Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Đối thoại Báo cáo cuối kỳ dự án chống ngập nước khu vực TP.HCM: Sống chung với nước

Báo cáo cuối kỳ dự án chống ngập nước khu vực TP.HCM: Sống chung với nước

Viết email In

Không bảo vệ vùng trũng, xây đô thị ngập nước. Đó là một trong những giải pháp được đưa ra đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050 trong một dự án do nhóm tư vấn là các nhà khoa học Hà Lan cùng với trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước TP.HCM thực hiện, vừa được thông báo sáng 29/1 tại TP.HCM.  

Dựa trên cơ sở nào mà các nhà khoa học Hà Lan cũng như trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước đưa ra các giải pháp gần như ngược lại hoàn toàn với phương châm chống ngập trước đây là “kiên quyết bảo vệ vùng trũng” thông qua dự án 1547? Phóng viên đã phỏng vấn ông Hồ Long Phi – giám đốc dự án và là người đại diện cho trung tâm Điều hành các chương trình chống ngập nước. 

Thưa ông, trong đề xuất báo cáo cuối kỳ của dự án, các nhà tư vấn cũng như bản thân ông đề xuất đường vành đai 3 sẽ là ranh giới chống ngập cho khu vực TP.HCM. Điều này liệu có đi ngược lại dự án 1547, nhất là ở các tiểu dự án xây dựng cống ngăn triều? 

Hồ Long Phi (ảnh bên): - Thực tế ở dự án 1547 chúng ta sẽ xây dựng 12 cống ngăn triều, nhưng nếu lấy ranh giới là đường vành đai 3 thì thực tế sẽ có hai cống ngăn triều ở dự án 1547 sẽ không triển khai xây dựng. Nói chung là có thay đổi chứ không đi ngược lại hoàn toàn với dự án 1547 mà bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thông qua.

Vậy phải chăng ranh giới này được vạch ra nhằm mục đích tiết kiệm đầu tư? 

- Chúng tôi chọn đường vành đai 3 làm ranh giới bảo vệ khu vực TP.HCM đơn giản là nó kết hợp được với các công trình giao thông. Qua đó, mình có thể tiết kiệm được cả tỉ USD thông qua việc dùng đường giao thông làm tuyến bảo vệ thay vì phải làm một cái đê mới. Hơn nữa, theo quy hoạch đô thị của TP.HCM thì căn bản các vùng sẽ đô thị hoá đều nằm trong vùng vành đai 3 hết rồi. Vì những lý do trên chúng tôi chọn vành đai 3 làm ranh giới. 

Ngoài ranh vành đai 3 còn rất nhiều đất nông nghiệp của TP.HCM cần được bảo vệ, thưa ông? 

2 triệu euro – là số tiền được đầu tư để lập dự án chống ngập nước cho khu vực TP.HCM. Trong đó, vốn do Chính phủ Hà Lan tài trợ là 1,5 triệu euro, số còn lại là vốn đối ứng từ nguồn ngân sách thành phố. Dự án do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư. 

Đ.T

- Thực tế, vùng ngoài vành đai 3 chỉ còn lại đất nông nghiệp, cây xanh và một vài khu công nghiệp chưa cần bảo vệ. Do đó chúng tôi quyết định cho nó tự thích nghi.

Tại sao mình lại chọn chiến lược chỉ bảo vệ vùng cao, không bảo vệ vùng trũng (thấp)? 

- Đơn giản thế này, bây giờ, mình giả định mình tuyên bố bảo vệ hết cả vùng trũng nhưng công trình bảo vệ của mình luôn luôn có giới hạn của nó. Theo đó, một khi mình ra tuyên bố bảo vệ dứt khoát là dân cư sẽ phát triển, vì họ thấy có đê rồi, họ thấy năm nay không ngập, năm sau không ngập thì họ phát triển thành đô thị mọi thứ sẽ phát triển giống như khu vực cao. Thế nhưng, chỉ cần một ngày xảy ra biến cố vượt quá năng lực bảo vệ công trình; mà chuyện này hoàn toàn có thể xảy ra, không phải bây giờ thì sang năm. Đến lúc đó, khối tài sản tích luỹ càng lúc càng lớn, cả tài sản đặt vô trong lòng chảo đợi cái ngày bị ngập. Nếu khu này mới hình thành mà bị thiên tai thì tài sản thiệt hại chưa nhiều, nhưng đặt trường hợp sau 100 năm phát triển như đô thị Bangkok (Thái Lan) ở trận lụt vừa qua mất tiêu 50 tỉ đôla. Như vậy tuyên bố bảo vệ vùng trũng là không an toàn. Do đó, chúng ta đừng phát triển theo hướng bình thường nữa mà phát triển theo hướng sẵn sàng cho nguy cơ. Đó gọi là thích nghi.

Theo đó, chiến lược chống ngập của chúng ta sẽ là sống chung với nước chứ không tìm mọi cách ngăn nước theo hiện tại. Đó cũng chính là nguyên nhân chúng tôi không bảo vệ các vùng đất ngoài ranh đường vành đai 3, bởi bảo vệ thì các vùng đất đó sẽ nhanh chóng thành khu dân cư, mà như vậy là không an toàn.

Chiến lược này có đi ngược với mục tiêu trước đây chúng ta đề ra và đã, đang thực hiện và liệu đô thị ngập nước có phù hợp với đô thị TP.HCM?

Hướng tuyến Vành đai 3 

Theo như quy hoạch chi tiết, tuyến đường vành đai 3 sẽ đi qua địa giới hành chính của tám quận/huyện thuộc bốn tỉnh/thành phố là: TP.HCM (quận 9, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh); tỉnh Đồng Nai (huyện Nhơn Trạch); tỉnh Bình Dương (huyện Dĩ An, huyện Thuận An); tỉnh Long An (huyện Bến Lức); với tổng chiều dài khoảng 89,3km, trong đó làm mới khoảng 73km; đoạn Mỹ Phước – Tân Vạn dài 16,3km hiện đang được tỉnh Bình Dương đầu tư. Theo kế hoạch, tuyến đường này sẽ hoàn thành vào 2020. 

- Nước, quy luật là chạy về chỗ trũng tại sao mình không dành chỗ trũng cho nước, nên cách tốt nhất để chống là sống chung với nó và mình lên phương án để làm sao không thiệt hại. Theo đó, vấn đề là mình đừng có nghĩ chuyện trước mắt mà nghĩ mục đích mà mình sẽ đạt được trong tương lai, thì mình sẽ thấy vấn đề nó rõ lắm. Tức là mình sẽ cố gắng hướng nhận thức cộng đồng, hướng chính sách về đất đai, hướng quy định về xây dựng, sao cho để 30 năm nữa mình có đô thị ngập nước ở trên những vùng trũng. 

Các khu đô thị ngập nước có thể hình thành trong tương lai như ở khu vực phía tây thành phố như Bình chánh, Hóc Môn, còn ở phía nam là Nhà Bè. Ở những khu vực này, thay vì mình đắp lên thì mình sẽ sống chung thành những đô thị ngập nước kiểu ở Ý hay Hà Lan chẳng hạn. Điều này chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Đây mới là giải pháp tối hậu trong công tác chống ngập, vì nó không cản dòng chảy của nước, nước sẽ về nơi trũng và nơi trũng sẽ hình thành khu đô thị ngập nước. 

Dự án mới này chỉ khắc phục các nhược điểm của dự án 1547. Ở dự án 1547 có một nguy cơ mà dự án mới này nhìn ra là khuyến khích sự phát triển của vùng thấp, bởi các đê bao của dự án này bao luôn vùng thấp. Nếu tiếp tục làm rập khuôn dự án 1547 thì coi chừng chúng ta lại xảy ra đại hoạ như vụ lụt ở Bangkok vừa qua.

Muốn hình thành nên những khu đô thị ngập nước, chúng ta cần những chính sách nào kèm theo?

- Điều quan trọng nhất là nhận thức. Khi người ta thấy nước không còn là mối đe doạ nữa thì người ta sẵn sàng sống chung với nó. Lúc đó, chúng ta sẽ có những đô thị ngập nước. Kế đến là vấn đề kết nối, chuyện này có rất nhiều giải pháp. Cụ thể, thay vì làm đường, các nhà đầu tư có thể làm cầu cạn, nước vẫn qua lại mà không bị cản; thay vì là nhà sát mặt đất thì bây giờ là nhà trên cầu; thay vì những công viên hoàn toàn khô ráo thì bây giờ là các công viên nước mà trong đó có những lối đi lại không cản trở dòng chảy. 

  • Ảnh bên: Nhà dân bị ngập nước do triều cường ở phường Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM (ảnh chụp tháng 12/2012). (Ảnh: Thanh Hảo) 

Đây là báo cáo cuối kỳ. Nếu được thông qua, cái lợi nhất mà dự án này đem lại là gì, thưa ông?

- Trước tiên là các công trình xây dựng chống ngập sẽ được đầu tư theo tiến độ thích hợp dựa trên các tính toán khoa học. Kế đến là thay đổi nhận thức. Nếu dự án này được thông qua thì đây sẽ là công trình đầu tiên tuyên bố là sẽ không bảo vệ hết, bởi tất cả công trình chống ngập hiện nay đã làm là tuyên bố bảo vệ hết mà tuyên bố như vậy là nguy cơ chực chờ, một ngày không bảo vệ được thì chỉ có nước tiêu tan. Do đó, mình phải có bài toán hợp lý hài hoà, chứ đừng tuyên bố bảo vệ được rồi cuối cùng là không thể. Cái gì chắc hãy tuyên bố. 

Đào Lê (thực hiện) 

Đưa vào hoạt động trước tết cống ngăn triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè 

Theo ông Hồ Long Phi, ngày 28.1, cống ngăn triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã được vận hành thử. Dù chưa hoàn chỉnh nhưng cống ngăn triều này có thể hoạt động hiệu quả trước tết. Việc đưa cống ngăn triều này vào hoạt động, cộng với hệ thống thoát nước của dự án vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã hoạt động, sẽ góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng ngập ở bảy quận nội thành, kể cả do mưa hay do triều. 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2300 khách Trực tuyến

Quảng cáo