Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Ô tô sắp đụng tàu thủy ở Bangkok

Ô tô sắp đụng tàu thủy ở Bangkok

Viết email In

Nhiều chuyên gia về khí tượng và địa chất đã vẻ ra những kịch bản ấn tượng nhưng cam go nhất cho cuộc sống và sinh hoạt tại thủ đô 10 triệu dân này của Thái Lan.

Nhà khí tượng học Smith Dharmasaroja cảnh báo: “Tai họa đang tiến triển nhanh chóng. Rất nhanh chóng. Thủ đô Thái Lan sẽ phải “ngâm chân trong nước” trong vòng 20 năm nữa và vào năm 2100, sẽ biến thánh lục địa Atlantis của châu Á”.


Thủ đô Bangkok của Thái Lan bên dòng sông Chao Phraya


Mầm bệnh phát sinh

Rất có thể chẳng bao lâu nữa, người dân Bangkok sẽ phải học quen cách sống chung với lụt lội, với các đợt nước sông dâng cao từ phía bắc và với những đợt sóng triều từ phía nam ập đến, và khi đó, họ sẽ phải đối diện với tác động đáng sợ của hiện tượng được gọi là “hiệu ứng nhát kéo cắt” (tức tác động kép từ hai lưỡi kéo gập lại), đó là hiện tượng lún xuống của mặt nền đất sét với vận tốc 1,5-5,3cm/năm diễn ra đồng thời với hiện tượng mực nước biển dâng cao.

Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã xếp Bangkok - một thành phố trải rộng trên miền châu thổ sông Chao Phraya - vào danh sách các thành phố bị đe dọa lớn nhất từ hiện tượng lụt lội ven biển trong vòng 60 năm tới. “Bạn có biết đến một thành phố nào khác mà ô tô và tàu thủy có thể đụng nhau không?”. Đối với chuyên gia Smith Dharmasaroja, giai thoại vui kể trên, khi mà người dân Bangkok chỉ có thể di chuyển được bằng thuyền ngay trên đường phố thủ đô sau những cơn mưa như thác lũ, đang báo trước một tương lai bất định về ngập lụt đối với thành phố này.


Thủ đô Bangkok của Thái Lan bên dòng sông Chao Phraya

Vùng bình nguyên Bangkok, vốn bằng phẳng, có độ nghiêng nhẹ hướng ra vịnh Thái Lan và cao hơn mặt nước biển 1,5m, nay đang lún hõm xuống theo hình dạng một chiếc chậu giặt quần áo. Hiện nay, phần lớn diện tích của khu vực thủ đô đã nằm dưới mực nước biển. Các khu phố phía đông như Lad Phrao, Phra Khanong và Bang Na, đã lún xuống 1,7m sau 60 năm. Thủ đô Bangkok nằm ngay trên một nền đất sét, đang gãy vỡ, qoằn qoại và chìm dần. Quá trình tự nhiên nói trên nay đang diễn ra nhanh hơn và với cường độ mạnh hơn từ hệ lụy của việc khai thác quá mức tầng nước ngầm tại đây và việc xây dựng quá nhiều các công trình tĩnh như các tòa nhà chọc trời. Nhà địa chất học Thanawat Jarupongsakul khẳng định một cách hình tượng: “Bangkok là một thành phố béo phì trên một bộ khung xương trẻ con”. Hiện tượng lún sụt này đang làm biến dạng cấu trúc nền của thủ đô Bangkok: các con đường bị lún; các trụ cầu có phần móng sâu đang bị “nhớm” chân và các bậc thềm cao của các công trình xây dựng đang bị “kéo dãn ra” theo độ lún của mặt đường.

Mặc dù các chuyên gia chưa thể xác định được chính xác thời điểm nào mà Bangkok - được thành lập năm 1782 - sẽ bị “no nước”, song tất cả họ đều hình dung ra những kịch bản đáng sợ. Đối với nhà hải dương học Anond Snidvongs, giám đốc một trung tâm nghiên cứu về thay đổi khí hậu, nếu như trong thời gian gần, Bangkok chưa thể bị “chìm” hoàn toàn, thì các đợt ngập lụt trong thời gian ngắn nhưng thường xuyên cũng sẽ đe dọa hơn nửa diện tích thủ đô, tức sẽ có vài trăm km2 diện tích đất sẽ không thể sinh sống được trong vòng khoảng 60 ngày trong một năm. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính rằng, vào năm 2050 sẽ có một triệu người sống trong các khu vực thường xuyên ngập lụt tại Bangkok. Nhiều chuyên gia khác thì đặc biệt nhấn mạnh đến tính nguy hiểm đe dọa sức khỏe của nhiều triệu người dân thủ đô khi họ sẽ phải sống chung với những “bầy” vi khuẩn gây bệnh sinh sôi nảy nở nhanh chóng trong những khu vực bị ngập nước hôi thối suốt mấy tháng liền trong năm.


Một ngôi chùa tại khu làng Khun Samut Chin đang bị sóng biển phá hỏng từng ngày và đang kêu cứu


Vẫn chờ giải pháp

Cho đến hiện nay, chính phủ Thái Lan dường như vẫn phản ứng theo kiểu “chờ thời”, và hài lòng trong việc bảo vệ Bangkok khỏi cảnh ngập lụt từ hệ thống đê dọc theo sông Chao Phraya, từ hệ thống đê chắn sóng bao quanh thành phố, từ các trạm bơm, các tuyến kênh thoát nước và hồ chứa. Toàn bộ “tuyến phòng thủ” này nhằm đối phó với nguy cơ mực nước dâng cao tối đa 2,5 m. Trong thập niên 1990, một đạo luật dường như đã giúp ngăn chặn được ít nhiều việc khai thác nước ngầm từ các giếng phun. Tuy nhiên các cơ sở công nghiệp vẫn tiếp tục khai thác không thương tiếc, một cách hợp pháp và cả bất hợp pháp, 2,8 triệu m3 nước ngầm mỗi năm.

Chuyên gia Smith Dharmasaroja không khỏi lo lắng: “Bangkok là trái tim của Thái Lan. Nếu chúng ta để mất đi Bangkok, chúng ta sẽ không còn gì nữa. Bằng mọi giá, chúng ta phải bảo vệ trái tim của chúng ta. Thế mà nay, việc này gần như đã quá muộn rồi!”.


Dãy cột ngăn sóng biển này được gọi là đê Thanawat, đặt theo tên của người thiết kế ra nó, nhằm làm giảm tác hại xâm thực của biển vào đất liền. Nhìn ra khơi xa khoảng 1km, hàng cột điện “ngày xưa” nay đang đứng chôn chân ngay giữa… biển! Một vị sư đã nói: “Mấy chiếc cột điện này được trồng vào năm 1980, giờ đây đó là tất cả những gì còn sót lại của khu đất làng ngày trước”

Biển xâm thực mạnh vào đất liền trên vịnh Thái Lan

Có thể nói, khó mà xác định được ranh giới rõ ràng đâu là bờ và đâu là biển khi bạn dừng chân tại Khun Samut Chin, một ngôi làng nằm cách thủ đô Bangkok chỉ 30km về phía đông nam. Người dân vùng này nói vui rằng, giờ đây ngay cả cá cũng không còn biết chúng đang bơi ngoài biển hay trong đất liền nữa! Bởi ngay trên các diện tích đất nền cứng nay cũng đầy tôm cá! Các cánh đồng lúa trước đây nay bỗng dưng biến thành các “vuông tôm” tự nhiên. Song, đó là điều chẳng lành đối với dân làng.

Đúng vậy. 600km bờ biển tại Thái Lan đang bị xói mòn nghiêm trọng. Theo chuyên gia địa chất Thanawat Jarupongsakul dự đoán, biển sẽ “đổ bộ” thêm 1,3km nữa trong vòng 20 năm tới, rồi 2,5km trong vòng 50 năm tới và cuối cùng sẽ là từ 6-8km trong vòng 100 năm tới. Nguyên nhân thì nhiều. Nền đất bị lún sụt trên khắp các bờ biển. Và khi khí hậu ấm lên, mực nước biển trong vịnh Thái Lan sẽ dâng cao 42mm/năm, gió mùa ngày càng mạnh hơn và tạo ra các đợt sóng dữ dội hơn. Cuối cùng, lớp trầm tích, vốn trước đây có tác dụng ngăn chặn xói mòn, giờ đã giảm 70% trong vòng 30 năm, do chúng đã bị các đập nước trên thượng nguồn các dòng sông chặn lại.

Chuyên gia đang làm việc tại trường Đại học Chulalongkorn này cũng tự hỏi: “Trong vòng 50 năm tới đây, chúng ta sẽ phải chịu mất đi 50km2 diện tích đất nằm trong khu vực giữa biển và Bangkok. Đó là những khu công nghiệp rất đông dân cư và cơ sở hạ tầng nhiều. Vậy người dân sẽ đi đâu? Điều gì sẽ xảy ra về chuyện chủ quyền đất đai của họ?”. Bà trưởng làng phốp pháp Samorn Kengsamut giải thích rõ hơn: “Trong vòng 20 năm, đã có một phần ba dân làng bỏ xứ ra đi, họ qua các tỉnh khác sinh sống, thế mà không được ai đền bù thiệt hại cho những mảnh đất của họ nhưng nay đã bị biển nuốt chửng rồi”.

Chính phủ đã quên vùng đất này rồi chăng? 300 dân làng còn lại nay phải tự mình cứu lấy mình. Họ ra sức khôi phục các khu rừng sú vẹt ngập mặn để chống xói mòn. Song, thành công không đáng là bao, bởi các đợt sóng lớn do gió mùa đông bắc thổi đến đã nhổ bật gốc hầu hết các cây đước đang phát triển. Một người dân làng chài nói: “10 năm trước đây, sóng cao khoảng một mét, còn bây giờ, sóng cao từ 2-4m”.

Người dân cũng dựng một hàng cột cao dọc theo bờ biển nhằm làm giảm sức mạnh các đợt sóng vỗ bờ và giúp giữ lại phù sa, nhưng cá tôm vẫn có thể chui qua lại được. Một dân làng nói: “Chúng tôi làm vậy chỉ để làm chậm lại quá trình biển tiến sâu vào đất liền. Mà hình như giờ đây, chẳng còn có một phương pháp kỹ thuật nào có thể giúp chúng tôi bảo vệ được mình trước sức mạnh của biển cả, chúng tôi chỉ còn biết cầu trời khấn phật sao cho biển gây thiệt hại cho chúng tôi càng ít càng mừng”.

Về phần mình, bà Samorn Kengsamut cho rằng những cảnh đời trôi nổi tại làng Khun Samut Chin đang báo trước những hiểm nguy rình rập tại khu vực ven biển trong vịnh Thái Lan và một ngày nào đó thủ đô Bangkok cũng sẽ phải chịu chung số phận, bà nói: “Biển cuối cùng rồi cũng sẽ tới Bangkok thôi!”. 

Tường Nguyễn (Theo Le Figaro)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo