Ông Trương Trung Kiên, trưởng phòng quản lý quy hoạch khu trung tâm, Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM, đánh giá như vậy khi trao đổi với PV về việc “nén” cao ốc khu trung tâm. Ông nói:
- Hiện nay cũng như về lâu dài, khu trung tâm vẫn là nơi tập trung nhiều công trình cao tầng của TP.HCM. TP đang tiến hành quy hoạch 1/2.000 khu trung tâm (tổng diện tích 930ha, gồm Q.1, 3, 4 và Bình Thạnh - PV) và cuối năm nay sẽ hoàn chỉnh. Dự kiến với quy hoạch mới, hệ số sử dụng đất tại khu trung tâm sẽ tăng lên thì cao ốc chắc chắn sẽ nhiều hơn bây giờ nhưng sẽ phân bố hợp lý hơn.
Như các khu vực thuận tiện đường giao thông hoặc quanh đầu mối giao thông công cộng cho phép tập trung nhiều công trình cao tầng. Hiện nay, so với các TP trên thế giới, cao ốc tại TP.HCM chưa thể gọi là nhiều.
- Ảnh bên : Không gian kiến trúc lộn xộn xung quanh Nhà hát TP.HCM (Ảnh: T.T.D.)
* Nhưng thưa ông, khó có thể đếm cao ốc để so bì số lượng vì điều kiện hạ tầng ở các thành phố trên thế giới khác nhiều so với TP.HCM và thực tế khu trung tâm khó có thể mở rộng thêm đường?
- Chính vì thế phải có kế hoạch để cân đối xây dựng cao ốc khu vực nào là phù hợp. Nhưng trung tâm TP.HCM hiện tại vẫn là nơi có hạ tầng tốt nhất so với những khu vực khác trong TP. Đúng là mở đường thêm rất khó khăn nhưng việc cải thiện hạ tầng không nhất thiết phải mở rộng các tuyến đường hiện hữu mà có thể làm đường sắt nội ô, tăng cường giao thông công cộng tốc độ cao, bố trí các bãi đậu xe ở các cửa ngõ TP để hạn chế xe vào trung tâm, sắp xếp các hệ thống giao thông cho phù hợp...
* Quy hoạch 1/2.000 còn đang thực hiện, vậy thời gian qua TP cho xây dựng các cao ốc dựa trên những tiêu chí nào? Bây giờ mới xem xét điều chỉnh quy hoạch, liệu có chậm quá không?
- Năm 1998, TP đã có quy hoạch 1/2.000 khu trung tâm TP nhưng do sự phát triển của TP, quy hoạch này hiện không còn phù hợp. Việc điều chỉnh quy hoạch được khởi xướng từ năm 2004-2005, nhưng do sự phát triển nhanh của TP nên phải vừa làm vừa điều chỉnh. Hiện TP rất quan tâm đến hạ tầng ngầm và đây cũng là một trong những nội dung mới của quy hoạch khu trung tâm lần này.
Trước đây, quy trình cho phép xây dựng một dự án cao ốc phải đi qua hội đồng kiến trúc TP, các cơ quan có thẩm quyền và sắp tới các bước đó vẫn được xem xét đầy đủ, làm sao để đảm bảo về mặt hạ tầng cũng như các yếu tố liên quan tới môi trường.
Việc phát triển cao ốc của TP vẫn đang trong tầm kiểm soát. Quy hoạch đang làm cũng được xem xét rất nhiều mặt, kể cả về môi trường, tổ chức giao thông để có các giải pháp tương đối toàn diện. Với quy hoạch đồng bộ, giải pháp đầy đủ thì trung tâm TP sẽ cải thiện nhiều mặt, kể cả hạ tầng. Nếu như thực hiện được những việc đang làm thì vài năm sau TP vẫn phát triển cao ốc nhưng hạ tầng cũng sẽ tốt hơn.
* Vừa qua Hà Nội có dừng xây hàng loạt cao ốc tại khu trung tâm, TP.HCM có nên xem xét việc này?
- Thật ra không phải Hà Nội dừng xây cao ốc mà chỉ rà soát ngừng việc phá dỡ biệt thự xây cao ốc. Hiện Sở Xây dựng TP.HCM cũng đang làm chương trình này.
D.NGỌC HÀ - PHÚC HUY (thực hiện)
Một lãnh đạo Sở Quy hoạch - kiến trúc TP.HCM: Đã tính đến sức chịu đựng của hạ tầng Tôi đồng tình với các dự báo của các đại biểu HĐND TP, ngần ấy dự án cao ốc chưa đến mức độ nguy hiểm như các vị đã nói nhưng vẫn đề cao cảnh báo là đúng. Về lâu dài, TP cũng đã tính đến tổ chức đa trung tâm. Những năm gần đây khi xét chiều cao của các dự án ở khu trung tâm, hội đồng quy hoạch kiến trúc TP đã tính đến sức chịu đựng của hạ tầng chứ không phải cho khơi khơi hay nhắm mắt “phết” bừa. Hiện chưa có áp lực nào khiến trung tâm không có chỗ cho người đi. Theo nghiên cứu, trung tâm TP còn có thể gia tăng hệ số sử dụng đất nữa chứ chưa phải dừng lại ở đó. Theo tính toán của các nhà quy hoạch, hệ số sử dụng đất của khu vực 930ha trung tâm TP có thể từ 3-4 lần. Hiện nay chúng ta mới sử dụng đất 2,4-2,6 lần. Người dân ở khu vực trung tâm TP cho rằng những năm gần đây kẹt xe, nước ngập đến gần hơn, khí thải, khí gas dùng cho máy lạnh văn phòng làm không khí nóng hơn. Tôi đồng ý điều đó. Các cao ốc của ta chưa áp dụng được quy chế lắp đặt và quản lý các thiết bị điều hòa trong tòa nhà. Người ta chỉ dùng một máy cho toàn bộ tòa nhà, còn chúng ta sử dụng mỗi phòng một máy điều hòa nên khí thải từ máy điều hòa nhiều hơn. Cái này cần phải khắc phục. Tôi cũng đồng ý là hạ tầng khu trung tâm chưa được đầu tư xứng đáng so với hệ thống cao ốc, nhưng nói từng khu vực thì đúng, còn toàn khu trung tâm như vậy thì chưa chính xác. Tính nguy hiểm, đe dọa của cao ốc lên hạ tầng chưa ghê gớm như một số ý kiến đề cập. _________________ Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn: Nhiều khả năng trung tâm TP thành “bãi container” Việc xen cấy hệ thống nhà cao tầng nhằm đổi mới diện mạo kiến trúc đô thị là cần thiết. Tuy nhiên, việc đưa những khối lớn đặt cạnh những công trình truyền thống có khối nhỏ hơn một cách thiếu cân nhắc có khi gây phản cảm. Và cái mất lớn nhất là chúng ta đã xóa đi một hệ thống kiến trúc gắn bó với đời sống muôn mặt của quá trình tồn tại và phát triển. Cái đẹp cũ đã mất, cái đẹp mới không hình thành, tạo ra một không gian kiến trúc mà đặc trưng lại là sự lộn xộn như tổng thể kiến trúc quanh nhà thờ Đức Bà hay quanh Nhà hát TP. Hệ thống kiến trúc cao tầng đang xen cấy vào khu vực trung tâm TP hiện nay gần như không tuân theo bất cứ quy hoạch bố cục nào. Dáng dấp từng ngôi nhà, năng lực diễn cảm tùy thuộc kiến trúc sư thiết kế, hao hao giống nhau. Còn kiến trúc sư thì tùy thuộc vào chỉ đạo cảm hứng của chủ đầu tư, phần lớn là nước ngoài. Chưa nói đến sự phụ thuộc của chính quyền TP mong muốn nhanh chóng đổi mới diện mạo đô thị. Với tốc độ xen cấy và phương pháp quy hoạch như hiện nay, nhiều khả năng trung tâm TP sẽ biến thành “một bãi container” mà chúng ta, cư dân TP này, giống như một đàn kiến len lỏi, luồn lách, leo trèo trong cái bãi container đắt tiền ấy. Việc tăng dày khối lượng nhà cao tầng lên khu vực trung tâm trước hết làm tăng áp lực lên nền địa chất. Đã nhiều TP sụt lún do tải trọng vượt quá sức chịu, nhưng rõ nhất là tăng sức ép lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật đã không thể mở rộng hoặc nâng cao công suất. |
[ Chuyên đề : Xây dựng nhà cao tầng trong nội đô ]
- Học làm quy hoạch - phỏng vấn TS Phạm Sỹ Liêm
- Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam: Kiến nghị thông qua đồ án quy hoạch Hà Nội
- Xây nhà chọc trời ở Hà Nội: “Tôi hơi lo!”
- Trục Hồ Tây – Ba Vì: Bất đồng vì quá... "nâng tầm"!
- Tập trung vào phân khúc nhà ở bình dân
- Nhà cho người thu nhập thấp có đến đúng đối tượng?
- "Bẫy" đấu thầu giá rẻ
- Sông Sài Gòn nên là dòng sông của văn hóa, du lịch
- Dự án tàu điện một ray: Cần nghiên cứu sâu hơn
- Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: “Tôi ủng hộ căn hộ diện tích nhỏ”