Những công trình “vươn biển” thực sự đã và đang tạo sự đổi thay diện mạo đô thị, phát triển kinh tế cho Quảng Ninh. Tuy nhiên, mặt trái của nó là những tác động xấu đến môi trường nói chung và Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long nói riêng.
Chỉ cần đi dọc biển từ Cầu Bang (vùng giáp ranh giữa huyện Hoành Bồ và thành phố Hạ Long) đến khu vực đảo Tuần Châu (thành phố Hạ Long) sẽ dễ dàng nhận thấy sự tác động của con người tới Di sản thiên nhiên thế giới này.
Vịnh Hạ Long nhìn từ trên cao. (Ảnh có tính chất minh họa)
Những công trình "vươn biển"
Tại khu vực Cầu Bang, nằm bên bờ vùng biển Cửa Lục, cửa ngõ phía bắc đầu tiên của Vịnh Hạ Long là hai nhà máy xi măng Thăng Long và Hạ Long. Về địa giới, cả hai nhà máy này đều nằm ở huyện Hoành Bồ, thuộc vùng phụ cận của Vịnh Hạ Long, nhưng trên thực địa lại nằm sát cạnh vùng di sản Vịnh Hạ Long. Ống khói nhà máy cao, bụi của các nhà máy đã gây ô nhiễm tới vùng di sản và các cơ quan chức năng của tỉnh đã nhắc nhở nhiều lần.
Đặc biệt, chiếc băng chuyền vận chuyển xi măng, clanke được nối từ nhà máy xi măng Thăng Long “vươn biển” chừng 5-7km sang gần bến cảng Cái Lân... Không ít lần các hoạt động rót clanke trên vùng biển Cửa Lục gây bụi mù mịt trong lòng Di sản Vịnh Hạ Long.
Ông Bùi Tuệ, hộ kinh doanh trên Vịnh Hạ Long cho biết: Biển Cửa Lục rộng là vậy nhưng chiếc băng tải clanke này nhìn bằng trực quan vừa làm mất mỹ quan vừa làm ảnh hưởng đến giao thông trên vùng biển Cửa Lục, bởi nó chắn tới 3/4 chiều rộng mặt nước của vùng biển này. Bên kia bờ, các hoạt động san gạt lấn biển của một nhà máy đóng tàu nằm trên địa bàn thành phố Hạ Long vẫn đang tiếp diễn.
Ra phía đảo Tuần Châu, các dự án bất động sản, khu du lịch và 2 âu tàu du lịch được đánh giá là lớn nhất của Việt Nam đều được xây dựng trên những nền đất lấn biển. Ở khu vực này nhà đầu tư “vươn” biển tới vài km, làm hẹp cửa ngõ Vịnh Hạ Long nối với tuyến đường biển ra vùng vịnh Cát Bà (Hải Phòng) và vùng Quảng Yên của tỉnh.
Điều dễ nhận thấy, sự “vươn biển” này sẽ làm ảnh hưởng tới dòng chảy của các con sông từ Cửa Lục đổ ra biển, làm bồi lắng và làm chất lượng nước của Vịnh Hạ Long ngày một xấu đi.
Bên cạnh đó, hệ thống các nhà máy tuyển than, các cầu cảng than nằm dọc bên bờ Vịnh Hạ Long cũng là những tác nhân làm ảnh hưởng đến Di sản thiên nhiên thế giới này.
Tỉnh đề xuất hạn xây dựng các nhà máy gần Vịnh Hạ Long
Để hạn chế những tác động xấu đến môi trường, giữa năm 2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu đã đề nghị Trung ương hạn chế cho phép xây dựng các nhà máy nhiệt điện, xi măng gần khu vực đô thị, đông dân cư trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực gần Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, hiện nay môi trường tại Quảng Ninh đã có nhiều dấu hiệu bị ô nhiễm bởi các hoạt động sản xuất, khai thác than và hệ thống các nhà máy nhiệt điện, xi măng và đóng tàu.
Để bảo vệ Di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, cũng như vùng Vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh đề nghị các bộ, ngành Trung ương dừng việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng, nâng công suất các nhà máy xi măng, nhiệt điện ven bờ Vịnh Cửa Lục, Vịnh Hạ Long; không quy hoạch, đầu tư xây mới các nhà máy xi măng, nhiệt điện ở khu vực lân cận Vịnh Hạ Long trong khoảng cách tối thiểu 15km tính từ ranh giới vùng đệm của Vịnh và trung tâm các đô thị vùng phụ cận Vịnh Hạ Long (gồm thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, huyện Vân Đồn và Hoành Bồ).
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã từng thẳng thắn từ chối dự án mở rộng giai đoạn II của Công ty xi măng Thăng Long.
Tỉnh Quảng Ninh cũng khuyến cáo, đến năm 2030 sẽ di dời các nhà máy xi măng ra xa khu vực Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long./.
Văn Đức
(TTXVN)
- Đà Nẵng đổi đất làm hầm nghìn tỷ xuyên sông Hàn
- Quy hoạch xây dựng nông thôn mới - Những vấn đề cần bàn thêm
- Thế chấp nhà ở tương lai: cần gỡ nút thắt
- Hạ tầng chạy theo quy mô dân số
- Hướng tới xây dựng chính quyền đô thị Việt Nam
- Đô thị “đất chật người đông” làm sao giảm ùn tắc giao thông?
- Nhiều bãi biển tuyệt đẹp của Quảng Nam có nguy cơ bị xóa sổ
- Quy hoạch đi trước, giảm áp lực ở trung tâm Thủ đô
- Lý luận phê bình kiến trúc gắn lý thuyết với thực tiễn và giá trị bản sắc
- Nên thu hẹp khái niệm "vùng đô thị" TPHCM