Tình trạng ô nhiễm không khí hiện đang trở thành đề tài nóng tại nhiều thành phố lớn tại các quốc gia mới nổi. Vấn đề gây quan ngại hơn cả là ô nhiễm không khí không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia hay vùng lãnh thổ mà đang có nguy cơ vượt biên giới để trở thành mối quan ngại chung của nhiều quốc gia.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Phó Giáo sư tiến sỹ Toshihiko Takemura thuộc trường Đại học Kyushu, một trong những chuyên gia hàng đầu về môi trường ở Nhật Bản. Sau đây là đoạn phỏng vấn Phó Giáo sư Takemura:
Ông có nhất trí với ý kiến cho rằng tình trạng ô nhiễm không khí hiện đang thực sự trở thành một vấn đề hệ trọng đối với những thành phố lớn ở các nước mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Đông Nam Á không? Và liệu chúng ta có thể dự báo được xu hướng và diễn biến của tình trạng ô nhiễm hiện nay? Nó sẽ khả quan hơn hay xấu đi trong tương lai?
- Vâng, đúng vậy. Ô nhiễm không khí ở châu Á thực sự là một vấn đề xã hội nghiêm trọng. Chúng ta cần phải tính đến những lộ trình tối ưu nhằm giảm thiểu đến mức tối đa ô nhiễm không khí và tình trạng trái đất ấm lên. Đơn cử như sự ra đời của Liên minh Khí hậu và không khí trong lành (CCAC) nằm trong Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) (http://www.unep.org/ccac/).
Về đánh giá xu hướng, tôi cho rằng rất khó dự đoán xu hướng về lâu dài của ô nhiễm không khí vì nó phụ thuộc chặt chẽ vào các giải pháp môi trường ở từng nước châu Á.
- Ảnh bên: Bản đồ các đám cháy rừng và đốt rác thải nông nghiệp trên toàn cầu (Nguồn: Global Fire Maps/NASA)
Ông có thể cho biết nguồn gốc nào làm phát sinh các chất khí độc hại cho sức khoẻ con người như PM 2.5, PM 10, SO2...?
- Các chất khí độc hại phát tán ra môi trường không khí là do việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch, nhiên liệu sinh học từ các nhà máy, nhà máy điện, các phương tiện giao thông và cả các hộ gia đình. Điều tôi quan tâm hơn cả ở một số nước châu Á là nạn cháy rừng và tập quán đốt rác thải nông nghiệp sau những vụ mùa.
Đây cũng được cho là một nguyên nhân quan trọng gây ô nhiễm không khí. Thực tế thì tình trạng ô nhiễm không khí lan rộng một phần phát sinh từ các đám cháy rừng vào mùa khô và thói quen đốt rác thải nông nghiệp. Trên website Sprinters, chúng tôi cũng đưa ra các dự báo và cập nhật tình trạng ô nhiễm khói từ cháy rừng và đốt rác thải nông nghiệp.
Hiện nay, trung tâm nghiên cứu của ông có thông tin nào về chất lượng không khí ở Việt Nam không?
- Tôi không nắm rõ về tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam…
Bản đồ dự báo ô nhiễm phân tử PM 2.5 ngày 20/3/2013 (Nguồn: Đại học Kyushu)
Vấn đề ô nhiễm không còn giới hạn trong biên giới của một quốc gia và đang xuất hiện một hiện tượng ô nhiễm vượt biên giới. Theo ông thì hiện tượng đó xảy ra khi nào? Liệu tình hình có tệ đến mức chính phủ các nước cần có các biện pháp cấp bách để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm vượt biên giới này hay không? Có biện pháp nào về mặt khoa học để giúp làm giảm những tác động bất lợi đối với sức khoẻ và chất lượng sống của con người?
- Thực tế là tình trạng ô nhiễm không khí xuyên biên giới phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện thời tiết. Ví dụ, không khí ô nhiễm thường lan từ Trung Quốc sang Nhật Bản vào mùa Xuân. Tôi cho rằng việc truyền thông ở Nhật Bản đưa tin về chất PM 2.5 là bất thường và có phần thái quá vì ô nhiễm không khí xuyên biên giới sang tận Nhật Bản không phải là một vấn đề mới mẻ ở miền Tây Nhật Bản, đặc biệt là khu vực Kyushu. Tuy nhiên, có một tin tốt lành là “nỗi phiền phức mang tên PM 2.5” mà truyền thông mang lại trong năm nay sẽ giúp khởi động các cuộc thảo luận thực sự về ô nhiễm không khí ở châu Á, đặc biệt là ở Trung Quốc, giữa chính phủ các nước.
Là một nhà khoa học, ông có lời khuyên nào cho chính phủ và các nhà quản lý môi trường ở các nước châu Á nhằm giảm bớt hoặc chặn đứng quá trình ô nhiễm không khí ở các nước mới nổi hay không?
- Theo tôi, quan trọng là phải điều chỉnh mức độ ô nhiễm để bảo vệ sức khỏe của người dân mặc dù để làm được điều đó đòi hỏi nguồn ngân sách lớn và hết sức tốn kém. Công nghệ và chuyên gia về chống ô nhiễm tại các nước phát triển như Nhật Bản hiện đã ở mức hoàn thiện và khá chuyên sâu. Các nước mới nổi cũng có thể tận dụng những thành tựu đó từ các nước phát triển để thực hiện các mục tiêu môi trường đề ra. Không có biên giới nào cho ô nhiễm và vì vậy, sự hợp tác quốc tế để đối phó với ô nhiễm là hết sức cần thiết./.
Hữu Thắng (Vietnam+, thực hiện)
- Gặp gỡ và trao đổi với đại diện Tập đoàn Autodesk
- "Thủ Thiêm sẽ trở thành một khu đô thị đẹp nhất Đông Nam Á”
- Sẽ làm rõ hơn quyền người sử dụng đất
- Tiến sĩ Alan Phan: "Nên để thị trường bất động sản rơi tự do"
- “Đừng bi kịch hóa thị trường bất động sản!”
- Chúng ta đang “bỏ quên” không gian công cộng
- "Không nên giải cứu bất động sản"
- PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa: "Cảnh tỉnh công tác quản lý đô thị"
- Xóa "chủ nghĩa bờ ruộng" trong quy hoạch
- TS Trần Du Lịch: "Cần luật hóa về chính quyền đô thị"