Ashui.com

Friday
Apr 26th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Trung Quốc: Sản xuất đô thị hàng loạt - Phần 4

Trung Quốc: Sản xuất đô thị hàng loạt - Phần 4

Viết email In
Chỉ mục bài viết
Trung Quốc: Sản xuất đô thị hàng loạt
phan-2
phan-3
phan-4
Tất cả các trang


Thiết kế đô thị nằm trong tay các nhà đầu tư BĐS

Vấn đề thiết kế đô thị (TKĐT) ở Trung Quốc bộc lộ hai vấn đề lớn liên quan đến quy mô địa bàn.

Với cấp độ địa bàn quy mô lớn và các vùng đô thị :

TKĐT được đề cập đến một cách rất trừu tượng thông qua các đồ án lớn theo kiểu quy hoạch chung của những năm 1970, là sản phẩm của các cơ quan quản lý quy hoạch, các viện nghiên cứu của các trường đại học hoặc các viện quy hoạch đô thị. Nội dung của những đồ án này phân chia địa bàn thành từng khu vực rộng rồi sau đó tổ chức cuộc thi thiết kế hoặc mời thầu đối với các NĐTBĐS. Có hai trường hợp có thể xảy ra:

  1. Những dự án mang tính biểu tượng rất cao gắn với những sự kiện lớn (triển lãm Expo 2010 và Olympic Bắc Kinh 2008). Các cuộc thi quốc tế được tổ chức với sự tham gia của những kiến trúc sư – nhà quy hoạch có tên tuổi để tạo nên những hình ảnh hoành tráng để rồi cuối cùng lại được các nhóm chuyên môn của Trung Quốc chỉnh sửa lại nhiều lần cho phù hợp với khả năng về ngân sách.
  2. Các khu đô thị có quy mô rất lớn kiểu như thành phố mới hoặc cải tạo cả một đô thị với diện tích từ 100 ha trở lên. TKĐT tại những dự án này do các NĐTBĐS tự quyết định với sự tham gia ý kiến của chính quyền địa phương.

Như vậy, tất cả các chức năng quyết định và chỉ đạo thực hiện dự án đều nằm trong tay doanh nghiệp tư nhân (đôi khi cũng có doanh nghiệp nhà nước). Phương án kiến trúc theo đúng nghĩa chỉ được lập trong vòng vài tháng. Hình ảnh của sản phẩm cuối cùng mới là điều quan trọng. Kiến trúc sư thiết kế luôn dành rất nhiều lựa chọn linh hoạt cho các kiến trúc sư phụ trách thi công và các kỹ sư xây dựng. Việc xác định hình thái kiến trúc cho dự án thường dẫn tới những kết quả rất khác nhau. Quả thực những kết quả này phụ thuộc vào chiến lược tài chính của NĐTBĐS đối với sản phẩm cần bàn giao và quan niệm của chủ đầu tư. Tiền thù lao cho kiến trúc sư thiết kế thường rất khiêm tốn, nếu là kiến trúc sư người nước ngoài thì thậm chí còn bị giảm đi. Các kiến trúc sư này có thể bị thay thế ngay lập tức nếu chủ đầu tư nảy ra một ý tưởng khác ! Cho đến tận những năm gần đây, các kiến trúc sư thiết kế vẫn chỉ là công cụ thể hiện các tiêu chuẩn mang tính hành chính cũng như các ý tưởng cho khách hàng của mình, đặc biệt là để tạo ra những hình ảnh lăng xê dự án và nhà đầu tư lên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên truyền hình. Hoạt động phê bình kiến trúc ít phát triển, văn hoá kiến trúc và quy hoạch hướng tới những giá trị tinh hoa không còn được chú trọng. Trung Quốc giờ đây tràn ngập những dự án đô thị với chất lượng trung bình cả về mặt kiến trúc và quy hoạch. Người ta luôn cố gắng làm thật nhanh và do các thửa đất thường rất rộng nên các dự án luôn được vẽ thành những hình khối vuông vức để tận dụng không gian khi đưa vào thi công. Nhờ làm chủ một cách thành thạo các công cụ tin học, các nhà chuyên môn luôn tạo ra những dự án gắn liền với các chính sách thông tin. Trong hầu hết các trường hợp đều có thể thấy ngay hậu quả nhãn tiền: một loạt các dãy chung cư cao tầng (nếu không muốn nói là đồ sộ) không cần quan tâm đến tính đa dạng của đô thị vốn đã tích tụ qua bề dày lịch sử, hoàn toàn lệ thuộc vào thói quen thi công và những kỹ thuật thể hiện tinh thần tận dụng đối đa.

Nhưng rồi mọi việc cũng thay đổi rất nhanh chóng. Những chủ đầu tư tư nhân có tiềm lực lớn bắt đầu mở rộng học tập và tiếp thu những kinh nghiệm hay của các nước trên thế giới và tạo ra triển vọng về sự chuyển biến trong xã hội Trung Quốc. Các mô hình khu trung tâm tài chính – thương mại (CBD) hay khu chung cư cao tầng và các dạng khu đô thị khép kín khác có chất lượng tầm thường dần được thay thế bằng những khu đô thị có tính phức hợp cao hơn, vận dụng kinh nghiệm quy hoạch của các nước châu Âu nhiều hơn thay cho những kinh nghiệm của Mỹ. Sự xen kẽ về công năng và phong cách kiến trúc bắt đầu xuất hiện, xu hướng vận dụng những hình thái kiến trúc hướng tới phát triển bền vững nhiều hơn, điều chỉnh quy mô ô phố thu gọn một cách hợp lý hơn. Các chủ đầu tư mặc dù vẫn quan tâm đến các chỉ số kinh tế, song cũng ngày càng chú ý tới khía cạnh chất lượng của các dự án, thậm chí bắt đầu thử nghiệm lập kế hoạch thăm dò những thị trường đang chuyển biến mạnh mẽ. Họ cũng áp dụng hình thức bàn giao các khu đô thị mới hoàn thiện chứ không bàn giao dần theo quá trình thi công như trước đây. Cách làm này dường như nhằm hai mục đích. Thứ nhất, họ muốn đợi một thời gian cho giá cả tăng đến mức đủ để thu được lợi nhuận tối đa. Thứ hai, họ muốn để các khách hàng tiềm năng thử nghiệm cấu trúc mới của các căn hộ hoặc các khu tổ hợp sản xuất – kinh doanh để điều chỉnh cho các chương trình sau.

Với cấp độ khu đô thị hay các dự án quy mô nhỏ :

Đây là vấn đề quyền hạn của chủ đầu tư trước vô số các chủ thầu trong nước và nước ngoài đang biến Trung Quốc thành một thiên đường mới trong lĩnh vực kiến trúc. Những chủ thầu này có những mối quan hệ rất đa dạng với các NĐTBĐS. Trong nhiều trường hợp, các nhà đầu tư không có được những ý tưởng cụ thể cho chương trình của mình. Khi họ chỉ có những dự án đơn giản hoặc rất mơ hồ, họ có thể giao cho các chủ thầu phác thảo cả về hình thái và chương trình triển khai dự án đó. Những bản phác thảo này có thể cũng không triển khai tiếp được hoặc hoàn toàn lạc hướng mà chính tác giả của chúng cũng không biết phải trình bày thế nào. Việc giao phó vai trò này cho các chủ thầu nước ngoài, nhất là các công ty của Pháp, được coi như một lợi thế đảm bảo cho uy tín và giá trị của dự án. Chính thông qua những hợp đồng này mà một số ý tưởng đã gián tiếp phục vụ được cho quá trình đổi mới tư duy kiến trúc và đô thị ở Trung Quốc.

Khi chương trình được thừa nhận và dựa trên một mô hình kinh tế vững chắc, đồng thời nếu NĐTBĐS có năng lực chuyên môn cao hơn, họ sẽ mời gọi những chủ thầu có uy tín về năng lực vốn chưa phổ biến nhiều tại Trung Quốc. Chẳng hạn với dự án xây một toà tháp văn phòng ở Thượng Hải, NĐTBĐS thể hiện rõ mong muốn xây dựng một công trình thuộc loại có chất lượng cao về mặt môi trường (HQE) và đạt những tiêu chuẩn tiện nghi gần ngang bằng với tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, họ đã lựa chọn một kiến trúc sư và đơn vị thi công đến từ Hồng Kông. Tuy nhiên, khác với trường hợp ở các nước châu Âu, các chủ thầu ở Trung Quốc ít khi được giao trọn vẹn một dự án. Dù trình độ chuyên môn đạt tới mức nào thì kiến trúc sư thiết kế cũng phải nhanh chóng nhường chỗ cho một đơn vị thi công trong nước để có thể áp dụng các tiêu chuẩn xây dựng hiện hành. Ví dụ điển hình nhất là sân vận động Bắc Kinh: một nhóm liên danh của Pháp (giữa Bouygues và Vinci) đã rất may mắn giành được hợp đồng tổ chức và chỉ đạo thi công, nhưng rồi chính họ cũng đã lựa chọn phương án chỉ đứng hàng thứ hai khi chỉ đạo đại công trường này vì những lý do liên quan đến mức thù lao và khả năng đối thoại với các cơ quan kiểm tra chất lượng công trình.



Một phương thức quy hoạch không có sự tham gia của cộng đồng

Trong bối cảnh tồn tại song song một hệ thống chính trị mang tính tập trung cao, được kiểm soát rất chặt chẽ và một nền kinh tế thị trường năng động, vấn đề đảm bảo quá trình quy hoạch diễn ra đúng tiến độ đóng một vai trò rất quan trọng. Trong khi đó, sự tham gia của cộng đồng cũng như những vấn đề đi kèm bị coi là gây chậm trễ cho khâu thiết kế và thi công hoặc chỉ gây thêm nhiều tranh cãi nên dễ trở thành những yếu tố gây rối loạn cho công tác quy hoạch. Vì vậy, sự tham gia của cộng đồng chỉ còn mang tính hình thức. Trường hợp điển hình nhất là dự án quy hoạch tại quận Từ Hối (Thượng Hải): bên cạnh những áp-phích thông báo việc thực hiện một dự án là một loạt số điện thoại của nhiều cơ quan hành chính chịu trách nhiệm tiếp nhận những ý kiến phản biện và đề xuất cho dự án trong vòng 15 ngày. Sau đó, các yêu cầu được gửi đến sẽ được một số cơ quan thành lập tạm thời xem xét và trả lời một phần rồi được đưa vào nội dung thông báo dán tại địa điểm thi công. Như vậy, sự tham gia của cộng đồng đã trở thành một hình thức thông tin cuối cùng trước khi tiến hành thi công. Có lẽ chẳng có cuộc họp nào mang tính phản biện hoặc cuộc tranh luận nào được tổ chức. Người ta duy trì một hệ thống với những hình thức tiếp xúc rất chung chung và các thông báo chính thức. Tóm lại là tránh đối thoại trực diện với người dân. Trong đi đó, với các nhà quy hoạch người Pháp, chỉ một sai lầm trong quá trình thực hiện các biện pháp huy động sự tham gia của cộng đồng cũng có thể làm nảy sinh những rủi ro có tác động rất lớn về mặt kinh tế đối với một dự án. Trái lại, một dự án làm tốt công tác này sẽ có thể giúp tạo thêm nhiều ý tưởng rất phong phú và thiết thực cho chính nội dung dự án.

Mặc dù vậy, thực tế nêu trên không có nghĩa là mô hình quy hoạch phát triển đô thị mang nặng tính áp đặt ở Trung Quốc không hề quan tâm đến việc lắng nghe ý kiến của người dân và những ý kiến phê bình. Những ý kiến này ngày càng xuất hiện nhiều trên báo chí. Những cuộc tranh luận thực sự và có tính xây dựng có thể vẫn được tổ chức, nhưng không được phép tiết lộ cho những đối tượng là người nước ngoài bởi quy hoạch phát triển đô thị vẫn luôn được coi là thuộc lĩnh vực chính trị nhạy cảm. Mặt khác, những ý kiến nhận xét và phê bình chỉ chủ yếu được phổ biến qua mạng Internet, nhất là đối với những dự án lớn (những nhà máy gây ô nhiễm hoặc có thể gây ô nhiễm, những dự án quy hoạch có quy mô lớn, v.v…). Trên thực tế, hình thức tham gia của cộng đồng vào quy hoạch ở Trung Quốc có lẽ được vận dụng theo hai mô hình chính:

  • Thu thập các thông tin về nhu cầu và ý kiến của nhân dân đối với khu nhà, với đường phố hay khu đô thị. Việc thu thập dựa trên nhiều cuộc điều tra xã hội học ngay từ ban đầu, chủ yếu do các viện nghiên cứu của các trường đại học thực hiện;
  • Có nhiều hình thức dàn xếp giữa các cá nhân và cơ quan có liên quan trực tiếp đến dự án (người dân, NĐTBĐS, chính quyền quận). Các kết quả thương lượng hiếm khi được công bố một cách công khai và các quyết định thường được hoãn lại cho đến khi đạt được một thoả thuận giữa các bên liên quan.

Có lẽ phải sau vài năm nữa, khi quá trình đô thị hoá đã tương đối ổn định, hệ thống luật của Trung Quốc mới thực sự quan tâm đến vấn đề huy động sự tham gia của cộng đồng vào quy hoạch. Hiện trạng quy hoạch phát triển đô thị ở Trung Quốc hiện nay đang diễn ra với một tốc độ thần kỳ mặc dù có rất nhiều biểu hiện vận dụng các cách làm quy hoạch của nhiều nước khác nhau và những biểu hiện đó cũng được đáng giá theo nhiều chiều hướng khác nhau. Những kết quả đạt được là rất rõ ràng, thậm chí có thể chỉ rõ những mâu thuẫn do sự tăng trưởng trên diện rộng và ở một cấp độ chưa từng có. Cách đô thị hoá như vậy dễ khiến người ta liên tưởng đến một công cuộc xây dựng lại hoàn toàn cả một đất nước.

(Theo tạp chí Etudes foncières)



 

Lời bình  

 
0 # xuân triều 15/11/2013 08:26
bài viết có sự tổng hợp và phân tích đi sâu giải quyết đc một số vấn đề. tuy nhiên cỡ chữ hơi bé làm ảnh hưởng đến quá trình đọc bài viết của bạn đọc. mong bạn chú ý hơn
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo