Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tương tác Góc nhìn Sao không… thẳng?

Sao không… thẳng?

Viết email In

Trong quy hoạch giao thông, đặc biệt là giao thông đô thị, đường thẳng là con đường tối ưu nhất. Nó không chỉ thuận tiện cho hoạt động giao thông, bố trí hệ thống kỹ thuật ngầm (như hệ thống thoát nước, cáp điện, viễn thông…), thuận lợi cho thi công, tiết kiệm kinh phí xây dựng mà còn thuận lợi cho các kiến trúc sư (KTS) tạo ra kiến trúc đẹp hai bên đường.

Cách đây hơn một thế kỷ, khi quy hoạch xây dựng TP Hà Nội, các KTS người Pháp đã tạo ra một hệ thống giao thông rất hợp lý với những con đường thẳng, rộng rãi và rợp mát bóng cây. Tất nhiên, có những con đường phải cong, phải uốn lượn ở vùng trung du, miền núi, thậm chí trên đèo cao lẩn khuất mờ sương đem đến một vẻ đẹp vừa “lãng mạn vừa hùng vĩ”… thì đó là do bởi địa hình cộng thêm “chút tài” của nhà quy hoạch. Còn tuyến đường trong đô thị theo quy hoạch được duyệt là thẳng, nhưng đến khi triển khai xây dựng thì nó bỗng… chuyển thành cong ở một đoạn nào đó, thì lại là câu chuyện khác. Câu chuyện này đã và đang xảy ra tại Hà Nội, nơi rầm rộ triển khai thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị”! 


(Ảnh minh họa: Zing News) 

Dự án đường Trường Chinh mở rộng được khởi công từ tháng 10/2013, dài 2,2km, rộng 53,5m và 57,5m từ phố Vương Thừa Vũ đến Ngã Tư Vọng với tổng vốn đầu tư là 2.560 tỷ đồng. Trong đó hơn 2.000 tỷ là chi phí GPMB các hộ dân ở hai bên đường. Theo thiết kế, thì hai đoạn đầu và cuối được mở rộng về phía Bắc; đoạn giữa có nhà ở của các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp của Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân thì mở về phía Nam, nên tạo thành một hình cong, mà báo chí gọi là “hình ghi đông xe đạp”. Khoan hãy kết luận là có chuyện khuất tất trong việc triển khai dự án mở rộng con đường này, tỷ như: do điều chỉnh quy hoạch được lập từ năm 2000, mà dân không biết; hay do đơn vị tư vấn thiết kế làm sai quy hoạch đã được phê duyệt trước đó (vốn là đường thẳng) để uốn cong đường, nhằm tiết kiệm cho ngân sách 130 tỷ đồng (?!); hay vì một lý do khó giải thích nào đó… Bởi hiện tại các cơ quan chức năng của Trung ương đang vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân sau khi có nhiều đơn khiếu kiện của dân và phản ánh của báo chí.

Tuy nhiên, ngoái nhìn lại phía sau thời gian một chút, mới thấy, nhiều dự án mở đường ở Hà Nội khi triển khai đều bị dân khiếu kiện, tố cáo… Đường Xã Đàn, đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa dài hơn 550m, từng được mệnh danh là con đường “đắt nhất hành tinh” với chi phí đầu tư khoảng 642 tỷ đồng (vào thời điểm trước năm 2010), vậy mà có đoạn bị cong “thắt cổ chai”, gây ùn tắc nhiều năm nay chỉ vì không giải phóng được mặt bằng?! Xa nữa, vào những năm cuối của thập niên 90, dự án đường quanh hồ Tây khi thi công cũng vấp phải sự phản ứng quyết liệt của nhiều hộ dân khi con đường đã bị uốn lượn nhiều đoạn không phải vì địa hình, mà vì “vướng” nhà cửa, đất vườn của quan chức quận Tây Hồ. 

Hà Nội đã và đang phát triển với tốc độ nhanh, xây dựng nhiều. Diện mạo kiến trúc Thủ đô đã khang trang hơn, ngăn nắp hơn, nhưng thật sự vẫn chưa… đẹp. Hà Nội vốn tự hào có nhiều con đường đẹp đến lãng mạn từ trăm năm trước như đường Phan Đình Phùng, Tràng Thi, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… hay của thời kỳ đổi mới như đường Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Đại lộ Thăng Long… Thế nhưng, sẽ rất buồn lòng bởi hiện nay, trên những con đường mới mở rộng được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, rộng thênh thang mà hai bên vẫn còn chen chúc nhà siêu mỏng, siêu méo, kiến trúc cao thấp, lộn xộn như những khối u cùng những đoạn “cong” bất thường trên con đường lẽ ra phải thẳng?! 

Thế mới biết, quy hoạch đường thẳng là một chuyện; còn lòng người khi thực hiện có “thẳng” hay không lại là chuyện khác?! 

KTS Phạm Thanh Tùng 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo