Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Bùng nổ đô thị hóa ở Trung Quốc gây tổn hại lớn sức khỏe cộng đồng

Bùng nổ đô thị hóa ở Trung Quốc gây tổn hại lớn sức khỏe cộng đồng

Viết email In

Việc dùng bất kỳ từ nào yếu hơn từ “bùng nổ” để mô tả quá trình đô thị hóa nhanh chóng của Trung Quốc là một sự nói giảm nguy hiểm.

Kể từ năm 1980, số lượng người dân ở các thành phố của Trung Quốc đã tăng từ 191 triệu đến 622 triệu. Con số này tiếp tục tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là khi một số khu vực trước đây là nông thôn được chuyển đổi thành các vùng đô thị để thích ứng với sự tăng trưởng:  


(Nguồn: Urbanisation and Health in China, Gong et al., Lancet, 3/3/2012, 379(9818)) 

Làn sóng di dân đô thị này là kết quả của việc lao động nông thôn di cư vào các thành phố. Đó là một vấn đề đặc biệt ở Trung Quốc bởi vì, như Berg Nate đã chỉ ra, đất nước này có một "cơ cấu dân số hai tầng lớp thành thị và nông thôn" được gọi là hộ khẩu. Trong khi hộ khẩu thành phố mang lại một số lợi ích xã hội, gồm cả việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt, việc di chuyển từ một trang trại đến một thành phố chắc chắn không thay đổi tầng lớp xã hội của bạn.
Do đó, rất nhiều người di cư từ nông thôn ra thành thị không có bảo hiểm và không thể khám bác sĩ. Những thực tế mâu thuẫn này cho thấy Trung Quốc có một cuộc khủng hoảng về chăm sóc sức khỏe tiềm ẩn, theo một bài viết gần đây trong tạp chí y học của Anh - The Lancet. Một nhóm tác giả quốc tế, do Peng Gong của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh làm trưởng nhóm, vẽ ra một số hậu quả y tế công cộng có thể phát sinh từ quá trình đô thị hóa nhanh chóng của Trung Quốc, rất nhiều trong hậu quả này liên quan đến sự tràn vào của dân lao động di cư: 

Vấn đề bệnh tật ngày càng tăng tại các khu vực đô thị do lựa chọn dinh dưỡng và lối sống là một thách thức y tế công cộng lớn, cũng như sự bất bình đẳng về tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tiêm chủng, và các tai nạn thương tích của dân di cư từ nông thôn ra thành thị ở Trung Quốc cũng đáng lo ngại... Để giải quyết những thách thức về sức khỏe và tối ưu hóa các lợi ích đi kèm với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, chính sách y tế đổi mới tập trung vào các nhu cầu của người di cư và nghiên cứu giúp thu hẹp khoảng cách về tiếp cận kiến thức củacư dân đô thị là cần thiết.


(ảnh: David Gray/Reuters) 

Đô thị hóa thường gây ra rất nhiều mối nguy hiểm về y tế công cộng. Môi trường thành phố có thể dẫn đến chấn thương (do cơ giới hóa tăng hoặc việc làm mới) hoặc bệnh tật. Khi quá trình này kết nối những nơi thường bị cô lập, như trường hợp di cư từ nông thôn ra thành thị ở Trung Quốc, nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm gia tăng. Di chuyển tới một thành phố cũng có nguy cơ mắc bệnh không truyền nhiễm trong đó có rối loạn tâm thần. 

Ở Trung Quốc, những vấn đề này rất phức tạp bởi hệ thống hộ khẩu và mối quan hệ chặt chẽ của nó với dịch vụ y tế đô thị. Chính sách này đã phát triển để đáp ứng những thách thức ở thủ đô Bắc Kinh, với các dịch vụ cơ bản dành cho người di cư từ nông thôn tại các trung tâm y tế cộng đồng, nhưng ở những bất cứ nơi nào trên cả nước "tiến độ triển khai dịch vụ rất chậm", nhóm tác giả đánh giá. 

Ví dụ năm 2006, chỉ có khoảng 28% toàn bộ cư dân đô thị được hưởng bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cơ bản của thành phố - với phần lớn người lao động di cư không được hưởng bảo hiểm này. Chính phủ đã công bố một chương trình toàn diện hơn để mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc trong năm 2010, dựa theo sự thành công của Bắc Kinh. Nhưng vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn đọng, đặc biệt là liên quan đến sự miễn dịch ở trẻ em. Ngay cả ở Bắc Kinh, lao động nhập cư có nguy cơ cao đối với bệnh lao do điều kiện sống. 

Bệnh không truyền nhiễm cũng là một vấn đề. Một số nghiên cứu cho thấy những người di cư từ nông thôn ra thành thị dễ mắc bệnh về huyết áp hơn so với những người vẫn ở nông thôn. Những thay đổi chế độ ăn uống do rời khỏi trang trại, và hoạt động thể chất giảm, đã gây ra tỷ lệ người lớn bị cao huyết áp và trẻ em béo phì ở khu vực đô thị tăng gấp đôi so với khu vực nông thôn. 

Những căng thẳng tâm lý của cuộc sống thành phố cũng có thể tạo ra sự áp lực tinh thần đối với người nhập cư - một mối lo ngại ở một đất nước có 17% dân số bị mắc chứng rối loạn tâm thần kinh. Chất lượng và sự dồi dào của nguồn nước, ô nhiễm không khí do việc sử dụng xe cơ giới gia tăng nhanh chóng, và các mối nguy hiểm khi làm việc ở công trường xây dựng và ngành công nghiệp nặng là những vấn đề tiềm ẩn cần quan tâm. 

Các nhà nghiên cứu khuyến nghị nhiều cách để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng sức khỏe của quá trình đô thị hóa của Trung Quốc. Trước hết là nghiên cứu đổi mới, đặc biệt là công việc có sự cộng tác giữa dân nông thôn và dân thành thị. Thông tin y tế phải được cập nhật rất thường xuyên, để bắt kịp với sự di cư đến thành phố. 

Tất nhiên, chính sách đúng đắn phải được thực thi để xử lý tận gốc các vấn đề. Điều đó có nghĩa là cần nâng cao nhận thức về nguy cơ mắc bệnh, và cung cấp khẩn trương dịch vụ "chăm sóc sức khỏe giá cả hợp lý cho người di cư từ nông thôn ra thành thị không phân biệt hộ khẩu." 

Eric Jaffe (The Atlantic Cities) - Hà Ly (dịch) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo