Ngầm hóa hệ thống cáp điện, điện thoại...
- PV: Thưa ông, dưới lòng đất TPHCM hiện nay là rất nhiều hệ thống cáp ngầm của các ngành điện, điện thoại, cáp truyền hình… cùng hàng ngàn kilômét đường ống cấp, thoát nước ngầm được hình thành từ hàng chục năm qua. Không ít nhà quản lý đô thị đã ví von đây là một hệ thống ma trận. Sở Quy hoạch Kiến trúc đã trình UBND TPHCM dự thảo kế hoạch lập và triển khai thực hiện quy hoạch không gian ngầm còn đầy rắc rối này như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Hưng (ảnh bên): Nguyên tắc cơ bản là phải bắt đầu gỡ rối từng bước một. Hiện nay TPHCM đang đi theo hướng ấy với một động thái cụ thể là Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã bắt đầu hạ ngầm các đường dây điện hạ thế, các đường dây thông tin ở một số tuyến đường như đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ ngã ba với đường Nguyễn Cư Trinh đến ngã tư với đường Nguyễn Văn Cừ) và một số đoạn của đường Lê Thánh Tôn, đường Lý Tự Trọng...
Tại đây việc ngầm hóa được thực hiện theo phương thức bố trí hệ thống dây vào các mương kỹ thuật, đa phần được đặt sâu khoảng 1m trong phạm vi vỉa hè. Nắp đậy bên trên các mương kỹ thuật là các tấm đan bê - tông hoặc bản thép. Khi có nhu cầu sửa chữa, lắp đặt mới, các đơn vị - chủ sở hữu hệ thống này có thể dỡ các tấm đan ra để thi công mà không ảnh hưởng nhiều đến giao thông hoặc phải đào xới đường.
Vừa qua, Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã tiếp tục trình UBND TPHCM kế hoạch ngầm hóa thêm nhiều tuyến đường nữa với mục tiêu trong vòng 5 năm tới sẽ ngầm hóa được cơ bản toàn bộ hệ thống dây điện, cáp thông tin ở những trục đường chính trong các quận nội thành. Thế nhưng trong bối cảnh lạm phát như hiện nay, có lẽ Tổng Công ty Điện lực TPHCM phải giãn tiến độ thực hiện kế hoạch của mình. Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh này, một vấn đề được đặt ra là việc ngầm hóa không thể trông chờ nhiều vào ngân sách mà cần phải xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa để thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư từ xã hội.
- Hầu hết chủ nhân của hệ thống ngầm như điện, điện thoại, cấp nước, thoát nước đều là doanh nghiệp và họ có thể thu tiền từ khách hàng sử dụng dịch vụ của mình. Tại sao việc ngầm hóa không được giao về cho các doanh nghiệp này mà ngân sách Nhà nước phải đầu tư?
Hiện nay, về cơ bản việc ngầm hóa hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện hữu đa phần do các doanh nghiệp - chủ nhân của hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm đầu tư. Thế nhưng do nguồn vốn của doanh nghiệp hạn hẹp, ngân sách Nhà nước vẫn phải hỗ trợ bằng hình thức cho vay ưu đãi. Đặc biệt là trong các công trình xây dựng đường giao thông mới, kinh phí xây dựng mương kỹ thuật thường được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình mà Nhà nước hoặc người dân sẽ phải trả phí (dù đường được xây theo các hình thức xã hội hóa như BT, BOT…).
Do vậy, sắp tới, các sở - ngành chức năng sẽ phải nghiên cứu đề xuất thêm giải pháp các doanh nghiệp - chủ nhân của hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm cùng góp vốn xây dựng mương kỹ thuật trong các dự án xây đường nhằm làm giảm chi phí đầu tư xây đường của Nhà nước, của nhân dân. Nguyên tắc của việc góp vốn là phải được thực hiện trên tinh thần đúng luật, bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư vì chi phí đầu tư xây dựng hệ thống mương kỹ thuật này hoàn toàn không nhỏ… Thế nhưng, cũng không thể thiếu sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước trong hoạt động này.
Xây dựng bản đồ nền địa chất thành phố
- Ảnh bên: Dây điện trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1 đã được ngầm hóa (Ảnh: Kim Ngân)
Công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng bến bãi đậu xe ngầm hay phát triển hệ thống metro đã được Sở Giao thông Vận tải thực hiện. Đa phần các bãi đậu xe ngầm và hướng tuyến đi của hệ thống metro sẽ được thực hiện bên dưới các công viên hoặc các trục đường chính của thành phố để hạn chế đến mức thấp nhất khối lượng phải giải tỏa và ít ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc bên trên.
Vấn đề hiện nay mà Sở Quy hoạch Kiến trúc quan tâm nhất là việc xây dựng các nhà ga cho hệ thống metro và việc xây dựng các bãi đậu xe ngầm có kết hợp với việc xây dựng, khai thác các trung tâm thương mại ngầm. Các công trình này sẽ phải được kết nối hoàn hảo với việc bố trí không gian kiến trúc và phát triển đô thị trên mặt đất nhằm phát huy tốt nhất hiệu quả sử dụng và mỹ quan của các công trình. Việc xây dựng các nhà ga, bãi xe như thế nào sẽ được tính toán thật kỹ theo nguyên tắc Nhà nước tổ chức lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm, đưa ra yêu cầu và tổ chức công khai đấu thầu chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng, thu hồi vốn bằng cách khai thác lợi thế thương mại các nhà ga, bãi đậu xe này ổn định trong thời gian dài.
- Hiện nay nhiều cao ốc trên địa bàn TPHCM đều xây dựng ít nhất 2-3 tầng hầm để đậu xe và thậm chí để kinh doanh buôn bán. Việc xây dựng này sẽ được định hướng và quản lý như thế nào khi mà từ việc này đã gây ra nhiều hiện tượng nứt, lún sụt, thậm chí đổ hoàn toàn cho công trình kế cận?
TPHCM đang xây dựng bản đồ nền địa chất thành phố. Từ căn cứ khoa học này Sở Quy hoạch Kiến trúc cùng các sở ngành chức năng sẽ nghiên cứu đề xuất TPHCM có hướng khuyến cáo và nếu cần sẽ xây dựng thành các quy định về xây dựng không gian ngầm trên nền đất yếu.
Việc chủ đầu tư các cao ốc chủ động xây dựng thêm các tầng ngầm để đậu xe hoặc kinh doanh là hướng tốt, cần khuyến khích nhưng cũng cần có sự quản lý mà trước hết là quản lý về kỹ thuật xây dựng và chất lượng công trình như tôi đã nói ở trên. Khi đã có được nhiều tầng hầm, nhiều bãi đậu xe ngầm… Sở Quy hoạch Kiến trúc sẽ nghiên cứu đề xuất việc nối thông các không gian này nhằm tạo ra những không gian ngầm lớn với nhiều dịch vụ đa dạng hơn nhằm chia tải cho mặt đất. Đây cũng sẽ là những cơ sở ban đầu để hình thành nên các đô thị dưới mặt đất như nhiều nước trên thế giới đang có.
Nguyễn Khoa (thực hiện)
Tin mới hơn:
- Xung quanh đề xuất xoá bỏ chia lô, bán nền: Nên thực hiện nhưng cần có lộ trình
- Loay hoay tìm bãi đậu xe cho các thành phố lớn
- Đưa đô thị về nông thôn
- "Ông Tổng" Coteccons và lời giải cho nhà đầu tư bất động sản
- Hà Nội sẽ đầu tư 4 bãi đỗ xe cao tầng
Tin cũ hơn:
- TS. Nguyễn Bá Ân: Có tiền thực nên mua bất động sản
- Chung cư cao cấp: Chủ đầu tư tự "vẽ" quy chuẩn
- Tiến sĩ Khương Quang Đồng: Bài toán năng lượng thế kỷ XXI
- Những cổng chào của thành phố
- Bất động sản nghỉ dưỡng: Có lo, nhưng vẫn tin