Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị. Nghị định được kỳ vọng là sẽ góp phần lập lại trật tự trong quản lý đầu tư phát triển đô thị. Phóng viên đã có dịp trao đổi với ông Đỗ Viết Chiến - Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) xung quanh Nghị định này.
Phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch
Nghị định Quản lý đầu tư phát triển đô thị được nghiên cứu kỳ công và kỳ vọng khá nhiều, không chỉ đối với những người quản lý đô thị, chủ đầu tư dự án mà còn cả người dân đô thị. Xin ông cho biết, điểm mới của Nghị định này là gì?
Ông Đỗ Viết Chiến (ảnh bên): - Đây là Nghị định toàn diện nhất từ trước tới nay về lĩnh vực quản lý đầu tư phát triển đô thị. Nghị định điều chỉnh các hoạt động liên quan đến việc đầu tư phát triển đô thị bao gồm: Quy hoạch đô thị; Hình thành, công bố kế hoạch triển khai các khu vực phát triển đô thị; Thực hiện đầu tư xây dựng và vận hành, khai thác, chuyển giao các dự án đầu tư phát triển đô thị.
Nghị định này sẽ là công cụ pháp lý quan trọng để từng bước thiết lập lại trật tự trong đầu tư phát triển đô thị và hình thành các khu vực phát triển đô thị để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo quy hoạch và kế hoạch, tránh dàn trải, theo phong trào, lãng phí nguồn lực… Đồng thời, đây là công cụ pháp lý để khắc phục những bất cập trong quản lý đầu tư phát triển đô thị hiện nay, đáp ứng được yêu cầu thực tế trong đầu tư phát triển đô thị thông qua việc hình thành BQL khu vực phát triển đô thị.
Không những thế, Nghị định còn tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan trong lĩnh vực quản lý phát triển đô thị, làm rõ những trường hợp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và những trường hợp phải có ý kiến của Bộ Xây dựng trước khi địa phương phê duyệt.
Khi nói về Nghị định đầu tư phát triển đô thị, nhiều người vẫn nghĩ đơn giản đây là Nghị định để sửa đổi bổ sung cho Nghị định 02/2006/NĐ-CP. Nhưng thực tế Nghị định này thay thế hoàn toàn và mở rộng thêm lĩnh vực quản lý đầu tư phát triển đô thị toàn diện hơn. Sở dĩ nói như thế vì Nghị định 02/2006/NĐ-CP ban hành năm 2006 chỉ là ban hành quy chế KĐTM. Qua thực tiễn triển khai Nghị định 02/2006/NĐ-CP thì cái được cũng lớn nhưng bất cập cũng nhiều. Nếu chỉ sửa đổi Nghị định 02/2006/NĐ-CP thì vẫn chỉ quay quanh vấn đề của KĐTM. Nhưng những KĐT cũ, những khu dân cư đã có vẫn bị bỏ rơi, việc khớp nối chúng với nhau thì ai sẽ làm? Vì vậy Nghị định quản lý đầu tư phát triển đô thị không chỉ thay thế Nghị định 02/2006/NĐ-CP mà đồng thời mở rộng phạm vi quản lý. Các dự án đầu tư phát triển đô thị mà Nghị định này đề cập đến gồm dự án đầu tư xây dựng KĐTM, dự án bảo tồn tôn tạo KĐT, dự án cải tạo, chỉnh trang KĐT, dự án tái thiết KĐT và dự án đầu tư xây dựng KĐT hỗn hợp. Như vậy, mọi khu chức năng trong đô thị đều được xác định để kiểm soát phát triển theo quy hoạch và kế hoạch.
Theo Nghị định mới này, khu vực phát triển đô thị được xác định như thế nào, thưa ông?
- Theo Chương I, Điều 2 của Nghị định thì: “Khu vực phát triển đô thị là một khu vực được xác định để đầu tư phát triển đô thị trong một giai đoạn nhất định, gồm khu vực phát triển ĐTM, khu vực phát triển đô thị mở rộng, khu vực cải tạo, khu vực bảo tồn, khu vực tái thiết đô thị, khu vực có chức năng chuyên biệt”.
Mục đích của việc xác định khu vực phát triển đô thị là để tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh lãng phí nguồn lực, phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch đồng bộ, bền vững. Trên cơ sở quy hoạch chung đô thị đã được phê duyệt thì địa phương phải xác định cụ thể khu vực phát triển đô thị để lập kế hoạch phát triển đô thị 5 năm và hàng năm. Trong đó phải hình thành các quy hoạch phân khu. Quy hoạch phân khu chính là một bước cụ thể hóa quy hoạch chung. Quy hoạch phân khu được duyệt là cơ sở để xác định các dự án đầu tư phát triển đô thị. Trước đây hầu hết các địa phương căn cứ quy hoạch chung được phê duyệt để giới thiệu địa điểm cho các nhà đầu tư theo “vết loang” của đô thị mà không có trọng tâm, trọng điểm, thiếu quy hoạch và kế hoạch dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải theo phong trào, thiếu đồng bộ, không khớp nối được hạ tầng kỹ thuật chung. Còn theo Nghị định mới sẽ phải làm quy hoạch phân khu trước toàn bộ khu vực phát triển đô thị, trên nền quy hoạch phân khu mới hình thành dự án làm cơ sở để lập quy hoạch chi tiết 1/500 và lập dự án đầu tư xây dựng, như thế sẽ khắc phục được tình trạng bất cập nêu trên. Nghị định cũng quy định rõ các loại đô thị phải xác định khu vực phát triển đô thị.
BQL phát triển đô thị - người giám sát các dự án và khớp nối hạ tầng
Theo Nghị định thì các khu vực phát triển đô thị sẽ phải có BQL khu vực phát triển đô thị. Điều này áp dụng cho các đô thị nào? Các địa phương có nhất định phải thành lập BQL hay không, thưa ông?
- Tùy theo điều kiện của địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập BQL khu vực phát triển đô thị. Các đô thị có đồ án quy hoạch chung thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ bắt buộc thành lập BQL khu vực phát triển đô thị. Còn các đô thị khác thì khuyến khích các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế có thể thành lập hoặc không, chứ chưa bắt buộc.
BQL khu vực phát triển đô thị sẽ trực thuộc cơ quan nào quản lý và cơ cấu tổ chức, hoạt động của nó như thế nào, thưa ông?
- Theo Chương II, Điều 13, “BQL khu vực phát triển đô thị là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND cấp tỉnh, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức và hoạt động của UBND cấp tỉnh, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Xây dựng và các sở quản lý chuyên ngành tại địa phương. BQL khu vực phát triển đô thị có chức năng giúp UBND cấp tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ quản lý đầu tư phát triển đô thị trong khu vực phát triển đô thị”. Nhưng BQL không phải là người làm thay các lĩnh vực quản lý của các sở, ngành ở địa phương mà là đầu mối giúp UBND cấp tỉnh giám sát các hoạt động đầu tư phát triển đô thị trong khu vực phát triển đô thị được giao mà trong thực tế chưa có ai lo cả.
Chi phí hoạt động của BQL được đảm bảo một phần từ ngân sách, một phần tư chi phí quản lý các dự án được giao và một phần tự nguồn thu dịch vụ theo quy định của pháp luật.
Vậy BQL hiện có của các địa phương sẽ hoạt động như thế nào theo quy định mới của Nghị định, thưa ông?
- Tùy theo từng địa phương, người ta có thể kiện toàn lại BQL hiện có để phù hợp với tính chất mới, chức năng nhiệm vụ mới, hoặc thành lập mới BQL nếu địa phương chưa có. Đơn cử, Hà Nội hiện nay có BQL GPMB, BQL công trình trọng điểm, BQL hạ tầng, BQL KĐTM… Các ban này cần được rà soát lại chức năng và mô hình quản lý để có giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đáp ứng yêu cầu giám sát quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch, bảo đảm kết nối đồng bộ và quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, kết nối hạ tầng kỹ thuật giữa các dự án…
Khu vực phát triển đô thị thuộc địa bàn của hai hay nhiều tỉnh thì ai sẽ là người quyết định thành lập BQL, thưa ông?
- Trong trường hợp khu vực phát triển đô thị rơi vào địa bàn của hai tỉnh trở lên thì Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với UBND các tỉnh có liên quan thành lập Ban Điều phối giúp cho các BQL khu vực phát triển đô thị của địa phương thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Bộ Xây dựng sẽ đóng vai trò trung gian, điều phối các dự án đó để “gác cửa” cho Thủ tướng, vì địa phương nào cũng sẽ hình thành BQL của riêng mình trên phạm vi ranh giới của tỉnh đó. Bộ Xây dựng cũng sẽ phải giám sát việc đầu tư phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đề ra.
Phạm Vũ (thực hiện)
[ Download: Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị ]
- KTS Võ Trọng Nghĩa: "Xanh là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi kiến trúc sư"
- Dấu ấn tre của Võ Trọng Nghĩa
- Báo cáo cuối kỳ dự án chống ngập nước khu vực TP.HCM: Sống chung với nước
- Đã đến lúc “cởi trói” cho đô thị đặc biệt
- Đề nghị dừng cấp phép tất cả dự án khu đô thị mới
- Trái phiếu chính quyền đô thị: Phải thận trọng và gắn với dự án
- Khu Công nghệ cao Hòa Lạc sẽ có cơ chế đặc biệt
- "Không để tụt hậu nhưng cũng đừng nóng vội!"
- Bảo tồn kiến trúc đô thị: Bản sắc mới chưa có, di sản đã mất đi
- "Tăng trưởng xanh" - con đường bắt buộc