Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Đối thoại Để thị trường bất động sản góp phần xây dựng “thành phố sống tốt” cho TPHCM

Để thị trường bất động sản góp phần xây dựng “thành phố sống tốt” cho TPHCM

Viết email In

Trong không khí của năm mới và những tín hiệu khả quan của thị trường bất động sản trong thời gian qua, phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi cùng ông Trần Trọng Tuấn - Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM về những vấn đề liên quan tới Đề án phát triển thị trường bất động sản Thành phố giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.  

PV: Thưa ông, trong quá trình nghiên cứu, lập Đề án phát triển thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan thực hiện đã gặp những khó khăn gì?

Ông Trần Trọng Tuấn (ảnh): Để đảm bảo Đề án phát triển thị trường bất động TPHCM giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 triển khai có hiệu quả, thì Đề án phải xây dựng trên một nền tảng dữ liệu đầy đủ và chính xác về quá trình phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn Thành phố. Tuy nhiên, các giai đoạn trước đây, do chưa ứng dụng nhiều công nghệ thông tin cũng như quá trình cập nhật và xử lý dữ liệu chưa được chú trọng, dẫn đến thiếu cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc nghiên cứu xây dựng Đề án, nên vừa thực hiện vừa phải cập nhật bổ sung dữ liệu, kéo dài thời gian. Do đó, về lâu dài cần phải thành lập Trung tâm thông tin và dự báo thị trường bất động sản trên địa bàn Thành phố nói riêng và cả nước nói chung. 

PV: Đã có nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cần có cơ chế đặc thù; nếu có thì cơ chế ấy sẽ như thế nào?

- Không cần phải có các cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, việc phát triển thị trường bất động sản phải trên tư duy, quan điểm phát triển vùng TPHCM chứ không chỉ trên địa bàn TP.

Quy hoạch chung xây dựng đô thị đến năm 2025 đã xác định hai hướng phát triển chính là hướng Đông và hướng Nam; hai hướng phụ là Tây Bắc và Tây - Tây Nam. Trong thời gian tới, sự phát triển hoàn thiện của hệ thống hạ tầng giao thông sẽ là động lực lớn thúc đẩy liên kết vùng. Cùng với việc phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 với các tuyến Vành đai 3 và 4 đã được phê duyệt, thúc đẩy sự liên kết của các đô thị vệ tinh trong vùng. Các tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành hiện đang là tiền đề thúc đẩy phát triển các dự án khu dân cư về phía Đông và phía Nam (Nhơn Trạch - Đồng Nai, Cần Giuộc, Bến Lức - Long An).

PV: Với thực trạng của thị trường bất động sản TPHCM đã được xác định trong quá trình nghiên cứu Đề án phát triển thị trường bất động sản giai đoạn 2016-2020, từ đó chỉ ra được những mặt hạn chế trong phát triển thị trường BĐS TPHCM, vì thế địa phương cần có những giải pháp cụ thể, thưa ông?

- Để đạt được mục tiêu chung xây dựng “thành phố sống tốt” cho TPHCM, thì trong thời gian tới, thị trường BĐS cần phải đảm bảo thực hiện các nhóm giải pháp sau:

Nhóm giải pháp quản lý nhằm đảm bảo minh bạch và phát triển bền vững của thị trường bất động sản. Trong đó, phải hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý để đảm bảo thị trường minh bạch và phát triển lành mạnh, công khai các thông tin quy hoạch đã được duyệt để nhà đầu tư, chủ đầu tư, người dân có thể theo dõi.

Hoàn thiện và chuẩn hóa hệ thống thông tin thị trường. Sớm xây dựng và công bố chỉ số đánh giá thị trường bất động sản để cung cấp thông tin chính thống cho thị trường, điều này giúp cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, kịp thời có các hoạch định chính sách, cơ chế, giải pháp phù hợp với thực tế của thị trường, do đó, việc thành lập Trung tâm thông tin và dự báo thị trường bất động sản là hết sức cần thiết.

Quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch ngành cần phải được nghiên cứu triển khai trên quan điểm liên kết vùng, hướng tới sự phát triển bền vững của thành phố và các vùng phụ cận.

Tiếp tục cải cách hành chính về thủ tục đầu tư, cấp giấy phép xây dựng đối với các dự án phát triển đô thị và nhà ở; thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” và phấn đấu trong năm 2016, cấp phép xây dựng qua mạng internet đối với các công trình đã có quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500 được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Xây dựng Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, theo hướng tăng tỷ lệ nhà ở chung cư cao tầng với hạ tầng đồng bộ, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội và hạ tầng xã hội của từng khu vực.

Tổ chức lập kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm, 5 năm, trình UBND Thành phố phê duyệt và triển khai thực hiện theo hướng tăng số lượng và tỷ lệ đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê và nhà ở có mức giá phù hợp với người có thu nhập thấp; đẩy mạnh các chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, ký túc xá sinh viên; ưu tiên phát triển nhà ở theo dự án có quy mô lớn từ 500 ha trở lên trong các khu đô thị mới; phấn đấu đến cuối năm 2020, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 40 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8 m2/ người.

Tập trung phát triển nhà nhà ở xã hội; tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội, phục vụ tái định cư cho các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị, đặc biệt chương trình di dời các hộ dân sống trên và ven kênh rạch và các chung cư cũ xuống cấp. 

Chú trọng và ban hành các chính sách khuyến khích loại hình nhà ở cho thuê trong phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh./. 

Mai Thanh thực hiện / Ảnh: Cao Cường 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2457 khách Trực tuyến

Quảng cáo