Liên Hiệp Quốc đã dự báo rằng 40% của người dân trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ sống ở các đô thị và đến năm 2050, sẽ có tới 2/3 dân số sống trong các đô thị và đại đô thị. Còn theo Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu đã dự đoán rằng trong những thập kỷ tới, các nước châu Á sẽ dẫn đầu trên toàn thế giới về phát thải trong xây dựng do sử dụng năng lượng.
Một yếu tố quan trọng là châu Á là một trong những khu vực có quá trình đô thị hóa nhanh hơn so với bất kỳ khu vực khác trên thế giới. Trong cuộc đấu tranh để giảm lượng khí thải carbon, sự bùng nổ kinh tế ở châu Á cần nhấn mạnh tầm quan trọng trong giảm sử dụng năng lượng trong các tòa nhà thương mại và dân cư. Chính vì thế, đã có nhiều cuộc họp diễn ra ở châu Á và đã đạt được sự đồng thuận giữa các nhà chính trị và phát triển đô thị trong việc thúc đẩy công trình xanh ở Châu Á để giải quyết tình trạng ô nhiễm và giảm thiểu các tác động của sự nóng lên toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, bằng các biện pháp khuyến khích áp dụng kiến trúc xanh và công nghệ tiết kiệm năng lượng, Singapore là quốc gia đang nổi như một ví dụ điển hình về công trình xanh ở Châu Á. Các công trình kiến trúc thương mại nằm trên các khu phố điển hình ở Singapore luôn lấp lánh, hào quang nhưng cũng bao hàm các yếu tố xanh và bền vững.
Các công trình này được ứng dụng công nghệ xanh nhất thế giới như gắn pin năng lượng mặt trời trên mái hoặc cửa sổ, hệ thống thang máy và thang cuốn tiết kiệm năng lượng, hệ thống điều hòa không khí hiệu quả và có gắn phần mềm theo dõi lượng khí thải carbon dioxide.
Hệ thống khách sạn như khách sạn Parkroyal có biểu tượng công trình khách sạn xanh ngay ngoài mặt tiền. Đó là biểu tượng kiến trúc xanh một cách nghệ thuật tinh tế với hệ thống cây xanh được thiết kế theo nhiều cấp bậc gồm các loại cây nhiệt đới và dây leo, khiến cho người qua đường cứ muốn ngoái lại ngắm nhìn bởi thấy tâm hồn thư thái khi thưởng ngoạn thiên nhiên. Cùng với đó là hệ thống làm mát tiết kiệm năng lượng và vô cùng hiệu quả, hệ thống xử lý nước mưa, nước thải, hệ thống ánh sáng cảm biến và kính năng lượng mặt trời ….. tất cả như muốn mang đến cho du khách một khu rừng nhiệt đới nằm ở giữa trung tâm của thủ đô ngân hàng của khu vực Đông Nam Á.
Các công trình này thể hiện sự cam kết của Singapore là phủ xanh các công trình xây dựng quốc gia thông qua các chương trình ưu đãi đặc biệt và áp dụng các biện pháp khuyến khích kiến trúc xanh như ứng dụng công nghệ xử lý chất thải, tận dụng ánh sáng thiên nhiên, giảm thiểu lượng khí thải carbon, hệ thống điều hòa không khí tiết kiệm năng lượng và hệ thống thông gió tự nhiên. Kể từ khi có các công cụ đánh giá công trình xanh vào năm 2005, Cơ quan Xây dựng Singapore (BCA) đã cấp phép xác nhận 1.534 công trình xanh mới và 215 công trình xanh đã có từ trước. Đó là con số chiếm hơn một phần năm diện tích sàn các công trình ở quốc đảo này. Theo John Keung, giám đốc điều hành của BCA cho biết "Đô thị hóa ngày càng nhanh thì chúng tôi càng muốn chắc chắn rằng môi trường xây dựng của Singapore phải mang tính xanh và bền vững".
Cụm từ "ứng dụng công nghệ trong kiến trúc xanh" ở Singapore hay nói rộng hơn là ở châu Á có chút khác biệt so với ở Hoa Kỳ hay châu Âu bởi phần lớn các đô thị ở châu Á có chú trọng đặc biệt trong các công nghệ làm mát nhằm giảm thiểu tiêu thụ năng lượng. Đây chính là điều cần thiết nhất trong bối cảnh vùng nhiệt đới vì nơi đây điều hòa không khí đại diện cho phần lớn nhu cầu điện. Theo tính toán của các chuyên gia trong BCA, các công trình xanh ở Singapore có chi phí đầu tư ban đầu lớn hơn khoảng 5% so với các công trình thông thường nhưng hầu hết chi phí này được bù đắp trong vòng bảy năm qua quá trình sử dụng. Điều này dẫn đến kết quả là mỗi năm, có hàng triệu đô được tiết kiệm cho các chủ đầu tư xây dựng từ ứng dựng kiến trúc xanh.
BCA cho biết Singapore đặt mục tiêu là sẽ có tới 80% các tòa nhà của thành phố sẽ đạt tiêu chuẩn kiến trúc xanh vào năm 2030. Theo phân tích và dự báo của các chuyên gia thì đây là mục tiêu có thể đạt được và một trong những yếu tố quan trọng góp phần đạt được mục tiêu này là chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà ở Singapore.
Khánh Phương
- Cami dels Corrals: từ Đô thị hóa tới Kiến trúc cảnh quan
- 6 thành phố trong lành bậc nhất thế giới
- 5 thành phố có những đặc điểm “siêu nhỏ nhất” trên thế giới
- Phát triển công trình mới trong không gian lịch sử – Bài học từ nước Anh
- 5 thành phố có những đặc điểm “siêu lớn nhất” trên thế giới
- “Xanh hóa” ở Sydney
- 10 vụ sập cầu kinh hoàng nhất trong 100 năm qua
- Đi bộ ven sông San Antonio
- Khi xe đạp nói "Tôi yêu Hà Lan"
- Khả năng phục hồi của đô thị và ý tưởng đô thị chống bão lũ