Giải thưởng Daniel Burnham cho Dự án Quy hoạch tổng thể
Tầm nhìn đến năm 2020: Bản đồ quy hoạch thành phố ven sông New York
Ở thành phố New York, đường bờ sông dài (837 km) kết hợp với góc cạnh của các hòn đảo hay bán đảo là một đặc trưng không gian của “Quả táo lớn”. Không gian ở đây rất đa dạng, từ những vùng biển mang tính lịch sử cho đếncác khu xây dựng cao tầng, những bãi biển cát trắng hay cả khu vực ô nhiễm đang cần cải tạo. Ý tưởng kết nối đường bờ sông là một tham vọng táo bạo chưa từng có, mặc dù người dân New York cho rằng nó đã từng được nghĩ đến trước đây.
Tuy nhiên không chỉ đề xuất bản quy hoạch cho thành phố ven sông mà New York còn xây dựng một kế hoạch vĩ mô đáng kinh ngạc hơn. Được công bố từ tháng 3 năm ngoái, dự án “Tầm nhìn đến năm 2020” đã nhận được giải thưởng Daniel Burnham 2012. Quy hoạch tổng thể khu vực ven sông thành phố New York là một đề án có tầm nhìn và tính thực tiễn cao, chúng nêu rõ những định hướng mở rộng trong 10 năm tới – tăng khả năng tiếp cận ven bờ để khuyến khích sự trở lại của các tuyến đường thủy vào khu vực này, đồng thời đưa ra những chiến lược khả thi để đạt được các mục tiêu đó.
Tầm nhìn đến 2020 là một tiến trình quy hoạch năng động và thu hút đông đảo sự tham gia của cộng đồng
Nhờ sự đề cao yếu tố cộng đồng trong quá trình quy hoạch, bản quy hoạch đã được người dân địa phương nhiệt tình ủng hộ. “Chúng tôi muốn khuyến khích tất cả thị dân New York xem nguồn nước và không gian mặt nước như một thành phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày”, Amanda Burden - Giám đốc Sở Quy hoạch Thành phố, nơi luôn tiên phong trong các nỗ lực quy hoạch tương lai – phát biểu.
Đây không phải lần đầu tiên New York quy hoạch không gian mặt nước. Tương tự các thành phố khác xung quanh đó, New York cũng xuất thân từ một thành phố cảng sầm uất. Tuy nhiên, theo thời gian, thành phố đã quay lưng lại với không gian mặt nước khi các nhà máy sản xuất và đường cao tốc bắt đầu xuất hiện. Bản quy hoạch Tầm nhìn năm 2020 đã nhận xét rằng, đến giữa thế kỷ 20, các khu vực này sẽ trở thành nơi “không có một bóng người, chỉ còn những bãi đậu xe, những cầu tàu cũ mục nát và những khu công nghiệp không còn hoạt động”.
Phân vùng đường bờ biển và một số hành động khác từ năm 1992
Những hành lang xanh hiện hữu và đề xuất ở thành phố New York
Sau khi Luật về Nước sạch năm 1972 (Clean Water Act) được ban hành, chất lượng nguồn nước ở cảng New York đã được cải thiện đáng kể, thủy triều bắt đầu thay đổi, và đến năm 1992, New York đã công bố bản quy hoạch không gian bờ sông đầu tiên. Bản quy hoạch đã chỉ ra khả năng tái phát triển của một vùng không gian mặt nướcrộng lớn, phân vùng để thúc đẩy phát triển và tạo cơ hội để các dự án khác mọc lên trong những năm tiếp theo.
Năm 2008, khi Hội đồng thành phố New York thông qua Đạo luật ủng hộ bản quy hoạch mới, người dân có thể đạp xe trên những con đường xanh mát, chơi tennis, tản bộ hoặc tận hưởng cảm giác thư thái tại các quán cà phê ven sông và sống trong những căn nhà mới hướng tầm nhìn về phía mặt nước lấp lánh.
Cũng trong thời điểm đó, việc bảo vệ chức năng công nghiệp và hàng hải truyền thống của không gian mặt nước là một nhu cầu cần thiết. Điều này sẽ đảm bảo nguồn việc làm hiện tại và sức sống kinh tế lâu dài của thành phố, đồng thời tạo tiền đề chuẩn bị ứng phó nước biển dâng cao dưới tác động của biến đổi khí hậu.
Sau quá trình cân nhắc, chỉ 2 năm trước khi bản quy hoạch được công bố, Thị trưởng Michael R. Bloomberg đã thành lập Ủy ban tư vấn gồm rất nhiều nhóm đối tượng liên quan đến vấn đề bờ sông – từ nhữngngườithích chơi chèo thuyền, những nhà phát triển bất động sản, nhà bảo tồn cho đến các quan chức hàng hải. Nhiều cuộc họp toàn thành phố diễn ra mà có một lần họp thảo luận về các tuyến đường thủy đã thu hút được nhiều người quan tâm đến nỗi phải có một phiên thứ hai để tất cả mọi người đều có cơ hội tham gia. Nhiều hội thảo địa phương được tổ chức trong 5 quận của thành phố New York, tại đó, hoạt động thảo luận về vấn đề bờ sông lan tỏa đến từng đơn vị ở và người dân địa phương đã đưa ra nhiều dự án quy mô nhỏ cho Tầm nhìn năm 2020. Tất cả ý kiến đều được đưa lên trang web của dự án.
Không gian tản bộ tại bờ biển Atlantic, đảo Staten
Hành lang xanh tại công viên bờ sông Hudson, Manhattan là một trong những địa danh nổi tiếng nhất đất nước
Các chuyên gia thuộc nhiều cơ quan chức năng khác nhau thường gặp mặt để thảo luận nhiều khía cạnh của vấn đề. Họ cho rằng việc bảo vệ môi trường cũng như phát triển kinh tế có thể được cân bằng và nâng cao thông qua tiến trình quy hoạch. Ban chỉ đạo cũng xem xét tính khả thi trong những đề xuất từ công chúng. Mặc dù phần lớn bản quy hoạch được dự thảo bởi các cơ quan quy hoạch, nhưng từng hạng mục lại được giao về cho cơ quan chức năng địa phương, và tất cả chúng sẽ được soạn thảo bằng văn bản từ đầu đến cuối.
Cuối cùng, một tài liệu dày 192 trang – được thiết kế và minh họa nhiều màu sắc – dành một chương cho từng mục tiêu (8 mục tiêu) của bản quy hoạch nói về không gian bờ sông, đánh giá thách thức và đề xuất các chiến lược cụ thể để giải quyết các thách thức này.
Chương mục tiêu phát triển không gian bờ sông trong tương lai thảo luận về thách thức của những vùng đất bị ô nhiễm và những khu nhà cũ kỹ, đề xuất phân vùng để khuyến khích phát triển, kết hợp vệ sinh môi trường và tái thiết hợp lý.
Chương mục tiêu hỗ trợ các hoạt động công nghiệp và hàng hải (mà bản quy hoạch gọi là hoạt động bờ sông) đã nêu ra những ảnh hưởng của xu hướng vận chuyển toàn cầu đối với hoạt động cảng biển ở New York, chú ý những tuyến đường thủy quan trọng và tăng khả năng xử lý của các bến trạm.
Trong chương phát triển nâng cao hoạt động giải trí và vận chuyển bờ sông, bản quy hoạch đề xuất thêm không gian cho thuyền kayak, ca-nô cũng như thêm dịch vụ phà để linh hoạt phương tiện vận chuyển. Một chương khác nói về các cách tiếp cận không gian mặt nước, nâng cao chất lượng nước, phục hồi các khu vực tự nhiên, cải tiến luật lệ chính phủ, thích ứng vấn đề biến đổi khí hậu cũng như mực nước biển dâng.
Đương nhiên, tất cả những vấn đề này đều cần đến sự hỗ trợ tài chính. Ngay cả khi đang phải đối mặt với vấn đề eo hẹp ngân sách, để thúc đẩy các vấn đề bờ sông, bản quy hoạch đã chia thành 130 dự án và thực hiện trong vòng 3 năm theo như công bố (kéo dài đến sau nhiệm kỳ của thị trưởng Bloomberg).
Những vùng đệm ven bờ — như khu vực đất ngập nước tại công viên cầu Brooklyn này — hỗ trợ việc quản lý nước mưa và tạo ra môi trường sống tự nhiên
Rất ít trong số các chương trình hành động là dự án mới, Michael Marreall– AICP (American Institute of Certified Planners – Cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề cho chuyên gia quy hoạch tại Mỹ), Giám đốc Quy hoạch không gian mở và không gian bờ sông của Sở Quy hoạch Thành phố, người tham gia với vai trò giám đốc dự án cho bản quy hoạch - cho rằng: “Dự án chương trình hành động được tạo ra nhằm tăng thêm niềm hứng khởi và động lực thúc đẩy cho phần còn lại của kế hoạch 10 năm”. Một trong số những dự án đó, chương trình thử nghiệm tuyến phà trên sông Đông, khai trương vào mùa hè vừa rồi đã đạt được những thành công vang dội.
Nhiều đề xuất khác đưa ra trong suốt tiến trình quy hoạch có thể không được giải quyết trước khi bản quy hoạch được công bố và đòi hỏi những nghiên cứu xa hơn trong tương lai.”Người ta có thể phản bác rằng rằng việc tạo ra các đơn vị chuyên môn giống như môt hành động may rủi”, Marrella nói: “Thành thật mà nói chúng tôi cần phải tiếp tục đi tiếp con đường này.”
Công việc của những đơn vị chuyên môn này là cung cấp thông tin cho các nhà quy hoạch khi họ thực hiện bản quy hoạch tổng thể bờ sông sắp tới được công bố vào năm 2020. Và một điều chắc chắn là: New York đã có một hành động phi thường mà khó thành phố nào có thể theo kịp hoặc làm được một điều tuyệt vời hơn thế.
Jane Margolies [Jane Margolies là phóng viên tự do ở New York. Bà đồng thời cũng tham gia với vai trò biên tập trong Tầm nhìn năm 2020]
Giải thưởng Quy hoạch Quốc gia cho Dự án Xuất sắc trong Ứng phó và Giảm thiểu Tác động Thảm họa
Chương trình Nghiên cứu Di tản cấp Vùng toàn Tiểu bang Florida
“Lệnh di tản bắt buộc”. Những từ đó thể hiện tính nghiêm trọng của một cảnh báo bão hơn bất kỳ từ tiếng Anh nào khác. Hầu hết mọi người hiểu rằng lũ lụt hay một cơn bão đổ bộ vào bờ biển sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sinh mạng của họ. Nói cách khác, đó là lúc phải rời khỏi thành phố.
Những gì thường thấy trên các bản tin thời sự là hình ảnh các con đường cao tốc chật ních xe chạy về một hướng. Đối với Florida, một tiểu bang vốn cũng là một bán đảo lớn thì việc di chuyển tất cả những người này đến nơi an toàn đã từ lâu là một trong những thách thức lớn nhất về hạ tầng. Thách thức này càng lớn hơn theo thời gian khi dân số của bang tăng trưởng ngày càng nhanh chóng.
Do đó, không có là ngạc nhiên khi Chương trình Nghiên cứu Di tản cấp Vùng toàn Tiểu bang Florida, dự án xuất sắc giành Giải thưởng Quy hoạch Quốc gia về Ứng phó và Giảm thiểu Tác động Thảm họa, là ngôi sao của năm nay. Công trình dày 39,000 trang đã huy động 11 trưởng nhóm nghiên cứu trên các vùng khắp tiểu bang, mỗi đơn vị sử dụng ba đến năm nhân viên, cùng với một số tiểu phần hỗ trợ kỹ thuật cụ thể và còn thêm 300 đến 400 người chuyên làm về Lidar (*) để phục vụ chương trình.
Dự án nghiên cứu toàn diện này huy động một lượng thông tin khổng lồ, bao gồm cả dữ liệu Lidar
Các vùng di tản thuộc hạt Broward phân theo các cấp độ
Mô phỏng lưu lượng xe trên các tuyến đường vùng Nam Florida năm 2015 trong tình huống di tản cơ bản cấp độ E (Nguồn: Hội đồng Quy hoạch Vùng Nam Florida)
Theo Jeff Alexander, giám đốc các chương trình sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp tại Hội đồng vùng Đông Bắc Florida và cũng là trưởng dự án, kết quả nghiên cứu có sự đóng góp của khoảng 2000 người, gồm chín tập với tổng cộng 172 quyển (chưa kể 40 quyển của các nghiên cứu liên quan). Cho đến nay đây là nghiên cứu đầy đủ nhất về chiến lược di tản từng được thực hiện trong lịch sử Hoa Kỳ.(**)
Nhưng tiểu bang này có tất cả lý do phải đi đầu trong nghiên cứu về di tản, bởi Florida phải hứng chịu số lần bão tấn công nhiều hơn tất cả các tiểu bang khác cộng lại. Năm 2010, Alexander ghi nhận “Cơn bão Julia tấn công chúng tôi năm lần khi di chuyển dích dắc qua tiểu bang”.
Hoàn thành dự án nghiên cứu là một con đường dài nhiều thử thách, bắt đầu từ một đề án gửi đến Cơ quan Quản lý Tình huống Khẩn cấp tiểu bang Florida cách đây tám năm mà theo lời Alexander là bị đánh giá “quá khó, quá tốn kém”. Tuy nhiên, sau các mùa bão dữ dội liên tiếp - bốn trận quét qua Florida trong sáu tuần vào năm 2004 và bão Katrina một năm sau đó (***) - thống đốc khi đó là Jeb Bush đã đặt nghiên cứu di tản lên thành ưu tiên hàng đầu cho cả tiểu bang.
Dự liệu từ các nghiên cứu cấp vùng sẵn có đã cũ, được thực hiện từ 10 đến 15 năm trước đó, khiến cho việc so sánh chính xác không thực hiện được. Phương pháp luận mới đòi hỏi phải có sự tương thích thực tế.
Những tiến bộ công nghệ đã hỗ trợ nhiều trong việc nghiên cứu. Alexander ghi chú rằng năm 1997 các máy tính ở Trung tâm Bão Quốc gia có thể mô phỏng hơn 1800 tình huống bão có thể tấn công. Chương trình nghiên cứu mới thực hiện mô phỏng hơn 26000 tình huống với mức độ chính xác cao hơn nhiều cho tính toán của các nhà quy hoạch. Theo lời của Alexander, kết quả đạt được là nghiên cứu này đã “mở ra một kỷ nguyên mới trong thiết kế chiến lược di tản. Chúng ta đang tiến vào một kỷ nguyên mới của phương pháp lên kế hoạch ứng phó theo tình huống; dù cơn bão có tấn công theo hướng này hay hướng khác, chúng ta cũng có thể yên tâm là đã sẵn sàng một kế hoạch di tản.”
Tuy nhiên, phải mất vài năm để nghiên cứu đi vào thực tế do quy hoạch theo sau chương trình còn phải thống nhất quản lý tăng trưởng kinh tế với quản lý tình huống khẩn cấp. Nghiên cứu này giúp nâng cao nhận thức của các chuyên gia quy hoạch về những hậu quả môi trường và giúp tập trung tất cả dữ liệu mà họ cần vào một nơi.
Alexander cho rằng tất cả nghiên cứu trong tương lai sẽ đi theo mô hình này và “về lâu dài sẽ làm thay đổi quy hoạch trên phạm vi quốc gia.”
Jim Schwab, AICP [James Schwab là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quy hoạch các Hiểm họa của APA]
(*) Ở Việt Nam thường được gọi là Công nghệ đo dài bằng laser phục vụ cho việc lập bản đồ số địa hình.
(**) Ứng phó với bão là trọng tâm của nghiên cứu nhưng chương trình cũng chuẩn bị các phương án di tản cho những nguy cơ khác như lụt lội trong vùng nội địa hay cháy rừng.
(***) Bão Charley, Frances, Ivan và Jeanne năm 2004; bão Dennis, Katrina, Rita và Wilma năm 2005.
Giải thưởng Quy hoạch Quốc gia Xuất sắc cho dự án có tính thực tiễn cao nhất
Cool Planning: Cẩm nang về các chiến lược địa phương để làm chậm tiến trình biến đổi khí hậu
Chính quyền địa phương trên thực tế đang là những nhà lãnh đạo tiên phong về vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong khi các nhà lập pháp vẫn khăng khăng bảo vệ cho chính sách năng lượng để giảm thiểu hiệu ứng nhà kính thì bản thân các thành phố trong nước lại tiếp tục tập trung vào những kế hoạch và chương trình của chính họ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này: một mặt, không có bất kì hành động nào từ phía liên bang, mặt khác, những hiệu quả tài chính nhiều hứa hẹn bởi các chính sách khí hậu thông minh và sự tham gia tích cực từ cư dân trong cộng đồng. Có lẽ điểm đáng chú ý nhất là chính quyền địa phương có thể sử dụng những công cụ hiện hữu để chứng minh cho các công nghệ giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, ngay cả khi điều đó xảy ra thì những hành động địa phương cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Các nhà thực hành quy hoạch ngày nay cần thêm nguồn năng lượng thân thiện hơn để thực hiện những công nghệ này trong một quỹ thời gian hạn hẹp, đó là lý do tại sao sự xuất hiện của Cool Planning - Một cẩm nang về các chiến lược địa phương nhằm làm chậm tiến trình biến đổi khí hậu – trở nên vô cùng đúng lúc. Tài liệu rất chi tiết và sẵn sàng áp dụng này đã được nhận giải thưởng Quy hoạch Quốc gia Xuất sắc cho dự án có tính thực tiễn cao nhất.
Cẩm nang về chiến lược địa phương nhằm hạn chế tốc độ biến đổi khí hậu
Được Otak - một công ty quy hoạch, thiết kế và kỹ thuật ở Lake Oswego - xuất bản để phục vụ Chương trình Quản lý phát triển và Giao thông ở Oregon,Cool Planning tập trung vào các lựa chọn chính sách để giảm chỉ số VMT (Chỉ số về quãng đường di chuyển của các phương tiện giao thông- Vehicle Miles Traveled) - một cách tiếp cận nhằm giảmchỉ số GHG (Chỉ số khí thải gây hiệu ứng nhà kính- Greenhouse Gas) được chính quyền địa phương kiểm chứng qua thời gian và sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, nếu bạn tìm kiếm thông tin về tiêu chuẩn hiệu quả sử dụng phương tiện giao thông hay nhiên liệu, bạn sẽ không thể tìm thấy ở đây.
Cuốn sách này nói về thiết kế đô thị và những phương pháp chung cho các chính quyền địa phương về sử dụng đất và giao thông. “Chính quyền địa phương không cần phải chờ đợi những cải tiến công nghệ để tạo ra thay đổi lên biến đổi khí hậu.” David M.Siegel, FAICP, lãnh đạo nhóm quy hoạch tại Otak nhận định, “Một công cụ hiệu quả cho các hành động địa phương là điều có thể đạt được trong tầm tay.”
Giảm lượng giao thông cơ giới để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính
Các khu nhà phố sử dụng chung không gian xanh - Công viên trung tâm tại Nunan Square, dự án phát triển thông minh tại Jacksonville, Oregon
Người dân dễ dàng tản bộ dọc theo các tuyến phố đông đúc
Phần I của cuốn sổ tay giới thiệu người đọc những tác động của biến đổi khí hậu đến các chính sách địa phương, giảmVMT = giảm GHG. Phần II hướng dẫn những cách tiếp cận đã được kiểm chứng về phương pháp làm giảm chỉ số VMT như quy hoạch mạng lưới vận chuyển đa phương tiện, các khu vực chức năng phức hợp và các khu trung tâm vận hành hiệu quả. Phần III nâng cao những đòi hỏi trong phần I và những công nghệ trong phần II để người đọc có thể thiết kế và thực hiện một kế hoạch hành động về khí hậu, bắt đầu từ việc xử lý hiệu ứng nhà kính. Tất cả các phần đều được kết nối với nguồn dữ liệu bên ngoài.
Siegel nói rằng cấu trúc của cuốn sách này sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương. “Tất cả mọi người trong nhóm Cool Planning đều làm việc với chính quyền hoặc có một sự hiểu biết sâu sắc về cộng đồng địa phương và cách họ làm việc”.
Cool Planning không đưa ra phương pháp giảm thiểu chỉ số VMT(mặc dù các trường hợp nghiên cứu đã cho thấy sự kịp thời và mới mẻ của phương pháp này) như những ý tưởng mới, thay vào đó, nó tập trung làm thế nào để các cách tiếp cận truyền thống có thể phù hợp ngay với các thực tế mới của quy hoạch hành động về biến đổi khí hậu địa phương. “Cool Planning là công cụ phát triển thông minh mà chúng tôi sử dụng trong nhiều năm và chắt lọc chúng bằng tiêu chí giảm thiểu tác động của khí hậu,” Siegel nói,“Đây là một quy hoạch truyền thống hiệu quả”.
“Cuốn sách cho phép cộng đồng ở khắp mọi nơi đạt được mục tiêu giảm hiệu ứng nhà kính bằng cách áp dụng công cụ phát triển thông minh và tập trung vào đầu tư công cộng” Siegel nói,”việc giảm chỉ số VMT là một điều mà các cộng đồng nên xem xét”. Đối với chính quyền địa phương và các nhà hoạt động xã hội, Cool Planning tạo ra một khung hành động. “Không cần phải trở thành một thành phố như Portland để tạo ra sự khác biệt, Cool Planning đã là một quy hoạch tốt.”
Hình ảnh minh họa các khu dân cư
Những con đường hoàn thiện (Complete Streets) tạo ra không gian công cộng chất lượng cao.
Michael Davidson [Michael Davidson là môt thành viên về phát triển bền vững tại Viện Phát triển các đại đô thị Chaddicktại Chicago. Ông cũng là cựu giám đốc vùng Trung Tây của ICLEI -Chính quyền địa phương về phát triển bền vững tại Mỹ.]
Giải thưởng Quy hoạch Quốc gia cho Sáng kiến Cơ sở Xuất sắc
Yorktown 2015: Con đường tồn tại và phát triển bền vững
Liệu một khu dân cư được quy hoạch từ 50 năm trước có thể tồn tại và phát triển được khi nó phải vật lộn với những áp lực phát triển từ mọi mặt? Trên con đường tìm ra câu trả lời cho những vấn đề đó, Công ty Phát triển Cộng đồng Yorktown (YCDC) đã thực hiện một quá trình quy hoạch tổng thể mà kết quả đã được ghi nhận tại Giải thưởng Quy hoạch Quốc gia về Sáng kiến Cơ sở Xuất sắc.
Khi khu vực này được xây dựng vào năm 1960, Yorktown là đại diện cho một dự án tái phát triển có tầm nhìn tại một vùng đang gặp nhiều vấn đề như Bắc Philadelphia.(****) Nổi bật nhờ mô hình nhà ở giống với một khu ngoại ô thuộc vành đai trong hơn là những dãy nhà gạch ba tầng ở các khu vực còn lại của thành phố, vị trí khoảng 20 ô phố của Yorktown nằm gọn giữa Đại học Temple đang mở rộng và khu trung tâm thành phố đang phát triển mạnh.
Khu vực sinh sống của 635 hộ gia đình mà nhiều người chủ đầu tiên vẫn còn ở cho đến ngày nay đã bị xuống cấp nhiều. Những không gian công cộng đặc trưng với nhiều mảng xanh trước đây nay đã bị bê tông hóa bề mặt và bị bỏ bê, các con đường hư hỏng và thiếu ánh sáng.
Khu vực nghiên cứu của dự án
Minh họa hiện trạng khu vực xung quanh Yorktown
“Chúng tôi đối mặt với những thách thức thường thấy của sự xuống cấp theo thời gian,” Priscilla Woods, cựu giám đốc điều hành của YCDC phát biểu. “Nhưng Yorktown cũng có những thách thức riêng. Chúng tôi quyết định dùng quá trình quy hoạch để khích lệ cộng đồng nhằm đảm bảo những mong ước và cả nỗi lo của họ được lắng nghe.”
Interface Studio, một công ty quy hoạch địa phương, đã thực hiện một phương pháp mới lạ nhằm hướng đến mục tiêu nói trên: lắp đặt một buồng ghi âm công cộng với tên gọi Chatter Box làm nơi người dân có thể bảy tỏ ý kiến. Những mối quan tâm của họ không chỉ dừng ở quá trình tái thiết đô thị mà còn là tình trạng giới đầu tư lùng mua nhà để cho sinh viên trường Temple thuê lại, và sự xa rời truyền thống của cộng đồng người dân lao động gốc Phi ở Yorktown.
Theo nhà tư vấn phát triển cộng đồng Lamar Wilson, người đã làm việc với Interface Studio trong dự án, cách tốt nhất để bảo vệ bản sắc của Yorktown là “tạo ra một nền tảng - chính là bản quy hoạch Yorktown 2015 - để mời gọi đầu tư từ tất cả các khu vực kinh tế. Sở hữu nhà ở là một vấn đề rất quan trọng, nhưng đầu tư bất động sản hợp lý cũng sẽ có một giá trị nhất định trong giải pháp.”
Quá trình thay đổi mục đích sử dụng đất
Buồng ghi âm Chatter Box ở Yorktown khích lệ sự tham gia của cộng đồng, ảnh chụp tại lễ hội Yorktown Day
Bên trong Chatter Box
Khảo sát về áp lực nhà ở của đối tượng sở hữu và thuê nhà ở Yorktown tính theo tỉ lệ chi phí nhà ở trên thu nhập gia đình. Kết quả cho thấy 20% chủ sở hữu và 42% người thuê nhà phải dành hơn 30% thu nhập cho chi phí nhà ở.
Khảo sát những điều thích và không thích của người dân về Yorktown. Kết quả cho thấy những điểm trùng lặp thú vị. Các chỉ số từ trái sang là, thích: vị trí/tính dễ tiếp cận, tinh thần và niềm tự hào về cộng đồng, vệ sinh, an toàn, sự thân thiện; không thích: an toàn, vệ sinh, tinh thần và niềm tự hào về cộng đồng, công viên/không gian mở
Ngoài việc xoa dịu những lo lắng của cư dân, đồ án còn đưa ra những đề xuất cải thiện chính YCDC và cung cấp những nguồn hỗ trợ các gia chủ trong việc bảo trì nhà cửa.
Leah Murphy, chuyên gia cao cấp về quy hoạch và thiết kế đô thị, thêm vào: “Những đảo cây xanh nằm ở trung tâm mỗi nhóm nhà trở thành tiêu điểm của đồ án.” Chúng sẽ được khôi phục lại với vốn đặc trưng như trước đây. Ví dụ, một mảng sân chung đã được thiết kế lại với các băng ghế và cây xanh mới, và trong mùa xuân này Sở Quản lý Nước Philadelphia sẽ thử nghiệm tại đó một dự án quản lý nước mưa.
Các cơ quan khác của thành phố cũng nhanh chóng vào cuộc ủng hộ - như Hiệp hội Bảo tồn, là cơ quan tài trợ 30.000 đô la cho việc cải thiện những không gian chung, và Sở Quy hoạch Thành phố, là cơ quan kết hợp Yorktown 2015 vào đồ án quy hoạch tổng thể mới của thành phố, Philadelphia 2035.
Woods phát biểu: “Dự án thực sự đã mang lại một sức sống mới cho chúng tôi. Yorktown sẽ là một cộng đồng tươi sáng và an toàn hơn.”
Mô hình phát triển và thiết kế các con đường còn nhiều hạn chế, đặc biệt là phần vỉa hè hẹp, không bằng phằng và thiếu các dải phân cách giữa đường
Bản quy hoạch đề xuất tạo ra các "đảo" cây xanh kéo dài để tạo sự liên tục cho vỉa hè và làm không gian xử lý nước mưa.
JoAnn Greco [JoAnn Greco là một phóng viên tự do sống ở Philadelphia.]
(****) Bản quy hoạch ban đầu gồm những ngôi nhà 3-4 phòng ngủ nhắm đến đối tượng người mua là các gia đình gốc Phi có trẻ em. Kể từ đó Yorktown trở thành một mẫu hình tái phát triển đô thị và sở hữu nhà ở cho các gia đình gốc Phi ở Philadelphia, những người bị đứng ngoài thị trường bất động sản thời bấy giờ và phải sống trong những khu vực tách biệt do kỳ thị. Vào thời điểm đó Yorktown là cộng đồng duy nhất mà những gia chủ đầu tiên là người da màu. Đây là một bước tiến thể hiện sức mạnh kinh tế và tiềm năng bất động sản của người gốc Phi cũng như những cộng đồng thiểu số khác trong thành phố.
Nguyễn Thanh Việt - Phan Trần Kiều Trang (biên dịch / Nguồn: Interface Studio)
(Bài viết được đăng trong Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 10)
- Geneva, toàn cầu mà như thị trấn
- Đi xem con đường tơ lụa biển Đông
- Stockholm - thành phố xanh nhất châu Âu
- Quản lý an toàn môi trường sinh thái trong xây dựng
- Xây nhà "siêu tốc" ở Trung Quốc
- Moskva - Khi lịch sử đau đầu với giá đất
- Tổ hợp sinh thái Coseley Eco Park tại Anh quốc
- Ánh sáng Mộng chi Hồ
- “Canh bạc” nhà ở thu nhập thấp của Trung Quốc
- Ô tô sắp đụng tàu thủy ở Bangkok