Khi các nhà điều hành chính sách Trung Quốc tuyên chiến đối với ô nhiễm vào tháng 3/2014, họ đã chọn thành phố An Sơn (tỉnh Liêu Ninh), thủ đô của ngành sắt thép nước này, để làm tuyến đầu trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí. Nhưng người Trung Quốc không có nhiều kiến thức trong việc lọc không khí cho một thành phố tới 3,5 triệu dân, đang bị “ngộp” trong lớp khí lưu huỳnh điôxít dày đặc. Vì thế, trước khi tuyên chiến với nạn ô nhiễm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm kiếm sự hỗ trợ ở một quốc gia mà đã giảm mạnh được lượng năng lượng tiêu thụ và lượng khí thải độc hại trong khi vẫn tăng trưởng tốt: Đan Mạch.
Khi cả thế giới quan tâm
Sự quan tâm của một đất nước có số dân gấp hơn 200 lần Đan Mạch như Trung Quốc là điều đáng chú ý. Nó cho thấy vấn đề ô nhiễm đô thị tại Trung Quốc, cũng như tại các nền kinh tế khác trên thế giới, đang bắt đầu được quan tâm một cách nghiêm túc. Và việc Copenhagen, thủ đô của Đan Mạch, đã giảm được 40% lượng khí thải carbon kể từ năm 2000, biến nơi này thành một thành phố xanh kiểu mẫu cho các phái đoàn Trung Quốc.
Thực ra, sự quan tâm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc đối với mô hình Copenhagen đã có từ trước đó. Trong một chuyến thăm Copenhagen của Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào vào tháng 6/2012, Trung Quốc đã ký một hợp đồng với Danfoss, một công ty kỹ thuật trong nước, để giúp An Sơn từ bỏ thói quen sử dụng than đá. Danfoss được chọn vì Công ty là một chuyên gia trong lĩnh vực mà người Đan Mạch vốn là kẻ dẫn đầu thị trường: nâng cao tính hiệu quả của các mạng lưới cung cấp nhiệt khổng lồ cho đô thị.
- Ảnh bên: Copenhagen đã giảm được 40% lượng khí thải carbon kể từ năm 2000, biến nơi này thành một thành phố xanh kiểu mẫu của thế giới.
Khi các nền kinh tế hàng đầu tìm cách giảm tiêu thụ năng lượng và lượng khí thải nhà kính, họ đã phát hiện ra khoản chi phí bị tổn thất quá lớn do sử dụng năng lượng kém hiệu quả: Theo Liên hiệp Quốc, 70% tổng năng lượng được đốt tại các thành phố, trong đó phân nửa số này được dùng vào việc làm lạnh và sưởi ấm. Đó là lý do vì sao các thành phố từ London cho đến Darkhan ở Mông Cổ đột ngột nhìn sang Copenhagen và xem nó như một mô hình mẫu của việc tiêu thụ năng lượng hiệu quả.
An Sơn là một ví dụ. Thay vì sưởi ấm nhà và văn phòng bằng các nồi đun đốt bằng than, thành phố này giờ sẽ sử dụng nhiệt thải ra từ các nhà máy thép trung tâm của mình, hạn chế nguồn năng lượng bốc lên qua các ống khói, nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Đến năm 2015, An Sơn dự kiến sẽ đốt ít hơn 173.000 tấn than đá mỗi năm và Danfoss cho biết nó có thể mở rộng các mạng lưới ống nước nóng để giảm mức tiêu thụ than đá hằng năm tới 1,2 triệu tấn.
Tại châu Á, các nhà lãnh đạo cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với các giải pháp đối phó ô nhiễm trước thềm hội nghị thượng định về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại Paris vào tháng 12/2015. Tại châu Âu, sự quan tâm của các nhà làm chính sách vào các hệ thống lấy nhiệt trung tâm trở nên nhiều hơn sau những căng thẳng tại Ukraine, vốn cho thấy rõ điểm yếu của họ: mức độ phụ thuộc quá lớn vào khí đốt từ Nga.
Trên thực tế, mặc dù 60% hộ gia đình Đan Mạch kết nối với hệ thống lấy nhiệt trung tâm, nhưng con số này ở nước láng giềng Đức chỉ là 12-14%. Tại Anh, nơi các hộ gia đình chủ yếu sử dụng các nồi đun bằng gas, con số hộ dân kết nối với hệ thống cấp nhiệt trung tâm chưa tới 1%.
Nhưng điều đó sẽ sớm thay đổi. Ramboll, một công ty khác của Đan Mạch, cho biết đang thực hiện hệ thống cấp nhiệt trung tâm cho 10.000 ngôi nhà ở Greenwich. Trong khi đó, London cũng dự kiến sẽ hút lượng nhiệt thải ra từ các tàu điện ngầm để đưa vào hệ thống cấp nhiệt trung tâm.
Tổng mức sử dụng năng lượng bình quân đầu người tại một số nước năm 2012.
Công nghệ của người Đan Mạch
Sau nhiều năm không được coi trọng, đến năm 2014, Liên hiệp Quốc đã xác định hệ thống lấy nhiệt cải tiến là một trong những vũ khí hữu hiệu nhất trong việc chống biến đổi khí hậu. Hồi tháng 9/2014, Liên hiệp Quốc đã thúc giục các thị trưởng phải đặt ưu tiên cho các hệ thống lấy nhiệt hiện đại, giúp làm giảm chi phí đầu tư vào các mạng lưới điện trên toàn thế giới khoảng 7% vào năm 2030 và tiết kiệm 795 tỉ USD.
Ông Christiansen cho biết Copenhagen coi trọng sử dụng năng lượng một cách hiệu quả là có lý do. Lý do đó xuất phát từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ của thập niên 1970. Khi ấy, Đan Mạch đã bị ảnh hưởng quá nặng nề đến nỗi việc lái xe đã bị cấm vào các ngày Chủ nhật. Quốc gia này đã đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ lấy nhiệt. Công nghệ này về cơ bản không mới - tức sử dụng nguồn năng lượng bị thải ra một cách hoang phí để đun nóng nước, sau đó nước được đun nóng sẽ được bơm đi khắp thành phố - nhưng tính hiệu quả thực sự rất lớn: Hệ thống lấy nhiệt trung tâm của Copenhagen, vốn được tung ra vào năm 1925, đã vươn lên trở thành hệ thống sưởi lớn nhất thế giới và giờ sưởi ấm cho 98% ngôi nhà.
Giới chính trị và doanh nghiệp của Đan Mạch hiện thúc đẩy các công nghệ lấy nhiệt “thế hệ thứ tư” như một giải pháp về năng lượng. Morten Kabell, Thị trưởng phụ trách vấn đề môi trường của Copenhagen, đã nói đùa rằng ông chắc sẽ “đi nước ngoài quanh năm” nếu ông chấp nhận mọi lời mời đi truyền bá “mô hình Copenhagen”. Mặc dù Đan Mạch vẫn còn dùng một lượng lớn than đá, nhưng các hệ thống nhiệt “thông minh” ở nước này đang ngày càng sử dụng nhiều hơn các năng lượng tái tạo, năng lượng địa nhiệt và chất thải. Quốc gia này dự kiến sẽ từ bỏ hoàn toàn việc sưởi bằng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2035.
Đối với Copenhagen, sự nhiệt tình ngày càng tăng đối với việc phát triển những thành phố sử dụng nhiên liệu hiệu quả là một cơ hội thương mại lớn cho các công ty Đan Mạch làm việc trong ngành này như Danfoss, Ramboll, Grundfos và Rockwool. Tuy nhiên, mặc cho sức hút của mô hình Đan Mạch, các công ty cho biết có nhiều trở ngại trong việc nhân rộng công nghệ cấp nhiệt trung tâm của nước này đi khắp thế giới. Những trở ngại lớn nhất là vấn đề tài trợ vốn và việc phải “đại tu” cả một thành phố.
Jens-Peter Sauls, Tổng Giám đốc Ramboll, cho biết bất kỳ vị thị trưởng nào dám đào đường lên để đặt một hệ thống cấp nhiệt trung tâm phải là một người có tầm nhìn xa. “Bạn phải có một hệ thống được sự hậu thuẫn bởi một nhà lãnh đạo chính quyền mà thực sự tin rằng: “Tôi đang sắp xếp lại thành phố vì một thế hệ tiếp theo chứ không phải vì muốn ghi điểm cho đợt bầu cử sắp tới”. Đó thực sự là cả một cuộc đấu tranh”, ông nói.
Ở góc độ này, người Đan Mạch hết sức may mắn. Vì kể từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ, các chính quyền liên minh của Đan Mạch đã quay sang đồng lòng trong việc phải tập trung nâng cao tính hiệu quả sử dụng năng lượng. Thành phố Copenhagen đứng ra bảo lãnh cho các khoản vay dành cho các dự án xanh lớn và công ty công ích của Thành phố là Hofor thì được vận hành như một tổ chức phi lợi nhuận – một mô hình tài chính rất khó mà sao chép trên toàn cầu.
Thậm chí ở Trung Quốc cũng gặp không ít trở ngại dù giới cầm quyền nước này đã tuyên chiến với nạn ô nhiễm. Bằng chứng là thành phố An Sơn vẫn chưa mở rộng cửa cho các hợp đồng mới. Ông Christiansen cho rằng tính hiệu quả kinh tế ở An Sơn rất cao: chỉ cần đầu tư 40 triệu USD sẽ tiết kiệm được cho thành phố này tới 14 triệu USD mỗi năm về chi phí than đá. Nhưng mặc dù Danfoss đã nhắm đến hơn 10 dự án khác ở miền Bắc Trung Quốc, nhưng tốc độ vẫn còn chậm.
Theo ông Christiansen, các thành phố Trung Quốc có mức độ đáng tin cậy về khả năng trả nợ thấp và EKF, tổ chức tín dụng xuất khẩu của Đan Mạch, lại tỏ ra thận trọng khi cấp vốn cho các dự án nâng cao tính hiệu quả sử dụng nhiên liệu. “Đó là một vấn đề lớn. Rất khó để đưa vốn đến với các dự án này. Đây là một trong những lý do khiến mô hình cấp nhiệt trung tâm chưa thể cất cánh một cách nhanh chóng hơn”, ông nói.
Khánh Đoan (Nhịp cầu Đầu tư /Theo FT)
- Đô thị hóa ảnh hưởng đến phát triển của “con rồng kinh tế” châu Á
- Những “thành phố ma” và vấn đề phát triển nóng ở Trung Quốc
- Trung Quốc tuyên chiến với ô nhiễm
- 7 kỳ quan kiến trúc bị thế giới lãng quên
- Khu phố cổ Dadaocheng - bài học bảo tồn và quản lý di sản của Đài Loan
- Giá trị kinh tế của cây xanh
- Nhật Bản đối phó việc lái xe đãng trí đi nhầm đường cao tốc
- Tôi mơ về những phố đi bộ
- Phát triển công trình mới trong không gian lịch sử - Kinh nghiệm Scotland
- Trung Quốc phô diễn sức mạnh bằng các công trình tỷ USD