Ashui.com

Monday
Dec 02nd
Home Tương tác Phản biện 50 năm qua, Hà Nội san lấp 80% diện tích mặt nước để xây dựng?

50 năm qua, Hà Nội san lấp 80% diện tích mặt nước để xây dựng?

Viết email In

Phải chăng, 50 năm qua, Hà Nội đã san lấp khoảng 80% diện tích mặt nước lấy chỗ cho các công trình xây dựng? Không ai tin đó là sự thật. Nhưng nếu hiểu nghĩa mặt nước theo nghĩa rộng - con số này xem ra rất có cơ sở.

80% diện tích mặt nước đã bị san lấp

Nhiều người nhẩm tính, từ 1960 trở lại đây, có mấy hồ nước bị lấp đâu?

21 hồ mất tích trong vòng 15 năm

Theo số liệu của JICA: Trong vòng 15 năm Hà Nội có 40 hồ nay còn 19 hồ (đã có 21 hồ mất tích). Tương đương với 850ha bị thu hẹp xuống còn 547ha. 

Nếu quan niệm mặt nước chỉ là Hồ Tây, Hồ Gươm, Hồ Bẩy Mẫu, Hồ Giảng Võ, Thành Công, Yên Sở…thì rõ ràng các hồ ấy vẫn còn.  

Còn mở rộng nghĩa, "mặt nước"  được hiểu là những ruộng trũng, ruộng cao, khi mưa mênh mông là nước, lúc cạn lội cũng quá đầu gối, là chỗ thả rau, nơi trồng lúa. Nhiều nơi chẳng ra ruộng, không ra hồ - nhưng cứ gọi chung là mặt nước. Tính gộp vào để san lấp đi lấy chỗ cho xây dựng thì con số trên dường như có cơ sở.

Nghiên cứu những biến đổi sông hồ Hà Nội và đô thị qua thời phong kiến, thời thuộc địa, thời sau Hòa Bình ( 1954), thời đổi mới và hiện nay.

So sánh bản đồ Quận Hai Bà Trưng, quận Đống Đa những năm 1960 và bản đồ vệ tinh chụp sau gần 50 năm mới thấy tốc độ lấp hồ ao để xây dựng nhà cửa đường sá khẩn trương tới mức nào. Nhất là từ sau thập kỷ 1990, tốc độ san lấp nhanh đến chóng mặt.

(Nguồn ảnh : HanoiData)

Tác giả đã chứng kiến khu vực gần khu Tập thể Bộ Thủy sản, đất làng Ngọc Khánh xưa, đoạn ngõ đi từ đường Kim Mã từng có những hồ ao nhỏ, nhưng chúng đã biến mất một cách cực kỳ nhanh chóng, chỉ trong vòng vài ngày, thậm chí  có hồ nhỏ biến mất chỉ sau một đêm.

Trước năm 1990, trong các dự án đô thị, yếu tố mặt nước được chú ý khi quy hoạch các khu: Kim Liên, Giảng Võ, Thành Công... trước đó là các nền ruộng trũng, kênh mương, ao hồ.

Các kiến trúc sư có ý tưởng, xem vào các khu nhà ở là những hồ nước nhỏ  với chức năng là không gian dãn cách, bổ sung cảnh quan cây xanh. Các hồ này cũng đóng vai trò tiêu thoát nước cục bộ khi hệ thống chung chưa có. Tuy nhiên, những ý tưởng này đã không được thực hiện.

  • Ảnh bên : Những người lao công phá thành, lấp hào, sông hồ đầu tiên ở Hà Nội (nguồn : HanoiData)

10 năm trở lại đây, hàng ngàn héc-ta đất ruộng phía Tây thành phố đã biến thành các khu đô thị mới. Các tòa nhà cao tầng, nhà chia lô thi nhau mọc lên và diện tích mặt nước ngày càng teo tóp. Các ý tưởng hồ nước xuất hiện một cách mờ nhạt và diện tích thu hẹp dần sau mỗi lần điều chỉnh quy hoạch. Ngay cả kênh mương tiêu thoát  cũng bị thu hẹp, ngầm hoá tuỳ hứng. Và Hà Nội ngập sau mỗi cơn mưa.

Trận ngập úng cuối năm 2008 đã minh chứng, Hà Nội- nơi ranh giới giữa đô thị - nông thôn chưa hẳn đã rõ ràng sự ngập úng luôn đe dọa do hệ thống tiêu thoát nước không đáp ứng nổi. Giá có hệ thống hồ nước làm không gian tiếp nối, để sự đổi thay diễn ra trong êm thấm tự nhiên thì dân bớt khổ, chính quyền bớt lo.


Bài học từ người Pháp


Cách đây khoảng 150 năm, các cha cố phương Tây đến Hà Nội truyền đạo đã từng ví Hà Nội là Venise Phương Đông. Ngày ấy, việc đi lại cơ bản là bằng thuyền, sông hồ nối nhau chi chít, mấy con đường bộ nhìn trên bản đồ bé như sợi tơ. Mãi đến 1885, người  Pháp mới cho đắp một con đường nối khu Đồn Thủy với thành Hà Nội. Công trình có quy mô đầu tiên là dự án lấp hào kết hợp với san phẳng thành Hà Nội để làm phố Phùng Hưng, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Hùng Vương vào năm 1890.

Sau đó, khu 36 phố phường cũng đua theo. Rất nhiều hồ bị san lấp như: hồ Mã Cảnh, hồ Sao Sa, hồ Tân Khai... để lấy đất làm nhà. Tại những khu phố mới mọc lên mang dáng vẻ châu Âu, kỹ sư công chính đã thiết kế các phương án thoát nước bài bản, hiệu quả cho đến tận ngày nay. 

  • Ảnh bên : Thiết kế các tuyến cống, được người Pháp vẽ cách đây gần 100 năm (nguồn : HanoiData)

Giờ đây, nhìn vào các bản vẽ đó, có lẽ các nhà thoát nước HN cũng còn học hỏi được ít nhiều. Đây cũng là lời giải đáp cho những ai còn băn khoăn: vì sao mưa to mà phố cũ HN không bị ngập.

Sau 1954, Hà Nội vẫn còn một số nhân viên làm công tác thoát nước cũ làm việc tại các công sở của TP mới giải phóng. Họ đã cùng với các cán bộ tiếp quản trẻ tuổi viết ra một tài liệu quy định về chất lượng thoát nước từ các công trình đổ vào hệ thống chung của TP rất tỉ mỉ: quy định nhà có bao nhiêu người thì phải xây bể tự hoại bao nhiêu khối, nước thoát từ nhà ra đường là phải có ga thu, chất lượng nước phải kiểm tra thường xuyên cho vào lọ thử, để bao lâu không có mùi, không vẩn đục đạt mức nào mới được cho chảy vào cống chung TP…

Nhưng quy định rắc rối này giúp cho HN ta có nước sạch lấy từ hàng trăm giếng ngầm đặt quanh phố, cung cấp cho mấy chục vạn dân đến cả triệu dân nội thành hơn một thế kỷ qua.


Mặt cắt cống tại khu phố Hàng Tre, lòng cống người có thể đi lại được, hai thềm cao hơn để công nhân đi lại nạo vét cống. Đường cống thoát nước sạch sẽ do luôn được chăm sóc, hoạt động khá thông suốt, bền đến tận ngày nay (nguồn ảnh: HanoiData)


Bản vẽ sơ đồ thoát nước khu Đông Hồ Gươm do Pháp vẽ khi thành Hà Nội vẫn còn (nguồn ảnh : HanoiData)


Đất và nước, cái nào quan trọng hơn?


Một ngày kia khi ta mở vòi mà không thấy nước chảy, chính lúc ấy ta mới  thấy sự quý giá của nước. Một thành phố giàu có đến mấy mà thiếu nước sạch thì nó sẽ tàn lụi và trở thành phố chết.

Tại Oman - một quốc gia Trung Đông, nước là vấn đề tồn vong của cả dân tộc, quốc gia và cả nền văn hoá. Chính vì vậy, 5.000 năm qua họ đã không ngừng nghỉ  đào giếng ngầm bằng tay qua các lớp đá cứng, nằm sâu 18m ngầm dưới mặt cát cằn cỗi  để có nước ăn và cấy hái, dưới sự hưóng dẫn của các  trưởng lão tôn kính, có kinh nghiệm truyền đời. Quốc gia giàu có lân cận (UAE), TP Abu Dhabi với 0,5 triệu dân mỗi ngày dùng 0,3 triệu galon nhiên liệu để đun nước biển lọc ra 100 triệu galon nước ngọt cho nhu cầu sinh hoạt - rõ là nước quý hơn dầu.

  • Ảnh bên : Bắc Kinh khô hạn, người dân bắt cá trong một hồ cạn nước (nguồn : HanoiData)

Tại Trung Quốc, hiếm nước không những ở đô thị mà còn đe doạ tốc độ phát triển nóng của quốc gia này. Nạn hiếm nước đặc biệt nghiêm trọng ở đồng bằng Hoa Bắc, nơi tập trung ¼ dân số cả nước và là khu vực kinh tế phát triển, tạo ra trên ¼ GDP của Trung Quốc. Để có đủ lương thực, diện tích tưới nước tại đây đã tăng gấp đôi, hậu quả là mực nước ngầm ở đây đã hạ thấp 30m trong vòng 30 năm qua.

Từ năm 1990 đến 2001, mỗi năm có 180 ngày nước sông Hoàng Hà không ra được tới biển, các chất gây bẩn cũng lưu lại, không được thải đi. Đối phó vấn nạn thiếu nước dẫn đến  giảm việc làm và thiệt hại kinh tế, Trung Quốc đã lập dự án Bắc - Nam khổng lồ: chuyển nước từ sông Dương Tử từ phía Nam đến lưu vực sông Hoàng Hà ở phía Bắc theo 3 tuyến, ngân sách dự án  62 tỷ USD. Tuy tốn kém và còn nhiều ẩn hoạ môi sinh, nhưng không còn lựa chọn nào khác.

Cho dù Trung Quốc có hai con sông trữ lượng 1/12 tổng luợng nước hành tinh thì đến 2030, Bắc Kinh - TP có 15 triệu người vẫn không có nước dùng. Chính vì vậy, phải lấy nước cách đó hàng ngàn km. Để tạo áp lực dẫn, phải nâng cao đập nước bằng toà nhà 45 tầng lên 50 tầng, còn đường ống đi qua TP Bắc Kinh phải hạ thấp dưới độ sâu 36 m dưới mặt đất. Dự án này đã được Mao Trạch Đông ấp ủ từ năm 1950, lúc ấy người Bắc Kinh hàng ngày nhận khẩu phần ít ỏi bằng phiếu thực phẩm và chống rét bằng áo bông lót báo cũ với rơm khô

Hà Nội đang mở rộng về phía Tây, trên cái vùng đất nghìn đời nay sản xuất nông nghiệp là chính, thế mà mấy chục năm nay không thấy có dự án thủy lợi quy mô nào. Sông Đáy, sông Tích, sông Bùi, sông Con, sông Nhuệ bao đời tưới tắm, nuôi cả vùng xứ Đoài trù phú thế mà chỉ thấy để mặc nó chết dần chết mòn.

  • Hình ảnh báo cáo tại workshop quốc tế về Đô thị học cảnh quan, chủ đề “Sông hồ Hà Nội” (*) :










Chú thích :

Trần Huy Ánh

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo