Nhiều chuyên gia cho rằng, phải tìm được vị trí, quỹ đất cho sân bay quốc tế dự phòng thứ 2, ngay từ thời điểm này và thể hiện trong xây dựng Đề án Điều chỉnh Quy hoạch vùng Thủ đô.
Ông Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia khẳng định, từ nay đến năm 2050 là không cần có sân bay quốc tế thứ 2, nhưng từ sau năm 2050 đến những năm sau đó, vùng Thủ đô cần đặt ra câu hỏi đặt sân bay quốc tế thứ 2 ở đâu. Hiện sân bay quốc tế Nội Bài sau khi mở rộng đã đáp ứng cơ bản vấn đề vận tải hàng không trong vùng.
Ông Hải đề xuất 4 vị trí dự kiến xây dựng sân bay quốc tế như: Một là đặt tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, khoảng cách đến TP.Hà Nội khoảng 120 km; hai là đặt tại huyện Thanh Miện, Hải Dương, khoảng cách đến TP.Hà Nội khoảng 40-45 km; ba là đặt tại huyện Ứng Hòa, phí Nam Hà Nội, khoảng cách đến trung tâm Hà Nội 35-40 km; và bốn là đặt tại huyện Lý Nhân, Hà Nam, khoảng cách đến TP.Hà Nội khoảng 60-65 km.
Ông Hải cũng cho biết, chúng ta cần phát triển sân bay quốc tế thứ 2 để đáp ứng nhu cầu vận tải cũng như phân bổ nhu cầu và tạo động lực phát triển trong vùng. Diện tích đất cho sân bay khoảng 2.000-2.500 ha và có khả năng tiếp cận đến đô thị hạt nhân trong thời gian dưới 45 phút.
Như vậy, 4 phương án trên đây mà ông Hải đưa ra là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại rất nhiều vấn đề để Vùng Thủ đô tiếp tục cân nhắc trước khi quyết định đặt sân bay quốc tế thứ hai ở đâu.
Tại Hải Phòng, nếu sân bay Cát Bi sau khi được mở rộng và nâng cấp có thể hoạt động như một sân bay quốc tế thứ hai của vùng thì sẽ không cần đặt tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Tại Hải Dương, chúng ta “vấp” phải 3.000 ha lúa nên rất khó để đặt sân bay quốc tế thứ hai ở đây. Còn tại phía Nam Hà Nội và phía Bắc Hà Nam đều là những vùng đất trũng, đặc biệt là vùng phía Nam Hà Nội còn có trọng trách là vùng sẻ lũ cho Trung tâm Thủ đô nên việc đặt sân bay quốc tế thứ 2 ở đây rất khó khả thi.
PGS Trần Trọng Hanh, Phó Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, trước đây khu vực Miếu Môn, Hà Nội đã được khảo sát cụ thể mức độ phù hợp để đặt sân bay quốc tế thứ hai nhưng không đạt, còn phía Nam Hà Nội là vùng đất trũng không hoàn toàn tốt nếu đặt sân bay quốc tế thứ 2 tại đây. Chỉ cần san lấp khoảng 10.000 ha đất (trong khi diện tích đất phù hợp đặt sân bay là 2.000-2.500 ha) là có ảnh hưởng nghiêm trọng đến Thủ đô. Do đó, việc hình thành sân bay thứ hai thế nào cần có luận cứ.
TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Hà Nội cho rằng, nhóm tư vấn Đề án Điều chỉnh Quy hoạch Vùng Thủ đô nên đề xuất định hướng sân bay quốc tế thứ hai. Bởi nếu không có đề xuất trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, Vùng Thủ đô sẽ gỡ không kịp vấn đề về vận tải hàng không quốc tế cho phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.
Ông Nghiêm đưa ra ví dụ, vừa qua chúng ta đã rất phấn khởi vì sau nhiều năm cố gắng và nỗ lực về nhiều mặt, đã hoàn thiện được sân bay quốc tế Nội Bài. Nhưng để đạt được điều này TP.Hà Nội phải mất khoảng 15 năm duyệt quy hoạch và xây dựng sân bay. Chính chúng tôi đã phải đàm phán và thống nhất với Bộ Quốc phòng rất nhiều năm mới được phê duyệt, sau đó là vấn đề giải phóng mặt bằng. Như vậy, sau gần 10 năm cho công tác chuẩn bị vốn và các vấn đề khác cộng với thời gian thi công từ năm 2011 đến gần đây mới hoàn thành và bắt đầu đưa vào khai thác sử dụng nhà ga tầm cỡ quốc tế này.
Từ bài học này cho chúng ta thấy, việc quy hoạch sân bay quốc tế thứ 2 là cần thiết vào thời điểm này, vì từ nay đến năm 2030 cũng là 15 năm. Nếu không đặt ra vấn đề này ngay từ bây giờ thì thế hệ sau sẽ phải làm lại từ đầu và sẽ phải mất rất nhiều thời gian nữa mới có sân bay quốc tế thứ 2.
“Tôi cho rằng, nhóm tư vấn không cần thiết phải chỉ rõ ngay vị trí sân bay quốc tế thứ hai trong Đề án Điều chỉnh Quy hoạch vùng Thủ đô, nhưng phải có định hướng cụ thể trên cơ sở luận chứng khoa học” - ông Nghiêm nói.
Cao Thanh Nga (Báo Xây dựng)
- Định chặt 6.700 cây xanh, Hà Nội đã khảo sát ra sao?
- Cần đổi mới chính sách tái định cư
- Dự thảo Nghị định về cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ: Vai trò của cư dân được tôn trọng
- Ngành giao thông: cần thay đổi mô hình ban quản lý dự án
- Kiến trúc xanh và nét tương đồng với kiến trúc truyền thống
- Cần thận trọng với đề xuất lấn biển xây biệt thự ở Vịnh Hạ Long
- Giật mình với màu sơn của Bưu điện TP.HCM
- "Ngọn hải đăng" hay khách sạn trá hình?
- Bảo tồn di sản ở Hà Nội cần chú trọng vai trò của cộng đồng
- Phát triển đô thị theo chiều cao hay theo chiều rộng?