Ashui.com

Monday
Dec 02nd
Home Tương tác Phản biện Nhiều di tích bị méo mó sau khi tu bổ

Nhiều di tích bị méo mó sau khi tu bổ

Viết email In

"Mọi hiện tượng xoá bỏ kiến trúc cũ, thay cũ bằng mới, tưởng rằng làm cho di tích khang trang hơn nhưng thực ra là phá hoại. Khi xây dựng to lớn hơn trên không gian cũ, là đã đoạn tuyệt với quá khứ, quay lưng với văn hoá truyền thống. Nếu muốn xây một công trình mới, phải ở vị trí mới" - GS. Trần Lâm Biền (ảnh).

Di sản là linh hồn dân tộc

Thứ nhất, khái niệm di sản rất rộng. Nhưng đáng chú ý nhất là những công trình văn hoá truyền thống của tổ tiên. Muốn ứng xử với di sản văn hoá một cách chuẩn xác, theo đường lối của Đảng là phải bảo vệ văn hoá dân tộc.

Di sản là tài sản hoặc dấu tích của người xưa để lại. Không có gì của người xưa để lại không liên quan đến vấn đề văn hoá. Những kiến trúc đó tưởng như chỉ liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng, nhưng thực chất các di sản văn hoá luôn chứa đựng những vấn đề lớn hơn nhiều về lịch sử và xã hội.

Cụ thể: Thời Lý, di tích chỉ được tìm thấy ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Chứng tích rõ ràng nhất là chiến tuyến ở bờ Nam sông Cầu. 

Đến thời Trần địa bàn được mở rộng hơn, di tích nhiều hơn, trải dài tới các vùng: Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ hoặc dấu tích trên con đường Bắc Ninh tới Quảng Yên với cửa sông Bạch Đằng. Một dấu tích điển hình là chùa Yên Tử. Yên Tử chưa hẳn chỉ là chùa, mà trước hết là tiền đồn, cũng như tiền đồn Chùa Hương, Hà Tĩnh. Những di tích đó sau này mới chuyển hoá thành chùa.

Thời Lê Sơ, trước áp lực của phương Bắc, đồng thời người Việt bị Chiêm Thành quấy nhiễu nên người Việt cổ buộc phải tiến quân về Nam. Di tích của sự kiện này được tìm thấy ở Phú Yên. Dấu tích thống nhất của người Kinh Bắc Bộ là ở thế kỷ 17 còn nằm trên vách động Non Nước (Quảng Nam - Đà Nẵng).

Dẫn ra những ví dụ này để thấy, di tích là những công trình được gắn bó chặt chẽ với những thay đổi của lịch sử và xã hội. Những ngôi đình chùa của người Việt phát triển tới đâu đã  phản ánh sự thống nhất cộng đồng, đồng thời biểu hiện sự phát triển thương mại.

Di tích minh chứng cho sức sống của cha ông

Thứ hai, niên đại của các di tích thường nói lên nhiều vấn đề to lớn của dân tộc. Người ta thường nghĩ chiến tranh đã phá hoại di sản. Nhưng thực tế, đa số các công trình đều được xây dựng trong chiến tranh, thời gian chiến tranh hoặc liên quan tới chiến tranh.

Di tích thời Lý gắn với thời chống Tống bình Chiêm. Di tích thời Trần tập trung vào chống Nguyên Mông. Thời Hồ với thành nhà Hồ là giai đoạn chuẩn bị chống Minh xâm lược.

Di tích thời nhà Mạc tồn tại chủ yếu ở thời kỳ Nam Bắc triều. Những chùa lớn được xây dựng và tu bổ vào đầu và giữa thế kỷ 17 như Bút Tháp, chùa Thầy, chùa Dạm, chùa Keo đều nằm trong thời kỳ chiến tranh Trịnh Nguyễn.

Từ đó cho thấy, trong chiến tranh người Việt đã xây được những công trình bền vững. Trong những giai đoạn đó, đất nước đã huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phá di tích là đoạn tuyệt quá khứ

Thật sai lầm khi cho rằng xoá bỏ kiến trúc cũ, thay cũ bằng mới, tưởng rằng làm cho di tích khang trang hơn nhưng thực ra là phá hoại. Chỉ riêng việc xây dựng to lớn hơn trên không gian cũ, là đã đoạn tuyệt với quá khứ, quay lưng với văn hoá truyền thống. Nếu muốn, hãy xây một công trình mới, ở vị trí mới.

Ví dụ, đình Tường Phiêu, trên xà có bức chạm 3 con cá chung một đầu, tu bổ xong không còn thấy nữa. Hay bức chạm thiếu nữ múa, rất quý. Khi tu sửa xong trên vị trí đó chỉ còn người vũ nữ kệch cỡm xa lạ với truyền thống.

Dẫn chứng tại chùa Nga Mi (Hoàng Mai, Hà Nội) đã bị xoá bỏ toàn bộ cái cũ, xây mới nhiều thành phần chịu ảnh hưởng từ tạo hình Trung Quốc. Cách đây khoảng chừng hơn một tháng, trong chùa chỉ còn một toà gác chuông là sản phẩm của thời xưa, nhưng đến nay toà gác chuông này cũng bị bỏ đi để thay vào đó là một kiến trúc kệch cỡm hoàn toàn mới.

Nhiều di tích khác dù đã được xếp hạng nhưng khi thi công tu bổ vẫn làm sai rất nhiều. Ví dụ: Đình Đại ở Bạch Mai do có mấy mảng chạm ở thế kỷ 17 nên đã được nhiều nhà nghiên cứu đề nghị xếp hạng. Song khi xếp hạng rồi thì dù cho nhiều cấp chính quyền đã bỏ không ít tiền để tu sửa thì những mảng chạm cổ cuối cùng đó vẫn bị thay bằng mảng chạm mới không theo mẫu cũ.

Đình Yên Phụ cũng bị rơi vào tình trạng tương tự khi người ta cho dỡ bỏ các mảng chạm gốc để thay bằng mảng chạm mới. Cũng may chúng tôi phát hiện sớm nên còn "gỡ gạc" được một chút. Chúng tôi cho rằng người được giao trách nhiệm thường xuyên coi đình này hiện nay cần phải thay thế vì bà ta không nắm được giá trị của di sản, đặc biệt khi đình này vẫn còn rất nhiều hiện vật quý.

Vãn cảnh chùa Yên Tử là người ta muốn tìm về với không gian thiên nhiên. Nhưng mới chạm "đường Tùng", khách hành hương đã vấp vào con đường mới với các bậc đá to lớn, một không gian nhân tạo đầy nét tục luỵ nảy sinh từ sự xâm hại của con người. Con đường ghép đá xưa do chính các vị tu hành, kể cả đệ nhất đầu đài Trần Nhân Tông xây dựng với những bậc đá gập ghềnh không còn. Nhiều người hiểu biết về Phật đạo đôi khi có cảm nghĩ rằng: rác rưởi trần gian đã ùa vào không gian thánh thiện. 

  • Ảnh bên : Đường lên Yên Tử. (Ảnh: Giác Ngộ)


Không giữ được di tích là có tội với lịch sử

Có nhiều lý do khiến ý thức, quan điểm về giá trị và bảo tồn di sản hoặc không hiểu thấu đáo về giá trị di sản; Ai đó đã lấy đồng tiền chứ không lấy văn hoá làm trọng, cố thêm bớt các công trình để có nhiều việc, có đầu tư. Nhiều công trình tu sửa đều rơi vào trường hợp này. Thêm vào đó là sự tắc trách và dối trá của những người tham gia thi công tự cho mình quyền phá hoại di sản khi gặp khó khăn.

Một thế lực nữa cũng góp phần làm hỏng di tích chính là những người trực tiếp trông coi di sản. Nhiều khi họ đã chuyển hoá thành những nhà kinh doanh tôn giáo. Những người này trực tiếp liên quan đến di tích và nhầm tưởng về vai trò chủ nhân rồi tuỳ tiện tu sửa, bổ sung các thành phần kiến trúc ngoài chức năng tu bổ và tôn tạo. Thêm vào là trình độ của người dân hiện nay luôn muốn làm mới để gây công quả.

Đáng nói là những người tu bổ công trình này vẫn được ghi nhận là có công lao bảo tồn di sản. Di tích hư hỏng do lâu nay chỉ lo quản lý là chính, không đi sâu nghiên cứu nghiệp vụ, hoặc nếu có cũng chỉ hiểu biết lơ mơ, thiếu hẳn bệ đỡ cơ bản về tri thức về di sản văn hoá.

Và ai đã làm "méo mó" di tích, hoặc làm mất đi những dấu tích cổ truyền, dù với bất kỳ lý do gì, người đó cũng có tội với lịch sử.

Trần Lâm Biền (Nhà nghiên cứu di sản văn hoá) - Hoàng Hường (ghi)

>> Tạm dừng trùng tu là bảo vệ di tích 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo