Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tương tác Đối thoại Không để Covid-19 ảnh hưởng đến “luồng xanh” xây dựng

Không để Covid-19 ảnh hưởng đến “luồng xanh” xây dựng

Viết email In

Việc thực hiện các biện pháp chống dịch thiếu thống nhất và máy móc đã làm ách tắc hoạt động xây dựng, gây thiệt hại kinh tế không đáng có. Vì vậy, cần phải nhanh chóng xem xét lại cách thức chống dịch giữa các địa phương, các vùng… để tránh ảnh hưởng “luồng xanh” xây dựng... 


Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC)

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Việt Nam /VnEconomy, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết trước ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, nhiều dự án không thể thi công do thực hiện giãn cách xã hội, thiếu nguồn lao động hay thiếu nguyên vật liệu... ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền của doanh nghiệp.

VACC vừa có buổi làm việc với Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, thưa ông?

- Sau khi Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng được thành lập theo Quyết định số 1447/QĐ-TTg ngày 30/8/2021, VACC đã liên hệ, đề xuất có buổi làm việc với Tổ công tác và được chấp thuận. Buổi làm việc diễn ra sau đúng 2 ngày kể từ khi Quyết định được công bố.

VACC đánh giá cao tinh thần hành động khẩn trương, “chống dịch như chống giặc” của Tổ công tác trong việc chủ động lắng nghe, trao đổi và bàn thảo các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu xây dựng. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều dự án bị đình trệ thi công, tiến độ bị ảnh hưởng và nguồn lực tài chính của doanh nghiệp dần cạn kiệt, đứng trước bờ vực phá sản.

Vậy VACC đã kiến nghị những khó khăn, vướng mắc nào lên Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng?

- Trước ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, VACC đã kiến nghị ba nhóm vấn đề với Tổ công tác nhằm sớm có giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn, giúp cho doanh nghiệp cầm cự được qua thời điểm Covid-19.

Thứ nhất, hiện nay Luật Dân sự 2015 cũng như Luật Xây dựng sửa đổi 2020 không đưa ra bất kỳ quy định nào về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu liên quan tới đại dịch. Hơn nữa, việc doanh nghiệp phải dừng thi công theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng không có quy định cụ thể khẳng định đây là trường hợp bất khả kháng.

Điều này dẫn tới khi thanh quyết toán hợp đồng, nhiều doanh nghiệp xây dựng có thể phải đối mặt với rất nhiều khúc mắc, tranh chấp phát sinh liên quan tới chậm tiến độ, phát sinh chi phí liên quan tới chậm tiến độ…

Thậm chí, ngay cả trong trường hợp quy định được sửa đổi, bổ sung và dịch bệnh được ghi nhận là trường hợp bất khả kháng, doanh nghiệp có được quyền hồi tố hay không cũng là vấn đề.

Những vấn đề này cần phải được lường trước, đặc biệt đối với ngành xây dựng, vốn có nhiều liên quan tới việc thực hiện hợp đồng đầu tư công, hợp đồng vốn ngân sách, hợp đồng PPP…

Thứ hai, dịch Covid-19 dự kiến còn diễn biến phức tạp, kéo dài, chưa biết lúc nào chấm dứt. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xác định phải có phương án sống chung với dịch bệnh bởi theo tính toán của nhiều chuyên gia, cứ một tháng giãn cách sẽ làm GDP giảm 2%. Do đó, thay vì đóng "sập cửa" để chống dịch, chúng ta phải vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch.

Theo đó, chống dịch không nên làm đồng loạt như nhau vì tình hình dịch bệnh ở các tỉnh là không giống nhau, có tỉnh nặng, có tỉnh nhẹ. Do đó, các tỉnh không nên áp dụng biện pháp chống dịch máy móc, đồng loạt. Chẳng hạn, như Hà Nội, trong số 20 quận huyện chỉ có 13 quận huyện có ca F0, 7 quận huyện không có ca nào nhưng vẫn áp dụng theo chính sách chung. Điều này sẽ ảnh hưởng đến môi trường phát triển kinh tế chung của cả thành phố. Vì vậy, cần có hướng dẫn cụ thể tránh thiệt hại kinh tế không đáng có.


Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và hoàn tất thủ tục giải thể trong lĩnh vực xây dựng lần lượt đứng thứ 2 và thứ 3 trong 17 ngành lĩnh vực của nền kinh tế.

Hiện nay, chúng ta có khoảng 40-50 nghìn doanh nghiệp xây dựng; trong đó, số doanh nghiệp có vốn trên 30 tỷ đồng chiếm 15-20%, còn lại khoảng 80% doanh nghiệp có vốn dưới 30 tỷ đồng. Sức chống chịu của doanh nghiệp xây dựng rất kém, nên họ chỉ có thể chịu đựng được các biện pháp chống dịch trong quãng thời gian ngắn, nếu kéo dài vài tháng doanh nghiệp sẽ không thể trụ được.

Phải có quy chế hướng dẫn cụ thể những doanh nghiệp, dự án nào được làm, doanh nghiệp, dự án nào không được làm. Bộ Xây dựng đã ban hành văn bản hướng dẫn nhưng những quy định này chưa thành quy định mang tính chất điều hành cho nên mỗi nơi áp dụng một kiểu.

Hiện các công trình xây dựng chiếm đến 90% GDP quốc gia, mà dự án không thể thực hiện được thì rất gay go. Nhiều tỉnh thành cho dừng thực hiện các dự án, trong khi dịch bệnh chưa ảnh hưởng. Việc áp dụng các biện pháp phòng thân như vậy sẽ ảnh hưởng đến lợi ích toàn quốc gia. Do đó, chúng ta phải có chủ trương thống nhất.

Vì vậy, VACC xin kiến nghị với Thủ tướng, đối với những công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, san nền có mặt bằng rất thoáng không bị tập trung đông người hoặc những công trình xây dựng đang ở vào giai đoạn hoàn thiện cuối để bàn giao mà không nằm trong vùng dịch trọng điểm vẫn được cho phép tiếp tục triển khai (nhưng phải áp dụng đầy đủ các biện pháp kiểm tra phòng chống dịch).

Thứ ba, lực lượng lao động ngành xây dựng có đặc thù riêng, chủ yếu là lao động thời vụ (chiếm 70-75% tổng số lao động), và các công trình xây dựng nhận thầu không có đăng ký thường trú, tạm trú với địa phương. Do đó, lực lượng lao động này không có trong danh sách được tiêm chủng vaccine, dẫn tới việc tiêm chủng rất chậm trễ và khó khăn. Do đó, VACC mong muốn Chính phủ sớm xem xét chính sách ưu tiên cho nhóm lao động này.

Cùng với đó, chúng tôi cũng kiến nghị dừng thu bảo hiểm xã hội 6 tháng cuối năm cho tất cả các lao động thời vụ ký hợp đồng lao động từ dưới 6 tháng tại các doanh nghiệp xây dựng (vì lao động thời vụ nông nhàn là một đặc thù của ngành xây dựng Việt Nam, hiện nay do tình hình dịch bệnh, công việc thì phải dừng, về quê thì không được mà ở lại cũng không có thu nhập). Đây là một vấn đề bức xúc mà toàn bộ các doanh nghiệp xây dựng đều tha thiết mong Thủ tướng quan tâm xử lý.

Ngoài ra, VACC cũng kiến nghị một số vướng mắc tới Tổ công tác liên quan tới ổn định dòng tiền của doanh nghiệp xây dựng; tạo điều kiện đi lại cho chuyên gia, lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam và quy định liên quan tới mỏ đất, giá cả vật liệu xây dựng...

Vậy đã có những tháo gỡ nào được Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng đưa ra, thưa ông?

- Trên cơ sở các kiến nghị của VACC và của các nhà thầu dự tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Tổ phó Tổ công tác, khẳng định Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên, liên tục cập nhật, bám sát tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp xây dựng để sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc do tác động của dịch Covid-19.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết hầu hết các kiến nghị của VACC đã được đề cập đến trong Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và đang trình Chính phủ thông qua trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, những vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có liên quan đến các quy định về phòng chống dịch của địa phương cần được phản ánh kịp thời về bộ quản lý ngành, lĩnh vực hoặc Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Trong đó, vấn đề cần làm ngay là phân vùng để có hướng dẫn cụ thể tới từng vùng, doanh nghiệp được làm gì và không được làm gì và tạo sự liên kết, kết nối với các địa phương, các vùng để tránh mỗi nơi mỗi kiểu.

Đặc biệt, liên quan tới vấn đề về bất khả kháng do dịch Covid-19 gây ra, Tổ công tác sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét thêm trước khi có các quy định, hướng dẫn cụ thể.

Khánh Vy thực hiện

(VnEconomy)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2501 khách Trực tuyến

Quảng cáo