Tại Hội thảo “Quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị TP.HCM” vừa diễn ra cuối tuần qua, PGS.TS.KTS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng về công tác quy hoạch (QH) để chỉnh trang và phát triển đô thị TP HCM.
Theo ông Hòa, chỉnh trang (CT) và phát triển đô thị (PTĐT) là một chương trình mới, được xác định cụ thể trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X nên vừa mang tính thời sự, vừa mang một ý nghĩa quyết định cho sự phát triển bền vững của thành phố trong tương lai.
Đến thời điểm này, công tác lập QH toàn thành phố đã cơ bản hoàn thành để có đủ cơ sở pháp lý quản lý quá trình phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của thành phố với một hệ thống các đồ án từ đồ án QH chung xây dựng đô thị đến các đồ án điều chỉnh QH chung của 22/24 quận, huyện và gần 800 các đồ án QH chi tiết 1/2000 (QH phân khu 1/2000). Hệ thống các đồ án này đã phủ kín các khu vực đã, đang và dự kiến cải tạo phát triển đô thị của thành phố.
Bên cạnh đó, công tác cải tạo đô thị đi đôi với nâng cao chất lượng sống của người dân và bảo tồn di sản văn hóa-lịch sử-kiến trúc cũng được chính quyền thành phố quan tâm. Từ năm 1994, nhiều chương trình CT, cải tạo đô thị đã được triển khai như chương trình cải tạo vệ sinh môi trường. Trong đó bao gồm nhiều dự án như dự án vệ sinh môi trường tại lưu vực Nhiệu Lộc – Thị Nghè; dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé, Kênh Đôi – Kênh Tẻ…
Đồng thời, thành phố cũng xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Chính vì vậy, đã giúp cho thành phố hoàn thành nhiều công trình mang tính hạ tầng vừa là điểm nhấn trong kiến trúc cảnh quan như cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, hầm sông Sài Gòn và những tuyến Metro đầu tiên…
Ngoài ra, thành phố cũng đã chú trọng phát triển hệ thống các trung tâm đô thị như khu vực trung tâm hiện hữu 930ha, mở rộng ra khu đô thị Nam Sài Gòn có diện tích 2.975ha với khu trung tâm là khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, khu đô thị cảng Hiệp Phước (3.900ha), khu đô thị Thủ Thiêm, khu đô thị mới Tây Bắc (6.000 ha). Cùng 11 dự án khu đô thị mới quy mô từ 200ha trở lên và 44 dự án khu dân cư, khu đô thị mới có quy mô nhỏ hơn 200ha, với tổng diện tích đất khoảng 23.370ha.
Thưa ông, việc hình thành các khu đô thị đã đặt ra những thách thức trong công tác QH và quản lý phát triển đô thị theo hướng bền vững là gì?
PGS.TS.KTS Nguyễn Trọng Hòa (ảnh): Trong thời gian 40 năm qua, thành phố đã đi được một chặng đường khá dài trong công tác cải tạo và PTĐT theo xu thế chung, hướng văn minh hiện đại. Song những thách thức vẫn còn ở phía trước khi mà trên địa bàn, việc sử dụng đất cho PTĐT ở nhiều khu vực kém hiệu quả. Thành phố đã giao gần như toàn bộ quỹ đất trong các khu vực định hướng PTĐT nhưng tỷ lệ đất được thực sự đưa vào đầu tư PTĐT không nhiều tạo nên hiện tượng đầu cơ đất đai… Ngày càng nhiều nơi bị ách tắc giao thông, ngập lụt; nhiều dự án khó hoặc không thực hiện được; tình trạng người dân khiếu kiện kéo dài do bị thu hồi đất hoặc giá đền bù chưa thỏa đáng, xây dựng trái phép hoặc không phép vẫn luôn thường trực ở các quận huyện vùng ven…
Nguyên nhân của thực trạng trên có thể thống kê khá dài từ các nguyên nhân chủ quan tới khách quan cũng như một số thách thức mang tính thời sự không chỉ riêng tại TP HCM, mà còn mang tính quốc tế và khu vực. Trong đó có công tác QHĐT và quản lý PTĐT.
Hệ thống các đồ án QHĐT của thành phố tưởng như đã hoàn thiện vì đã được lập, thẩm định và phê duyệt theo đúng các quy định của pháp luật lại đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình đưa vào quản lý PTĐT. Chính những bất cập này đã làm cản trở quá trình CT và PTĐT, hoặc tại nơi này nơi kia đã được xử lý, nhưng thường bằng những giải pháp mang tính tình thế, thiếu tính bền vững.
Để nhìn nhận rõ những thách thức về công tác QH và quản lý PTĐT theo QH, theo tôi cần phải đi sâu phân tích 2 mặt của công tác lập, thẩm định và phê duyệt “Hệ thống đồ án QHĐT” và công tác quản lý PTĐT trên cơ sở “Hệ thống các đồ án QHĐT” tại TP HCM.
Thứ nhất, hệ thống đồ án QHĐT tại thành phố được lập, thẩm định và phê duyệt trải dài theo quá trình phát triển của thành phố và phải chịu sự thay đổi khá liên tục theo những biến động của các cơ sở pháp lý về QH xây dựng như Luật Xây dựng 2003, Luật QH đô thị 2009 và các văn bản dưới luật. Bên cạnh đó, TP HCM cùng một lúc vừa lập các đồ án QHĐT mới, vừa tiến hành điều chỉnh các đồ án QHĐT đã được phê duyệt ở các cấp độ khác nhau từ QH chung đến QH chi tiết 1/2000 nên trong giai đoạn thực hiện có khá nhiều bất cập. Nhiều đồ án QHĐT ở “cấp độ” cao hơn như một số các đồ án QH chung thay vì đưa ra các định hướng mang tính chiến lược, tạo bộ khung cho sự phát triển bền vững, lại phải “tuân thủ” các đồ án ở “cấp độ” thấp hơn, hay nói cách khác, các đồ án này chỉ lập để pháp lý hóa những ý muốn chủ quan, thiếu khoa học trước đó nếu không nói là vì đất đã được giao rồi…
Trong QHĐT, còn một thách thức lớn nữa mà chúng ta đều thấy rất rõ và đã kiến nghị thay đổi nhiều lần mà không được xử lý. Đó là việc tồn tại song song 2 đồ án QH sử dụng đất của ngành xây dựng và ngành tài nguyên môi trường. Thậm chí đã có lúc, QH sử dụng đất của ngành xây dựng đã phải chạy theo QH sử dụng đất của ngành tài nguyên môi trường vì đã được phê duyệt trước. Vì vậy, nhiều khi QHĐT đã không đủ sức làm tròn trách nhiệm của mình khi phải tuân thủ QH sử dụng đất mà ngành tài nguyên môi trường đã ấn định trước…
Bên cạnh đó, cần nhìn nhận lại việc phủ kín QH 1/2000 có thực sự cần thiết ở mọi nơi, mọi lúc hay không, khi mà nguồn lực đầu tư PTĐT của chúng ta còn bị hạn chế mà chúng ta tự đóng khung “tương lai” PTĐT của thành phố? Chính việc phủ kín một cách vội vã, thiếu nghiên cứu QH 1/2000 nên vấn nạn đầu cơ đất đai phát triển tới mức mà hiện nay thành phố muốn phát triển các dự án quan trọng đều bị vướng vào việc giải tỏa, đền bù rất tốn kém và phức tạp. Thậm chí việc lập QH là để nhanh chóng giao hết đất chứ không phải để phát triển đô thị theo đúng ý nghĩa.
Thứ hai, khi quản lý PTĐT lại khá tùy tiện, thiếu cơ sở khoa học, thay vì sau khi các đồ án QH (từ QHĐT, đề án QH phát triển kinh tế-xã hội, các đồ án QH ngành) được thẩm định và phê duyệt, thành phố phải chỉ đạo các sở, ngành cùng ngồi lại xây dựng “kế hoạch phát triển đô thị” và đề xuất các kịch bản đầu tư xây dựng PTĐT phù hợp.
Chúng ta đều biết, công tác QHĐT tại một khu vực cụ thể là nghiên cứu xử lý các vấn đề PTĐT cho hiện tại và những tính toán cho tương lai. Chính vì vậy, đồ án QHĐT chỉ phát huy được vai trò trong mọi thời điểm nếu chúng ta xây dựng kế hoạch phát triển cho khu vực này một cách khoa học với các kịch bản đầu tư xây dựng cụ thể. Tại một khu đất, theo đồ án có thể được phép xây dựng công trình với hệ số sử dụng đất và tầng cao lớn, song phải đồng bộ với việc đầu tư cải tạo phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống giao thông và nhất là hệ thống giao thông công cộng. Chính vì vậy, khi chưa có câu trả lời chính xác về thời điểm hoàn thành hệ thống giao thông này thì việc cho phép đầu tư hàng loạt công trình lớn sẽ gây ách tắc giao thông là điều hiển nhiên… Do đó, tại một số khu vực cho phép đầu tư các công trình lớn thường bị ách tắc giao thông, thậm chí vỉa hè biến thành nơi đỗ mọi loại xe, ngập nước thì bị quy kết ngay là do việc nghiên cứu các đồ án QH chưa đúng mà ít ai nhìn thấy rõ đó là hệ quả của công tác quản lý PTĐT thiếu khoa học.
Thưa ông, cần giải pháp nào trong điều chỉnh QH đô thị nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình chỉnh trang và Phát triển đô thị, thưa ông?
- Cty tư vấn Nikken Seikkei (Nhật Bản) đã có đánh giá tình hình thực hiện đồ án “Điều chỉnh QH chung xây dựng TP HCM đến năm 2020” được phê duyệt năm 1998, chỉ ra những bất cập của việc chúng ta đã không quan tâm đúng mức tới nghiên cứu phân vùng trong quản lý PTĐT. Từ đó, đơn vị này đã đề xuất bước đầu, TP HCM cần phân thành 3 khu vực gồm: Khu vực nội thành hiện hữu (13 quận), khu vực nội thành phát triển (6 quận mới) và khu vực các huyện ngoại thành.
Theo chúng tôi tổng hợp và phân tích, để phân vùng trong quản lý chỉnh trang và PTĐT, có thể nghiên cứu thực hiện theo 3 phương án:
Phương án 1(là phương án đơn giản nhất): Với việc thực hiện phân vùng quản lý CT và PTĐT vẫn được giữ nguyên theo hệ thống các đồ án QH chung xây dựng đô thị tại các quận-huyện đã được phê duyệt như hiện nay. Nhất thiết cần có sự nghiên cứu điều chỉnh quy mô dân số dự kiến tăng thêm và một số dự án, kế hoạch đầu tư theo các đồ án QH chung quận huyện hiện nay. Chúng ta không thể tăng thêm dân số, xây dựng các công trình ở các khu vực có nền đất yếu, đã, đang và sẽ bị ngập nước do biến đổi khí hậu. Khu vực nào đất yếu thì ta không đầu tư, hạn chế phát triển đô thị để bớt tốn kém, khu vực nào nền đất cứng, cao ráo thì có thể phát triển cư dân nén, chứ không nên phân bố dân số theo kiểu “chia đều” như hiện nay.
Phương án 2 (là phương án triệt để hơn): Với việc phải bỏ hệ thống các đồ án QH chung xây dựng đô thị tại các quận, huyện đã được phê duyệt và nghiên cứu lập hệ thống đồ án QH phân khu 1/5000. Các đồ án này không nhất thiết phải theo ranh giới hành chính các quận, huyện mà dựa trên hiện trạng đất đai, địa hình, địa chất, thủy văn, hiện trạng dân số, hiện trạng các công trình kiến trúc và mạng lưới giao thông cũng như các khả năng phát triển kinh tế-xã hội của từng vùng lớn nhỏ cụ thể. Luật QH đô thị đã quy định rồi, vấn đề là thành phố có mạnh dạn làm hay không?
Phương án 3 (là phương án triệt để): Phương án đã được nghiên cứu đề xuất trong đề án Chính quyền đô thị, phương án này là triệt để nhất, giúp thành phố phát triển ổn định và bền vững.
Chúng tôi nhận thấy trong bối cảnh hiện nay, thành phố nên sử dụng phương án 1 vì đây là phương án mang tính khả thi nhất bởi các lý do: không cần phải nghiên cứu lập lại các đồ án QHĐT, không gây nên những biến động lớn về đầu tư, thậm chí còn giúp cho các nhà đầu tư rút khỏi những dự án không khả thi hoặc kém hiệu quả tại một số khu vực mà họ đã “trót nhận” và cũng không tạo nên cơn sốt về đầu cơ đất đai vì về mặt nguyên tắc, hệ thống các đồ án QHĐT không thay đổi. Bằng phương án này, thành phố có đủ cơ sở để phân bố lại phần dân cư mới dự kiến tăng thêm tại những quận-huyện có các điều kiện, tiềm năng phát triển không thuận lợi…
Cao Cường thực hiện
(Báo Xây dựng)
- KTS Đào Ngọc Nghiêm: Văn hóa đô thị đối diện nhiều thách thức
- Chuyên gia giao thông: 'Buýt nhanh không nhanh vì cách làm nửa vời'
- KTS Ngô Viết Nam Sơn: Không chỉ chống ngập mà còn tận dụng ngập
- Chủ tịch VNREA Nguyễn Trần Nam: Có cơ chế "ăn chia" trong đấu giá đất đai
- Đánh thuế nhà ở thứ 2: Áp dụng tại Việt Nam sẽ phức tạp
- Bất động sản TP.HCM có tăng trưởng bền vững?
- VCCI kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai 2013: Tiến tới xóa bỏ "thị trường ngầm"
- Nghệ sĩ thiết kế cảnh quan Andy Cao: Tôi tìm cái mới khi tĩnh tâm
- Nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao: Tự do để phụng sự cái đẹp!
- Lãi suất gói 30.000 tỷ đồng: "Sao cứ đòi Nhà nước bao cấp mãi!"