Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Đối thoại PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa: "Cảnh tỉnh công tác quản lý đô thị"

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa: "Cảnh tỉnh công tác quản lý đô thị"

Viết email In

Vụ nổ xảy ra vào rạng sáng ngày 24/2 ở ngay quận 3 TPHCM cướp đi sinh mạng của 11 người là hồi chuông cảnh báo về tình trạng kinh doanh, đặc biệt kinh doanh những ngành nghề có khả năng gây nguy hiểm cao cho người dân hay tàng trữ những vật dụng liên quan đến hoạt động này trong khu dân cư. Tuy nhiên, đây không phải hồi chuông đầu tiên… Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM đang thẩm định một công trình nghiên cứu khoa học, đánh giá về việc chuyển đổi chức năng công trình nhà ở trên địa bàn thành phố liên quan đến nội dung nêu trên. Phóng viên đã trao đổi với Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM về việc này.  

Phóng viên: Thưa ông, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển, tình trạng chuyển đổi chức năng công trình nhà ở sang chức năng khác trên địa bàn TPHCM đang diễn ra như thế nào? 

PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa (ảnh bên): - Công trình nghiên cứu đang được Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM thẩm định. Tuy nhiên, những số liệu thống kê bước đầu trong công trình này cho thấy có đến 80% - 90% công trình xây dựng đang phục vụ hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, du lịch… của tư nhân đều được chuyển đổi công năng từ nhà ở. Phần lớn các công trình này không đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn phòng chống cháy nổ, thoát hiểm, an ninh trật tự cũng như các tính năng an toàn khác cho bản thân công trình và các công trình xung quanh. 

Đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa ông? 

- Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất là trong thủ tục đăng ký kinh doanh chỉ yêu cầu doanh nghiệp ghi đầy đủ tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện. Đây là quy định khá đơn giản để chứng minh doanh nghiệp có địa điểm đăng ký hoạt động mà không xem xét về công năng của công trình đăng ký kinh doanh. Mặt khác, do thực tế phát triển kinh tế của thành phố, rất nhiều người dân đã tận dụng nhà ở của mình để làm mặt bằng kinh doanh hoặc cho thuê để kinh doanh mà chưa quan tâm đúng mức đến yếu tố an toàn. 

Cuối cùng là vai trò của chính quyền địa phương, tổ dân phố và người dân. Đáng lẽ khi thấy có hành vi kinh doanh ngành nghề nguy hiểm hoặc tàng trữ vật dụng nguy hiểm trong khu dân cư thì chính quyền địa phương phải can thiệp ngay và người dân cũng phải lên tiếng phản đối. Ở nhiều nước trên thế giới, sinh hoạt trong khu dân cư được quản lý rất chặt. Mở nhạc quá to làm phiền hàng xóm cũng có thể bị nhắc nhở… 

Trong khi đó, ở TPHCM, nhiều nhà mở quán cà phê, mở điểm hát karaoke ầm ĩ mà chẳng bị sao. Không ít hẻm sâu của thành phố còn cho kinh doanh gần trường học mà không quan tâm đúng mức đến khả năng thoát hiểm của học sinh nếu có sự cố xảy ra. 

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ yêu cầu mưu sinh của người dân… Hẳn không dễ xử lý?

- Đúng là không dễ giải quyết vấn đề khi nó gắn với cuộc sống của người dân. Thế nhưng, đó mới là một yêu cầu về kinh tế. Trong cuộc sống, người dân còn có nhiều yêu cầu khác nữa mà trong đó không ít yêu cầu, thậm chí còn đòi hỏi cao hơn yêu cầu về kinh tế như yêu cầu về một cuộc sống an toàn, không bị ô nhiễm môi trường. 

Chúng ta không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá. Không thể để các hoạt động kinh doanh những ngành nghề không an toàn hoặc những ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường (bao gồm cả ô nhiễm âm thanh, mùi hôi…) len lỏi trong các khu dân cư, phá hoại cuộc sống an lành của người dân. Bộ Xây dựng đã có quy định khá rõ ràng về việc không được kinh doanh, mở văn phòng công ty… trong các chung cư. Nay các cơ quan chức năng có thể nghiên cứu, mở rộng quy định này đến nhiều khu dân cư khác. 

  • Ảnh bên: Hiện trường nhà sập tại hẻm 384 Nam Kỳ Khởi Nghĩa nguyên nhân do nhà chứa chất nổ trong khu dân cư (Ảnh: Quang Trung) 

TPHCM nói riêng và nhiều đô thị khác trên cả nước nói chung đang quá tải trong việc quản lý đô thị. Những quy định như không được làm ồn, không được kinh doanh những ngành nghề gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư… đều đã có nhưng chưa được thực hiện nghiêm mà thôi… 

- Vụ tai nạn thương tâm nêu trên làm bàng hoàng, đau xót cho nhiều người. Theo tôi, đây là hồi chuông cảnh báo rất kịp thời và rất có ý nghĩa trong tình hình hiện nay đối với công tác quản lý đô thị và việc người dân kinh doanh trong các khu dân cư. TPHCM nên từng bước rà soát lại hoạt động kinh doanh, đặc biệt là kinh doanh và tàng trữ các vật dụng có khả năng gây nguy hiểm cho người dân trong các khu dân cư. Cương quyết buộc đóng cửa, di dời các hoạt động này ra ngoài khu dân cư. Chắc chắn người dân sẽ ủng hộ Nhà nước trong động thái ấy vì sự an toàn của chính họ.

Song song đó, Nhà nước cũng nên tạo điều kiện cho người dân được kinh doanh các ngành nghề nêu trên trong khuôn khổ pháp luật. Nên chăng, TPHCM nên quy hoạch hẳn một khu vực cho hoạt động này vừa là để tạo điều kiện cho người dân làm ăn, vừa để an toàn và Nhà nước kiểm soát được. Hiện nay, TPHCM đã quy hoạch và cho xây dựng nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp khác nhau nhằm tách hoạt động sản xuất công nghiệp ra khỏi khu dân cư. Tuy nhiên, nơi đây chỉ phù hợp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua bán của các doanh nghiệp. Nhu cầu mua bán, sản xuất nhỏ, lẻ của cá nhân và hộ gia đình hầu như chưa có nơi riêng. 

Nguyễn Khoa (thực hiện) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2176 khách Trực tuyến

Quảng cáo