Hơn mười năm qua, không nhiều đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kiến trúc tại Việt Nam được thực hiện. Nội dung các đề tài khoa học cấp nhà nước, hợp tác với nước ngoài chủ yếu trong khuôn khổ nghị định thư hoặc đề tài cấp Bộ.
Các đề tài trên chủ yếu tập trung vào các vấn đề: Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam và các văn bản quản lý kiến trúc; khảo sát, sưu tầm kiến trúc dân gian các vùng miền; nghiên cứu về lịch sử, bản sắc, giá trị tinh hoa kiến trúc Việt Nam; nghiên cứu về kiến trúc xanh, kiến trúc sinh thái, kiến trúc bền vững; các mô hình kiến trúc, cảnh quan trong đô thị và nông thôn; các giải pháp phòng và giảm nhẹ tác động của thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu đối với nhà ở và công trình công cộng; nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực kiến trúc nhà ở và công trình công cộng…
Phát triển hạ tầng và công trình cao tầng khu trung tâm TP HCM.
Trong những năm qua, Nhà nước đã luôn có sự đầu tư kinh phí nghiên cứu qua nguồn ngân sách nhà nước cho các đề tài, dự án nghiên cứu cũng như hoạt động thường xuyên theo chức năng của các tổ chức khoa học công nghệ ngành xây dựng.
Để đáp ứng và phát huy tốt nguồn lực này, trong giai đoạn tới, các tổ chức khoa học công nghệ ngành cần thay đổi mạnh mẽ theo hướng tích cực. Cần xóa dần tư duy bao cấp, chuyển sang tính tự chủ, chú trọng hơn nữa đến công tác nghiên cứu phát triển. Khi đó, các tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ ngành sẽ thực sự sống và đứng vững đúng theo “chuyên môn” của mình và với nguồn hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ để có được những nghiên cứu, sáng tạo có qui mô, hữu ích và thiết thực. Các kết quả hoạt động của các tổ chức nghiên cứu này cần mang tính dẫn dắt, định hướng về khoa học và công nghệ cho ngành và xã hội.
Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kiến trúc hiện nay
Từ thực tiễn công tác nghiên cứu, khoa học và công nghệ (KH&CN) của ngành cần hướng đến tìm kiếm các giải pháp nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và góp phần thúc đẩy sự phát triển một nền kiến trúc Việt Nam “Hiện đại, giàu bản sắc dân tộc”. Những đánh giá tổng quát về hoạt động khoa học và công nghệ của ngành xây dựng nói chung và lĩnh vực kiến trúc nói riêng đã được trình bày chi tiết trong báo cáo xây dựng “Chiến lược phát triển KH&CN ngành xây dựng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.
- Về nguồn nhân lực KH&CN:
Mặc dù thế hệ những nhà khoa học tâm huyết trong lĩnh vực kiến trúc trước đây đã nghỉ hưu hoặc không còn làm công tác nghiên cứu khoa học, nhưng nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu khoa học ở các viện, trường đại học vẫn rất dồi dào, tuổi còn trẻ, được đào tạo bài bản từ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang thiếu hẳn các chuyên gia thực sự chuyên sâu về từng lĩnh vực của kiến trúc. Ví dụ như các chuyên gia giỏi về lý luận và phê bình kiến trúc, về vật lý kiến trúc, về kiến trúc nhà ở và các loại công trình dân dụng, về công trình ngầm đô thị, về vật liệu kiến trúc, về hệ thống kỹ thuật công trình… Đây là một trong những khó khăn không nhỏ khi thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ.
Một trong những vấn đề được đề cập nhiều trong các chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam và trong xã hội trong nhiều năm qua - đó là “bản sắc kiến trúc Việt Nam”.
Nói đến bản sắc của kiến trúc Việt Nam, chúng ta đã có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, nhưng đến nay vẫn chưa có ai trả lời được một cách đầy đủ về bản sắc kiến trúc Việt Nam là gì? Có chuyên gia kiến trúc cho rằng “bản sắc” là cái không thể nhìn thấy được (?!) mà chỉ có thể cảm nhận được.
Rõ ràng bản sắc không chỉ được cảm nhận mà còn có thể thấy được thông qua hình thái kiến trúc cụ thể. Do đó, chỉ có những chuyên gia am hiểu sâu sắc về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và tự nhiên mới có thể phát hiện, giải mã được những giá trị, đặc điểm kiến trúc đã được hình thành từ rất lâu trong lịch sử phát triển của đất nước, đồng thời có thể kế thừa và phát huy những giá trị kiến trúc đó trong xây dựng hiện đại.
Phần lớn các nhiệm vụ khoa học, lĩnh vực kiến trúc tập trung vào việc khảo sát, thu thập tư liệu về kiến trúc truyền thống ở các vùng miền trong cả nước. Kết quả thu được đang ở mức là những tư liệu ảnh, hình vẽ minh họa và những lời mô tả và bình luận nhiều lúc còn mang tính cảm quan riêng, chưa thực sự dựa trên những căn cứ khoa học. Những đề tài, dự án này cho dù ở mức độ quy mô nào thì trong từng khía cạnh, sản phẩm khảo sát, thu thập tư liệu cần hướng tới chứng minh được “giá trị”, “bản sắc” của kiến trúc Việt là gì (?).
Như chúng ta đã biết, kiến trúc truyền thống được hình thành và phát triển trong lịch sử lâu dài của đất nước. Nó là sản phẩm từ sự kết tinh của kỹ thuật và nghệ thuật dân gian, của kinh nghiệm và trí tưởng tượng, của điều kiện tự nhiên, xã hội và yếu tố tâm linh… Do đó, việc nghiên cứu nó cần phải có sự tham gia thực sự của những chuyên gia giỏi, sâu sắc về lịch sử, văn hóa, vật liệu, kỹ thuật xây dựng… Không thể thực hiện các đề tài, dự án khoa học nếu chỉ giao cho một người làm từ A đến Z (cách làm phổ biến hiện nay).
- Về phương pháp nghiên cứu khoa học lĩnh vực kiến trúc:
Hiện nay, phương pháp nghiên cứu khoa học lĩnh vực kiến trúc chủ yếu là sưu tầm tư liệu bằng cách chụp ảnh, vẽ ghi và sưu tầm tư liệu trên internet, sau đó là mô tả, nhận định. Cần tránh việc nhận định này theo cảm tính, thiếu cơ sở khoa học. Một ví dụ cụ thể: Những đề tài nghiên cứu về kiến trúc xanh (đề tài cấp nhà nước, đề tài hợp tác theo Nghị định thư với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga…) đã được thực hiện trong những năm qua mới đang ở mức đưa ra được những đề xuất, kiến nghị chung. Các nội dung đề xuất, nghiên cứu cần được đẩy lên một bước nữa là phải có một công trình xanh nào được thiết kế và xây dựng từ những kết quả nghiên cứu nói trên.
Công trình xanh (kiến trúc xanh) là hình thái kiến trúc được thiết kế và xây dựng nhiều trên thế giới. Việc nghiên cứu công trình xanh có liên quan đến môi trường vi khí hậu, sử dụng tài nguyên và năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Do đó, cần phải có những công cụ kỹ thuật hỗ trợ nghiên cứu (phần mềm mô phỏng, thực nghiệm mô hình…) nhằm đánh giá hiệu quả năng lượng của các phương án kiến trúc, sử dụng vật liệu bao che, hệ thống thông gió, chiếu sáng tự nhiên và nhân tạo… Do vậy những đề tài nói trên nhất thiết phải được lấy từ bất cứ một công cụ kỹ thuật nào để làm sáng tỏ những cơ sở khoa học cho những giải pháp được kiến nghị.
- Về các nội dung được đề xuất nghiên cứu:
Các nội dung được đề xuất nghiên cứu cần xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn. Thực tiễn phát triển của đất nước trong những năm qua cho thấy cần phải có những nghiên cứu nghiêm túc để đưa ra những cơ sở khoa học cho việc quản lý và phát triển nhà ở đô thị, nông thôn. Ví dụ như: các vấn đề về căn cứ khoa học của căn hộ có diện tích nhỏ (thấp hơn so với quy định của pháp luật hiện nay), cải tạo chung cư cũ trong đô thị, nhà ở cho người thu nhập thấp, giải pháp kiến trúc nhà ở cho vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai (bão, lũ lụt), không gian ngầm trong đô thị… đều chưa có những nghiên cứu sâu sắc nhằm đưa ra các phương án cụ thể để phối hợp với các doanh nghiệp ngành xây dựng triển khai và nhân rộng trong thực tế.
- Về công tác tiêu chuẩn hóa:
Lĩnh vực tiêu chuẩn hóa bao gồm nghiên cứu xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và thiết kế điển hình. Trước đây, Viện Tiêu chuẩn hóa xây dựng (tiền thân của Viện Kiến trúc quốc gia ngày nay) đã có những hoạt động rất hiệu quả trong việc tổ chức xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Đến nay, đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa đã đến tuổi nghỉ hưu. Lớp cán bộ trẻ cần được bồi đắp nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thiết kế điển hình. Một khối lượng lớn các tiêu chuẩn kỹ thuật về nhà ở và công trình công cộng cần hoàn thiện và xây dựng mới cần được triển khai mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu cả về thời gian và chất lượng.
Việc nghiên cứu thiết kế điển hình, thiết kế mẫu các công trình xây dựng là một trong những phương thức để triển khai, nhân rộng các giải pháp xây dựng tiên tiến, tiết kiệm. Có thể thấy rằng những thiết kế điển hình và thiết kế mẫu được ban hành trong những năm qua đã góp phần tích cực vào các chương trình quốc gia về kiên cố hóa trường lớp học, đề án hỗ trợ người khuyết tật… Tuy nhiên, phải thấy rằng thiết kế điển hình và thiết kế mẫu hiện nay mới chủ yếu thiên về thiết kế mẫu các công trình kiến trúc (mẫu kiến trúc nhà và công trình thường phải thi tuyển), thiếu thiết kế điển hình cho các loại bộ phận và công trình khác như: các bộ phận kết cấu nhà, các bộ phận phòng chống cháy và thoát nạn, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn.
Về nguyên tắc, thiết kế điển hình bộ phận phải căn cứ vào tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế mẫu chỉ mang tính minh họa cho việc vận dụng thiết kế điển hình các bộ phận. Do đó, việc hiểu, định hướng nghiên cứu và thực hiện cần sát với thực tiễn, đem lại hiệu quả và có tính ứng dụng trong thực tiễn cao.
Công trình Bảo tàng Hà Nội.
Để nâng cao năng lực nghiên cứu, triển khai kết quả nghiên cứu trong thực tế nhằm đáp ứng yêu cầu của ngành xây dựng, xin kiến nghị một số giải pháp sau đây trong những năm trước mắt:
Một là, phải nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học cho các viện, trường đại học theo cơ chế tự chủ. Nâng cao năng lực ở đây được hiểu là tự đầu tư chiều sâu cho các cơ sở nghiên cứu (cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm về vật lý kiến trúc, phần mềm mô phỏng…), tự đào tạo các chuyên gia chuyên sâu cho từng lĩnh vực kiến trúc, nhất là vật lý kiến trúc và hệ thống kỹ thuật công trình, vật liệu kiến trúc. Trong các viện nghiên cứu cần phải hình thành các bộ phận chuyên nghiên cứu về vật lý kiến trúc, kiến trúc nhà ở và các công trình công cộng, kiến trúc nông thôn, công trình ngầm đô thị…
Hai là, phải hình thành các bộ phận nghiên cứu về tiêu chuẩn hóa xây dựng (thậm chí Viện Tiêu chuẩn hóa xây dựng), làm cơ sở cho việc phát triển và hệ thống hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật nói chung và lĩnh vực kiến trúc nói riêng. Sản phẩm của công tác này giữ vai trò quan trọng nhằm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có thể ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật trong hoạt động xây dựng và hội nhập quốc tế.
Ba là, phải tổ chức lại công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kiến trúc. Nhà nước (trung ương và địa phương) và doanh nghiệp phải đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển. Các đề tài, dự án khoa học công nghệ phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, có triển khai ứng dụng và nhân rộng. Phải dứt khoát đoạn tuyệt với những đề tài, dự án chỉ đưa ra những đề xuất, kiến nghị chung chung. Tổ chức khoa học công nghệ thực hiện các đề tài, dự án phải tập hợp được các chuyên gia phù hợp hoặc phối hợp với các tổ chức khoa học công nghệ khác có thế mạnh để triển khai nhiệm vụ.
Bốn là, tăng cường công tác lý luận và phê bình kiến trúc nhằm đưa ra các luận cứ khoa học để định hướng phát triển kiến trúc đô thị, nông thôn; Hạn chế sự phát triển tự phát trong kiến trúc khu vực đô thị và nông thôn; Góp phần đưa kiến trúc Việt Nam phát triển có tổ chức, “hiện đại, giàu bản sắc Việt Nam”.
TS. Nguyễn Trung Hòa
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)
- Đô thị “đất chật người đông” làm sao giảm ùn tắc giao thông?
- Nhiều bãi biển tuyệt đẹp của Quảng Nam có nguy cơ bị xóa sổ
- Quy hoạch đi trước, giảm áp lực ở trung tâm Thủ đô
- Lý luận phê bình kiến trúc gắn lý thuyết với thực tiễn và giá trị bản sắc
- Nên thu hẹp khái niệm "vùng đô thị" TPHCM
- Quảng Ninh định "hạ cấp" cơ quan quản lý di sản Vịnh Hạ Long
- Cần sớm có Quy chuẩn - Tiêu chuẩn thiết kế công trình cao tầng hỗn hợp
- Rất cần giữ gìn bản sắc khi xây dựng nông thôn mới
- Gian nan cải tạo chung cư cũ, bảo tồn nhà cổ ở TP HCM
- Phát triển công trình xanh ở Việt Nam - Thực trạng và đề xuất