Sau 9 lần sửa đổi dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quy hoạch kiến trúc tại khu vực các quận Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng (dự thảo QCKT), cuối cùng TP Hà Nội cũng đi đến được thống nhất. Nhưng liệu những quy chuẩn, quy hoạch này có khiến cho bộ mặt đô thị 4 quận nội đô Hà Nội hết lộn xộn?
Đề xuất tăng mật độ xây dựng đối với các lô đất lớn
Dự thảo QCKT đề cập các nội dung như: Quy định chung; Quy hoạch không gian (công trình công cộng, cây xanh mặt nước, các cơ sở công nghiệp, hệ thống quảng trường, không gian ngầm); phần kiến trúc, thiết kế đô thị (mật độ xây dựng, chiều cao, mỹ quan đô thị)…
Việc phân vùng kiểm soát cơ bản phù hợp quy định quản lý Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Một số điều chỉnh ranh giới (khu phố cũ) căn cứ trên các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc được duyệt. Các khu vực đặc thù như Trung tâm chính trị Ba Đình, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, phố cổ, phố cũ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận… cơ bản không điều chỉnh.
Tại lần sửa đổi dự thảo QCKT lần này, điểm đáng lưu ý nhất là bảo lưu quan điểm (dự thảo lần 8) cho phép tăng mật độ xây dựng đối với các lô đất lớn (ví dụ đối với lô đất 500m2, theo QCXDVN 01:2008 là 40% nay đề xuất tăng 65%).
Đại diện Sở QHKT Hà Nội cho hay: Góp ý vào bản dự thảo, UBND Q.Hoàn Kiếm kiến nghị chỉ tiêu đất cây xanh công cộng tối thiểu từ 3m2 xuống 2m2. Theo QCVN 01:2008/BXD, chỉ tiêu đất cây xanh công cộng là 7m2/người tuy nhiên quỹ đất trong 4 quận nội thành rất hạn chế, hiện chỉ đạt 2,1m2/người. Cơ quan soạn thảo đề nghị bảo lưu chỉ tiêu tối thiểu 3m2/người và đề xuất sử dụng chung hệ thống cây xanh công cộng giữa các phân khu và giữa các quận để khắc phục nhược điểm về chỉ tiêu cây xanh/người.
Đối với công trình xây dựng ở các phố quanh Hồ Gươm và vùng phụ cận gồm Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng, Nhà Chung, Nhà Thờ, Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ không được phá vỡ cảnh quan, không gian mặt nước, các công trình công cộng, di tích lịch sử... Do vậy, nhà mặt phố ở đây chỉ được xây cao không quá 4 tầng (16m), nhà lớp sau xây dựng không quá 6 tầng (24m).
Khu phố cũ được chỉ định chiều cao công trình không quá 6 tầng. Khu vực hạn chế phát triển thuộc các quận Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, từ vành đai 2 trở vào trung tâm, được giới hạn chiều cao công trình từ 5-7 tầng, nhằm khống chế mật độ dân số các quận này từ 220 - 260 người/ha.
Dự thảo cũng quy quy định rõ các công trình công cộng như các trường học lớn có thể được phép tăng tầng cao công trình để giải phóng không gian tầng 1, tăng diện tích trống, sân chơi, cây xanh. Các công trình khác như chợ, văn hóa, thể dục thể thao… do quỹ đất hạn chế nhưng vẫn được quy định theo hướng bổ sung phục vụ khu vực.
Không cấp phép khách sạn dưới 10 phòng
Đại diện Sở VHTT&DL Hà Nội đề nghị: Trong 4 quận nội thành, không cấp phép công trình khách sạn mới, dưới 10 phòng, nhất là ở khu vực quận Hoàn Kiếm do mật độ khách sạn hiện đã nhiều, cần giãn ra các khu vực khác. Đối với khu vực ngoài đê sông Hồng đang khó xác định tiêu chuẩn quản lý, có đại biểu cũng đóng góp ý kiến cần đảm bảo hành lang thoát lũ như quy định hiện hành, chiều cao không quá 3,5 tầng, sau này quản lý theo quy hoạch phân khu…
Ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam cho rằng: Để giải quyết những bất cập của đô thị Hà Nội, cần công khai quy hoạch phân khu cho người dân. Quy hoạch phải bảo đảm đô thị phát triển bền vững giữa bảo tồn, chỉnh trang khu vực nội đô lịch sử với việc xây dựng các khu đô thị mới, giữa khu vực đô thị và nông thôn; gìn giữ và phát huy các giá trị tiêu biểu của các khu vực hình thái đặc thù của Thủ đô. Mỗi khu vực được quy định cụ thể về không gian, quy mô tầng cao, kiến trúc công trình, để kiểm soát không gian, kiến trúc công trình tại mọi địa bàn trên thành phố.
Tại buổi làm việc với Sở QHKT Hà Nội, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu cơ quan soạn thảo làm rõ quy định tầng cao đặc trưng, quy định tầng cao với làng xóm đô thị hóa, ngoài đê sông Hồng; cây xanh, mặt nước.
Việc di dời các cơ sở ô nhiễm, cần bổ sung thêm phần công nghệ. Phần công trình ngầm, mở rộng thêm phần đường sắt đô thị. Quy hoạch các công trình giao thông, bổ sung thêm phần cầu vượt, hầm chui, bộ hành, kết cấu hè…
Hiệp Bắc (Báo Xây dựng)
- Cần thận trọng với đề xuất lấn biển xây biệt thự ở Vịnh Hạ Long
- Giật mình với màu sơn của Bưu điện TP.HCM
- "Ngọn hải đăng" hay khách sạn trá hình?
- Bảo tồn di sản ở Hà Nội cần chú trọng vai trò của cộng đồng
- Phát triển đô thị theo chiều cao hay theo chiều rộng?
- Xây dựng Trung tâm hành chính tập trung: Cuộc chạy đua của các địa phương?
- Chính sách nào cho các làng nội thành?
- The Guardian: Dự án cáp treo đe dọa hang Sơn Đoòng
- “Đừng để di tích thành Cổ Loa chỉ còn là một hình hài vô hồn”
- Thực trạng và giải pháp cải tạo xây dựng chung cư cũ