Từ khi có Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Nghị định của Chính phủ số 39/2010 năm 2010 về Quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị đến nay đã hơn 10 năm, chưa địa phương nào trình và phê duyệt được quy hoạch không gian ngầm đô thị. Vậy khó khăn vướng mắc do đâu? Tháo gỡ như thế nào? Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng.
PV: Thưa ông, xin ông cho biết hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện đã có những quy định nào liên quan đến không gian ngầm đô thị?
PGS.TS Vũ Ngọc Anh (ảnh bên): - Năm 2009, Quốc hội khóa XII thông qua Luật số 30/2009/QH12 Luật Quy hoạch đô thị, trong đó có một số điều khoản đề cập không gian ngầm và công trình ngầm đô thị. Khoản 19, Điều 13 giải thích không gian ngầm là không gian dưới mặt đất được quy hoạch để sử dụng cho mục đích xây dựng công trình ngầm đô thị. Điều 66 của luật nói về quản lý không gian ngầm như sau: Việc khai thác, sử dụng không gian ngầm để xây dựng các công trình ngầm phải tuân thủ quy hoạch đô thị được duyệt và việc quản lý xây dựng các công trình trên mặt đất phải bảo đảm không ảnh hưởng đến không gian ngầm được xác định trong quy hoạch đô thị đã được phê duyệt. Điều 67 của Luật nói về quản lý xây dựng công trình ngầm: Việc xây dựng công trình ngầm phải tuân thủ quy hoạch không gian ngầm được xác định trong quy hoạch đô thị đã được phê duyệt; Quy chuẩn về xây dựng công trình ngầm do Bộ Xây dựng ban hành, Giấy phép quy hoạch, Giấy phép xây dựng. Việc xây dựng tuyến giao thông và hệ thống công trình công cộng ngầm phải bảo đảm an toàn, phù hợp với việc tổ chức, khai thác sử dụng không gian ngầm và trên mặt đất; bảo đảm kết nối thuận tiện với các công trình giao thông ngầm và trên mặt đất. Việc xây dựng tuy nen, hào kỹ thuật phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc sử dụng không gian trên mặt đất; an toàn trong khai thác, vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng. Luật giao Chính phủ quy định cụ thể việc quản lý không gian ngầm.
Tiếp đó, ngày 7/4/2010 Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2010 về quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị trong này giải thích rõ “quy hoạch không gian ngầm đô thị là việc tổ chức không gian xây dựng dưới mặt đất để xây dựng công trình ngầm”. Trong Nghị định cũng nêu rõ các công trình ngầm là những công trình được xây dựng dưới mặt đất đô thị bao gồm công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm, các công trình đầu mối kỹ thuật ngầm và phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất, công trình đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật ngầm và hào tuy nen kỹ thuật. Tại Điều 3 của Nghị định cũng nêu rõ 5 nguyên tắc quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị trong đó đặc biệt chú ý nguyên tắc thứ 2 “không gian ngầm đô thị phải được quy hoạch, xây dựng, quản lý và sử dụng”. Quy hoạch phát triển không gian đô thị trên mặt đất, kết hợp chặt chẽ với việc sử dụng an toàn hiệu quả không gian ngầm. Về sở hữu công trình xây dựng ngầm tại Điều 4 của Nghị định nói rõ, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng ngầm phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Như vậy, từ năm 2009, Việt Nam đã có các quy định tương đối cụ thể về không gian ngầm đô thị và quy hoạch không gian ngầm đô thị. Vậy tại sao đến nay đã hơn 10 năm mà chưa có địa phương nào triển khai quy hoạch không gian ngầm đô thị, thưa ông?
- Từ khi có Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 và Nghị định số 39/2010/NĐ-CP về quản lý không gian ngầm đô thị đến nay chưa địa phương nào trên cả nước thực hiện được quy hoạch không gian ngầm đô thị. Ngay cả Thủ đô Hà Nội với 8 triệu dân, đang gặp nhiều vấn đề về hạ tầng giao thông, hạ tầng thoát nước… cũng chưa triển khai được quy hoạch không gian ngầm đô thị, trong khi đó tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/03/2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 trong đó xác định Hà Nội có 8 tuyến Metro (kể cả nổi và ngầm), tuy nhiên mới dừng ở mức độ đề xuất các nguyên tắc, chưa đề xuất cụ thể về mức độ, quy mô, phạm vi. Trong khi chờ đợi quy hoạch không gian ngầm của Hà Nội thì các nhà chung cư, tổ hợp nhà chung cư, khu đô thị đã và đang xây dựng nhiều tầng hầm để làm bãi đậu xe, không gian thương mại rất lớn như 3 tầng hầm tại khu đô thị Royal City, Time City.
Việc các địa phương chưa triển khai được quy hoạch không gian ngầm đô thị có thể có nhiều nguyên nhân, tập trung vào 2 nhóm nguyên nhân như: Nguyên nhân chủ quan: Về pháp luật chúng ta còn thiếu dẫn đến khó khăn trong công tác lập quy hoạch và có quy hoạch được thì tính khả thi thấp dẫn đến quy hoạch treo.
Nguyên nhân khách quan: Đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực quy hoạch không gian ngầm đô thị chúng ta còn thiếu, nguồn lực vật chất hạn hẹp, muốn triển khai được quy hoạch chi tiết cần phải khảo sát về địa chất, thủy văn, xã hội học, đánh giá tác động môi trường…
Trạm tàu điện ngầm Komsomolskaya (Moscow) được trang trí theo phong cách hoa mỹ giống như một phòng khiêu vũ lớn.
Vậy theo ông, về mặt pháp luật chúng ta cần bổ sung các nội dung gì để giúp công tác quy hoạch không gian ngầm đô thị và xây dựng các không gian này được thuận lợi?
- Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng có kế hoạch sửa Luật Quy hoạch đô thị, cá nhân tôi rất muốn có một chương riêng nói về quy hoạch không gian ngầm đô thị. Trong đó cần nói rõ quyền sử dụng bề mặt, quyền sử dụng phía dưới và quyền sử dụng trên không. Cũng như các Luật của Mỹ, Canada nói về vấn đề này (Surface Right, Subsurface Right, Air Right), có nghĩa là tổ chức cá nhân được giao quyền sử dụng đất phía trên thì được sử dụng phần dưới mặt đất và trên mặt đất như thế nào, không thể sâu và cao vô hạn được. Luật pháp của Việt Nam nói phải phụ thuộc và quy hoạch, nhưng chúng ta mới chỉ có quy hoạch trên mặt đất và quy hoạch trên không gian, mà độ phủ quy hoạch này còn chưa kín, chiều cao cụ thể của từng công trình còn phụ thuộc vào quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, nên rất vướng cho các các tổ chức và cá nhân muốn xây dựng công trình ngầm. Hay các khu vực công cộng như vườn hoa, công viên, quảng trường, thì có thể cấp quyền sử dụng không gian ngầm cho các tổ chức, cá nhân không? Hay dưới nhà dân, có tuyền tàu điện ngầm đi qua thì nhà nước hay tổ chức sử dụng, khai thác tuyến tàu điện ngầm có phải trả tiền cho người dân không? Và nhiều vấn đề khác nữa liên quan đến cả Luật Đất đai, Luật Dân sự…
Về góc độ kỹ thuật, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu để thời gian tới bổ sung các yếu tố kỹ thuật liên quan đến quy hoạch không gian ngầm vào Quy chuẩn quy hoạch xây dựng (QCVN01:2021) để làm căn cứ lập và thẩm định các đồ án quy hoạch không gian ngầm.
Với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình thực hiện các đồ án quy hoạch không gian ngầm đô thị, theo tôi nên mời các chuyên gia quốc tế, có kinh nghiệm đến từ các nước có không gian ngầm phát triển như Anh, Pháp, Nga, Nhật, Mỹ để học hỏi kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương phải có quyết tâm chính trị cao để giải quyết bài toán này, vì đây là công việc mới, khó khăn, nhưng không vì thế mà chúng ta chậm trễ trong việc thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, không gian ngầm không chỉ là vấn đề giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị (phục vụ cấp nước, thoát nước, cấp điện, kho ngầm, bãi đỗ xe ngầm…) mà còn phục vụ cho mục đích an ninh quốc phòng của mỗi quốc gia.
PV: Xin cảm ơn ông!
Trên thế giới hiện có trên 50 quốc gia có hệ thống tàu điện ngầm, dẫn đầu là châu Âu với lịch sử phát triển và có hệ thống tàu điện ngầm gắn với không gian ngầm đô thị lâu đời và đồng bộ nhất. Ví dụ như hệ thống tàu điện ngầm Luân Đôn (Anh) 11 tuyến, tổng chiều dài 402 km và 270 nhà ga, lưu lượng 5tr khách/ngày. Tuyến tàu điện ngầm đầu tiên được khai thác tại Luân Đôn là vào năm 1863. Pháp là nước thứ 3 tại châu Âu có tàu điện ngầm đưa vào hoạt động năm 1900 (sau Hungari 1896), ngày nay Paris có 16 tuyến tàu điện ngầm, tổng chiều dài gần 250km, 298 nhà ga, lưu lượng 4,5 triệu lượt/ngày. Moscow có hệ thống tàu điện ngầm nổi tiếng với các nhà ga đẹp và hoành tráng, tuyến tầu điện ngầm đầu tiên của Nga hoạt động vào năm 1935. Đến nay metro Moskva đã có 12 tuyến, tổng chiều dài gần 300 km, 200 nhà ga lưu lượng 7 triệu khách/ngày. Tại châu Mỹ, Hoa Kỳ là quốc gia xây dựng và vận hành tàu điện ngầm đầu tiên năm 1904 tại New York, với 337km (route length), 468 ga, lưu lượng khoảng 4,5triệu lượt khách/ngày, tiếp sau Hoa kỳ là Argentina (1913), Canađa (1954), Mehico (1969), gần đây nhất là Panama (2014). Tại châu Á, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên xây dựng và vận hành tàu điện ngầm ở Tokyo năm 1927, ngày nay Tokyo có 13 tuyến, tổng chiều 328 km, 282 nhà ga, lưu lượng 8,7tr lượt khách/ngày. Năm 1971, Trung Quốc cũng bắt đầu vận hành tuyến tàu điện ngầm đầu tiên, năm 1973, 1974 Triều Tiên và Hàn Quốc cũng bắt đầu sử dụng tàu điện ngầm tại thủ đô Bình Những và Seoul. Nhìn vào Việt Nam với hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và 3 đô thị loại I trực thuộc Trung ương đang đứng trước các vấn đề về mật độ dân số, do vậy xu hướng đô thị nén là điều tất yếu, đòi hỏi phải giải quyết các vấn đề về cơ sở hạ tầng đô thị rất cấp bách trong khi quỹ đất bề mặt đã bị khai thác gần như không còn. Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, Việt Nam cần thực hiện ngay việc quy hoạch và xây dựng không gian ngầm đô thị để các đô thị Việt Nam phát triển văn minh, bền vững. |
Thu Hiền – Đặng Ngân
(Báo Xây dựng)
- Mô hình thành phố trong thành phố: “Chiếc áo” thể chế và kỳ vọng phát triển bền vững
- Thừa Thiên Huế: Gỡ vướng các dự án đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế
- Phó chủ tịch HAWA: Vẫn còn nhiều dư địa để khởi nghiệp ngành gỗ
- Thị trường bất động sản 2022: Thận trọng trước những ranh giới
- Một năm khó khăn kép với nhà thầu xây dựng
- Sửa Luật Đầu tư: Kỳ vọng “cởi trói” cho hàng trăm dự án nhà ở đang bị ách tắc
- GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: Kiến trúc nông thôn đang tự phát
- Không để Covid-19 ảnh hưởng đến “luồng xanh” xây dựng
- KTS Ngô Viết Nam Sơn: "Tiền đâu để xây đô thị ngầm tại TP.HCM?"
- Xây dựng đô thị ngầm, cần đối tác công tư