Tuyến xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn (BRT) lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội đang gây được chú ý của người dân và được kỳ vọng sẽ là cú hích cho giao thông Thủ đô. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn chia sẻ: “Việc triển khai tuyến xe buýt nhanh thí điểm còn hướng tới một mục tiêu là thay đổi trong tư duy quản lý giao thông đô thị. Mà ở đó, điều cốt lõi nhất là mang đến cho người dân một loại dịch vụ mới mẻ, tiện nghi khác hẳn xe buýt thông thường”.
Với hệ thống nhà chờ phương tiện hiện đại, BRT được coi là điểm nhấn cho vận tải công cộng thủ đô
Thưa ông, người dân Hà Nội đang hồi hộp chờ đợi tuyến xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn thí điểm đầu tiên?
- Hợp phần xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn (BRT) là một trong 03 hợp phần của Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội vay vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB). Mục tiêu của hợp phần này là thí điểm triển khai một loại hình vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt có khối lượng lớn, tốc độ nhanh, chạy trên làn đường dành riêng. Hơn nữa, dự án còn góp phần khuyến khích người dân sử dụng phương tiện VTHKCC, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường của Thành phố.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn như phải điều chỉnh thay đổi hướng tuyến cho phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông hoặc việc sử dụng kết cấu mặt đường cho làn dành riêng trên từng đoạn tuyến cũng đều phải cân nhắc, xem xét kỹ càng các yếu tố kinh tế, kỹ thuật để đảm bảo hiệu quả và không lãng phí...nhưng đến nay tiến độ triển khai các gói thầu của hạng mục BRT đang được tập trung đẩy nhanh. Tôi có thể nói rằng, vào cuối năm 2016, người dân Thủ đô sẽ được sử dụng phương tiện buýt nhanh, hiện đại và chất lượng dịch vụ cao lần đầu tiên có tại Việt Nam.
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn
Dư luận hiện vẫn phân vân về hiệu quả thực sự của BRT khi Hà Nội chỉ xây dựng 01 tuyến BRT, ông có chia sẻ gì về những điều này?
- Đối với tuyến xe buýt BRT thí điểm từ Kim Mã đến bến xe Yên Nghĩa, do đây là một trục giao thông có mật độ giao thông cao, nên dự báo về sản lượng hành khách vận chuyển khi đưa tuyến buýt nhanh vào hoạt động là rất cao.
Đặc biệt, dự án còn là một phép thử hiệu quả về tư duy quản lý đô thị cũng như thay đổi thói quen đi lại của người dân. Điều dễ nhận thấy là nếu cứ để cho phương tiện giao thông cá nhân phát triển như hiện nay thì mọi cố gắng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông sẽ không thể đáp ứng được và ùn tắc sẽ ngày càng trầm trọng, cản trở, kìm hãm sự phát triển của Thủ đô.
Giải pháp hữu hiệu và bền vững nhất hiện nay là ưu tiên cho phát triển VTHKCC, tạo sự thuận lợi, văn minh và chất lượng phục vụ cao để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đặc biệt là xe buýt nhanh (BRT), đồng thời phải chấp nhận việc đi lại của các phương tiện giao thông cá nhân trên hành lang BRT sẽ có khó khăn hơn.
Việc quản lý, vận hành khai thác tuyến buýt nhanh BRT bằng hệ thống điều hành giao thông thông minh là cơ hội để các nhà quản lý, đơn vị vận hành và người dân tiếp cận dần với các công nghệ tiên tiến, hiện đại làm tiền đề để triển khai quản lý vận hành, sử dụng các tuyến tàu điện ngầm, các tuyến đường sắt đô thị trong tương lai.
Được biết đây là tuyến thí điểm đầu tiên của Hà Nội, vậy để triển khai hiệu quả tuyến xe buýt nhanh thí điểm này? Sở Giao thông Vận tải đã có giải pháp gì?
- Chúng tôi nhận thức được rằng, để dự án đạt được hiệu quả đề ra thì cần phải chuẩn bị và thực hiện tốt một số giải pháp.
Trước hết, phải thực hiện tốt việc tuyên truyền để người dân hiểu rõ về dự án và ủng hộ cho dự án, có ý thức chấp hành các quy định phù hợp với loại hình vận tải mới. Bên cạnh đó phải làm tốt công tác tổ chức giao thông hợp lý, đặc biệt là giai đoạn khai thác ban đầu.
Tổ chức tốt việc trung chuyển, kết nối các tuyến buýt thường với tuyến buýt nhanh, tạo thuận lợi, an toàn cho hành khách khi tiếp cận các ga, các nhà chờ, cung cấp các dịch vụ cần thiết, cung cấp đầy đủ thông tin hướng dẫn hành khách sử dụng dịch vụ một các chu đáo, tận tình.
Cuối cùng là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của Thành phố để đảm bảo cho xe buýt nhanh được vận hành an toàn, thông suốt, đạt tốc độ vận hành và thực sự được ưu tiên khi lưu thông như mục tiêu của dự án đã đề ra.
Khoảng 85 thành phố có xe buýt nhanh (BRT) đang hoạt động) như: Châu Á: 23 thành phố; Châu Mỹ La tinh: 23 thành phố; Châu Âu (23 thành phố); Mỹ (9 thành phố); Châu Phi (9 thành phố), đặc biệt là một số Thành phố của Brazil, Colombia. Tuyến buýt nhanh (BRT) từ Ba La đến bến xe Yên Nghĩa có tổng chiều dài 14,7 km, có 21 nhà chờ, 02 điểm đầu cuối, tổng số xe buýt BRT 35 xe, chiều dài xe 12m. |
Khôi Vỹ thực hiện
(Tiền Phong)
- Bất động sản: Nên kiểm soát thị trường để tránh... 'bong bóng'
- Để thị trường bất động sản góp phần xây dựng “thành phố sống tốt” cho TPHCM
- Chọn đúng vật liệu là giải pháp hiệu quả cho xây dựng công trình xanh
- Chính sách mới sàng lọc doanh nghiệp bất động sản
- "Đặt mình là nhà đầu tư để xây dựng cơ chế đặc thù cho Hòa Lạc"
- “Mua bán sáp nhập bất động sản vẫn rất sôi động”
- Vấn đề là sửa quy hoạch như thế nào!
- KTS Lê Thanh Sơn: Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn pha trộn nhiều phong cách kiến trúc
- Việt Nam cần “đi trước đón đầu” về quy hoạch đô thị để giảm ô nhiễm
- Lên tiếng cho cây, cũng là để bảo vệ ký ức của con người