Mặc dù Grand Canal không được biết đến rộng rãi, dòng kênh này từng đóng vai trò quan trọng góp phần vào sự phát triển rực rỡ của Milan, sánh ngang với Venice hay Amsterdam.
Trước khi Italy đóng cửa lần thứ hai vào tháng 11/2020, hai bờ Grand Canal (Naviglio Grande) ở Milan rất đông người qua lại.
Nhiều vị khách đang tìm món hàng ưng ý khi 400 gian hàng của khu chợ đồ cổ ở thành phố hoạt động. Một số người khác đang ngồi trong quán cà phê, nhâm nhi một ly rượu khai vị trong lúc ngắm nhìn dòng nước trong vắt phản chiếu ánh nắng thu rực rỡ.
Đây là khung cảnh quen thuộc ở quận Navigli của Milan vào chủ nhật cuối cùng hàng tháng. Nằm ở góc tây nam thành phố, Navigli còn lưu giữ sợi dây liên kết cuối cùng của người dân Milan với hệ thống kênh đào lịch sử.
Naviglio Grande đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển rực rỡ của Milan thời Trung cổ. (Ảnh: Nothing Familiar)
Chứng nhân lịch sử
Grand Canal được xây dựng vào năm 1177 và trở thành một trong những kênh đào lâu đời nhất ở châu Âu. Mặc dù không được biết đến rộng rãi, con kênh này từng đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển rực rỡ của Milan, sánh ngang với Venice hay Amsterdam.
Hầu hết thành phố lớn ở châu Âu đều gắn liền với một dòng sông. London có sông Thames, Paris nổi tiếng với sông Seine hay Berlin được xây dựng xung quanh bờ sông Spree. Song, Milan lại không được thiên nhiên ưu ái như thế.
Do vậy, chính quyền Milan đã tạo ra mạng lưới kênh đào nhằm duy trì tầm ảnh hưởng và sự giàu có của đô thị không giáp biển. Vào cuối thế kỷ 15, hệ thống kênh đào đã kết nối thành phố với sông Ticino (25 km về phía tây) và Adda (35 km về phía đông). Trái tim của mạng lưới này là Cerchia Interna (Vòng tròn Navigli).
Hầu hết dòng kênh xanh ở Milan đã bị chôn vùi do quá trình đô thị hóa. (Ảnh: The Culture Trip)
Ngày nay, dấu vết của mạng lưới trung tâm có thể được tìm thấy tại Martesana, phía bắc Milan. Phần còn lại đều trở thành phế tích do quá trình đô thị hóa giữa thế kỷ 20. Cerchia Interna đã bị chôn vùi dưới lớp bê tông khi ôtô và tàu hỏa thay thế tàu thuyền, trở thành phương tiện vận tải chính tại kinh đô thời trang.
Darsena (bến tàu hoặc xưởng đóng tàu) nằm ở nơi giao nhau của 2 con kênh cuối cùng ở Milan, Naviglio Grande và Naviglio Pavese. Đây từng là hải cảng sầm uất tại Italy và trở thành một phần quan trọng của mạng lưới kênh đào Milan với vai trò bến tàu nội địa để vận chuyển hàng hóa.
Đặc biệt, trong khoảng 6 thế kỷ, các con thuyền chở đá cẩm thạch từ hang động Candoglia đã cập bến Darsena đi vào trung tâm thành phố để xây dựng công trình biểu tượng của Milan, nhà thờ chính tòa (Duomo).
Sau khi được khôi phục, Darsena đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan. (Ảnh: patatofriendly)
Tuy vậy, sau khi Darsena ngừng hoạt động vào năm 1960, khu vực bến cảng đã biến thành vùng đầm lầy, cỏ dại mọc um tùm. Nhưng giờ đây, khung cảnh nhộn nhịp trong quá khứ của Darsena đang quay trở lại với "đầy ắp" nhà hàng, quán cà phê, quán bar và cơ sở kinh doanh địa phương.
Nhờ đó, hoạt động du lịch bằng thuyền bắt đầu phát triển mạnh với lượng khách tăng gấp đôi theo từng năm kể từ 2015.
Từ mùa xuân cho đến cuối mùa hè, những con tàu đưa du khách ngang qua Grand Canal và cập bến Darsena, nơi họ có thể thưởng thức cocktail Negroni hay ly rượu Aperol Aperitivo; các tay chèo kayak lướt trên mặt nước; nhiều cụ già đang chỉ dạy cho con cháu về sự kiên nhẫn trong nghệ thuật câu cá...
Thành công của việc khôi phục Darsena tạo tiền đề cho dự án đầy tham vọng của chính quyền Milan, mở lại hoàn toàn Cerchia Interna.
Vốn chính là trở ngại lớn trong dự án khôi phục Cerchia Interna của chính quyền Milan. (Ảnh: tripadvisor)
Dự án táo bạo
Sau quá trình tham vấn kéo dài, dự án mở lại đoạn kênh dài 8 km từ Cassina di Pomm ở phía bắc thành phố đến phía nam Darsena bắt đầu được triển khai vào năm 2019.
Dự án không những nhằm mục đích tái hiện hệ thống kênh đào trung tâm thời Trung cổ ở Milan, mà còn thiết kế đường hầm dưới lòng đất để dòng nước ngọt mát lành chảy qua "thủ đô tài chính" của Italy lần đầu tiên sau nửa thế kỷ.
"Đây là dự án lớn để phát triển Milan. Nó sẽ giúp cuộc sống người dân thành phố trở nên tốt hơn", hướng dẫn viên du lịch Federico Bianchino chia sẻ.
Chính quyền Milan hy vọng dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2026, thời điểm kinh đô thời trang đăng cai tổ chức Thế vận hội mùa đông.
Tuy vậy, dự án đang gặp phải rào cản lớn, là vốn.
Theo ước tính, việc khôi phục Cerchia Interna sẽ tiêu tốn gần 600 triệu USD, khoản tiền khổng lồ trong bối cảnh nền kinh tế Italy đang gặp khủng hoảng vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Để giải quyết vấn đề này, chính phủ Italy đang xem xét sử dụng một phần quỹ hỗ trợ khắc phục Covid-19 từ EU (Liên minh châu Âu).
Khi hoàng hôn buông xuống, vẫn còn nhiều vị khách tận hưởng không khí mát mẻ và ngắm nhìn mặt nước tĩnh lặng. Những cư dân Milan đều hy vọng dòng kênh xanh sẽ quay trở lại với thành phố, trong tương lai không xa.
Hiểu Phong
(Zing.vn)
- Vấn đề bãi xe chung cư và giải pháp của những đô thị lớn ở châu Á
- Trung Quốc: Thúc đẩy “thịnh vượng chung” bằng thuế bất động sản
- Điều kiện để các nước thu phí xe vào nội đô
- Thu phí xe vào nội đô: Singapore đã làm thế nào?
- Trung Quốc sẽ đánh thuế sở hữu nhà đất?
- Những điều tạo nên thương hiệu “Đường sắt Nhật Bản”
- 8 sự thật thú vị về các hệ thống tàu điện ngầm trên thế giới
- Đường sắt Ý lợi hại cỡ nào để đánh bại hàng không
- Kỳ quan cổ đại giải quyết cuộc khủng hoảng nước ở Ấn Độ
- Bom nợ Evergrande hé lộ những "thành phố ma" Trung Quốc