Thành phố đáng sống hay sống tốt đâu chỉ có cầu đường, khu đô thị, trung tâm thương mại… Vài năm trở lại đây Đà Nẵng đã được nhiều người xem như một thành phố đáng sống nhờ những cải cách mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực. Và ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng Đà Nẵng đang hướng đến xây dựng một thành phố như thế. Ông nói: “Một thành phố không những thanh bình mà còn thái bình”. Tuy nhiên, có một số vấn đề đã trở thành thách thức khó giải quyết đối với thành phố miền Trung này.
Lãng phí đất kim cương
Mười năm gần đây, Đà Nẵng đã có nhiều thay đổi với những con đường rộng rãi chạy dài ven biển, những khu đô thị mới, trung tâm thương mại, đến những cây cầu nối 2 bờ sông Hàn. Nhưng Thành phố có được cơ sở hạ tầng đô thị hiện đại này từ đâu? Có lẽ một phần không nhỏ là nhờ… bán đất. Nhiều khu đất nông nghiệp, bãi biển cho đến đất vàng ở khu trung tâm đều được bán để phân lô xây dựng nhà phố, làm chung cư, khu nghỉ dưỡng hoặc khu thương mại.
Sẽ không có gì đáng nói nếu những khu đất này đều được sử dụng và đầu tư hiệu quả. Vấn đề nằm ở chỗ không ít khu đất đang bị bỏ hoang vì các dự án treo, đặc biệt là đất kim cương tại trung tâm Thành phố.
Điển hình là dự án Danang Center của Công ty Cổ phần Địa ốc Vũ Châu Long (ảnh bên). Nằm trên khu đất kim cương 3 mặt tiền rộng 8.450 m2 Phan Châu Trinh - Hùng Vương - Nguyễn Thị Minh Khai, dự án này là tòa tháp đôi gồm 4 tầng hầm và 35 tầng với tổng vốn cam kết 125 triệu USD (2.600 tỉ đồng). Danang Center được khởi công vào đầu năm 2008 và dự kiến hoàn thành vào năm 2011.
Tuy nhiên, gần 5 năm qua, dự án này đã trở thành một cái ao tù nước đọng. Tại một cuộc họp rà soát quy hoạch vào năm ngoái, ông Văn Hữu Chiến, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng, đã phải thốt lên: “Nước đọng, muỗi tùm lum, đủ thứ động vật chết trong đó. Tôi đi tiếp xúc cử tri, người ta nói rất nhiều về dự án này”.
Hiện nay, chính quyền Thành phố đã tiến hành rà soát tất cả dự án xây dựng. Kết quả là, trong số gần 837 dự án trên địa bàn, có 274 dự án đã hoàn thành, 411 dự án đang triển khai và 152 dự án phải rà soát. Và Sở Xây dựng Đà Nẵng đã đề nghị hủy 32 dự án, điều chỉnh 50 dự án, rà soát tiến độ 70 dự án do bị chậm trễ hoặc chủ đầu tư chưa thanh toán tiền sử dụng đất.
Số dự án bị đề xuất hủy và thu hồi nhiều nhất nằm tại quận Liên Chiểu (7 dự án), quận Sơn Trà (7 dự án) và huyện Hòa Vang (7 dự án). Một số dự án khác tại các khu đất kim cương như Khu phức hợp Viễn Đông và công viên công cộng, bãi đậu xe (số 84 Hùng Vương, chủ đầu tư là Công ty Viễn Đông); Khu cao ốc Kreves (chủ đầu tư, Công ty Kreves Halla) cũng được đề nghị chấn chỉnh hoặc thu hồi. Chưa biết lãnh đạo Thành phố có đủ quyết tâm và sức mạnh để làm hay không. Chuyện này đã được đề cập vài lần rồi.
Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cũng từng nói: “Cần cẩn trọng trong công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch”. Tuy vậy chưa biết đến bao giờ tình trạng dự án treo mới được giải quyết dứt điểm để người dân bớt khổ, đặc biệt là người có đất nằm trong quy hoạch của các dự án kiểu này. Dự án Làng đại học Đà Nẵng, chẳng hạn, đã gần 20 năm rồi mà chưa thấy nhúc nhích.
Vẫn chưa xứng đáng
Mặt khác, Đà Nẵng liệu có phải là một thành phố đáng sống khi mong muốn đơn giản của người dân - thoải mái tắm biển - lại không được đáp ứng. Đà Nẵng nổi tiếng với hàng loạt khu nghỉ dưỡng ven biển như Furama Resort Danang, Pullman Danang Beach Resort, Fusion Maia Resort, Hyatt Regency Danang Resort & Spa… nằm rải rác khắp các bãi biển đẹp nhất của Thành phố.
Tất nhiên, chỉ người đến nghỉ ngơi hoặc sinh sống ở những khu này mới được tắm biển, còn người dân, du khách vãng lai thì phải đi chỗ khác. Bãi biển riêng của khu nghỉ dưỡng thường vắng vẻ, còn bãi biển công cộng thì người dân phải chen chúc nhau. Không chỉ khu resort mà các công trình ven biển khác như nhà hàng, quán xá cũng đã che khuất tầm nhìn và đường ra biển của người dân. Bây giờ bờ biển không còn là của toàn dân nữa, khác với các bãi biển của Nha Trang, Vũng Tàu, những nơi người dân được lui tới, không đụng phải hàng rào.
Trong trung tâm Thành phố thì một số công trình công cộng cũng đã bị phá bỏ, di dời dành đất cho việc xây trung tâm thương mại. Một ví dụ: đất của thư viện thành phố được giao cho Công ty Vũ Châu Long xây dựng Danang Center. Như nói ở trên, dự án này đã bị treo; nếu chính quyền không có biện pháp mạnh, chắc chắn nó sẽ còn tiếp tục bị treo - và có thể một cách vô thời hạn.
Bàn về cách gọi “thành phố đáng sống”, ông Trần Thọ cho rằng đó phải là thành phố chăm lo được cho mọi tầng lớp nhân dân từ những nhu cầu cơ bản nhất - ăn ở, đi lại, học hành, chữa bệnh, vui chơi giải trí. “Nhìn lại các tiêu chí này, Đà Nẵng vẫn chưa đạt đến ngưỡng đó. Bởi thu nhập bình quân đầu người Đà Nẵng so với các nước trong khu vực còn thua xa (2.600 USD/người/năm), Thành phố vẫn còn 818 ngôi nhà đang xuống cấp, vẫn còn người nghiện ma túy…”, ông nói.
Theo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an Đà Nẵng), Thành phố có khoảng 1.600 người nghiện, sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ kiểm soát. Cũng có nghĩa còn một số người nghiện nữa “chưa có hồ sơ để kiểm soát”.
Cũng theo ông Thọ, một thành phố đáng sống thì không thể có nhiều người nghiện ma túy, nhiều người bỏ học, không thể còn đói nghèo, không thể có người ăn xin, tối về nhà ngủ lo trộm cắp, môi trường không xanh, không sạch, vứt rác bừa bãi.
Hẳn cũng cần thêm cả việc giải quyết dứt điểm số phận của các dự án xây dựng lớn, đặc biệt là 3 dự án ở những khu đất kim cương đã ngưng trệ từ gần 5 năm nay. Khi nhìn vào, trông chúng như những vết dơ trên khuôn mặt của một cô gái xuân thì.
Ngọc Trân
- Bán vé thăm Phố cổ Hội An: Hưởng thụ 'miễn phí' hay đòi hỏi?
- Tăng vốn đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Vào thế đã rồi!?
- Vì sao đường sắt đô thị Hà Nội đội giá 339 triệu USD?
- Chùm ảnh Hà Nội qua góc máy đặc biệt
- Những cây cầu trong đô thị
- Chậm đến... thành phố Festival!
- Sao không… thẳng?
- Di tích Hà Nội liên tục bị xâm hại: Lỗ hổng từ quản lý đến nhận thức
- Không nên bắt buộc giàu, nghèo sống chung
- Siết đầu tư công, ASIAD 18 và sự minh bạch