cáo khoan cắt bê tông, nào rác rưởi... Hà Nội đang ngổn ngang nhếch nhác quá.
Thay vì băn khoăn chuyện đền đài, hãy lo làm một cuộc "đại thẩm mỹ" Hà Nội, cả đức Lý Thái Tổ và người dân sẽ vui hơn nhiều!
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: Không nhất thiết phải xây đền Lý Thái Tổ bằng mọi giá Xây dựng một ngôi đền để tỏ lòng kính nhớ tiền nhân là một ý tưởng đẹp, đáng được ủng hộ. Tuy nhiên, xây ở chỗ nào và vào lúc nào lại là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng. Cá nhân tôi hoàn toàn không tán thành ý tưởng xây đền tại Vườn hoa Lý Thái Tổ. Trước hết, khoảng đất này nhỏ, rất khó khăn cho việc xây dựng. Thứ hai, trong khu vực đó đã có tượng đài Lý Thái Tổ, thêm đền thờ nữa sẽ tạo nên sự chồng chéo không thoả đáng. Thứ ba, việc xây đền thờ sẽ phá vỡ hết không gian và cảnh quan chung của khu vực. Tất cả những kiến trúc xung quanh: Ngân hàng, bưu điện, nhà Kèn, Nhà khách Chính phủ đều là thiết kế Châu Âu (kiểu Pháp). Ngay bản thân tượng đài cụ Lý, tuy nhân vật và phong cách là người Việt Nam, nhưng tư duy tượng ngoài trời trên không gian rộng là phong cách kiến trúc châu Âu. Đền thờ vào đây là quá lạc điệu, bất hợp lý, chưa nói đến những hệ quả xã hội khác. PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi: Phải thận trọng khi chạm vào không gian Hồ Gươm Hồ Gươm không chỉ mang ý nghĩa vật chất mà còn có ý nghĩa tâm linh đối với người dân thủ đô. Đã có rất nhiều quy định để bảo vệ không gian Hồ Gươm và khu vực phụ cận. Mới đây là cuộc thi ý tưởng về quy hoạch và bảo vệ không gian Hồ Gươm, thu hút cả nhiều người nước ngoài cùng tham gia. Ngoài những giá trị hữu hình, Hồ Gươm có những giá trị vô hình khác rất quý giá mà chỉ những người phải sống cùng nó, yêu nó mới nhìn thấy được. Giả sử, nếu bây giờ Hồ Gươm được cải tạo mới hoàn toàn, chắc sẽ có không ít người tiếc nuối. Nói vậy để thấy rằng, Hồ Gươm là một khu vực nhạy cảm của Hà Nội. Mọi sự can thiệp, sửa sang, thêm bớt tại khu vực này đều phải được tính toán thận trọng. Việc xây dựng quanh Hồ Gươm và khu phố cổ từ lâu đã có quy định. Không gian bao quanh đó cũng vậy, chỉ cần một sự thay đổi nhỏ thôi như một cái cây đổ, một tầng nhà được sửa sang và cơi nới cũng có thể làm biến đổi không gian. Phải hết sức thận trọng. Ở Roma, với những cảnh quan mang tính lịch sử - văn hóa, người ta phải đánh dấu từng ngôi nhà, thậm chí từng viên gạch để bảo vệ. Bất kỳ ai làm thay đổi hiện vật đều bị coi là xâm hại di sản. Chúng ta cũng phải nhìn nhận không gian Bờ Hồ như thế. Bằng cách này hay cách khác, làm cho khu vực Hồ Gươm thay đổi, chật chội hơn chắc chắn ảnh hưởng rất nhiều đến cảnh quan. |
Hoàng Hường (ghi)
- Nhiều di tích bị méo mó sau khi tu bổ
- Bảo tồn phố cổ: không thể cứ trông chờ chính quyền
- Bảo tồn phố cổ Hà Nội: Cần sự chung sức
- "Phá công viên nên quy định là tội!"
- 50 năm qua, Hà Nội san lấp 80% diện tích mặt nước để xây dựng?
- Chuyên gia nước ngoài nói gì về đô thị hóa ở Việt Nam?
- Đô thị đại học ở Việt Nam - chậm còn hơn không!
- Để công viên Thống Nhất là hòn ngọc thứ hai của Hà Nội
- Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị VN kiến nghị lãnh đạo TP về dự án khách sạn Novotel on the Park
- Không thể vin vào bối cảnh dự án mà xây khách sạn