Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tương tác Góc nhìn Chậm đến... thành phố Festival!

Chậm đến... thành phố Festival!

Viết email In

Phiên chợ rộn ràng khai hội sáng 13/4, là dịp để người dân làng Thanh Toàn (Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy - TT-Huế) tái hiện lại những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc của vùng đất và con người nơi đây. 

Cùng ngày một cuộc tọa đàm liên quan festival Huế cũng đã diễn ra. Nhiều nhà văn hóa cho rằng, việc triển khai Huế thành thành phố Festival tiến triển chậm.  


Để trở thành trung tâm văn hóa đặc sắc của Việt Nam, Huế còn nhiều việc phải làm.
(Ảnh: Quang Minh) 

Khai hội chợ quê cầu Ngói 

Phiên chợ tổ chức hai năm một lần hưởng ứng Festival Huế 2014, là dịp để giới thiệu cho khách du lịch trong và ngoài nước biết đến những sản phẩm đồ thủ công, mỹ nghệ và những làng nghề truyền thống do chính người dân địa phương làm ra. Phiên chợ năm nay mở rộng nhiều đối tượng, thành phần tham gia tại các phường, xã. Bên cạnh chủ thể là người dân, các tiểu thương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng có dịp tham gia, với nhiều mặt hàng trưng bày, giới thiệu. 

Về với chợ quê là một hình thức du lịch tìm hiểu nghệ thuật sống của miền quê thanh bình mà du khách cảm nhận được khi tự hòa mình trải nghiệm những hoạt động văn hóa đặc sắc. Nhằm làm phong phú và đa dạng hơn cho lễ hội năm nay, bên cạnh các lễ chính (lễ cáo, tế cung nghinh hương linh phu nhân Trần Thị Đạo về cầu ngói Thanh Toàn; lễ khai mạc hội đua ghe truyền thống của các xã, phường trên địa bàn thị xã), ban tổ chức lễ hội tổ chức một số cuộc thi dành cho người dân địa phương và du khách như nhảy bao bố, kéo co, đẩy gậy, vật tay, bịt mắt đập om, đi xe đạp chậm…

Chợ quê bên cầu ngói Thanh Toàn tái hiện lại một cách sinh động không khí của phiên chợ xưa với các hoạt cảnh mua, bán, trưng bày, giới thiệu các mặt hàng nông sản, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đồ rèn, đồ gỗ mỹ nghệ, sành sứ và đa dạng nhiều chủng loại và các mặt hàng quà lưu niệm.  

Dịp này, hàng trăm món ăn đặc sản đến từ nhiều vùng, miền khác nhau được đông đảo du khách hứng thú thưởng thức. Phiên chợ năm nay diễn ra từ ngày 13/4 đến 16/4. 

  • Ảnh bên: Hội đua ghe truyền thống được tổ chức nhằm nâng cao tinh thần thể thao, rèn luyện sức khỏe của người dân địa phương. (Ảnh: Đ.Đ) 

Thành phố Festival - bao giờ? 

Theo ông Nguyễn Quang Trung Tiến, khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học Huế, đã đến lúc cần xây dựng và áp dụng quy chế đặc thù để TT-Huế trở thành trung tâm văn hóa, du lịch và thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. 

“Xây dựng TT-Huế thành trung tâm văn hóa đặc sắc gắn với phát triển du lịch” là tọa đàm khoa học thuộc khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Festival Huế 2014, do Ban Điều phối vùng duyên hải miền Trung phối hợp UBND tỉnh TT-Huế tổ chức chiều 13/4, thu hút nhiều tham luận, nghiên cứu, ý kiến đóng góp của các chuyên gia kinh tế, khoa học xã hội, nhà nghiên cứu văn hóa trong cả nước. 

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên GĐ Sở Văn hóa Thông tin TT-Huế, hình ảnh Huế - thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam - ngày càng rõ nét. Đó sẽ là lợi thế cho việc xây dựng Huế thành trung tâm văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng thành phố Huế thành thành phố Festival, với nhiều nhiệm vụ cụ thể. “Nhưng đáng tiếc là tỉnh TT-Huế và thành phố Huế chỉ dừng lại ở nỗ lực “phấn đấu” tổ chức Festival năm sau “hoành tráng” hơn năm trước, năm sau nhiều đoàn nghệ thuật, nhiều nước tham gia hơn năm trước.

Nỗ lực đó là đáng ghi nhận, nhưng quan trọng hơn phải có những chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai các nhiệm vụ xây dựng thành phố Festival mà Chính phủ đã xác định.

Đáng buồn là hầu hết những nhiệm vụ cụ thể được Thủ tướng Chính phủ mở hướng vẫn chưa có được những chuyển động đáng kể, thậm chí có nhiều điều còn ngủ yên trên giấy. Trong khi, chủ trương của Chính phủ chỉ còn thời hiệu thực hiện đến năm 2015”, ông Hoa trăn trở.

Đề cập về phát triển du lịch Huế gắn với việc hưởng lợi chính đáng của người dân, sau khi đưa ra những số liệu phân tích về lượng du khách đến Huế qua các năm, PGS-TS Trần Thị An, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, chỉ ra rằng, sự chững lại của phát triển du lịch Huế trong những năm qua do một nguyên nhân quan trọng là sự tham gia chưa nhiệt tình từ phía người dân, do dân ít được hưởng lợi khi làm du lịch. 

Ngọc Văn - Đắc Đức 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo