Hà Nội khi được quan sát từ độ cao hơn 200 m...
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và quảng trường Ba Đình nhìn từ độ cao 200m. Khánh thành năm 1975, lăng gồm 3 lớp với chiều cao 21,6m, lớp dưới tạo dáng bậc thềm tam cấp, lớp giữa là kết cấu trung tâm gồm phòng thi hài và các hành lang, cầu thang. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, mái lăng hình tam cấp ở lớp trên cùng. Quảng trường Ba Đình dài 320m và rộng 100m, có 240 ô cỏ. Ở giữa là cột cờ cao 25m. Nơi đây từng diễn ra các cuộc diễu binh, diễu hành nhân dịp các ngày lễ lớn tầm quốc gia, và còn là địa điểm tham quan, vui chơi, dạo mát của du khách và người dân.
Tòa nhà Quốc hội cao 39m, có kiến trúc hình vuông, phòng họp hình tròn ở giữa, gồm 2 tầng hầm và 5 tầng nổi, kích thước mặt bằng 102m x 102m, tổng diện tích sàn trên 60.000m2. Tòa nhà có khu vực đỗ xe ngầm quy mô 3 tầng hầm với sức chứa 500 ô tô với diện tích trên 17.000m2, đường hầm nối Nhà Quốc hội và Bộ Ngoại giao dài 60m. Nhà Quốc hội sẽ là trụ sở làm việc của Quốc hội, nơi tổ chức các kỳ họp và đón tiếp khách quốc tế cấp cao.
Cột cờ Hà Nội nằm trên đường Điện Biên Phủ (quận Ba Đình), được xây dựng năm 1812 trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long dưới thời Vua Gia Long triều Nguyễn. Đây là một trong số ít những công trình kiến trúc thuộc khu vực thành Hà Nội may mắn thoát khỏi sự phá hủy do chính quyền đô hộ Pháp tiến hành trong ba năm 1894 -1897. Toàn bộ cột cờ cao hơn 33m. Tính cả trụ treo cờ thì cao hơn 41m gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế hình chóp vuông cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch. Từ ngày xây dựng đến nay, cột cờ Hà Nội đã trên 200 tuổi.
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng do Pháp xây dựng từ năm 1898 - 1902. Cầu từng bị máy bay Mỹ ném bom 10 lần, hỏng 7 nhịp và 4 trụ lớn. Gần đây cây cầu trăm tuổi này từng bị đặt lên bàn cân tranh luận cho việc phá dỡ để xây lên một chiếc cầu mới cách vị trí này 30m.
Tượng đài vua Lý Thái Tổ nằm giữa các tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền, Lê Lai, Lê Thạch. Tượng nằm trong công viên cùng tên, khánh thành năm 2004, làm bằng đồng liền khối, nặng 14 tấn, cao 3,3m. Đây không chỉ là nơi vui chơi của người dân mà còn là địa điểm tổ chức nhiều sự kiện của thành phố.
Cầu Thê Húc cong cong nối vào đền Ngọc Sơn giữa hồ Hoàn Kiếm. Cầu được xây dựng vào năm 1865 do Nguyễn Văn Siêu, một nhà thơ và nhà văn hóa lớn của Hà Nội thời bấy giờ thiết kế, cải tạo. Cầu gồm 15 nhịp, 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi. Bên trên lát ván gỗ và sơn màu đỏ sẫm, chữ Thê Húc thếp vàng.
Ga Hà Nội (trước kia gọi là Ga Hàng Cỏ) là nhà ga đường sắt chính của thủ đô. Ga gồm hai khu ở hai cửa khác nhau. Để đi từ Hà Nội vào các tỉnh, thành phố phía Nam hành khách sẽ đi cửa hướng đường Lê Duẩn, còn phía Bắc khách sẽ đi từ cửa khu B trên phố Trần Quý Cáp.
Công trình Nhà hát Lớn và khách sạn Hilton. Nhà hát Lớn do Pháp xây dựng năm 1911 theo mẫu nhà hát Opera Garnier ở Paris. Tuy nhiên, tầm vóc nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương. Nhà hát có mặt bằng, không gian biểu diễn, cầu thang, lối vào sảnh... giống với các nhà hát ở châu Âu đầu thế kỷ 20. Kết cấu kiến trúc kiểu mái hai mảng lợp ngói đá đen cùng các họa tiết trang trí bên trong. Ra đời muộn hơn các nhà hát ở Sài Gòn và Hải Phòng nên Nhà hát Lớn Hà Nội có kiến trúc hoàn chỉnh nhất và trở thành một hình ảnh quen thuộc, đặc trưng của thủ đô.
Quảng trường Cách mạng tháng Tám nằm ở trước cửa Nhà hát Lớn thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm. Nơi đây ngày 19/8/1945 từng diễn ra cuộc mít tinh lớn biến thành cuộc biểu dương lực lượng và hoạt động vũ trang cướp chính quyền, mở đầu cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám trên cả nước.
Văn Miếu - Quốc tử Giám nhìn từ độ cao hơn 200m. Bao bọc xung quanh di tích này là các con phố Quốc Tử Giám, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học và Văn Miếu. Đây là một trong những di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám. Kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám. Toàn khu có tường gạch vồ bao quanh, phía trong chia thành 5 lớp không gian với các kiến trúc khác nhau. Mỗi lớp không gian được giới hạn bởi các tường gạch có 3 cửa để thông với nhau (gồm cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên). Từ ngoài vào trong phải lần lượt đi qua các cổng Văn Miếu, Đại Trung, Khuê Văn Các, Đại Thành và Thái Học. Đây còn là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước, nơi khen tặng cho sinh viên, học sinh xuất sắc. Vào mỗi kỳ thi quan trọng của ngành giáo dục, đây còn là nơi các sĩ tử đến cầu may.
Hồ Văn trước cửa Văn Miếu. Đây cũng là di tích nằm trong quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Vườn hoa Văn Miếu với khu nhà bát giác, bên cạnh là tuyến phố Tôn Đức Thắng.
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nằm ở phía Đông Bắc quận Hoàn Kiếm, gần hồ Gươm và các tuyến phố Hàng Ngang, Cầu Gỗ, Hàng Gai và Đinh Tiên Hoàng. Thời Pháp thuộc quảng trường này có tên là Place Négrier. Điểm đặc biệt của khu vực này là một đài phun nước nằm chính giữa. Nơi đây thường tổ chức các sự kiện đường phố vào mỗi dịp lễ, Tết.
Một góc phố cổ Hà Nội nhìn từ trên cao. Khu vực này thuộc địa bàn các phường Hàng Bông, Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm). Khu đô thị này có từ thời Lý - Trần, tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành lên những phố nghề đặc trưng, mang những nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị, kinh đô.
Đường trên cao đầu tiên ở thủ đô đoạn có tòa nhà 72 tầng, cao nhất Việt Nam - Keangnam. Đường có tổng chiều dài toàn tuyến 15km, 4 làn xe, ô tô được phép chạy tốc độ tối đa 100km/h.
Sân vận động quốc gia Mỹ Đình từ trên cao nhìn như một lòng chảo. Đây là sân vận động đa năng với hơn 40.000 chỗ ngồi, kết hợp cả bóng đá với thi đấu điền kinh 8 đường chạy vòng 400m, 10 đường chạy thẳng 110m. Tổng diện tích 15,5ha. Sân có 4 khán đài cao từ 8m đến hơn 25m, 419 phòng chức năng, hệ thống chiếu sáng 355 bóng ở 4 cột cao 54m. Nơi đây thường tổ chức các trận đấu của đội tuyển bóng đá quốc gia và các sự kiện lớn hay các chương trình ca nhạc đặc biệt.
(Tri Thức)
- Hà Nội "lội" và chuyện "những người khốn khổ"
- “Gỡ rối” giao thông nhờ xã hội hóa
- Bán vé thăm Phố cổ Hội An: Hưởng thụ 'miễn phí' hay đòi hỏi?
- Tăng vốn đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Vào thế đã rồi!?
- Vì sao đường sắt đô thị Hà Nội đội giá 339 triệu USD?
- Những cây cầu trong đô thị
- Để trở thành “thành phố đáng sống”
- Chậm đến... thành phố Festival!
- Sao không… thẳng?
- Di tích Hà Nội liên tục bị xâm hại: Lỗ hổng từ quản lý đến nhận thức