Nổi tiếng hàng đầu trong các điểm du lịch tại vùng Texas, Hoa Kỳ là tour đến chơi thành phố San Antonio, cách 300km về phía tây của Houston. Và điểm nhấn quan trọng nhất là điểm tham quan “Riverwalk San Antonio” (tuyến đi bộ ven sông San Antonio). Trong các chương trình đào tạo kiến trúc sư tại Hoa Kỳ, cảnh quan dòng sông San Antonio được đưa vào để giảng dạy cho các sinh viên kiến trúc như là một ví dụ, với rất nhiều những lý thuyết liên quan đến nó. Nào là quy hoạch ven sông, kiến trúc cảnh quan, bảo tồn, kỹ thuật hạ tầng đô thị v.v..
Ngoài tuyến đi bộ, du khách có thể ngồi trên thuyền để đi suốt tuyến du lịch chính với sự thuyết minh về lịch sử dòng sông San Antonio.
Đặc điểm của tuyến đi bộ ven sông này là hệ thống cây xanh lâu đời, được chăm sóc cẩn thận.
Bất cứ du khách nào, nhất là giới kiến trúc sư sẽ đều bất ngờ khi lần đầu tiên đặt chân đến khu vực này bởi vẻ đẹp tự nhiên của nó trong lòng một đô thị nhộn nhịp. Nằm dưới cốt đường đô thị khoảng 5m là một dòng sông không lớn, bề ngang khoảng 10m, sâu chỉ khoảng 1,6m dọc tuyến đi bộ nhưng uốn lượn quanh một khu vực được khai thác cho du lịch khoảng 20km (trong tổng chiều dài 386km). Thực ra du khách chỉ tập trung sinh hoạt ở một đoạn sông khoảng 2km dọc hai bên bờ một đoạn sông với hàng trăm nhà hàng, khách sạn, khu thương mại bên trên. Từ mặt đường của đô thị cổ San Antonio, người ta đi xuống từ những chiếc cầu ximăng để tham gia vào sinh hoạt của Riverwalk San Antonio một cách dễ dàng. Mọi ngóc ngách của lối đi hai bên dòng sông này đều được chăm sóc rất kỹ càng trong thiết kế, đưa du khách đi từ cảnh quan này sang cảnh quan khác một cách tự nhiên. Điều tôi tâm đắc là những cảnh quan ở đây được sắp xếp một cách ngẫu nhiên như là tự phát vậy. Các hàng quán nhô ra thụt vào nhưng vẫn hợp lý sao cho không gian giao tiếp giữa công trình, dòng sông và người đi bộ thật sự thân thiện.
Đô thị cổ San Antonio được hình thành từ những năm cuối của 1600. Đó là một lịch sử đấu tranh giữa người da đỏ, người Mexico, Tây Ban Nha, người Anh và sau này có cả người Đức. Do đó sự pha trộn văn hoá khác nhau đã tạo cho đô thị San Antonio trở thành một vùng đất rất phong phú về công trình và thú vui du lịch. Nói nôm na là ta có thể uống bia Đức và ngắm ngôi nhà kiểu Tây Ban Nha và nói tiếng Anh.
Điều đáng nói ở đây là nỗ lực của chính quyền đô thị trong việc biến dòng sông San Antonio thường xuyên ngập lụt trở thành một điểm du lịch nổi tiếng bậc nhất vùng Texas. Người ta quan tâm đến việc chăm sóc dòng sông San Antonio từ năm 1937 bằng sự khởi đầu dựng nên “Chính quyền đô thị sông San Antonio”.
KTS Hugman là người đầu tiên vạch ra quy hoạch chung cho dòng sông này và việc xây dựng cảnh quan cho dòng sông bắt đầu từ năm 1939. Từ đó đến nay hàng loạt các công trình lớn như khách sạn Marriott, Hyatt Regency hotel, Casino mọc lên dọc theo đây như nấm. Hàng năm, người ta tổ chức các lễ hội Carnival khiến cho phố xá quanh dòng sông ngày càng được sầm uất.
Những nỗ lực tôn tạo dòng sông kéo dài từ đó đến cuối năm nay, 2013, mới hoàn tất, trong đó đáng nói là dự án “San Antonio River Improvement Project – SARIP” với kinh phí 358 triệu đôla Mỹ. Dự án này bao gồm việc xây dựng hệ thống chống lụt bằng cách xây dựng một đường cống có kích thước đường kính hơn 5m nằm ngầm bên dưới dòng sông và kế hoạch phát triển 24km cảnh quan dòng sông với các công viên và khu vực đô thị mới. Trong dự án này tham gia không phải chỉ có chính quyền đô thị San Antonio, quận Baxar, mà còn có cả quân đội, các tổ chức tư nhân phi lợi nhuận dưới sự giám sát và hoạch định kế hoạch của một hội đồng 22 người. Mỗi nhóm đóng góp một khía cạnh như tài chính, thiết kế, vận hành và duy tu.
Với cảm nhận của một kiến trúc sư, tôi nhận ra Riverwalk San Antonio là kết quả của nhận thức về những gì mình đang có của chính quyền đô thị, khả năng định hướng xa và trình độ tổ chức của họ. Và khi nghĩ đến cảnh quan sông nước trong thành phố của ta, ta hoàn toàn có thể khai thác tiềm năng của nó để biến những gì mình đang có trở thành điểm rất riêng.
Từ trên đường phố cổ San Antonio, du khách có thể bước xuống con đường đi bộ dọc sông San Antonio để tham gia sinh hoạt của tuyến đi bộ ven sông bằng những cầu thang bêtông.
Hàng quán với bàn ghế kê dọc theo lối đi hai bên bờ sông luôn tạo cảm giác mời mọc khách dừng chân.
So sánh với Riverwalk San Antonio, các dòng kênh của TP.HCM ta đang bị bó lại đều đặn bởi các kè bêtông thẳng đứng cùng với các hàng lan can giống nhau y hệt chạy vòng quanh 17km. Cảnh quan đã được cố gắng đưa vào nhưng chỉ giúp “làm sạch” hai bờ kênh. Điều đáng xem xét là chạy vòng quanh các con kênh là hai tuyến đường xe với tốc độ trung bình 30 – 40km/giờ, không có chỗ tấp vào, đã làm cho những bờ kênh chỉ còn là một “khoảng trống” bởi mặt nước nằm sâu bên dưới không thấy được từ người đi xe. Hai con đường này chỉ nên ở phía sau lưng của các dãy phố ven sông hiện tại, để khoảng đất trống phía trước đó tạo nên những công trình có thể tiếp cận dòng kênh với những lối đi bộ nối nhau. Lẽ ra phải có một tầm nhìn định hướng xa hơn cho những cảnh quan sông nước của thành phố chúng ta sau những nỗ lực làm sạch các dòng kênh trong thành phố trong những năm vừa qua. |
KTS Dương Hồng Hiến (ghi nhận và biên khảo / Kiến trúc & Đời sống)
- Phát triển công trình mới trong không gian lịch sử – Bài học từ nước Anh
- 5 thành phố có những đặc điểm “siêu lớn nhất” trên thế giới
- Singapore dẫn đầu trong kiến trúc xanh ở châu Á
- “Xanh hóa” ở Sydney
- 10 vụ sập cầu kinh hoàng nhất trong 100 năm qua
- Khi xe đạp nói "Tôi yêu Hà Lan"
- Khả năng phục hồi của đô thị và ý tưởng đô thị chống bão lũ
- Các thủ đô châu Âu, thành phố - con sông
- Những thành phố có dịch vụ xe đạp công cộng tốt nhất thế giới
- Những cung đường ngoạn mục nhất thế giới