Ashui.com

Thursday
Nov 28th
Home Tương tác Đối thoại Trục Hồ Tây – Ba Vì: Bất đồng vì quá... "nâng tầm"!

Trục Hồ Tây – Ba Vì: Bất đồng vì quá... "nâng tầm"!

Viết email In

Mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản 6496 gửi Chính phủ về việc không nên chuyển trung tâm hành chính lên Ba Vì cũng như xây trục Hồ Tây – Ba Vì trong quy hoạch chung Thủ đô. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng vẫn “bảo lưu” tuyến đường này.
 
Trước các ý kiến trái chiều này, Kiến trúc sư Trần Quốc Hùng đã chia sẻ quan điểm của mình.

Quy hoạch phải… từng bước
 
- Thưa ông! trong thời gian gần đây, UBND Thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng đang có những ý kiến trái chiều về việc xây hay không xây trục Hồ Tây – Ba Vì. Ở khía cạnh là một kiến trúc sư, ông nghĩ sao về vấn đề này?
 
Sau rất nhiều tranh luận về trục Hồ Tây – Ba Vì, tôi thấy vấn đề ở đây vẫn chỉ là cái đường, cứ đao to búa lớn thành ra nó phức tạp. Theo tôi, việc phát triển quy hoạch đô thị của Hà Nội là cần thiết. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay thì việc phát triển phải theo từng bước, việc quy hoạch phải được công bố rộng rãi đến các nhà khoa học và người dân để lấy ý kiến, từ đó sẽ chắt lọc được những ý tưởng tốt.

  • Ảnh bên : Mô hình trục Hồ Tây - Ba Vì

Mấu chốt vấn đề đang được tranh luận ở đây chỉ là quan niệm và cách gọi. Nếu việc xây dựng tuyến đường chỉ nhằm phát triển giao thông, phát triển quy hoach vùng như ý kiến của Bộ xây Dựng thì vấn đề sẽ không có gì. Nhưng thực tế lại nâng tầm nó lên là trục tâm linh, phong thuỷ…với việc quá đề cao ý tưởng thiết kế, ý tưởng quy hoạch làm cho vấn đề trở nên quá to tát và quan trọng. Vấn đề này tôi thấy đã có sự điều chỉnh của các nhà làm quy hoạch.
 
- Vậy theo ông, việc "quá nâng cao" quan điểm trục Hồ Tây – Ba Vì có nhằm một mục đích gì riêng tư không?
 
Tôi nghĩ đây là câu hỏi rất khó trả lời bởi khi đầu tư phải dựa vào quy hoạch, mà quy hoạch được Chính phủ và Quốc hội phê duyệt. Có lẽ đây chỉ là sự quan tâm kỳ vọng vào ý tưởng của một dự án rất quan trọng.
 
- Vậy đây có phải là nguyên nhân khiến giá đất bị đẩy lên cao trong thời gian qua?
 
Chúng ta đang ở trong thời điểm rất nhạy cảm, dự án đầu tư vào phía tây rất nhiều. Mọi người kể cả các công ty, cá nhân, tập đoàn đầu tư về bất động sản cũng rất kỳ vọng nên dự báo về trục đường đã tác động rất mạnh đến thị trường bất động sản trong thời qua. Người dân thấy sốt đất ghê quá đổ xô vào đầu tư, vô tình tạo ra áp lực lên nhà quy hoạch. Cái đấy không phải lỗi của nhà quy hoạch.

Phía Tây là đẹp nhất

- Thành phố Hà Nội có đưa ra hai đề xuất chuyển Trung tâm hành chính ra gần Trung tâm hội nghị quốc gia hoặc Tây Hồ Tây, ông có ý kiến gì?
 
Thứ nhất là nghiên cứu để trung tâm hành chính ở Mễ Trì hay Tây Hồ Tây là những phương án được làm từ trước rồi và bây giờ đang quy hoạch và cũng là quy hoạch về phía Tây theo kiểu tiến từng bước.

Đây là ý tưởng hay bởi trong nội thành đang chịu sức ép quá lớn về giao thông mà không thể giải quyết được. Trong đó giữ nguyên hiện trạng cũ theo hướng mở rộng ra khu mới là hết sức cần thiết. Xét về vị trí, phong thuỷ, tâm linh và nhiều yếu tố thì phía Tây là đẹp nhất, nên chọn phía Tây là điều đương nhiên.

  • Ảnh bên : Đồ án được đưa ra lấy ý kiến của đông đảo nhân dân

- Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra quyết định không xây nhà cao tầng trong trung tâm thành phố, ông nghĩ sao về quyết định này?
 
Đây là quyết định cực kỳ đúng đắn. Đáng lẽ cái này phải làm từ lâu rồi chứ không phải bây giờ mới làm bởi nó giải quyết đựợc vấn đề quản lý đô thị cũ. Ngoài ra, việc Hà Nội và Bộ Xây dựng cho tổng rà soát lại đất cũng rất hợp lý vì qua đó sẽ biết được thực sự sự phát triển của Hà Nội và nhu cầu đầu tư của các dự án để từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp.
 
- Mới đây, Bộ Xây dựng đã cho xây dựng mô hình quy hoạch Thủ đô trị giá 3 triệu USD. Theo ông, việc làm mô hình có thật sự cần thiết?
 
Bộ Xây dựng nói bên Công ty POSCO tài trợ kinh phí thực hiện mô hình mà phía Việt Nam không phải mất đồng nào. Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế không ai cho không ai cái gì, họ cũng phải kỳ vọng vào cái gì đó. Nhưng điều quan trọng nhất là có nghiên cứu, có làm và có chỉnh sửa còn hơn không làm.
 
Thực ra, 3 triệu USD nghe thì rất là to nhưng so với hiệu quả của đất đai thì nó rất nhỏ. Do vậy, để có dự án đưa ra nghe và đóng góp ý kiến cho cả một quy hoạch lớn như Hà Nội là không lãng phí, quan trọng nhất là sử dụng nó để thể hiện ý tưởng quy hoạch như thế nào. Thực tế, để trình bày dự án quy hoạch thì ngoài vấn đề lý luận phải có mô hình, đây chỉ là một công việc để trình bày dự án đang được triển khai.
 
- Xin cảm ơn ông.
 
Lưu Vân (thực hiện)

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 1849 khách Trực tuyến

Quảng cáo

  

  


Loading...