Trước kia mỗi khi nhắc đến một vùng đất thường người ta lại nhắc đến dáng núi hình sông như một biểu tượng của vùng đất đó, đô thị lúc đó là những khu dân cư thấp quây quần với hình thái ẩn nấp vào cảnh quan sông núi lân cận, lấy cái vững vàng của dáng núi làm điểm tựa chinh phục tự nhiên, lấy nét mềm mại của dòng sông làm phong cách cư xử với xã hội. Ngày nay, khi các thành phố ngày càng hiện đại với mức độ xây dựng cao, quá trình san lấp, giải phóng mặt bằng đã dần xóa đi hình dáng địa lý tự nhiên, chỉ để lại một mặt bằng xây dựng nhân tạo và khô khốc. Thế núi thế sông giờ không còn quá quan trọng, nhiều đô thị hình thành và phát triển không cần dựa nhiều vào đặc điểm địa hình tự nhiên, chỉ còn những đô thị tương đối truyền thống như cố đô Huế vẫn còn phần nào ôm ấp hình ảnh sông Hương núi Ngự thủa xưa. Không còn sử dụng đặc điểm tự nhiên nữa, một lẽ tất nhiên, người dân quay sang chọn lấy những đối tượng do chính tay mình xây đắp nên để vun đắp cho nó những giá trị văn hóa, chọn nó làm biểu tượng cho thành phố của mình, biểu tượng cho cộng đồng mình, biểu tượng cho tính cách đặc thù của mình.
Những cây cầu – những tác phẩm kiến trúc-xây dựng
Cầu Long Biên và Hà Nội mới
Việt Nam – xứ sở mà “ai cũng có một dòng sông bên mình”(1) nên các đô thị thường hình thành tại những khúc sông để tiện giao thương buôn bán như một logic của cuộc sống. Tuy nhiên cũng chính vì người dân thông thạo ghe thuyền, bơi lội, khí hậu nóng ẩm, đất đai tốt tươi nên các đô thị xưa không có nhu cầu xây dựng chiếc cầu nào cả. Bên cạnh đó với nền văn minh Á Đông không thiên về khoa học kỹ thuật, việc xây những chiếc cầu vượt qua những con sông lớn không phải đơn giản. Có lẽ mãi cho đến năm 1865, chiếc cầu mang tính biểu tượng đầu tiên là cầu Thê Húc, một sự ra đời gần như rất muộn nếu so với các kết cấu dẫn nước vượt sông, vượt thung lũng của châu Âu từ thời kỳ thế kỷ thứ nhất – thời La Mã. Cho đến cuối thế kỷ thứ 19, người Pháp đã mang đến cho đô thị Việt Nam những cây cầu tuyệt đẹp mới mẻ về kiến trúc, hiện đại về công nghệ như Long Biên (Hà Nội) và Tràng Tiền (Huế). Công trình của những kỹ sư làm việc cho công ty của kỹ sư kết cấu bậc thầy Gustave Eiffel thực sự để lại những dấu ấn kiến trúc cho đô thị Việt Nam thời bấy giờ. Bằng khả năng làm chủ công nghệ xây dựng xuất sắc và bản lĩnh sáng tạo kiểu dáng kiến trúc đẹp, khỏe khoắn nhưng cũng không kém phần duyên dáng, cả Hà Nội và Huế cho đến giờ vẫn coi những chiếc cầu người Pháp xây tại đó như những viên ngọc quý của thành phố. Cầu Long Biên ngày nay trải qua bom đạn tuy không còn nguyên dạng, nhưng hình ảnh “con rồng thép” đầu tiên bắc qua sông Hồng vẫn mang tính biểu tượng của một Hà Nội cận đại đẹp, mạnh mẽ và hào hùng. Còn Huế, có lẽ trong lòng những người yêu Huế, không ai có thể tưởng tượng ra một Huế mộng mơ thiếu cây cầu Trường Tiền “sáu vài mười hai nhịp” với những bóng áo trắng nữ sinh thướt tha. Giá trị thẩm mỹ của những cây cầu có tính biểu tượng như trên thực sự rất cao, hình thái cũng phù hợp với không gian và ý đồ thiết kế, Nếu như Long Biên khoe những tiết tấu bằng thép khỏe khoắn trên dòng nước sông Hồng phù sa cuồn cuộn, thì cầu Tràng Tiền duyên dáng “như chiếc lược ngà”(2) soi mình xuống sông nước sông Hương phẳng lặng hòa với nhịp điệu hình thái của sông núi xứ Thần Kinh.
Cầu vốn là một công trình tốn kém, khi thiết kế cầu chủ nghĩa công năng chiếm ưu thế tuyệt đối trong các thiết kế, tuy nhiên, vì chúng là những công trình đặc biệt với số lượng ít, nhất là trong đô thị, dẫn đến người ta ngày càng quan tâm đến tính mỹ học của chiếc cầu. Ngày càng có nhiều mẫu thiết kế cầu độc đáo, với nhiều kiểu dáng hiện đại hơn, đi kèm với công nghệ thi công tiên tiến hơn. Nếu phải phân loại những chiếc cầu theo hình dáng thì có thể xếp chúng thành ba loại với đặc trưng hình dáng riêng biệt là cầu dầm, cầu vòm và cầu treo. Thời gian gần đây, trong các đô thị hiện đại Việt Nam cầu treo dây văng hay dây võng ngày càng được lựa chọn cho những công trình đặc biệt vì kiểu dáng thẩm mỹ hiện đại có khả năng vượt nhịp lớn với kêt cấu thanh mảnh với ý đồ tôn vinh sự phát triển và hiện đại. Những bó cáp được bố trí như những “chiếc đàn hạc” khổng lồ tự tin dựng lên bầu trời hay như những cột buồm căng gió ra khơi. Một đô thị gần đây thực sự quan tâm đến kiến trúc và hình ảnh những cây cầu là Đà Nẵng. Từ năm 2000 khi chiếc cầu quay dây văng ra đời mang tên cầu sông Hàn như một bằng chứng về sự lớn mạnh của năng lực sáng tạo và trình độ quản lý của thành phố Đà Nẵng, sự hiện đại và năng động trong kiến trúc và công năng hoạt động của chiếc cầu đã thuyết phục được người dân người dân Đà Nẵng nhanh chóng coi nó là một biểu tượng mới cho thành phố của mình. Không chỉ dừng lại ở đó chỉ trong vòng gần 15 năm, thành phố dự định xây dựng 4 cây cầu lớn nối liền hai bên bờ sông Hàn, mỗi cây cầu có phong cách kiến trúc và công nghệ khác nhau như muốn nhấn mạnh đến những phát triển vượt bậc đi lên của một đô thị hiện đại được quản lý tốt. Cái “thế núi thế sông và mênh mông biển cả”(3) của thành phố Đà Nẵng đã làm nền cho những ý tưởng xây dựng những cây cầu kiến trúc mới lạ để tạo cảm hứng cho sự phát triển năng động. Mặc dù hiện nay mới chỉ có Cầu sông Hàn – chiếc cầu quay dây văng đầu tiên của việt nam và cầu Thuận Phước – cầu dây võng đầu tiên của việt nam, trong tương lai gần những chiếc cầu với hình dáng kiến trúc được mong đợi khác ấp ủ ước mơ của thành phố sẽ đi vào hoạt động như cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý.
Cầu Trần Thị Lý - Đà Nẵng (nguồn: dulichbanvatoi.vn)
Những cây cầu với ý nghĩa ước lệ
Hình ảnh cây cầu trong suy nghĩ con người vốn đã hàm chứa sẵn những ý nghĩa ước lệ của cuộc sống. Đó là sự kết nối, “nhịp cầu nối hai bờ vui”(4), là sự gặp gỡ giữa hai vùng đất, là sự thiết lập những quan hệ mới giữa đất với đất, giữa người với người. Bên cạnh đó, hình ảnh chiếc cầu còn là sự vượt qua khó khăn, là sự chế ngự thiên nhiên để phát triển, để vươn tầm ảnh hưởng đến những vùng lân cận. Vì vậy trong bản thân chiếc cầu đã luôn mang ý nghĩa ước lệ cho sự tăng cường những mối quan hệ xã hội và vận động chuyển mình hiện đại. Những giá trị ước lệ này rất gần với cái đích hướng tới khi con người muốn tìm tòi một hình ảnh đô thị hiện đại của một cộng đồng dân cư sinh sống trên nó. Nói về giá trị ước lệ mang tính kết nối thì từ ngay cả những cụm thôn xóm nhỏ, chỉ với cầu tre, cầu khỉ cũng đã chất chứa trong nó cả những mối liên hệ cộng đồng, làng xóm, nam nữ chất phác và lãng mạn. Những hình ảnh giao duyên “qua cầu gió bay”, “cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó qua” đã hình thành rất lâu trong dân ca, ca dao thôn quê và được lưu giữ trong hồn việt, để rồi hồi sinh khi những chiếc cầu đô thị ra đời để phác họa lại vẻ đẹp văn hóa truyền thống.
“Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Em theo không kịp
Tội lắm anh ơi!
Bấy lâu ni mang tiếng chịu lời
Anh có xa em đi nữa
Cũng tại ông Trời nên xa.”(5)
Còn nếu nói về giá trị ước lệ của một cộng đồng vượt qua khó khăn để phát triển thì hãy xem cách người Đà Nẵng ví von về kế hoạch xây dựng những cây cầu bắc qua sông Hàn của họ: “Sông Hàn đoạn chảy qua thành phố nhìn từ trên cao hình ảnh những chiếc cầu như 5 nấc thang phát triển của thành phố trong quá trình hiện đại hóa và phát triển”, “Cầu Sông Hàn là biểu tượng cho sức sống mới và sự đi lên của thành phố được xây dựng bởi sự đóng góp của mọi người dân, … đó là dấu ấn văn hóa của người Đà Nẵng hôm nay gửi lại muôn đời con cháu mai sau” (danangcity.gov.vn). Còn như Cầu Long Biên của Hà Nội, không chỉ là biểu tượng của một Hà nội chinh phục sông Hồng, còn là hình tượng bất khuất của Hà Nội vượt qua đạn bom chiến tranh, khi nhiều kết cấu của cầu đã bị đạn bom tàn phá nhưng chiếc cầu vẫn quật cường hồi phục và tái tạo.
Cây cầu tại thành phố Pisa (ảnh: Tuấn LaLarme)
Những cây cầu – câu chuyện về cuộc sống đô thị
Quá trình một vật cụ thể trong đô thị trở thành biểu tượng của thành phố khởi nguồn từ những sự tiếp xúc bằng tri giác của người dân hàng ngày, để rồi dần dần, đối tượng đó trở nên thân thuộc trong không gian sống của họ và được gán vào nó những giá trị truyền thống của cộng đồng đó. Đô thị Việt Nam, vốn là những thành phố bên sông, một ngày cây cầu xuất hiện phục vụ cho nhu cầu sử dụng của người dân đô thị, phục vụ cho sự phát triển thành phố, và như các nhà đô thị học thường nói, nó trở thành một không gian đô thị sống động như một bộ phận cần thiết trong tổng thể đô thị. Chính cái không gian đô thị cần thiết đó là nơi diễn ra các hoạt động của cuộc sống đô thị, hàng ngày dòng người hối hả đi qua nó đã kết nối 2 khu vực của thành phố, để lan tỏa sức phát triển của đô thị đến khu vực phụ cận và xa hơn nữa. Hãy nhìn dòng người hối hả đi qua chiếc cầu tấp nập hàng ngày để thấy đô thị cần đến nó như thế nào. Thế rồi cây cầu đã trở thành một không gian đời thường của đô thị, trở thành một không gian công cộng tiên tiến khi đáp ứng được cả hai nhu cầu của kiến trúc thượng tầng và bản năng xã hội. Không chỉ dừng lại ở đó, đối với những chiếc cấu mang tính biểu tượng, nó đã được gắn cho những ý nghĩa nhất định và tầm quan trọng xã hội trong đô thị đó đến mức, từ khái niệm không gian công cộng, nó trở thành một địa danh, một nơi chốn ý nghĩa trong đời sống tinh thần đô thị. Nhắc đến cầu Tràng tiền là nhắc đến nữ sinh áo trắng. Nhắc đến cầu Long Biên trước kia là nhắc đến những giờ phút hào hùng của “Hà nội mùa đông năm 46” của quân dân thủ đô, còn giờ đây là nhắc đến những buổi chụp ảnh cưới ngoài trời của những đôi nam nữ đang hạnh phúc.
Cứ như vậy, cùng với thời gian những chiếc cầu đặc biệt đó mang đồng thời cả hai giá trị, giá trị sử dụng như một không gian cuộc sống đô thị thường ngày và giá trị lịch sử, và khi mà một bộ phận trọng yếu của đô thị thường xuyên sử dụng không gian đó, hoặc luôn nhận biết nó như một địa điểm đầy ý nghĩa trong cuộc sống đô thị thì chính là lúc những cây cầu trở thành biểu tượng.
Kết luận
Trong lịch sử chinh phục tự nhiên và xây dựng xã hội con người, những cây cầu xuất hiện khá sớm với nhiều kiểu hình, nhiều mục đích khác nhau. Khái niệm cầu ngày càng mở rộng có thể là cầu vượt sông, cầu cạn, cầu đường sắt hay kênh dẫn nước, kênh dẫn đường ống v.v. Với sự cần thiết và ý nghĩa chinh phục thử thách, những chiếc cầu luôn là đối tượng hấp dẫn cho những nhà quản lý, kiến trúc sư và kết cấu phô diễn ý tưởng và trình độ khoa học công nghệ của mình. Hình ảnh những chiếc cầu tại các đô thị ngày càng hiện đại và mang nhiều giá trị biểu tượng có ý nghĩa khác nhau tùy theo những mong muốn và cảm nhận của người dân đô thị.
Trong bài viết này tôi chỉ khoanh vùng phạm vi câu chuyện xoay quanh những cây cầu Việt Nam, đặc biệt là câu chuyện của Hà Nội, Huế và Đà Nẵng, những đô thị ven sông có những bản sắc khác nhau nhưng cùng có những cây cầu có giá trị biểu tượng cho đô thị của mình, cho văn hóa cộng đồng đô thị tại đó. Qua ba góc độ tiếp cận về hình thái- kiến trúc, về hình ảnh trừu tượng và về những giá trị của văn hóa đô thị, bằng những phác thảo đơn giản nhất để phù hợp với khuôn khổ bài viết này, những chiếc cầu mang tính biểu tượng của đô thị đã được phần nào hé mở những tính chất, giá trị cần thiết để giúp chúng trở thành biểu tượng của thành phố nơi chúng được xây dựng. Đó là những công trình kiến trúc – xây dựng độc đáo, mang tính hiện đại trong thiết kế, đạt được tính thẩm mỹ cao không chỉ trong hình dáng mà còn trong tổng thể hình thái đô thị. Đó là những cây cầu có tính ước lệ phản ánh được cuộc sống xã hội vừa truyền thống vừa hiện đại của các đô thị. Và đó cũng là những địa điểm, không gian có giá trị lịch sử và có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư đô thị. Hy vọng rằng sẽ có những nghiên cứu chuyên sâu hơn trong việc bóc tách được những giá trị cốt lõi để các nhà quản lý và nghiên cứu có thể dùng làm công cụ trong việc bảo tồn di sản đồng thời xây dựng những giá trị biểu tượng mới cho những đô thị hiện đại.
Trần Quang
Chú thích:
(1) Hoàng Hiệp – Trở về dòng sông tuổi thơ – Nhạc
(2) Nguyễn Bính – Vài nét Huế – Thơ – 1941
(3) Văn hóa biển đảo Việt Nam – Chuyện kể về những cây cầu Đà Nẵng – phim phóng sự VTC
(4) Tên một bài hát của Văn An
(5) Cadao, tuy nhiên có nguồn nói đó là bài thơ của Hoàng Giáp Đỗ Huy Liêu, viết ra ám chỉ việc mình không thể theo vua chạy giặc.
Tham khảo:
- H. Lefebvre – The Production of Space
- Nguyễn Văn Hậu – Biểu tượng như là “đơn vị cơ bản” của văn hóa – vanhoahoc.edu.vn
- Wikipedia.org
- danangcity.gov.vn
- “Gỡ rối” giao thông nhờ xã hội hóa
- Bán vé thăm Phố cổ Hội An: Hưởng thụ 'miễn phí' hay đòi hỏi?
- Tăng vốn đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Vào thế đã rồi!?
- Vì sao đường sắt đô thị Hà Nội đội giá 339 triệu USD?
- Chùm ảnh Hà Nội qua góc máy đặc biệt
- Để trở thành “thành phố đáng sống”
- Chậm đến... thành phố Festival!
- Sao không… thẳng?
- Di tích Hà Nội liên tục bị xâm hại: Lỗ hổng từ quản lý đến nhận thức
- Không nên bắt buộc giàu, nghèo sống chung