Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Đối thoại Xóa "chủ nghĩa bờ ruộng" trong quy hoạch

Xóa "chủ nghĩa bờ ruộng" trong quy hoạch

Viết email In

Có thêm quy hoạch sử dụng đất là thừa, lãng phí. Một địa điểm đất chỉ có một quy hoạch, đó là nguyên tắc cơ bản đã được đưa vào giáo trình từ lâu. 

“Các ngành thực hiện theo chủ nghĩa bờ ruộng. Bộ Xây dựng có một thửa ruộng, Bộ TN&MT có một thửa ruộng, mạnh ai nấy “cày bừa”, không nhìn xung quanh và liên kết nhau. Thế mới có chuyện hết sức thừa thãi và lãng phí là một địa điểm đất lại chịu chi phối bởi hai loại quy hoạch na ná nhau, thẩm quyền ngang nhau là quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất”. TS Võ Kim Cương nói về công tác lập quy hoạch hiện nay.  

Quy hoạch xây dựng là đã đủ 

Phóng viên: Như ông nói thì một trong hai loại quy hoạch là thừa. Vậy quy hoạch nào là cần thiết, thưa ông? 

TS Võ Kim Cương (ảnh bên): - Quy hoạch xây dựng về bản chất chính là quy hoạch sử dụng đất. Hiểu một cách nôm na nhất, quy hoạch xây dựng nhằm xác định thửa đất này, khu vực này sẽ được sử dụng như thế nào. Do đó, chỉ cần một quy hoạch xây dựng là đã đủ. Một địa điểm đất chỉ có một quy hoạch, đó là nguyên tắc cơ bản, đã được đưa vào giáo trình từ rất lâu. Quy hoạch xây dựng có các nguyên tắc, tiêu chí để xây dựng còn quy hoạch sử dụng đất thì không. Tôi nghe kể rằng quy hoạch sử dụng đất được lập bằng cách gần như là copy bản quy hoạch xây dựng! 

Còn có thông tin nữa là muốn chứng tỏ sự độc lập giữa hai loại quy hoạch nên có văn bản quy định quy hoạch sử dụng đất phải khác quy hoạch xây dựng khoảng 10%? 

- (Cười) Cái này thì tôi không biết. 

Ông cho rằng nguyên nhân chính là do “chủ nghĩa bờ ruộng” khi làm luật nhưng cũng có ý kiến cho rằng nguyên nhân là do các ngành không muốn mất quyền của mình nên khư khư ôm. Ông nghĩ thế nào về nhận định này?

- Rất dễ hiểu khi người dân hay những người có quan tâm suy diễn như thế. Giấy hồng, giấy đỏ hết bộ này đến bộ kia đòi quản lý cũng gây hiệu ứng như vậy. Trước đây, công ty xây dựng muốn có giấy phép hành nghề phải ra Bộ Xây dựng xin. Bộ cho rằng cần chặt chẽ để đảm bảo năng lực chuyên môn của các đơn vị hoạt động trong ngành mình quản lý nhưng dư luận sẽ nghĩ Bộ muốn ôm quyền vì chức năng nhiệm vụ của Bộ không phải là thực hiện những công việc lẻ tẻ, cụ thể như vậy.

Bệnh “cái gì cũng đợi, cũng xin ý kiến”

Như ông nói thì quy hoạch sử dụng đất là lãng phí, giẫm chân, không cần thiết…?

- Đúng vậy. Nghị định 181/2004 quy định rằng khi chưa có quy hoạch sử dụng đất thì có thể sử dụng quy hoạch xây dựng. Tôi thường nói với mọi người là chữ “chưa” trong trường hợp này đáng giá ngàn vàng, chặn đứng sự lãng phí hàng bao tỉ đồng. Chữ “chưa” này còn chứng tỏ sự tồn tại hai quy hoạch là bất hợp lý và không cần thiết. Nếu quy hoạch xây dựng có thể sử dụng thay thế thì cớ gì phải làm thêm quy hoạch sử dụng đất cho tốn kém?

Tôi rất buồn khi không ít cán bộ nói về sự lãng phí của ngành mình với một cảm xúc rất bình thường, chẳng khác gì mình đang nói về chuyện nhà hàng xóm. Thử đặt vị trí phải bỏ tiền túi ra để trả cho một thứ chẳng sử dụng được, xem có xót ruột không? 

  • Ảnh bên: Theo TS Võ Kim Cương, quy hoạch xây dựng về bản chất chính là quy hoạch sử dụng đất (Ảnh: HTD) 

Thưa ông, thực tế hiện nay là cùng một tình huống chưa có quy hoạch chi tiết 1/2000 và quy hoạch sử dụng đất nhưng có nơi không giải quyết cho dân chuyển mục đích sử dụng và tách thửa, nơi vẫn giải quyết bình thường. Ông nhận định việc này thế nào?

- Trước tiên phải khẳng định rằng cơ quan nhà nước thì phải thực thi theo pháp luật. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong trường hợp luật chưa với tới (chứ không phải là luật đã có mà làm sai) thì sẽ ứng xử ra sao? Ràng buộc mình làm theo khuôn khổ pháp luật hay đặt quyền lợi người dân lên trên? Tôi cho rằng phải lấy lòng dân từ những việc cụ thể vào những lúc như thế này đây.

Xét về bản chất của vấn đề, cần phải tách bạch giữa việc quản lý đất đai với tôn trọng bảo vệ quyền hợp pháp của người sử dụng đất. Việc tách thửa hay chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp quy hoạch chung đã được duyệt tại sao phải chờ quy hoạch chi tiết vốn chỉ cần thiết cho thủ tục xin phép xây dựng? Cũng như những người mua nền nhà dự án hay chung cư của chủ đầu tư. Họ phải được cấp giấy hồng, giấy đỏ khi đã thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Những sai sót hay các trách nhiệm khác của chủ đầu tư không liên quan đến họ. Thế nhưng nhiều nơi vẫn gom hai thành một, người mua hàng chục năm trời không được cấp giấy.

Cẩm Tú (thực hiện) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2289 khách Trực tuyến

Quảng cáo