Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Trung Quốc tuyên chiến với ô nhiễm

Trung Quốc tuyên chiến với ô nhiễm

Viết email In

Những ngày này, khung cảnh xung quanh cửa hiệu sửa xe Little Zhang’s Tyre Repair ở thị trấn khai thác đá mịt mù khói bụi Shijing (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) luôn vắng lặng. Nhờ lượng xe cộ qua lại, Zhang Minsheng, ông chủ cửa hiệu, vẫn còn kinh doanh sống được qua ngày. Thế nhưng, việc các mỏ đá gần đó bị đóng cửa do chính quyền mạnh tay chống tình trạng ô nhiễm đã khiến cho tình hình làm ăn của ông sa sút. Minsheng ước tính thu nhập hằng tháng của ông đã giảm tới 30-40%, chỉ còn khoảng 4.000 nhân dân tệ (640 USD). Sát bên cửa hiệu của ông là một cơ sở bán sỉ than đá đã đóng cửa. Một nhà hàng đồ nướng và một cửa hàng kinh doanh tạp hóa, thuốc lá và thức uống có cồn cũng cùng chung số phận.

Năm ngoái, vào một ngày sương mù và khói bụi dày đặc tại Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã chính thức “tuyên chiến” với tình trạng ô nhiễm không khí - yếu tố kìm hãm tăng trưởng của quốc gia. Sương mù và khói bụi hiện vẫn là mối nguy hiểm trầm trọng tại hầu hết các thành phố Trung Quốc, nhưng các biện pháp kiểm soát, bảo vệ môi trường đang bắt đầu được tung ra một cách quyết liệt.

  • Ảnh bên: Những ống khói của các nhà máy giấy không ngừng tuôn những làn khói trắng vào bầu trời vốn dĩ đã xám xịt.

Cơ quan quản lý tại các tỉnh bị ô nhiễm nặng nề nhất đã ra chỉ thị đóng cửa hàng loạt doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm. Tại một số khu vực, các nhà chức trách còn bị phạt nặng vì đã không kiểm soát được tình trạng này. Các nhà làm chính sách đang ít đặt nặng vấn đề tăng trưởng GDP hơn trước, mà thay vào đó là chú trọng hơn đến vấn đề kiểm soát ô nhiễm, thanh lọc bầu không khí.

Tuy nhiên, điều này sẽ không dễ dàng chút nào. Những biện pháp kiểm soát ô nhiễm mạnh tay gần đây của Chính phủ Trung Quốc đối với các bãi khai thác đá, nhà máy, phân xưởng gây ô nhiễm đang diễn ra đúng lúc nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại, khiến cho tốc độ tạo ra việc làm mới không thể bù đắp được cho số việc làm bị sa thải trong những ngành bị ô nhiễm nặng nề. Tăng trưởng chậm hơn xảy ra đồng thời với nỗ lực của Chính phủ nước này trong việc kiểm soát các hoạt động đầu tư gây lãng phí, thất thoát và cùng với nợ xấu đang tăng lên.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại một cách tình cờ đã giúp cho các nhà điều hành nước này kiểm soát ô nhiễm. Bởi lẽ, tốc độ tiêu thụ than đá – thủ phạm chính gây nên tình trạng sương mù và khói bụi cũng như thải ra khí nhà kính làm biến đổi khí hậu - đã giảm nhẹ trong năm 2014 sau 14 năm tăng lên.

Dẫu vậy, cuộc tuyên chiến của Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ đầy cam go, đặc biệt tại Hà Bắc. Tỉnh này nằm bao bọc xung quanh Bắc Kinh và bị cho là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng khói bụi, sương mù tại Thủ đô. Hiện tại, lọc sạch bầu không khí tại Bắc Kinh đang là ưu tiên hàng đầu của giới chính trị Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo nước này đã không mấy vui vẻ gì khi hình ảnh quốc tế của Trung Quốc bị ảnh hưởng do bầu trời xám xịt ở Bắc Kinh. Họ lo ngại sương khói có thể khiến cho nhiều người bất mãn đối với Chính phủ, đe dọa tính ổn định tại Thủ đô cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân tại đây. Theo một báo cáo từ tổ chức Greenpeace và Trường Y tế Công của Đại học Peking, các trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí ước tính đã lên đến 8.572 người chỉ riêng ở Thượng Hải, Quảng Châu, Tây An và Bắc Kinh trong năm 2012. Tổng mức thiệt hại kinh tế tại các thành phố trên trong giai đoạn này ước tính lên đến 1,08 tỉ USD.

Trong cuộc chiến chống ô nhiễm, Chính phủ Trung Quốc đã xem Hà Bắc là tuyến đầu và cũng đã đặt ra các chỉ tiêu cắt giảm mức độ tiêu thụ than đá và đóng cửa các cơ sở gây ô nhiễm nặng tại đây. Bản thân chính quyền tỉnh Hà Bắc cũng đang ra sức lọc sạch bầu không khí. Kể từ đầu năm 2013, tỉnh này cho biết đã đóng cửa 18.000 nhà máy gây ô nhiễm. Hồi tháng 1, tờ nhật báo Hebei Daily cho biết tại huyện Mãn Thành (nơi có thị trấn khai thác đá Shijing), 37 mỏ đá và mỏ sỏi đã bị đóng cửa.

Nền kinh tế Hà Bắc đã bị ảnh hưởng nặng nề. Trong suốt giai đoạn 2000-2013, tăng trưởng GDP thực của tỉnh này luôn vượt qua tăng trưởng GDP quốc gia, nhưng riêng năm 2014 thì không. Thậm chí trong năm này, tăng trưởng GDP Trung Quốc đã chậm lại từ mức 7,7% của năm 2013 xuống còn chỉ 2,4% thì tăng trưởng của Hà Bắc còn giảm mạnh hơn, từ mức 8,2% xuống còn chỉ 6,5% vào năm 2014, theo số liệu thống kê chính thức. Sự suy giảm trong lĩnh vực công nghiệp của Hà Bắc năm ngoái đặc biệt nghiêm trọng, khi từ mức tăng trưởng 10% của năm 2013 đã giảm xuống còn chỉ 5,1% vào năm 2014, so với mức giảm nhẹ của cả nước là 9,7% xuống còn 8,3%.

Chính quyền tỉnh Hà Bắc có lý do riêng khi ra sức lọc bầu không khí. Vào đầu tháng 2.2015, Bộ Bảo vệ Môi trường đã chỉ tên đích danh 10 thành phố ô nhiễm nặng nhất tại Trung Quốc năm 2014. Bảy trong số đó nằm ở tỉnh công nghiệp nặng Hà Bắc. Các thành phố Bảo Định, Hình Đài, Thạch Gia Trang, Đường Sơn, Hàm Đan và Hành Thủy, tất cả đều ở Hà Bắc, giữ 6 vị trí đầu trong bảng “danh sách đen” này.

Không chỉ ở các thành phố ở Hà Bắc mà hầu hết các thành phố lớn trên cả nước đều ở mức đáng báo động về ô nhiễm không khí. Bộ Bảo vệ Môi trường cho biết chỉ có 8 trong số 74 thành phố lớn ở Trung Quốc là đạt được tiêu chuẩn quốc gia trong năm 2014 về các tiêu chí đo lường mức độ ô nhiễm như PM2.5 - một chỉ số đo lường các phân tử tìm thấy trong không khí, khí CO và tầng ozone. Dù vậy, đây cũng là một sự cải thiện so với kết quả năm 2013 khi chỉ có 3 thành phố là đạt được các tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng không khí.

Thực vậy, dường như các nỗ lực lọc không khí của Chính phủ Trung Quốc, trong đó có việc đóng cửa các cơ sở gây ô nhiễm, đang tạo ra những tác động tích cực. Bộ Bảo vệ Môi trường cho biết ở khu vực bao quanh Bắc Kinh, Hà Bắc và thành phố Thiên Tân, chỉ số chất lượng không khí PM2.5 là 93 microgram/m3 năm ngoái, giảm từ mức 106 của năm 2013. Tại Bắc Kinh, con số này giảm 4% còn 85,9 microgram/m2. Chỉ số hằng ngày trên 35 microgram/m3 được xem là không an toàn. Ở Bắc Kinh, có lúc chỉ số này vượt trên 500 microgram/m3.

Tháng 11 năm ngoái, ông Giải Trấn Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cho biết Trung Quốc sẽ làm sạch bầu trời vào năm 2030 - thời điểm lượng khí thải carbon cũng được dự kiến sẽ đạt mức đỉnh. Thế nhưng, không dễ gì khiến cho người dân vui lòng khi tình trạng ô nhiễm còn nặng nề. Có thể thấy rõ điều đó khi chạy xe về Bảo Định, tỉnh Hà Bắc: những ống khói của các nhà máy giấy không ngừng tuôn những làn khói trắng vào bầu trời vốn dĩ đã xám xịt.

Đàm Hoa
(Nhịp cầu Đầu tư)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo