Chỉ có khoảng 17 phi công đủ trình độ để hạ cánh ở đường băng sân bay Paro, nằm giữa những dãy núi cao hơn 5.000 m của Bhutan.
Sân bay Paro, Bhutan
(Ảnh: Shutterstock)
Sân bay nằm ở độ cao hơn 2.400 m so với mực nước biển và được bao quanh bởi những ngọn núi cao tới gần 5.500 m. Các phi công dường như mất hoàn toàn tầm nhìn về đường băng, trước khi họ bay chếch 45 độ qua dãy núi rồi hạ độ cao nhanh chóng và đáp xuống. Ở trên núi có một ngôi nhà mái đỏ, điểm đánh dấu để phi công hạ cánh. Do đó, tất cả các chuyến bay cất và hạ cánh ở đây đều phải thực hiện vào ban ngày.
Đặc biệt, đường bay chỉ dài 1.900 m. Các máy bay phải hạ cánh trong điều kiện gió thổi mạnh qua thung lũng, dẫn đến những nhiễu loạn nghiêm trọng. Các hành khách từng có mặt trong chuyến bay đến đây đều nhận xét, hạ cánh là một trải nghiệm kinh hoàng. Theo thống kê cuối năm 2018, chỉ có 17 phi công đủ điều kiện để hạ cánh tại sân bay, trước đó là 8 người vào năm 2011.
Sân bay Lukla Airport, Nepal
(Ảnh: The Telegraph/Istock)
Sân bay nằm ở độ cao 2.845 m so với mực nước biển, phía đông Nepal, là nơi đón những khách có mong muốn chinh phục trạm căn cứ Everest. Các yếu tố cơ sở hạ tầng, địa hình núi, thời tiết khiến nơi này trở thành một trong những sân bay khó hạ cánh nhất trên thế giới, ngay với cả những phi công có trình độ cao.
Đường băng ở sân bay chỉ dài khoảng 530 m, vì vậy nó được thiết kế với độ dốc 11%, giúp máy bay giảm tốc độ. Một đầu tiếp giáp với vực thẳng đứng, đầu còn lại là bức tường đá, có đường đi tới một ngôi chùa Phật giáo. Đặc biệt, địa hình đồi núi bao quanh khiến máy bay không thể bay vòng quanh mà buộc phải hạ cánh. Nếu bất cẩn có thể lao xuống vực hoặc đâm vào vách đá. Thời tiết ở Himalaya khó dự đoán, để tránh mây mù, các chuyến bay phải cất hoặc hạ cánh trong thời gian từ 6 - 9h sáng.
Sân bay quốc tế Courchevel, Pháp
(Ảnh: WikiCommons)
Là sân bay nhỏ nằm trên dãy núi Alps của Pháp, khu vực nổi tiếng với những dãy núi cao. Với chiều dài hơn 525 m, đường băng ở đây còn ngắn hơn đường băng sân bay Lukla. Để hỗ trợ máy bay giảm tốc kịp thời, đường băng được thiết kế với độ dốc 18,5%. Điều này khiến việc cất cánh ở sân bay nguy hiểm hơn hạ cánh.
Sân bay Barra, Scotland
(Ảnh: Colin Moss/Flickr)
Nằm trong vùng vịnh cạn Traigh Mhòr, phía bắc đảo Barra, đây là sân bay duy nhất trên thế giới có đường băng là bãi biển. Thậm chí, người dân và du khách còn tới đây để nhặt sò.
Sân bay có tổng cộng 3 đường băng, được đánh dấu bằng các cột gỗ ở 2 đầu. Khi thủy triều lên, đường băng hoàn toàn chìm dưới nước. Nếu đến không đúng lúc, phi công phải lái máy bay lòng vòng để đợi hạ cánh.
Sân bay đảo Saba, Hà Lan
(Ảnh: Airlines Travel)
Được biết đến với tên gọi Juancho E Yrausquin, là một trong những sân bay thương mại ngắn thất thế giới, với chiều dài 396 m. Cả 2 bên đầu đường băng là vực, hướng thẳng xuống biển. Nếu phi công không giảm tốc kịp thời, cả chiếc máy bay có thể rơi xuống vực thẳm.
Sân bay Nam Cực
(Ảnh: McMurdo Times-com/Flickr)
Do không có quá nhiều người đến với Nam Cực, nên các sân bay trải nhựa không được xây dựng. Các máy bay tới đây đều phải hạ cánh trên khu vực băng tuyết bằng phẳng, có đánh dấu bằng các lá cờ đỏ. Trọng lượng của máy bay cũng được quy định rõ ràng để không bị kẹt trong tuyết hay làm nứt đường băng. Một vài tháng trong năm, khi điều kiện thời tiết xấu, các phi công phải sử dụng kính ban đêm để hạ cánh an toàn.
Sân bay quốc tế Princess Juliana, St. Maarten, Hà Lan
(Ảnh: TVL1970/Flickr)
Bãi biển Maho đông đúc du khách nằm tại đầu đường băng, chỉ cách nhau bởi một hàng rào sắt. Vì vậy ở đây không chỉ là bãi tắm mà còn là nơi thu hút du khách muốn trải nghiệm máy bay hạ cánh ngay trên đầu. Khi hạ cánh, các động cơ phản lực khổng lồ có thể tạo ra những cơn gió cát và thổi mọi người xuống nước. Lực gió thậm chí có thể gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong nếu đứng quá gần. Vì vậy các biển báo nguy hiểm được dán xung quanh hàng rào, yêu cầu mọi người tránh xa khu vực đường băng khi máy bay hạ cánh.
Sân bay Madeira, Bồ Đào Nha
(Ảnh: Reddit)
Đường băng của sân bay nằm giữa những vách đá và cạnh đại dương, vì vậy quá trình hạ cánh rất nguy hiểm do gió mạnh. Năm 1977, một chiếc máy bay đã lao xuống vực do đường bay quá ngắn, khiến 161 người tử vong. Đường bay ngay lập tức được xây dựng thêm với tổng độ dài 2.777 m và chống bởi 180 cột trụ. Ngày nay, chỉ có những phi công đã qua đào tạo chuyên nghiệp mới được phép hạ cánh tại đây.
Sân bay quốc tế Gibraltar, Anh
(Ảnh: Reddit)
Là sân bay dân sự thành phố Gibraltar, lãnh thổ hải ngoại của Anh. Nơi đây được coi là một trong những sân bay nguy hiểm nhất thế giới vì đường băng cắt ngang qua một tuyến đường đông đúc trong thành phố và 2 đầu là biển. Khi máy bay hạ cánh, con đường sẽ được đóng lại, thường gây tình trạng ùn tắc giao thông.
Lan Hương
(VnExpress /Theo Forbes)
- 7 thư viện là trung tâm văn hóa, tri thức của nhân loại thời cổ đại
- Bảo tàng container ở Panama
- Delhi: Nỗ lực tuyệt vọng để giảm ô nhiễm
- Căn biệt thự độc đáo ở đảo Vancouver được nhiều người mua giàu có chú ý
- Những ngôi làng, thị trấn đang được rao bán, có nơi dưới 300.000 USD
- Công ty xe đạp Nhật Bản "hốt bạc" nhờ dịch Covid-19
- Covid-19: Nới lỏng phong tỏa, dân thế giới đổ ra đường vui chơi, tắm biển
- Hai dinh thự bãi biển nhà giàu Mỹ được bán với giá gần 60 triệu USD
- Chủ đầu tư Trung Quốc đẩy mạnh công nghệ bán bất động sản
- Nhà thờ gỗ Hiển dung 300 năm tuổi không dùng đinh