Ashui.com

Tuesday
Jan 07th
Home Tương tác Đối thoại Phó chủ tịch HAWA: Vẫn còn nhiều dư địa để khởi nghiệp ngành gỗ

Phó chủ tịch HAWA: Vẫn còn nhiều dư địa để khởi nghiệp ngành gỗ

Viết email In

Năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ Việt Nam tăng trưởng 19,7% so với năm 2020. Trong đó, thị trường Mỹ tăng trưởng 22,4%, chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu.

KTSG Online phỏng vấn ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), về định hướng phát triển ngành trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Chánh Phương cho rằng ngành gỗ vẫn cần và còn nhiều lĩnh vực tiềm năng như phần mềm, công nghiệp hỗ trợ, thương mại điện tử, logistics,… là cơ hội cho các bạn trẻ khởi nghiệp.


Ông Nguyễn Chánh Phương

Cũng bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng khép lại năm 2021, ngành đồ gỗ Việt Nam có một năm tăng trưởng ngoạn mục về kim ngạch xuất khẩu. Thành quả này nhờ đâu thưa ông?

Theo số liệu Tổng cục Hải quan, trong năm 2021 trị giá xuất khẩu của nhóm gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 14,81 tỉ đô la Mỹ, tăng 19,7%, tương ứng tăng 2,44 tỉ đô la so với năm 2020. Trong số các nhóm hàng đạt trên 10 tỉ đô la nếu so sánh với năm 2019 thì đây là nhóm hàng có mức tăng khá tốt với 4,16 tỉ đô la, tương ứng tăng 39%, trong khi một số nhóm khác lại giảm so với năm 2019.

Ông Nguyễn Chánh Phương: – Đó là do thị trường tiêu thụ đồ gỗ toàn cầu, đặc biệt trong phân khúc đồ gỗ gia đình ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều tăng trưởng.

Mặt khác, Việt Nam không bị đứt gãy chuỗi cung ứng trong suốt năm 2020 đến quí 2-2021 trong khi các quốc gia xuất khẩu chính khác đều gặp khó khăn, đặc biệt Trung Quốc vẫn chịu thuế suất cao khi xuất vào thị trường Mỹ. Đáng chú ý, các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết với các nước và khu vực đã có hiệu lực với thuế suất về 0% hoặc rất thấp so với trước đây đã làm tăng tính cạnh tranh ngành gỗ Việt Nam.

Ngoài ra, việc chủ động được 70% nguyên liệu gỗ và ván trong nước và lực lượng lao động dồi dào, giá rẻ cũng giúp duy trì chi phí sản xuất cho doanh nghiệp trong ngành cạnh tranh so với sản phẩm xuất khẩu của các nước khác.

Nhiều ý kiến cho rằng dù xuất khẩu cao nhưng chủ yếu làm gia công, chưa có khâu sản xuất mang lại giá trị cao trong sản phẩm, như thiếu khâu thiết kế, bán lẻ, thương hiệu… Ông nghĩ sao về những ý kiến này?

– Làm gia công là giai đoạn tất yếu trong việc phát triển ngành công nghiệp gỗ nội thất Việt Nam. Khi doanh nghiệp tích lũy đủ kinh nghiệm, kiến thức, tài chính, đối tác…, họ sẽ chủ động có những dịch chuyển và đầu tư hợp lý cho khâu thiết kế, bán lẻ, thương hiệu. Tôi tin việc này sẽ làm được khi các thế hệ tiếp theo của ngành gỗ được học tập từ nước ngoài bài bản, và ngành đang có sự kế thừa.

Nhưng nhiều ý kiến cho rằng ngành sản xuất đồ gỗ nói chung và nội thất nói riêng không thu hút giới trẻ lập nghiệp do vất vả và cần nhiều lao động nên không có sự kế thừa các nguồn lực để nối tiếp đàn anh. Ông thấy điều này có đúng không?

– Không hẳn vậy. Trên thực tế, ngành đồ gỗ vẫn đang thu hút một lực lượng các bạn trẻ khởi nghiệp, lập nghiệp đặc biệt trong ngành trang trí nội thất từ các bạn học xây dựng, kiến trúc… Tuy nhiên cơ hội phát triển lớn như cách đây 12-20 năm không nhiều vì hạn chế tài chính, quỹ đất công nghiệp ngày càng đắt đỏ.

Ngành gỗ hiện nay cũng đang có thế hệ thứ 2 được đào tạo bài bản hơn đang tham gia phát triển doanh nghiệp nhưng cần có sự đột phá, sáng tạo hơn. Ngành gỗ vẫn cần và còn nhiều lĩnh vực tiềm năng như phần mềm, công nghiệp hỗ trợ, thương mại điện tử, logistics… là cơ hội cho các bạn trẻ khởi nghiệp.


Nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đồ gỗ Việt Nam.
(Ảnh: Hùng Lê)

Đang ở một vị thế xuất khẩu đứng tốp đầu trên thế giới, ông có nghĩ rằng đây là giai đoạn thích hợp để doanh nghiệp trong ngành cần chuyển đổi từ OEM sang ODM?

– Thật ra đã có một số doanh nghiệp thực hiện bằng việc hợp tác với các nhà thiết kế nước ngoài, xây dựng đội ngũ thiết kế trong nước… Tuy nhiên điều này phụ thuộc vào tầm nhìn, kỹ năng và kinh nghiệm của chủ doanh nghiệp cũng như mạng lưới kết nối và hỗ trợ của hiệp hội. 

"Năm 2021, dù là ngành chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh nhưng kim ngạch xuất khẩu trung bình/tháng năm 2021 là 1,23 tỉ đô la/tháng, cao hơn so với mức 1,03 tỉ đô la /tháng của năm 2020 và 888 triệu đô la/tháng của năm 2019." 

Cũng có nhiều ý kiến không mấy vui khi cho rằng xuất khẩu đồ gỗ là phá rừng hay là “cánh cửa” né thuế cho những doanh nghiệp Trung Quốc và các nước khác tận dụng thuế quan ưu đãi của các nước với Việt Nam. Ông nghĩ sao về những ý kiến này?

– Tôi khẳng định xuất khẩu ngành đồ gỗ không có chuyện phá rừng. Bởi lẽ ngành đồ gỗ xuất khẩu sử dụng 100% gỗ rừng trồng trong nước và nhập khẩu cũng từ rừng trồng của các nước có hệ thống phát triển rừng bền vững từ Bắc Mỹ, châu Âu, Nam Mỹ, Úc, New Zealand.

Việc các nước đầu tư sản xuất ở Việt Nam để tận dụng lợi thế thuế quan, đất đai, nhân công… là điều hiển hiển nhiên. Tôi tin rằng doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế sân nhà, khi tích lũy đủ tài chinh, kinh nghiệm sẽ vượt qua doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI).

Năm 2021 cũng đánh dấu lần đầu tiên ngành gỗ Việt Nam vượt Trung Quốc, trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho thị trường Mỹ. Điều này là tin vui hay là lo lắng thưa ông, nhất là Mỹ chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam và Mỹ đặt nhóm hàng hóa này của Việt Nam vào diện giám sát về chống gian lận thuế, né thuế?

– Việc Việt Nam vượt Trung Quốc vươn lên dẫn đầu xuất khẩu nhiều đồ gỗ ở thị trường Mỹ theo tôi chắc chắn là tin vui đối với những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bài bản, bền vững. Thống kê này cho thấy sự phát triển của ngành gỗ Việt Nam, đánh dấu sự lớn mạnh của thương hiệu, tạo được sự chú ý của các nhà mua hàng quốc tế.

Tuy nhiên việc này cũng sẽ làm các nhà quản lý của Mỹ lưu tâm kiểm soát về chất lượng, về thuế… sẽ làm cho các nhà sản xuất trong nước lưu tâm về hệ thống quản lý sản xuất cũng như các cơ quan quản lý Việt Nam về kiểm soát phòng vệ thương mại…

Vậy làm sao để khắc phục điều này, thưa ông?

– Tôi cho rằng các cơ quan quản lý Việt Nam cần xây dựng và thực thi các chính sách quản lý rừng và sản xuất bền vững một cách chủ động, nhất quán và bao trùm tất cả đối tượng trong chuỗi cung ứng cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu. Các cơ quan phòng vệ thương mại nắm bắt, thông tin kịp thời cho doanh nghiệp và sẵn sàng cho các vụ kiện nếu có.

Về phía doanh nghiệp, tôi cho rằng cần xây dựng các hệ thống quản trị sản xuất theo hướng bền vững, chia nhỏ các rủi ro và luôn sẵn sàng cung cấp thông tin và giải trình khi có yêu cầu.


Sản xuất của một doanh nghiệp đồ gỗ. Ảnh: TL

Ông dự báo ngành sản xuất đồ gỗ Việt Nam năm nay và những năm tới như thế nào?

– Ngành sản xuất đồ gỗ Việt Nam đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 20 tỉ đô la Mỹ đến 2025. Nhìn vào sự ổn định của thị trường thế giới, cá nhân tôi cho rằng mục tiêu này có thể sẽ đạt được sớm hơn 1 năm, tức là vào năm 2024.

Tuy nhiên để đạt kết quả này cần phải duy trì được nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng bền vững; ổn định chi phí nhân công và cơ sở phát triển sản xuất bền vững của Chính phủ. Mặt khác, doanh nghiệp cần phải chuyên môn hóa cao, lựa chọn những mặt hàng có giá trị cao để duy trì hiệu quả sản xuất kinh doanh. Việc thu hút thêm doanh nghiệp đầu tư bài bản, mở rộng sản xuất cũng được xem là yếu tố quan trọng để thúc đầy ngành phát triển và đạt mục tiêu đề ra nhanh hơn.

"Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nhóm hàng này sang các thị trường chính, cụ thể: Mỹ đạt 8,8 tỉ đô la, tăng mạnh 22,4%; Trung Quốc đạt 1,5 tỉ đô la, tăng 24,7%; Nhật Bản đạt 1,44 tỉ đô la, tăng 11% so với năm trước." 

Dịch Covid-19 trong 2 năm qua yêu cầu tất cả các doanh nghiệp phải chuyển đổi để thích ứng. Ông đánh giá về việc chuyển đổi số và đầu tư thiết bị công nghệ của doanh nghiệp trong ngành này hiện nay như thế nào?

– Theo quan sát của HAWA, trong thời gian bị ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng đã nhanh chóng chuyển đổi cho phù hợp với thời cuộc. Nhờ đó, một số doanh nghiệp đã duy trì được kết nối với các khách hàng quốc tế qua hệ thống showroom ảo trực tuyến, làm chủ được quá trình giao tiếp với khách hàng qua website, phần mềm họp trực tuyến Zoom….

Rất nhiều doanh nghiệp đầu tư thiết bị công nghệ mới công nghệ cao để tăng công suất và giá trị. Một số doanh nghiệp còn đầu tư bài bản về những hệ thống ERP, CRM… để làm nền tảng cho chuyển đổi số. Tuy nhiên tỷ lệ chưa nhiều, thành công chưa lớn vì còn hạn chế về tài chính, nhất là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.

Ông nhìn nhận thị trường nội địa như thế nào, doanh nghiệp gỗ trong nước có khai thác thị trường này chưa?

– Với dân số gần 100 triệu người và thu nhập bình quân tăng liên tục, thị trường nội địa vẫn đang được khai thác tốt từ các nhà sản xuất, phân phối trong nước với sản phẩm đa dạng cả trong nước lẫn nhập khẩu do nhu cầu sử dụng khác nhau. Hiện nay tốc độ đô thị hóa cũng như sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch dù có chậm lại nhưng thị trường đồ gỗ trong nước vẫn còn rất tiềm năng trong các năm tới.

Theo ông, đâu là thách thức lớn nhất của ngành sản xuất đồ gỗ hiện nay, và cần có giải pháp gì để giải quyết những thách thức đó?

– Doanh nghiệp Việt Nam chiếm được phân khúc có giá trị cao và ổn định, vượt qua khó khăn về chi phí logistics rất cao hiện tại để có hiệu quả lợi nhuận trong sản xuất.

Hùng Lê thực hiện

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 5329 khách Trực tuyến

Quảng cáo

  


Loading...