Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Phát triển công trình mới trong không gian lịch sử – Bài học từ nước Anh

Phát triển công trình mới trong không gian lịch sử – Bài học từ nước Anh

Viết email In

Lâu nay, nhiều bài viết về vấn đề di sản kiến trúc ở Việt Nam hoặc nhắc đến phát triển như một “kẻ thù” của di sản, hoặc mang một tâm lý hoài cổ với những thứ tâm trạng “buồn, tiếc, nhớ, bất lực”. Điều này theo tôi là đáng tiếc, bởi những suy nghĩ như vậy không khuyến khích giải pháp mà thường tiếp tục bỏ mặc di sản cho thời gian hoặc thị trường hủy hoại, trong khi chúng ta có thể hành động thiết thực hơn thế. Thực ra, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển luôn là vấn đề ở bất kỳ đô thị nào trên thế giới, và những giải pháp ra đời luôn đi cùng tranh cãi. Điều quan trọng là những người cảm thấy mình có trách nhiệm với di sản cần phải bước ra khỏi việc đào bới quá khứ hay những mâu thuẫn hiển nhiên trong hiện tại mà tập trung tìm hiểu những giải pháp khả dĩ và cụ thể. Và việc đầu tiên chúng ta có thể làm là tìm hiểu xem những nước có kinh nghiệm hiện có những tiếp cận như thế nào đối với vấn đề.

Bài viết dưới đây mang một mục đích như thế. Đây là tài liệu do hai tổ chức English HeritageCABE ở Anh Quốc soạn thảo nhằm tập hợp 15 ví dụ tiêu biểu không chỉ về kỹ thuật thiết kế những công trình mới trong tương quan với những di sản hiện hữu mà còn là câu chuyện liên quan trong quá trình quy hoạch và phát triển nên thiết kế đó. Thông điệp cốt lõi ở đây là, dù công trình mới có thể phải có một số nhượng bộ nhưng một khi sự hòa hợp về chất lượng không gian chung đã đạt được thì khả năng sinh lợi lâu dài sẽ được đảm bảo.  Lưu ý, nội dung của tài liệu này chỉ tập trung vào việc xây dựng công trình mới, còn bản thân di sản cần được bảo tồn theo cách nào lại thuộc một phạm trù khác, với những cách tiếp cận riêng. Do giới hạn về thời gian và yêu cầu súc tich, tôi chỉ giới thiệu 4 ví dụ mà mình cho rằng tương thích nhất với điều kiện ở Việt Nam. Toàn bộ báo cáo các bạn có thể xem ở đây

Chúng ta có một nỗi lo phổ biến rằng những khu vực nhạy cảm về giá trị lịch sử kiến trúc đang chịu thách thức từ việc phát triển mới từ bên trong và thường tranh cãi với nhau về việc xác định lối phát triển phù hợp cho những khu vực này.

Những thay đổi kinh tế xã hội trong thế kỷ 20, dù diễn ra đột ngột hay chuyển biến chậm rãi cũng đều đặt ra những thách thức về quản lý và phát triển không gian đô thị lịch sử. Trước những thách thức này, người ta đã có nhiều cách phản ứng đôi khi trái ngược nhau. Có những nơi muốn cách ly hoàn toàn với quá khứ thể hiện qua kích thước, vật liệu và phương pháp xây dựng công trình. Lập luận được đưa ra ở đây là những thứ có thể gây sốc hôm nay sẽ trở nên bình thường trong 20 năm nữa, và tương tự, những đột phá trong quá khứ nay đã là một phần trong tổng thể hiện tại. Suy nghĩ này thường mở đường cho sự ra đời những công trình không hề thể hiện chút cân nhắc nào đến cảnh quan khu vực và kết quả là hạ thấp hơn là nâng cao giá trị không gian chung.  

Mặt khác, lại có những nỗ lực tìm cách lưu giữ lại tất cả những đặc điểm của khu vực bằng mọi giá. Cách tốt nhất là phản đối mọi dự án phát triển mới, và nếu nó xảy ra thì phải copy lại lối kiến trúc của những công trình hiện hữu. Lý lẽ của những người này là việc duy trì những đặc trưng lịch sử là lý do để nhà nước quy định những khu vực cần được bảo vệ, và mục đích duy nhất của chúng là để bảo tồn. Cần lưu ý, quan điểm này rất khác với việc phục hồi một cách chân thực. Nó thường dẫn đến việc sao chép bề nổi những yếu tố lịch sử trong những công trình mới và gây xói mòn những đặc trưng của khu vực nhiều không kém thái độ cách ly như đã nêu ở trên.

Cả hai cách tiếp cận cơ bản này đã tồn tại trong nhiều năm và cán cân giữa chúng thay đổi tùy theo xu hướng, quan điểm cũng như sự tích lũy về kinh nghiệm trong từng thời kỳ. Hai thái độ tuy đối nghịch nhau nhưng đều dẫn đến nhiều hệ quả đáng tiếc. Đặc biệt điều này thường xảy ra khi cả hai bị ép buộc phải nhượng bộ, khi một thiết kế đã thành hình và phải điều chỉnh để phù hợp với không gian chung, và những dấu hiệu thường gặp là:

  1. Giáng cấp: khi tòa nhà mới tiếp giáp với một tòa nhà hiện hữu thấp hơn một khoảng nhỏ và nó giật cấp thấp dần về phía mặt tiền để tạo sự tương thích về chiều cao. Trừ phi sự thay đổi chiều cao là một yêu cầu thiết kế, còn không việc này sẽ tạo ra một độ dốc ở mặt trước công trình và càng nhấn mạnh thêm sự chênh lệch giữa hai tòa nhà. Nếu chi tiết này không được xử lý khéo léo thì nó sẽ không có tác dụng gì với công trình hiện hữu.
  2. Lạm dụng những yếu tố kiến trúc lịch sử vô tội vạ mà không cân nhắc đến kỹ thuật hay độ chính xác để làm nên những yếu tố đó. Một ví dụ thường thấy là những khung tam giác (pediment) không liên quan gì đến phần còn lại của mặt tiền, hay những gờ chỉ và viền cornice có tỷ lệ quá lớn so với tòa nhà. Những kiểu thêm mắm dặm muối thế này hay được ví von là “tô son cho con khỉ”, vốn thường hay đi cùng phương pháp giáng cấp chiều cao.
  3. Phối các vật liệu tưởng như tương đương nhưng thực sự lại không liên quan với nhau. Ví dụ, để trang trí ngoại thất mà dùng gạch đỏ được sản xuất rẻ tiền bằng máy và viền bằng keo thì không thể hòa hợp với những chi tiết gạch làm cẩn thận bằng phương pháp thủ công. Đặt chúng cạnh nhau chỉ làm nhấn mạnh sự khác biệt về vật liệu và phương pháp xây dựng. Trường hợp này cũng tương tự với đá và vữa.
  4. Phóng to các chi tiết kiến trúc vốn chỉ thuộc về các công trình lịch sử quy mô nhỏ để tái hiện trong những tòa nhà hiện đại quy mô lớn, hoặc tìm cách chia các khối nhà lớn để chúng trông nhỏ lại trong khi kích thước các tấm sàn bên trong vẫn không đổi và điều này chỉ càng nhấn mạnh hơn kích thước to lớn của chúng.

Cách tiếp cận đúng

Mục đích của tài liệu này là chỉ ra một cách tiếp cận đúng để khảo sát hiện trạng cho mọi dự án phát triển một cách chi tiết nhất có thể và kết nối công trình mới với không gian hiệu hữu thông qua việc đánh giá các đặc điểm không gian với luận chứng rõ ràng. Mục đích ở đây không phải để chỉ ra một phong cách kiến trúc cụ thể nào sẽ phù hợp hơn những phong cách còn lại. Thực ra, chính sự chỉ định cứng nhắc sẽ khiến cho ý đồ tạo sự hòa hợp bị thất bại, cho dù thiết kế theo lối tương đồng hay tương phản giữa cũ và mới.

Một thiết kế thành công phải thỏa mãn được các tiêu chí sau đây:

  1. Phản ánh tốt những yếu tố địa lý và lịch sử của khu vực.
  2. Tọa lạc một cách hài hòa với hình thái của các tòa nhà và đường phố hiện hữu.
  3. Bảo toàn những hướng nhìn quan trọng.
  4. Tôn trọng quy mô của những công trình lân cận.
  5. Sử dụng vật liệu và phương pháp xây dựng có chất lượng tốt bằng hoặc hơn những công trình hiện hữu.
  6. Tạo ra những hướng nhìn, những bố cục sắp xếp mới để bổ sung vào sự đa dạng và kết cấu của không gian chung.

Cách tiếp cận đúng đòi hỏi sự cân nhắc tất cả các quy trình, ngoài việc thiết kế đúng còn là xác định đúng đề bài, chọn đúng nhóm thiết kế và thảo luận thống nhất với cơ quan quản lý từ những bước đầu tiên. Sự hợp tác, tôn trọng lẫn nhau và cam kết theo đuổi tầm nhìn chung là yếu tố then chốt để tạo nên thành công.

Những ví dụ tiêu biểu

Tòa nhà văn phòng Liberté House ở St. Helier, Jersey / Thiết kế: Haworth Tompkins

Vị trí công trình nằm ngay trung tâm lịch sử của thành phố St. Helier, trên đường La Motte. Khu đất này lúc trước có một tòa tháp cao và mỏng. Diện tích sàn của công trình cũ hiện đã trở nên dư thừa và thứ kiến trúc của nó vốn lạc lõng với không gian khu vực vì vươn lên quá cao so với những tòa nhà trong khu vực. Khu vực này không có những tòa nhà lịch sử mang tính biểu tượng nhưng có đặc trưng là quần thể những công trình quy mô nhà ở xen lẫn với các cửa tiệm, khách sạn, nhà gạch truyền thống và gara.

Thử thách đặt ra với nhóm thiết kế là xây dựng một tòa nhà văn phòng với tiêu chuẩn cao về thiết kế hiện đại để hấp dẫn kinh doanh nhưng vẫn phù hợp với không gian lịch sử để nó không lấn át những yếu tố đặc trưng của quần thể những công trình hiện hữu.

Giải pháp đầu tiên mà nhóm thiết kế thực hiện là thiết kế tòa nhà theo sát ranh giới khu đất. Đây là phương án hợp lý xét về cảnh quan đô thị bởi nó đi theo chỉ giới xây dựng lịch sử. Ngoài ra, thiết kế này cho phép tạo ra số lượng diện tích sàn theo yêu cầu với chiều cao tòa nhà thấp hơn nhiều so với trước đây. Các tính toán về khối nhà đã xác định chiều cao 5 tầng với tầng trên cùng được xây lùi vào để viền cornice được thống nhất với dãy nhà trên đường La Motte.


(Nguồn: Google Maps)

Điểm nhấn của công trình là một tháp kính ngay góc giao lộ, cho phép nhìn thấy những người di chuyển lên xuống cầu thang cũng như từ bên trong mở ra hướng nhìn bao quát cả khu phố. Tháp kính hình trụ cũng giúp giải quyết góc giao không vuông vức giữa hai con đường được uyển chuyển hơn.


(Nguồn: CABE)

Ngoài chất liệu kính, nhóm thiết kế còn sử dụng nhiều đá granite để ốp tường ngoài của tầng trệt. Đây là loại đá cùng loại với vỉa hè để tạo sự liên tục về bề mặt chất liệu. Điểm đáng chú ý tiếp theo là những chi tiết làm bằng nhôm ở mặt ngoài công trình có cùng tông màu với các tòa nhà lân cận, do đó làm nên sự hòa hợp về thị giác.

Những chi tiết dứt khoát bằng kim loại ở mặt ngoài  là ý đồ của nhóm thiết kế, được cho là phù hợp với ấn tượng về một thành phố cảng vốn trong lịch sử hay có những tòa nhà mang tính thực tế.


(Nguồn: Google Maps)

Tòa nhà thư viện và hành chính ở Swiss Cottage, London / Thiết kế: Cullum and Nightingale

Chức năng của công trình là tòa nhà hành chính và thư viện của trường Diễn thuyết và Kịch nghệ ở London. Vị trí của tòa nhà tiếp giáp với một khu vực bảo tồn trên đường Adamson những dãy villa thế kỷ 19 bằng gạch ốp đá, phía còn lại là tòa nhà sân khấu lớn của trường được trát thạch cao với niên đại tương tự. Xét về cảnh quan và quy hoạch, thử thách của nhóm thiết kế là phải tạo ra sự kết nối tại vị trí chuyển tiếp này. Mặt khác, khu đất xây dựng hẹp kéo dài ra sau, tiếp giáp với khu vườn của những villa trên đường Adamson và Buckland Cresent nên thử thách thứ hai đặt ra là tránh xây dựng những khối nhà lớn làm lấn át cảnh quan, hạn chế tiếng ồn và xâm phạm riêng tư của hàng xóm mà vẫn tạo ra không gian đủ lớn và ánh sáng tự nhiên cho các chức năng thư viện như đặt giá sách và bố trí chỗ ngồi.

Tòa nhà được xây cao 5 tầng lầu. Chiều cao mỗi tầng được thiết kế tương đương với những căn villa bên cạnh và các ô cửa sổ cũng có kích thước tương tự dù không có các chi tiết trang trí.


(Nguồn: Google Maps)

Tầng trên cùng được xây lùi vào để chiều cao mặt tiền được đồng nhất với dãy phố, đồng thời giúp đón thêm ánh nắng cho các văn phòng ở đó.

Ở tầng trệt, quầy bar dành và phòng sinh hoạt chung được che chắn khỏi tầm nhìn đường phố bằng một bức tường thấp bằng đá nhưng xây cách một khoảng để ánh sáng vẫn chiếu vào. Bức tường này cùng tông màu với bậc thang của những tòa nhà lân cận, đồng thời làm nền cho phần mặt tiền được lát gạch đỏ phía trên được nổi bật. Ngoài viền cornice bằng đá, mặt tiền này không có chi tiết trang trí nào khác. Sự lặp lại quy mô và nhịp điệu đóng-mở từ những công trình lân cận thể hiện một sự nhảy cảm khéo léo đối với di sản. Việc sử dụng vật liệu mang tính tương phản (mà bản thân chúng rất đẹp) là một cách đánh dấu nhẹ nhàng sự thay đổi công năng trên con đường và làm nền cho sân khấu chính của ngôi trường phía bên kia.


(Nguồn: Google Maps)

Ở phía sau, tòa nhà được xây thấp hết mức có thể. Một phần trần bằng kính và thép xây nghiêng vào trong cùng cách bố trí cửa sổ có những khoảng kính mờ để vừa cho phép ánh sáng tự nhiên lọt vào, vừa hạn chế việc nhòm ngó sang hàng xóm.


(Nguồn: Bing Maps)

Trung tâm mua sắm trên đường Davygate, York / Thiết kế: Panter Hudspith

Đây là một công trình có chức năng bán lẻ, nằm trong một khu vực rất nhạy cảm về kiến trúc: sát nhà thờ St Helen, phía sau nối thông vào một nhà nguyện theo lối Methodist đã từng được sử dụng làm xưởng in trong nhiều năm, và đối diện là tòa nhà xây từ những năm 1930 theo phong cách neo-Georgian, nơi có tiệm trà Betty’s nổi tiếng.

Ở vị trí công trình này trước đây là một tòa nhà bê tông do John Poulson thiết kế vào những năm 1960. Poulson đã sử dụng màu sắc của nhà thờ và tái hiện vào chất liệu bê tông này, cũng như nhấn mạnh chiều thẳng đứng trong hình khối theo nhà thờ St Helen. Vì thế nó được xem là một ví dụ khá thành công trong việc tạo ra sự hòa hợp giữa các công trình với nhau và chính quyền thành phố cũng tỏ ra khắt khe trước những đề xuất tái xây dựng có chất lượng không đạt.

Lần này, thách thức đặt ra với nhóm thiết kế là việc chọn một thứ ngôn ngữ kiến trúc hiện đại với chất lượng cao cho nhu cầu bán lẻ, nhưng phải vừa tránh việc sao chép lộ liễu phong cách kiến trúc lịch sử vừa vẫn thể hiện sự nhạy cảm đối với hiện trạng khu vực.

Nhóm thiết kế thực hiện ý đồ này với nhiều giải pháp. Mặt trước của tòa nhà được tạo hình với một độ cong nhẹ theo tòa nhà neo-Georgian phía đối diện và có lùi vào một khoảng nhỏ để mở rộng hướng nhìn về phía nhà thờ, đồng thời là một cách thể hiện thứ bậc về giá trị giữa hai công trình.


(Nguồn: Bing Maps)

Bề mặt tòa nhà được làm đơn giản và nhấn theo phương ngang để hút hướng nhìn của người đi bộ vào phương thẳng đứng của nhà thờ. Những đường ngang này chính là bộ khung của tòa nhà được để lộ ra cũng như viền cornice phía trên mái.


(Nguồn: Google Maps)

Bộ khung này nâng đỡ những phiến đá tạo nên mặt phẳng trơn ở mặt ngoài. Thiết kế mỗi tầng trên lại nhô ra một ít so với tầng dưới, tương tự lối thiết kế truyền thống của những ngôi nhà khung gỗ và do đó tạo được sự kết nối lịch sử mà vẫn đảm bảo tính hiện đại.


(Nguồn: www.e-architect.co.uk)

Bố cục đóng mở giữa đá và kính là một cách sắp xếp thông minh để tạo ra những ô trưng bày sản phẩm cho một công trình bán lẻ. Việc kiểm soát mặt ngoài của tòa nhà được bảo đảm bằng những quy định thiết kế cho từng đơn vị bán hàng có khả năng gây ảnh hưởng đến cảnh quan.

Trong quá trình thảo luận giữa nhóm thiết kế và cơ quan quản lý quy hoạch, điểm thay đổi đáng chú ý nhất là thay vì thực hiện một giải pháp thiết kế tương tự như cho mặt sau thì các kiến trúc sư đã quyết định chọn chất liệu gạch và những ô cửa sổ phổ thông để hòa hợp hơn với khung cảnh phía bên đó, ngôi nhà nguyện (tòa bên phải trong hình dưới) cũng được phục chế cẩn thận. Sự chỉnh sửa này được đánh giá là tích cực và sau đó đã được chính quyền thông qua phương án thiết kế.


(Nguồn: Bing Maps)

Nhà hát Victoria ở Hanley, Stoke-on-Trent / Thiết kế: Levitt Bernstein

Công trình này là phần mở rộng và cải tạo của một nhà hát có kiến trúc Victoria và nằm trong khu vực bảo tồn của quảng trường Albion. Nhà hát được xây từ những năm 1880 bằng gạch và gốm đỏ (terracotta), nay đã được xếp hạng di tích loại 2. Cạnh còn lại của nhà hát giáp với Tòa thị chính của thành phố Hanley, cũng là một công trình được xếp hạng được xây dựng từ thế kỷ 19. Đối diện với công trình mới là một bãi đậu xe nhiều tầng theo phong cách hậu hiện đại có chất lượng thiết kế kém, ngoài ra chung quanh còn có nhiều bãi đỗ xe mặt đất.

Thách thức đặt ra đối với công trình này là việc tìm ra một thiết kế có thể kết nối được các cấu trúc cũ và mới với nhau, vừa thể hiện sự khiêm nhường trước những giá trị lịch sử, vừa cho thấy sự tiến bộ về cơ sở vật chất đô thị để đem lại một sinh khí mới cho khu vực.

Nhóm thiết kế đã lựa chọn hai giải pháp chính để thực hiện. Thứ nhất là công trình xây lùi vào một khoảng so với nhà hát, vừa tạo ra một khoảng sân nhỏ, vừa là dấu hiệu về thứ bậc về giá trị lịch sử giữa hai công trình. Thứ hai, nhóm thiết kế sử dụng lại màu sắc và chất liệu của gốm đỏ, là một đặc điểm của nhà hát Victoria, và kết hợp với các chất liệu hiện đại như kính và kim loại làm chủ đạo cho ngoại thất công trình.


(Nguồn: Bing Maps)


(Nguồn: Google Maps)

Xét về tỷ lệ và chi tiết, công trình mới vẫn thể hiện một dấu ấn độc lập về thời đại. Những yếu tố nội thất được để lộ ra ngoài qua mảng kính lớn. Chất liệu gốm đỏ được ốp ở mặt tiền thành những mặt phẳng lớn. Những hình chữ nhật ở các mặt và trên mái là đặc điểm mang tính hiện đại của kết cấu công trình, khác với dạng trang trí chi tiết của công trình cổ điển bên cạnh. Mái bằng và hệ lam che nắng được đỡ bằng những cột kim loại thon gọn, vươn từ mặt đất lên đến hết chiều cao công trình để tạo điểm nhấn theo phương thẳng đứng. Công trình được nối liền với nhà hát bằng một mái kính, tạo ra một khoảng giếng trời hẹp giữa hai tòa nhà, bên trong có những cầu thang nhỏ dẫn vào khu vực biểu diễn.


(Nguồn: Bing Maps)

Bài học kinh nghiệm

Những ví dụ nêu trên cho thấy phần lớn những lý do biện minh cho thất bại trong việc đạt được những thiết kế chất lượng cao là không xác đáng. Bài học quan trọng nhất cho một thiết kế thành công là phải dành nhiều thời gian khảo sát và phân tích thật kỹ lưỡng những đặc điểm không gian khu vực đó.

  1. Những thiết kế tốt nhất là sản phẩm của quá trình đối thoại tích cực và sáng tạo giữa các kiến trúc sư, chủ sở hữu, chính quyền địa phương và các thành phần liên quan khác; đặc biệt đối thoại trong quá trình chuẩn bị trước khi nộp hồ sơ là rất quan trọng.
  2. Chính quyền và các bên tham vấn cần thể hiện quyết tâm theo đuổi những giải pháp kiến trúc tốt và hỗ trợ để chúng thành hiện thực.
  3. Những không gian khó xử lý là cơ hội để cho ra đời những thiết kế tốt, không phải để biện minh cho sự bất khả rồi chấp nhận những giải pháp yếu kém.
  4. Với kỹ thuật hiện có và sự quan tâm đúng mức, chúng ta có thể tạo ra đủ không gian cho các nhu cầu hiện đại mà vẫn giữ được cách bố trí không gian đặc trưng của lịch sử và nó hoàn toàn có thể thành công về mặt thương mại.
  5. Việc đặt ra những tiêu chuẩn cao về môi trường là động lực để những thiết kế tốt ra đời.
  6. Sự cân nhắc tới cảnh quan quanh công trình và sự hiện diện của vật liệu truyền thống không hề mâu thuẫn với nhu cầu về kiến trúc đương đại như nhiều người vẫn quan niệm.
  7. Một thiết kế tốt không thể chỉ đẹp cho bản thân nó mà ý nghĩa của thiết kế phải vượt khỏi ranh giới công trình để vươn ra không gian công cộng bên ngoài.
  8. Xây dựng mật độ cao không nhất thiết phải là xây thật cao hay phá hủy bố trí không gian đô thị hiện hữu.
  9. Có nhiều cách để tiếp cận và ứng xử thành công với những yếu tố lịch sử trong thiết kế công trình: hoặc theo sát, hoặc chọn lọc-chuyển hóa, hoặc tương phản.
  10. Trong một không gian có sự đa dạng về phong cách kiến trúc, một công trình mang tính đương đại có thể sẽ đỡ chướng mắt hơn là những sao chép thất bại một phong cách lịch sử nào đó.

Tiêu chuẩn đánh giá một thiết kế

Chất lượng thiết kế phải là yếu tố quan trọng hàng đầu khi xây dựng công trình mới trong những khu vực nhạy cảm về kiến trúc. Mặc dù có những điểm mà việc đánh giá có thể mang tính cá nhân nhưng những tiêu chí khách quan để dựa vào đó chúng ta tìm được tiếng nói chung là điều hoàn toàn có thể. Việc trả lời những câu hỏi sau đây sẽ giúp định hướng thảo luận nhằm nâng cao chất lượng công trình cũng như vai trò của nó đối với cảnh quan đô thị.

  1. Thiết kế thể hiện sự liên quan với đặc điểm của bản thân khu đất như thế nào? Liệu có giải pháp tích cực và sáng tạo nào để xử lý những hạn chế ở đó không? Thiết kế đã cân nhắc những yếu tố không gian của khu đất chưa, ví dụ như địa hình cao thấp? Bố trí lối ra vào có thuận tiện, và đường phố và những lối đi hiện hữu có được cân nhắc chưa? Liệu công trình có thể đạt được sức chứa mong muốn mà vẫn tạo được vẻ hòa hợp duyên dáng?
  2. Thiết kế thể hiện sự liên quan với không gian ngoài khu đất như thế nào? Thiết kế có tôn trọng hình thái bố trí các tòa nhà và đường phố chung quanh không? Có sự thay đổi chiều cao giữa công trình hiện hữu và công trình xây mới không, nếu có thì xử lý như thế nào? Liệu thiết kế như vậy sẽ làm đẹp thêm hay hủy hoại cảnh quan đô thị?
  3. Mật độ dự kiến thể hiện sự liên quan như thế nào với những chức năng chung quanh? Nếu có sự khác biệt thì điều này có chấp nhận được không?
  4. Các góc nhìn gần về phía công trình đã được xem xét chưa? Ảnh hưởng của nó có quá yếu hay quá mạnh không? Nó có tôn trọng quy mô và nhịp điệu của các công trình chung quanh không?
  5. Vật liệu được sử dụng là gì? Nó thể hiện sự liên quan như thế nào với những công trình chung quanh? Chất lượng của vật liệu có tốt tương đương không?  Cách sử dụng vật liệu có thể hiện một ý tưởng tương đồng hay tương phản không? Các màu sắc đi với nhau sẽ như thế nào?
  6. Kiến trúc được lựa chọn cho công trình có phù hợp với công năng của nó không? Kiến trúc đó có tỏ ra quá phô trương hoặc ngược lại, quá nhạt nhòa khiêm tốn so với bản chất của công trình không?
  7. Bản thân kiến trúc đó thể hiện trong mắt người chiêm ngưỡng như thế nào? Ý tưởng về bố cục đóng-mở trên mặt chính công trình có thể hiện tốt không? Cách thể hiện chi tiết vật liệu có thể hiện sự tính toán tỉ mỉ hoặc sự độc đáo không?
  8. Thiết kế có đóng góp gì cho không gian công cộng? Nếu công trình tạo ra được không gian công cộng mới thì lợi ích và chức năng cơ bản của nó có được thể hiện rõ hay không?
  9. Xét trên phạm vi không gian rộng hơn, ảnh hưởng của công trình trong tầm nhìn xa-gần đã được cân nhắc hay chưa? Ảnh hưởng như thế là tích cực hay tiêu cực? Công trình có tạo ra một nhóm hòa hợp với những công trình hay cảnh quan hiện hữu không? Liệu công trình có tập trung sự chú ý của mọi người khỏi hướng nhìn chính hay không? Nếu có thì yếu tố gây chú ý có tốt hơn để đáng được chiêm ngưỡng không?

Thiết kế dễ dãi, hay ngược lại, sao chép lịch sử một cách rập khuôn trong nhiều năm qua đã gây tổn hại nghiêm trọng đến những khu vực lịch sử của các đô thị. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể có một giải pháp cho hình thái của những công trình mới để chúng vẫn mang những đặc trưng của thời đại mà vẫn thể hiện sự tôn trọng lịch sử và cảnh quan khu vực. Những công trình được giới thiệu ở đây đã chọn lọc một cách thông minh những ý tưởng thuộc môi trường quanh nó và vì thế thể hiện được chiều sâu lịch sử một cách tự tin và chắc chắn.

Trong thời đại ngày nay chúng ta có đủ kỹ thuật và mọi cơ sở khác để tin rằng mình có thể đóng góp vào kho tàng kiến trúc đã tích lũy từ những thế hệ trước. Những ví dụ này là đại diện cho nhiều kỹ thuật sáng tạo trước những thách thức đặt ra khi phát triển những công trình mới trong không gian mang tính lịch sử.

Để những kỹ thuật này trở thành hiện thực, đòi hỏi đầu tiên là tầm nhìn và sự cam kết của người sở hữu công trình và nhà quy hoạch. Nhiều ví dụ nêu lên ở đây chỉ ra đời khi chính quyền có đủ dũng khí và hiểu biết để nói không với những thiết kế yếu kém và đòi hỏi một lựa chọn tốt hơn. Đôi khi sự kỹ lưỡng có thể gây trì hoãn hay phiền phức cho các bên. Nhưng thực tế cho thấy, những giải pháp thỏa đáng và lâu dài đồng nghĩa với việc đầu tư vào thời gian, công sức và cả trí sáng tạo. Một trong những bài học đắt giá nhất ở đây chính là sự đầu tư đó luôn được xem là thích đáng, ngay cả với những người trước đây từng chỉ trích. Vấn đề không phải là lựa chọn một phong cách cụ thể nào, mà là về chất lượng của thiết kế. Một thiết kế khi đã đạt chất lượng cao, dù theo một kiểu nào cũng đem lại nhiều lợi ích tổng hợp, không chỉ là thẩm mỹ mà còn kinh tế, xã hội và môi trường./.

Nguyễn Thanh Việt (dịch và tổng hợp)

 

Lời bình  

 
0 # Mr.Bloom 16/03/2014 21:53
Một bài viết rất hay!
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 
 
0 # Hanh Tu Dao 20/03/2014 22:16
Rất cảm ơn Dịch giả Nguyễn Thanh Việt!
Tài liệu này là kết quả của quá trình nghiên cứu rất kỹ của Các Tác Giả, các vấn đề, các tiêu chí cần quan tâm trong công việc thiết kế quy hoạch và kiến trúc mà tài liệu đề ra là vô cùng xác đáng ( tất nhiên không thể đầy đủ).
Kiến trúc sư Frank LLoyd Wright đã từng xây dựng cơ sở lý luận và thực hành kiến trúc theo triết lý mà Ông gọi là " Kiến Trúc hữu cơ " theo đó công trình kiến trúc phải hài hoà với môi trường chung quanh( Nguyên lời Ông nói : Công trình như đã sinh ra trên mảnh đất đó, của mảnh đất đó và tồn tại vì chính mảnh đất đó).
Ở Việt Nam, trong các hội thảo về thiết kế cũng thường nhắc tới khái niệm " tồn tại hữu cơ" nhưng chưa có nghiên cứu nào đưa ra được các phân tích và tiêu chí cụ thể như tại tài liệu này.
Thêm nữa, qua tài liệu này các Kiến Trúc sư chúng ta cũng phải nhận thức rõ rằng: Phần rất lớn Chúng ta chưa quan tâm đủ và đúng đến công trình mà Chúng ta thiết kế.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo