Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Tương tác Nhìn ra thế giới Vấn đề văn hóa truyền thống trong đô thị Trung Quốc dưới góc nhìn của Wang Shu

Vấn đề văn hóa truyền thống trong đô thị Trung Quốc dưới góc nhìn của Wang Shu

Viết email In

Trong giới kiến trúc của Trung Quốc, chủ nhân của giải Pritzker 2012 – Wang Shu luôn chiếm một vị trí đặc biệt, nhiều người ví ông như một ẩn sỹ. Khác với đa phần kiến trúc sư đương đại, Wang Shu dường như bình thản và không bon chen trước thị trường bất động sản sôi động và tiết tấu xây dựng gấp gáp ở khắp nơi trên đất nước Trung Quốc. Ông rất ít khi nhận lời thiết kế những dự án mang tính thương mại vì theo ông những dự án với mục đích kinh tế thường đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà không quan tâm đến yếu tố văn hóa truyền thống và con người. Khi còn là nghiên cứu sinh, Wang từng bị giáo sư và các bạn học coi là “kẻ phản nghịch“ vì câu nói nổi tiếng: “Trên toàn đất nước Trung Quốc chỉ có một kiến trúc sư rưỡi, một là tôi và nửa còn lại là thầy của tôi”. Hơn 20 năm sau, trong buổi thuyết giảng tại đại học Harvard, Wang Shu gợi nhắc lại điều đó: “Một kiến trúc sư chân chính cần có đôi tay (kỹ năng) và cả trái tim, tiếc rằng tại Trung Quốc hiện nay rất nhiều kiến trúc sư không có cả hai yếu tố đó”. Ông cho rằng tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã biến ngành kiến trúc Trung quốc trở thành “thị trường kiến trúc”, đem lại thời cơ cho những kẻ cơ hội dưới mác "kiến trúc sư", "quy hoạch sư" tạo ra những sản phẩm thiết kế đậm chất thương mại, phá hoại tinh hoa truyền thống và thiếu tính nhân văn.


Những khu đô thị mới với phong cách kiến trức sao chép của châu âu tại Trung Quốc.

Mang trong mình cốt cách của một văn sỹ Trung Hoa, Wang Shu coi việc bảo vệ và phát huy văn hóa, bản sắc dân tộc trong những thiết kế là nghĩa vụ của một kiến trúc sư. Khi trả lời phỏng vấn, ông nhận xét: “Hơn 100 năm cải cách, chính sách hiện đại hóa, quốc tế hóa của chính phủ đã biến Trung Quốc thành một quốc gia khác xa so với sự tưởng tượng của mọi người. Quốc gia này (Trung Quốc), bất kể là mô hình tư bản hay xã hội chủ nghĩa đều là mô hình mượn của phương tây. Xây dựng và phát triển đến nay theo tôi là thành công bởi về cơ bản nó không còn là Trung Quốc nữa. Khi một quốc gia mất đi những thuộc tính văn hóa vốn có thì nó cũng mất đi những cảm xúc và sự tôn nghiêm vốn ăn sâu trong gốc rễ của nền văn hóa đó”. Wang Shu thổ lộ, mỗi một thiết kế kiến trúc của ông là một quá trình tìm kiếm, ông là người đi tìm lại những nét đẹp của văn hóa dân tộc. Một nhật xét của học giả phương tây cho rằng “Trung Quốc không hề có đóng góp cho nền văn hóa thế giới hiện đại” khiến Wang Shu không ngừng trăn trở. Liên hệ với Nhật Bản ông chia sẻ: “Kiến trúc truyền thống Nhật Bản cũng từng bị phá hoại trong quá trình hiện đại hóa, tuy nhiên họ vẫn kiên trì gìn giữ những nguyên tắc của mình. Đến nay sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin, xe hơi của Nhật Bản có mặt trên toàn thế giới. Dù vậy, đứng trên góc độ văn hóa, nền văn minh phương tây chỉ thực sự coi trọng Nhật Bản khi họ dành được sự công nhận của thế giới về lĩnh vực thời trang, điện ảnh hay kiến trúc. Đó là sự tôn trọng bởi Nhật Bản có đóng góp cho văn hóa thế giới hiện đại. Quay trở lại, những gì Trung Quốc làm được không là cống hiến hay đóng góp mà chỉ đơn thuần là những đặc sắc mang tính bản địa“.

Quá trình hiện đại hóa bắt đầu từ những năm 80 thế kỷ trước đã đem đến một diện mạo mới cho toàn Trung Quốc, các thành phố không ngừng mở rộng quỹ đất, các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh được xây dựng hoàn chỉnh chỉ trong vài năm khiến thế giới phương tây ngỡ ngàng. Tại những đô thị lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải hay Vũ Hán nhà chọc trời đua nhau vươn cao, những công trình với kết cấu đột phá, bề mặt ốp kính sáng lóa hiện ra giữa lòng đô thị. Thật khó để phân biệt nét đặc trưng hay truyền thống lịch sử của các thành phố giữa những hỗn mang kết cấu khổng lồ đó. Khi được hỏi về vấn đề mật độ kiến trúc và nhà cao tầng trong thành phố, Wang Shu cho rằng việc đô thị Trung Quốc đua nhau để xây dựng những tòa nhà chọc trời là không cần thiết. Những nhà quy hoạch hay kiến trúc đương đại thường nói về nhà cao tầng như một biện pháp tiết kiệm quỹ đất cho mô hình đô thị nén với mật độ cao. Nhà cao tầng ở Trung Quốc buộc phải tuân thủ cự ly xây dựng nhất định nhằm đảm bảo cho lượng ánh sáng cần thiết, diện tích dưới mặt đất giữa những tòa nhà ấy là khoảng rộng mênh mông của những vườn hoa quảng trường rộng rãi được chăm sóc cẩn thận, rất tiếc, những cảnh quan đẹp đẽ đó thường không thu hút được người dân.


Những tòa tháp chọc trời tại Thượng Hải và khu công viên ít người lai vãng.

Wang Shu nhận xét trong đô thị hiện đại của Trung Quốc, mật độ kiến trúc thường bị hy sinh để lấy diện tích cho phần cảnh quan nằm giữa các toàn nhà cao tầng. Theo ông, mô hình xây dựng đó khó lòng tạo ra những không gian sinh hoạt náo nhiệt của đô thị. Mật độ kiến trúc trong đô thị là rất quan trọng, những thành phố truyền thống ở châu Âu hay châu Á đều có mật độ kiến trúc khá cao, thậm chí còn cao hơn ở đô thị hiện đại. Những tòa nhà ven theo dải đường tạo nên những khu phố phường náo nhiệt, không gian đô thị liên tục không bị đứt đoạn, các con phố với mặt cắt hẹp kết hợp với những ngôi nhà cao trung bình tạo nên không gian phù hợp với kích thước con người. 

Khu trường đại học Tượng Sơn – Trung Quốc là một trong những công trình tiêu biểu của Wang. Ông đã thiết kế một khuôn viên với những dãy nhà cao trung bình, san sát để lộ ra những góc sân, khoảng trời tĩnh lặng và đầy suy tư. Khuôn viên của trường Tượng Sơn mang dấu ấn của kiến trúc thôn làng truyền thống Trung Quốc. Trường được xây dựng ở khu vực đô thị mới tại Hàng Châu, trên một khuôn nền nông nghiệp bị san bằng để lấy đất cho phát triển đô thị. Thông qua thiết kế của mình, Wang muốn tìm lại cảm xúc của truyền thống, đồng thời ông muốn đem đến sự trải nghiệm mới ở một ngôi trường nằm tại ngoại vi thành phố. Ông muốn thông qua việc tìm hiểu phong tục tập quán và cấu trúc không gian của thôn làng để tìm kiếm một mô hình xây dựng phù hợp, bù đắp những chênh lệch to lớn giữa thành thị và nông thôn mà quá trình đô thị hóa mang lại.


Khuôn viên trường đại học Tượng Sơn –Hàng Châu, Trung Quốc. 

Dưới góc nhìn của Wang Shu, việc đô thị Trung Quốc dần mất đi những bản sắc truyền thống không thể quy toàn bộ trách nhiệm cho giới kiến trúc mà là vấn đề của một guồng máy xã hội. Đó là kết quả của một chuỗi phản ứng dây chuyền từ những chính sách phát triển thiếu khoa học của chính quyền đến sự thiếu cân bằng giữa cung và cầu của thị trường. Bên cạnh đó là sự yếu kém của nhà quản lý đô thị, sự mê muội, thương mại hóa của các kiến trúc sư và tâm lý sùng bái thái quá văn hóa phương tây, quay lưng với truyền thống dân tộc của một bộ phận người dân. Trả lời phỏng vấn về mối quan hệ giữa giới kiến trúc và quy hoạch đô thị của Trung Quốc, Wang Shu cho rằng: “Hệ thống quy hoạch – kiến trúc đương đại của Trung Quốc phản ánh quá trình xây dựng nhanh chóng và gấp gáp của thị trường. Đó là một mối quan hệ đồng mưu ,đôi bên đều hiểu rõ quy trình của đối phương và phối hợp chặt chẽ với nhau. Từ góc độ thao tác công trình, đồng mưu cũng là phương pháp hiệu quả và nhanh chóng nhất.

Khác với những văn phòng tư vấn kiến trúc tên tuổi khác ở Trung Quốc, trung bình mỗi năm Wang Shu chỉ nhận thiết kế một công trình. Ông thường chọn những hạng mục có ý nghĩa và những chủ đầu tư có tâm huyết. Trong thời gian công trình được xây dựng, Wang rất tích cực đến khảo sát hiện trạng và giám sát tiến độ thi công, có những hạng mục từ khi khởi công đến khi khánh thành, Wang Shu và cộng sự xuống công trường đến hơn 50 lần. Với nhiều kiến trúc sư, bàn giao bản vẽ thiết kế và nhận tiền của chủ đầu tư nghĩa là công việc của họ đã kết thúc, còn với Wang bản thiết kế chỉ là sự khởi đầu của một công trình. Khi được vinh danh là kiến trúc sư đầu tiên của Trung Quốc được nhận giải thưởng Pritzker, Wang shu phát biểu: “Giải thưởng này là một minh chứng , rằng khi tất cả mọi người đi theo một con đường và có một người đi theo hướng khác, thì hướng đi đó vẫn có thể thành công.

Hoàng Linh


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo