Trong quá trình phát triển của Thủ đô, quy hoạch xây dựng là động lực, cũng là công cụ góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.
Giãn dân ra khỏi nội thành
Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho biết, quy hoạch phải luôn đi trước, có chất lượng cao và phải được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo Thủ đô phát triển đồng bộ, bền vững. Nhìn nhận những lợi thế, cơ hội và khó khăn, thách thức cho công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, Giám đốc Sở QH-KT cho rằng, bên cạnh những thành tựu, công tác quy hoạch vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Đó là chất lượng một số đồ án quy hoạch trong giai đoạn trước còn chưa đạt yêu cầu dẫn đến việc phải điều chỉnh; việc cải tạo các khu chung cư cũ, di dời các trường đại học, cơ sở y tế, cơ sở công nghiệp ra ngoài khu vực nội đô có quan tâm, nhưng còn chậm…
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (Nguồn: Ashui.com)
Để góp phần thực hiện phương hướng, nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu và những vấn đề trọng tâm phát triển Thủ đô 5 năm 2015 - 2020, Đảng bộ Hà Nội đã đặt ra nhiệm vụ đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng, phát triển, quản lý đô thị và xây dựng nông thôn mới theo hướng xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, gắn với bảo vệ tài nguyên, nâng cao chất lượng môi trường, đồng thời kết hợp thực hiện với 3 khâu đột phá.
“Quy hoạch trên toàn thành phố phải mang tính khả thi cao, bảo đảm tính hệ thống, tầng bậc với sự thống nhất của cộng đồng dân cư, tạo thành bộ công cụ hoàn chỉnh. Cần đảm bảo sự thống nhất giữa các quy hoạch nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng, giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, nhất là tình trạng quá tải hiện nay trong các khu vực nội đô…” – Giám đốc Sở QH-KT nói.
Chỉ ra một số giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực quy hoạch, Giám đốc Sở QH-KT Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh: “Hà Nội sẽ lập kế hoạch dài hạn cải tạo đô thị, thực hiện bằng các dự án lớn (trên một khu vực đô thị rộng) để kết nối hạ tầng kỹ thuật, từng bước chỉnh trang khu đô thị cũ. Bên cạnh đó, sẽ tập trung phát triển mạnh khu vực đô thị phía Bắc sông Hồng và phía Tây nhằm giãn dân ra khỏi khu vực nội đô”.
Ưu tiên đô thị xanh
Là người đứng đầu địa phương có tốc độ đô thị hóa cao nhất thành phố, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải cho rằng, việc triển khai xây dựng các khu đô thị mới theo quy hoạch ở Hà Nội đã góp phần tích cực vào việc giải quyết căn bản nhu cầu nhà ở của người dân Thủ đô, tạo không gian đô thị mới với kiến trúc hiện đại, đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Xu thế này đã làm biến đổi hình thái kiến trúc nhà ở Hà Nội và đặc biệt thay đổi cả tư duy, nhận thức quan niệm xã hội về phương thức ở hiện đại, đặc biệt trong tầng lớp trẻ, giúp họ dần quên đi quan niệm cũ chỉ đề cao nhà mặt phố và chia lô.
Chỉ ra những mặt hạn chế trong phát triển đô thị Hà Nội, Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm đưa ra 5 bài học kinh nghiệm lớn. Trong đó, trước hết, quy hoạch luôn phải đi trước một bước. Cần đổi mới mô hình khu đô thị mới theo hướng tiếp cận bền vững và đô thị xanh. Phải ưu tiên tối đa chỉ tiêu sử dụng đất cho các công trình công cộng và dịch vụ, cây xanh, công viên; Kết hợp giữa phát triển với bảo tồn các giá trị văn hóa, công trình hiện hữu. Cùng với đó, phải phát triển đô thị theo kế hoạch được kiểm soát chặt chẽ, có chọn lọc, có dự báo theo nhu cầu của thị trường.
Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm cũng cho rằng, Hà Nội cần tập trung phát triển các đô thị mới theo hướng “đa cực”, “đa trung tâm”. Trước mắt, tập trung xây dựng các trung tâm đô thị như: Trung tâm mới của Hà Nội tại khu vực phía Tây (quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy); Trung tâm Tây Hồ Tây (Tây Hồ và Bắc Từ Liêm); Trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ Bắc sông Hồng gắn với trục đô thị Nhật Tân - Nội Bài (huyện Đông Anh)... Đây là giải pháp tốt nhất giảm áp lực cho trung tâm thành phố hiện nay.
Thành Nam
(An ninh Thủ đô)
- Hạ tầng chạy theo quy mô dân số
- Hướng tới xây dựng chính quyền đô thị Việt Nam
- Những công trình 'vươn biển' đe dọa Di sản Vịnh Hạ Long
- Đô thị “đất chật người đông” làm sao giảm ùn tắc giao thông?
- Nhiều bãi biển tuyệt đẹp của Quảng Nam có nguy cơ bị xóa sổ
- Lý luận phê bình kiến trúc gắn lý thuyết với thực tiễn và giá trị bản sắc
- Nên thu hẹp khái niệm "vùng đô thị" TPHCM
- Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kiến trúc hiện nay
- Quảng Ninh định "hạ cấp" cơ quan quản lý di sản Vịnh Hạ Long
- Cần sớm có Quy chuẩn - Tiêu chuẩn thiết kế công trình cao tầng hỗn hợp