Các phần tử Hồi giáo Thánh chiến IS cố tình phá hoại, cướp bóc di sản văn hóa ở cái nôi của loài người có từ 5.000 năm trước. Tình trạng thê thảm bởi cuộc xung đột đẫm máu tại Syria. Phóng viên Geo có mặt tại chỗ đã kể lại…
Một buổi chiều vào tháng 3/2018, chiếc xe hơi 4×4 mới cáu dừng lại cách nhà hát La Mã ở Palmyre chỉ có vài mét.
Bốn binh sĩ, có một tay bắn tỉa với khẩu súng ống ngắm, ra khỏi xe, bước đi trên đống đổ nát của đô thị xây dựng cách nay 2.000 năm trong sa mạc Syria, giữa sông Euphrate và biển Địa Trung Hải. Một ốc đảo đã từng trù phú cực điểm nhờ các đoàn thương buôn lữ hành trong thời La Mã. Nó nằm giữa một quốc gia có chiến tranh từ năm 2011. Mặt tiền nhà hát hoành tráng đã bị quân IS đánh mìn phá sập vào tháng 1/2017.
Bên dưới đống đổ nát, những người lính thay phiên nhau chụp ảnh, giả vờ như đang ngắm vào mục tiêu. Từ nay, họ có trách nhiệm bảo vệ vùng Palmyre này. Bên ngoài vành đai ngôi đền Bêl, một chiếc lều được dựng lên làm nơi trú ngụ. Ở trong, phía sau hàng hiên, phần duy nhất của ngôi đền còn chưa bị phá hủy, họ đặt căn cứ tại nơi trước khi có chiến tranh là một tòa nhà hùng vĩ.
Tiếng nhạc pop kiểu Thổ Nhĩ Kỳ vang lên đâu đó từ một chiếc điện thoại thông minh của binh sĩ.
Xa xa có tiếng súng nổ đì đùng. Người ta giải thích: đó chỉ là tập luyện. Chiến tranh đã chấm dứt ở trong vùng. Nhưng khôi phục lại thành cổ Palmyre không phải là chuyện của ngày mai bởi vì Syria đang trải qua một cuộc chiến đẫm máu, với khoảng 250-500.000 người chết và còn đang bị cả Mỹ lẫn châu Âu cấm vận.
Trước khi chiến tranh xảy ra, hằng năm có đến 7 triệu du khách đến, chiếm từ 15 – 20% GDP của Syria. Cổng Khải Hoàn Môn và những ngọn tháp của nhà hát đã bị quân IS phá tan tành trước khi tháo chạy. Hai ngôi đền Bêl và Baalshamin bị sang phẳng thành bình địa. Nhà hát La Mã và 9 hàng bậc thang đã biến thành nơi hành quyết rùng rợn trước khi bị đặt mìn phá hủy hoàn toàn.
IS đã từng chiếm giữ Palmyre đến 2 lần, từ tháng 5.2015 đến tháng 3.2016 rồi từ tháng 12.2016 đến tháng 4.2017. May mắn là phần lớn di tích vẫn còn nguyên vẹn với hàng trăm bức tượng đã được cất giấu tại Damas. Nơi đây vừa được quân đội Nga tháo gỡ hết bom mìn, nhưng không có kế hoạch khôi phục nào.
Trên các bậc thang dẫn đến viện bảo tàng cổ, các phù điêu hàng ngàn năm bị hư hỏng nằm bên dưới những tấm bảng ghi tín hiệu bảo vệ. Bên trong, hai người lính ăn mặc lôi thôi, lếch thếch đang ngồi uống trà. Trên đầu họ, một lỗ thủng to xuyên phá của quả đạn pháo.
Trên mặt đất, giữa đống sỏi đá là mảnh vụn của những bức tượng. Một nhà hàng bỏ hoang nằm đối diện với ngôi đền đổ nát, cho thấy trước chiến tranh, Palmyre đã từng là một nơi tấp nập khách du lịch, đến 150.000 người mỗi năm. Nó nuôi sống 100.000 cư dân sống tại cổng thành cổ.
Ngọn tháp của nhà thờ Hồi giáo Umayyad có từ thế kỷ 12 bị phá hủy bởi đợt pháo kích dữ dội.
Ngày nay, chẳng còn một người nào ở thành phố Tadmor kế cận, cũng bị tan hoang vì bom đạn. Trong số 10.000 di tích cổ trên khắp Syria, đã có 300 nơi bị tàn phá hay hư hại. Theo nhà khảo cổ Maamoun Abdulkarim của Tổng cục Khảo cổ & Bảo tàng viện Syria (DGAM), từ 2012-2017: “Điều quan trọng nhất là tại đây chẳng còn cơ quan nào của UNESCO cả. Chính một nhóm ở Beyrouth, thuộc Liban, phụ trách một dự án cứu nguy khẩn cấp di sản văn hóa Syrie từ năm 2014. Người chủ trì là Cristina Menegazzi, đã tổ chức lập hồ sơ và kỹ thuật số hóa thành 3D các khu vực cần phục hồi”.
Ngoại trừ việc phục hồi con sư tử Al-Lât, tức sư tử Athéna. Bức tượng bằng đá vôi có niên đại 2.000 năm, tạc hình con sư tử đang kẹp một con linh dương bằng hai chân trước, đứng ở cổng vào Viện Bảo tàng Palmyre. Cao 3,45m, nặng 15 tấn, nó là biểu tượng kẻ mạnh che chở những người yếu thế, trước khi IS phá hủy vào tháng 5.2015.
Cristina Menegazzi nói: “Chúng tôi có thể can thiệp bởi đây là trường hợp khẩn cấp của một di sản văn hóa di động, không phải cố định. Nhưng ngày nay, quỹ của chúng tôi đã cạn kiệt. Ý định vẫn còn đó, nhưng không có phương tiện. Vì thế, tôi phải quay về trụ sở UNESCO ở Paris”.
Damas. Từ trên đỉnh tháp chuông của đại giáo đường Omeyyades xây dựng từ thế kỷ 7 Công nguyên, có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố. Đó đây, những chiếc cần cẩu đang hoạt động. Xa xa khói bốc lên, nhắc nhở rằng chiến tranh vẫn còn chưa chấm dứt.
Vào mùa xuân năm 2018 này, chính phủ mở cuộc tấn công các cổng thành để giành quyền kiểm soát khu ngoại ô Đông Ghouta. Phần còn lại của thủ đô tương đối không còn xung đột. Ngay từ sáng sớm, Damas đã ồn ào khi hàng quán mở cửa. Trong khu vực đại giáo đường, một người thợ làm đàn đã bắt đầu công việc, trong lúc một số phụ nữ che mặt đang ăn sáng trên sân thượng của một quán ăn rẻ tiền.
Trên bàn có những món ăn như: trà đỏ, gà nấu đậu, dầu ôliu, yaourt mặn, bánh mì, mứt, phô mai, cà chua, dưa leo.
Tại Viện Bảo tàng khảo cổ Damas ở giữa thành phố, không khí thật ồn ào, náo nhiệt. Khoảng 300.000 cổ vật được cứu thoát khỏi tay bọn cướp và phá hoại trên cả nước. Chính là nhờ Maamoun Abdulkarim, cựu Giám đốc DGAM.
Thành phố ốc đảo Palmyra ở phía đông bắc thủ đô Damascus được coi là một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất ở Syria cũng không thoát khỏi thảm họa trên.
Ngay từ khi nhậm chức vào tháng 8/2012, ông đã ra lệnh đóng cửa và dọn dẹp sạch các viện bảo tàng. Các nhà khảo cổ Syrie bắt đầu mở các thùng chứa đầy cổ vật, để lập danh sách và khôi phục. Họ chỉ làm một mình. Các đồng nghiệp châu Âu, nhất là Pháp, không có mặt để trợ giúp. Việc cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 2012 đã kéo theo hợp tác nghiên cứu khoa học. Chính vì thế, Sophie Cluzan, nhà khảo cổ người Pháp thuộc Viện Bảo tàng Louvre, đã phải ngưng ngay cuộc đào bới gần thủ đô Syrie bắt đầu từ năm 2005.
Bà kể: “Thật là bất ngờ! Tôi phải rời bỏ một đất nước mà mình rất yêu mến. Tôi đã sống ở đó suốt nhiều tháng trong một năm. Nhưng làm sao có thể làm việc được khi người dân đang bị tàn sát?"
Giáo sư khảo cổ phương Đông Pascal Butterlin, thuộc Đại học Sorbonne, cũng không thể đến Mari, ngôi làng nằm trên bờ phải sông Euphrate cách nay 2.900 năm để nghiên cứu: “Thoạt tiên, Bộ Ngoại giao khuyên chúng tôi không nên đến Syrie. Nhưng rất nhanh sau đó, mọi hoạt động đều bị ngưng lại. Bởi thế, từ sáu năm qua, tôi chỉ có thể làm việc trên hồ sơ lưu tại Pháp”.
Nhờ ảnh chụp vệ tinh được lưu hành trên mạng internet mà ông biết được những vụ cướp phá diễn ra tại Mari suốt nhiều năm dài: “Có thể nhìn thấy những hố sâu rất dài do máy móc lớn đào bới. Giống như một mỏ kim cương. Đây là một đại họa của di sản thế giới trong thế kỷ 21”.
Lâu đài cổ nổi tiếng Krak des Chevaliers gần biên giới Syria - Lebanon cũng bị phá hủy nhiều phần.
Trước chiến tranh, cả nước Syria có hơn 100 địa điểm đào bới khảo cổ, đứng hàng thứ nhì sau Ai Cập, thu hút các nhà nghiên cứu quốc tế. Ngày nay chỉ còn có một nhóm người Hungary làm việc liên tục tại lâu đài Krak của các hiệp sĩ, kiên cố nhất thời Trung cổ, được xếp loại Di sản thế giới năm 2006. Người ta đến đó từ thành phố Homs qua một con đường ngoằn ngoèo xuyên qua những cánh đồng ngũ cốc.
Đi được 30km, có thể nhìn thấy từ xa một bờ thành trên đỉnh núi tròn. Trạm kiểm soát của quân đội Syria kiểm soát người qua lại. Trong suốt hai năm, các phần tử Thánh chiến IS ẩn nấp từ đây để tấn công các ngôi làng Thiên Chúa giáo chung quanh.
Giữa những ngọn đồi trồng cây ô liu, nhánh oằn xuống đất, Địa Trung Hải chỉ cách đó chừng 30km, làng mạc loang lổ bom đạn bị bỏ hoang. Khách sạn đón khách du lịch nằm cách lâu đài chưa đến 1km, chỉ còn là một bộ xương, bị cây cỏ dại phủ kín. Krak là một địa điểm chiến lược cho phép nhìn bao quát cả thung lũng.
Ngày nay, chung quanh pháo đài vẫn còn nguyên, nhưng bên trong hư hại nặng: các phần tử Thánh chiến phá nổ chiếc cầu thang lớn và dùng dao khoét to các lỗ châu mai để đặt súng máy. Khi chính phủ Syria giành lại quyền kiểm soát vào tháng 3.2014, các nhà khảo cổ còn tại chỗ là nhóm người Hungary làm việc tại lâu đài Margat.
Nhà khảo cổ Balazs Major cho biết: “Hungary và Pháp đóng cửa tòa đại sứ tại Damas. Nhưng chính phủ chúng tôi trợ giúp cho các cộng đồng Thiên Chúa giáo trong vùng. Vì thế, chúng tôi vẫn còn tiền để tiếp tục làm việc”.
Số tiền này đến từ Đại học Pazmany Péter, nơi ông đang giảng dạy. Vatican vẫn không đóng cửa tòa đại sứ tại Damas. Nên nhớ: có mối quan hệ chăt chẽ giữa Hungary và các pháo đài Thập tự chinh. Năm 1218, cách nay đúng 800 năm, vua André II của Hungary đến Margat và Krak, hứa hẹn trợ cấp mỗi năm 80kg bạc để duy trì những nơi này. Lời hứa đó đến hôm nay vẫn còn được tuân thủ.
Tại Pháp, một số mạnh thường quân cũng tiếp tục đến với Syria. Mỗi người có một lý do riêng. Với ICONEM, một công ty khởi nghiệp tại Paris, chuyên về số hóa 3D, phải khẩn cấp tạo ra ký ức số về di sản văn hóa Syrie, để một ngày nào đó cho phép các nhà khảo cổ phục hồi những nơi bị tàn phá.
Nhà sáng lập Yves Ubelmann giải thích: “Chúng tôi không tìm được ai tài trợ cho các dự án tại Syria. Chúng tôi phải tự gây quỹ bằng cách bán cổ phần của công ty”. Đây là một dự án phi chính trị. Marc Lebeau, nhà khảo cổ người Bỉ, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Vùng Cao Mésopotamie, vẫn tiếp tục ở lại làm việc, nhưng lại có ý nghĩ khác: “Chẳng đào bới được gì cả, nhưng cũng không thể ngồi yên”.
Khu vực sân ở ngôi đền Baal thuộc thành phố ốc đảo Palmyra, Syria bị bom đạn tàn phá, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các di tích.
Sau khi liên quân Syria và Nga chiếm lại Palmyre lần thứ nhất, người ta tổ chức ăn mừng tại Damas và cả Saint-Pétersburg. Các nhà khảo cổ Syria cảm thấy mình bị bỏ rơi.
Sau năm năm lãnh đạo DGAM, Maamoun Abdulkarim, hiện đang dạy tại Đại học Damas, vẫn tiếp tục báo động: “Từ mấy chục năm qua, chúng tôi có mối quan hệ chặt chẽ với các nhà khảo cổ Pháp. Thế nhưng họ không được phép đến nữa, trong khi chúng tôi rất cần đến chuyên môn của họ”.
Mahmud Hamud, Giám đốc DGAM hiện thời, nói: “Chúng tôi hoan nghênh bất cứ ai đến trợ giúp”. Ngày nay người Tchetchène tài trợ khôi phục giáo đường Khalid ibn al-Walid tại Homs và Omeyyades tại Alep.
Mùa xuân năm 2018, người Nga ký thỏa thuận gây quỹ khôi phục Palmyre. Cả vùng Địa Trung Hải đều thống nhất: khẩn cấp khôi phục lại thành phố Alep, vừa là di sản văn hóa nhân loại vừa là con người. Khác với lâu đài Krak hay Palmyre, thành phố cổ này cũng được UNESCO công nhận, là nơi có người ở.
Trên con đường từ Homs đến Alep, những cánh đồng ôliu, lúa mì, mận kéo dài bạt ngàn. Nhưng rải rác những ngôi làng ma. Những ngôi nhà bằng đất sét màu vàng, nóc tròn chẳng có một bóng người bởi người ta đã trốn chạy chiến tranh. Càng đến gần, càng thấy nhiều chốt kiểm soát. Quận đội Syria đã giành lại quyền kiểm soát Alep sau 4 năm 5 tháng nằm trong tay quân nổi dậy, với khoảng ít nhất 25.000 thường dân mất mạng. Một thành phố tan hoang.
Trước đó, Alep là thủ đô kinh tế của Syrie và trung tâm lịch sử thế giới được khôi phục trong thập niên 1990. Một thành phố Ả Rập vào thời Trung cổ của triều đại Ayyoubide, do thủ lĩnh người Kurde Saladin lập nên vào thế kỷ 12. Ngày nay đó là một nơi hoang vắng. 60% thành phố bị tàn phá nặng nề. Đại giáo đường bị cắt mất ngọn tháp chuông cao 50m xây dựng từ thế kỷ 11.
Khu chợ vòm lớn nhất thế giới, với những đường hẻm có mái vòm che phủ kéo dài suốt 13km bị phá hủy hoàn toàn. Xây dựng lại thành phố Alep phải tốn kém vài chục tỉ USD. Nhưng hiện nay, khoảng 800.000-1.000.000 dân đang bị đói. 600.000 người trốn chạy nay đã quay trở về. Nó giống như một thành phố của nước Đức sau Thế chiến thứ hai.
Alep có thể nào hồi phục trước sự chia re sâu sắc của cả thế giới?
5.000 năm lịch sử của SyrieThiên niên kỷ 3-2 TCN – Các quốc gia đô thị đầu tiên: Thành phố Mari ra đời trên bờ sông Euphrate vào khoảng năm 2.900 TCN, đối thủ của thành phố Ebla tại thung lũng Oronte ở phía Tây. Nó bị đế quốc Akkad đang thống trị vùng Mésopotamie (Lưỡng Hà) bên cạnh tàn phá lần đầu tiên vào khoảng năm 2.600 TCN. Đến năm 1.759 TCN lại bị Hammurabi, hoàng đế thứ 6 của Babylone, hủy diệt lần nữa. Đại đô thị Mari không còn nữa. thiên niên kỷ 2-1 TCN – Ngã tư quốc tế: Syrie trở thành nơi xung đột của các đế quốc lớn trong vùng: Mitani ở phía Đông Bắc, Hittite ở phía Bắc và Ai Cập ở phía Nam. Đến thiên niên kỷ 1-TCN là hai đế quốc Aram và Assyrie. Sang thế kỷ 7 – TCN nó bị sát nhập vào Babylone. Năm 539 TCN, đại đế Cyrus thắng quân Babylone, Syrie rơi vào tay đế quốc Ba Tư. Thế kỷ 4 TCN đến thế kỷ 7 – Từ Hy Lạp đến La Mã: Sau khi Alexandre Đại đế chiến thắng Ba Tư, toàn vùng Trung Đông rơi vào tay Hy Lạp. Khi ông chết vào năm 301 TCN, tướng kế vị Séleucos chiếm giữ được Syrie và vùng Mésopotamie. Năm 64 TCN, tướng La Mã Pompée đánh bại Hy Lạp, biến Syrie thành một tỉnh của mình. Palmyre là một pha trộn văn hóa Hy Lạp và La Mã tuyệt vời. Đến thế kỷ 4, nó rơi vào tay chính quyền Constantinople (đế quốc Byzantine) và toàn dân theo Thiên Chúa giáo. Dấu vết còn rõ nét tại 40 ngôi làng cổ ở phía Bắc Syrie. Thế kỷ 7-11 – Rơi vào tay Ả Rập: Bosra ở phía Nam là thành phố đầu tiên của đế quốc Byzantine rơi vào tay người Ả Rập năm 634. Từ năm 631 đến năm 749, Damas là thủ đô của vua Ả Rập đầu tiên thuộc triều đại Omeyyade. Với đại giáo đường khổng lồ, nó trở thành một vương quốc Ả Rập-Hồi giáo điển hình. Năm 750, triều đại Abbas tiêu diệt Omeyyade lấy Bagdah làm kinh đô. Trung tâm quyền lực của Hồi giáo nằm giữa Syrie và Iraq. Thế kỷ 11-16 – Chiến tranh thập tự : Trong suốt hai thế kỷ, Thiên Chúa giáo tiến hành cuộc thập tự chinh với Hồi giáo, người Pháp chiếm giữ vùng Trung Đông, xây dựng nhiều pháo đài. Trong số đó có pháo đài Krak của các Hiệp sĩ ở phía Tây Syrie trong khoảng những năm 1142-1271. Năm 1174, chiến binh Hồi giáo người Kurde tên Saladin vùng lên, thống nhất được Ai Cập, Syrie, Hedjaz (phía Tây bán đảo Ả Rập) và Mésopotamie, chiếm lấy Damas làm thủ đô. Với các pháo đài của mình, thành phố Alep trở thành một trung tâm quân sự. Triều đại Ayyoubide kế vị Saladin cũng chấm dứt vào năm 1260 và Syrie thuộc triều đại Mamelouk tại Ai Cập. Thế kỷ 16-20 – Rơi vào tay đế quốc Ottoman: Năm 1516, hoàng đế Ottoman Sélim I đánh bại Mamelouk, Syrie trở thành một tỉnh của đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1918, nó bị liên quân Anh-Pháp đánh bại, và Syrie trở thành thuộc địa của Pháp từ 1920-1943 rồi được trao trả độc lập năm 1946. Sau hàng loạt nhà độc tài quân sự và chế độ Quốc hội bất ổn, đảng Baas do Hafez al-Assad cầm đầu chiếm được chính quyền. Khi ông chết vào năm 2000, con trai là Bachar lên làm tổng thống. Đàn áp người biểu tình ôn hòa đòi dân chủ đã dẫn đến xung đột lan ra trên cả nước. Nhóm người Hồi giáo thánh chiến cũng nổi lên ăn theo. Tổ chức IS lấy Raqqa làm thủ đô và tấn công Palmyre lần đầu tiên vào năm 2015. Chính phủ Syrie phản công, giành lại được 61% lãnh thổ. 39% còn lại rơi vào tay người Kurde ở phía Đông Bắc, người Thổ ở Tây Bắc và các nhóm nổi dậy ở phía Nam, Bắc. Tàn quân IS còn kháng cự ở Tây Nam và sa mạc phía Đông. Trong số 10.000 địa điểm khảo cổ tại Syrie, có 300 nơi bị chiến tranh tàn phá. |
Đinh Công Thành
(Người Đô Thị)
- Trung Quốc gánh hệ lụy vì đập thủy điện lớn nhất thế giới
- Những công trình bằng kính nổi tiếng thế giới
- Tòa nhà 'chọc trời' đầu tiên trên thế giới
- Lương bao nhiêu mua được nhà ở thành phố lớn tại Mỹ?
- 10 thủ đô có không khí trong lành nhất thế giới
- Những thành phố khó mua được nhà nhất thế giới
- Những thành phố ít ô nhiễm không khí trên thế giới
- Singapore siêu thực, huyền ảo như viễn cảnh về thế giới tương lai
- Cuộc sống ở những thành phố cao nhất thế giới
- Jakarta - thành phố đứng bên bờ thảm họa bị nhấn chìm