Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Đối thoại VCCI kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai 2013: Tiến tới xóa bỏ "thị trường ngầm"

VCCI kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai 2013: Tiến tới xóa bỏ "thị trường ngầm"

Viết email In

“Luật Đất đai cần phải sửa đổi theo hướng chi tiết, đơn giản, dễ áp dụng để tiến tới xóa bỏ “thị trường ngầm” đất đai” – ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp

Ông Trần Ngọc Quang cho rằng, minh bạch căn cứ giao đất và cho thuê đất nói riêng, thị trường bất động sản nói chung là một đòi hỏi bức thiết của xã hội từ nhiều năm nay. Do đó, chúng tôi rất ủng hộ kiến nghị của VCCI lên Chính phủ và UB thường vụ Quốc hội sửa đổi một số điều của Luật Đất đai 2013. Hệ thống pháp luật về đất đai cần phải được sửa đổi thật chi tiết để có càng ít văn bản dưới luật hướng dẫn càng tốt.  

VCCI cho rằng, Luật Đất đai cần sửa đổi theo hướng minh bạch căn cứ giao đất và cho thuê đất để hạn chế tình trạng mập mờ, lách luật. Ông có ý kiến thế nào về kiến nghị này?

Ông Trần Ngọc Quang (ảnh bên): - Căn cứ giao đất và cho thuê đất (Điều 52, Luật Đất đai) chưa đủ chi tiết. Điều này sẽ tạo kẽ hở cho lợi ích nhóm hay nói cách khác là tham nhũng. Một DN đi được “cửa sau” thì sẽ có nhiều DN tìm đến “cửa sau”. DN sẽ không cạnh tranh nhau bằng năng lực, bằng trí tuệ sáng tạo mà bằng những tiêu chí đi ngược lại đạo đức, chuẩn mực kinh doanh. 

Tại Điều 58, Luật Đất đai quy định về “Điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư”. Theo VCCI, đây là những vấn đề quan trọng cần quy định cụ thể trong luật. Quan điểm của ông? 

- Theo kiến nghị của VCCI, không nên có những tiêu chí định tính như: “có khả năng tài chính”… Đặc biệt, Luật cần bổ sung những loại hình khác như bán đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất trong các trường hợp được giao, cho thuê đất.

Trước tiên phải khẳng định rằng, muốn xóa bỏ thị trường ngầm thì cách tốt nhất là đấu giá, đấu thầu một cách công khai minh bạch. Nhà nước chỉ nên chỉ định thầu những dự án đặc thù như liên quan đến an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội đặc biệt… Còn lại, các dự án giao đất, cho thuê đất kể cả chuyển đổi mục đích sự dụng đều phải đấu giá, đấu thầu.

Điều kiện về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà thiếu đầy đủ, mập mờ thì sẽ còn xin – cho, sẽ còn tham nhũng. Mọi người từ cán bộ quan chức, DN đến người dân đều biết đến việc “chạy” dự án, nhưng làm gì có bằng chứng. Sự thật hiển nhiên này cứ “nhởn nhơ” tồn tại năm này qua năm khác, thế hệ doanh nhân này, đến thế hệ doanh nhân khác, thế hệ công chức này đến thế hệ công chức khác… Nếu cứ như vậy thì đến bao giờ chúng ta mới có một đôi ngũ doanh nhân thực sự chuyên nghiệp, cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Chúng ta vẫn thường thấy những khẩu hiệu “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Nhưng pháp luật mà không rõ ràng, còn nhiều quy định định tính tạo cơ chế xin – cho thì còn có chỗ cho tham nhũng phát triển. 

Theo Luật Đất đai hiện hành chia đất đai làm 3 nhóm đất theo mục đích sử dụng, với trên 19 loại đất khác nhau. Hầu như không có quốc gia nào phân loại nhiều loại đất như vậy. Theo ông, việc phân loại đất cần thực hiện ra sao để dễ quản lý và tạo thuận lợi cho DN?

- Luật pháp của Việt Nam cũng cần phải cập nhật các quy định và cách quản lý tiên tiến trên thế giới. Với 19 loại đất khác nhau được quy định trong luật như hiện nay là quá phức tạp. Mục đích của luật là phải dễ áp dụng và thuận lợi trong quản lý. Gom dần các loại đất lại sẽ dễ quản lý hơn, nhưng cùng với đó thì đẩy mạnh đấu thầu, đấu giá sẽ giúp thị trường minh bạch hơn.

Ít loại đất không chỉ tạo điều kiện cho DN mà ngay cơ quan quản lý nhà nước cũng thuận lợi trong quản lý. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải tôn trọng quy luật giá cả thị trường. Đất của ai quản lý thì cũng phải theo giá của thị trường. Đây là một nguyên tắc giúp thị trường minh bạch.

Tuy nhiên, vấn đề lớn hiện nay còn nằm ở con người. Nếu muốn thị trường minh bạch, thủ tục hành chính đơn giản thì bộ máy hành chính phải do những cán bộ mẫn cán, liêm chính. Đứng ở góc độ DN, ông kỳ vọng thế nào vào một Chính phủ liêm chính như quyết tâm mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang định hướng xây dựng?

- Cộng đồng DN ủng hộ chủ trương của Thủ tướng và Chính phủ, Doanh nghiệp mong muốn tiến trình cải cách sớm thực hiện trên thực tế. Vấn đề mà DN lo ngại nhiều nhất thời gian qua chính là bộ máy hành chính phải được tổ chức và hoạt động hiệu quả hơn, đạo đức, kỷ luật khi thực thi công vụ của cán bộ công chức phải được cải thiện mạnh mẽ sao cho không còn điều kiện, không dám nhũng nhiễu người dân và DN.

Để làm được điều này, pháp luật phải rõ ràng, chế tài xử phạt cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ, nhũng nhiễu DN và người dân phải nghiêm minh. Thời gian gần đây, nhiều địa phương đã để người dân và DN đánh giá và bình chọn cán bộ công chức. Chính phủ cần nhân rộng và làm thật chặt việc đánh giá này. Những người bị người dân và DN đánh giá thấp cần phải loại ra khỏi bộ máy hành chính. Làm được như vậy là thực hiện được điều mà Bác Hồ đã dạy là Cán bộ công chức phải là công bộc của nhân dân và người dân mới thực sự làm chủ. Đây cũng chính là một giải pháp quan trọng giúp chính sách pháp luật sớm đi vào cuộc sống. 


VCCI kiến nghị Luật Đất đai cần sửa đổi theo hướng minh bạch căn cứ giao đất và cho thuê đất để hạn chế tình trạng mập mờ, lách luật. / Ảnh chụp tại Mỹ Đình, Hà Nội. (Ảnh: Quốc Tuấn) 

Ông Trương Lê Quân – Quản lý bộ phận Tư vấn Đầu Tư, Savills Hà Nội:
Cục bộ trong quản lý đất đai

Hiện nay sự quản lý của nhà nước về đất đai còn yếu kém. Nguyên nhân là do tính cục bộ trong quản lý đất đai còn quá lớn. Tính cục bộ này không chỉ thể hiện trong mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với nhau mà còn cả trong tầm nhìn và phương pháp quản lý. Việc không có sự thống nhất trong vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và quyền sở hữu (QSH) tài sản gắn liền với đất giữa Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp trong thời gian qua đã thể hiện tính cục bộ trong quan hệ nói trên. Ngoài ra, việc lưu trữ thông tin về đất đai trong hồ sơ địa chính cho đến thời điểm này vẫn còn được thực hiện thủ công trên giấy và theo từng địa phương (đơn vị hành chính cấp tỉnh). Việc sử dụng công nghệ thông tin cho hoạt động này vẫn còn manh mún, thiếu tính hệ thống.

Từ đây, sự kết nối giữa các nguồn thông tin về đất đai để đảm bảo tính chính xác, cũng như để kiểm soát việc sử dụng đất của một người ở nhiều địa phương khác nhau không thể thực hiện được. Vì vậy, việc kiểm soát hành vi đầu cơ đất đai là điều không thể. Bên cạnh đó, chính sách tài chính về đất đai chưa phù hợp và chưa được tận dụng triệt để nhằm hạn chế đầu cơ đất đai.

Savills cho rằng, các thông tin về đất đai và thị trường BĐS cần phải được minh bạch để tiếp cận một cách dễ dàng hơn, đặc biệt là thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến từng thửa đất, một cách kịp thời.

Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HANOISME:
Thắt chặt quản lý đất đai 

Thời gian tới, nhà nước cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, trong đó tăng cường chế tài xử lý vi phạm pháp luật đủ mạnh để răn đe, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Quốc hội và Hội đồng nhân các cấp. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; Tổ chức bộ máy ngành địa chính gọn nhẹ và hiệu quả, thực hiện tốt các nội dung quản lý đất đai, hiện đại hoá chính sách thu tài chính đất đai. Đồng thời, thực hiện bố trí, sắp xếp lại đất của các cơ quan hành chính sự nghiệp. Thực hiện cơ chế một giá đối với đất đai. Hoàn thiện trong tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. 

Bá Tú thực hiện 
(Diễn đàn Doanh nghiệp)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2184 khách Trực tuyến

Quảng cáo