Ashui.com

Thursday
Apr 18th
Home Tương tác Phản biện Quảng Ninh định "hạ cấp" cơ quan quản lý di sản Vịnh Hạ Long

Quảng Ninh định "hạ cấp" cơ quan quản lý di sản Vịnh Hạ Long

Viết email In

Cách đây 20 năm, tỉnh Quảng Ninh đã đi đầu trong cả nước khi thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Ban quản lý Vịnh Hạ Long, trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh. Sau 20 năm hoạt động, Ban quản lý này được đánh giá là có hiệu quả và là mô hình tiên tiến khiến nhiều địa phương có di sản thế giới trong nước đến nghiên cứu, học tập và làm theo. Tuy nhiên, gần đây tỉnh Quảng Ninh lại xem xét việc… "hạ cấp" Ban quản lý này xuống, trở thành một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long.  

Hạ cấp quản lý di sản

Sau ngày Vịnh Hạ Long được UNESCO vinh danh là di sản thiên nhiên thế giới, với mong muốn có một cơ quan đủ mạnh quản lý di sản tầm thế giới này, tỉnh Quảng Ninh đã có ra quyết định thành lập Ban quản lý Vịnh Hạ Long trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, có chức năng giúp tỉnh quản lý nhà nước, bảo tồn và phát huy Vịnh Hạ Long. Ban quản lý Vịnh Hạ Long chịu sự chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam. 

Trong dịp lễ kỷ niệm 20 năm ngày Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam có nhận xét rằng UNESCO đánh giá cao nỗ lực của Quảng Ninh trong việc bảo tồn Vịnh Hạ Long, đồng thời ghi nhận những tiến bộ của Quảng Ninh trong việc giữ gìn môi trường vịnh, giảm thiểu tác động môi trường và các khu công nghiệp xung quanh vịnh. Quảng Ninh đã xây dựng được kế hoạch tổng thể mới quản lý, bảo tồn Vịnh Hạ Long trong dài hạn và có điều chỉnh trong từng năm. Đặc biệt, Quảng Ninh đã dời được hàng trăm hộ dân ở làng chài trên vịnh lên bờ và ổn định sống cho họ.

Từ hiệu quả của mô hình quản lý Vịnh Hạ Long, nhiều địa phương có di sản thiên nhiên thế giới đã đến Quảng Ninh học tập. Xu hướng thành lập đơn vị quản lý di sản thế giới trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh ngày một chiếm ưu thế. Đến nay đã cả nước đã có tới 5/8 tỉnh có di sản thế giới thành lập cơ quan quản lý di sản thế giới trực thuộc cấp tỉnh.

Trong quá trình soạn thảo Nghị định của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý bền vững di sản thế giới ở Việt Nam, hầu hết các thành viên ban soạn thảo đều thống nhất đề nghị quy định "các đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ di sản thế giới phải trực thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, hoặc trực thuộc bộ, ngành trực tiếp quản lý để đảm bảo thẩm quyền thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao."

Trong thông báo tại hội nghị-hội thảo “Quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam" hồi tháng Sáu vừa qua, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - bà Đặng Thị Bích Liên nhận xét việc phân công, phân cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị quản lý di sản thế giới ở một số địa phương còn bất cập, chưa tương xứng với nhiệm vụ quản lý di sản thế giới. Sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý di sản thế giới với các ngành hữu quan khác ở địa phương trong quá trình xử lý những vấn đề nảy sinh từ hoạt động thực tiễn chưa thật sự chặt chẽ.

Vì vậy, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên định hướng trong thời gian tới, để công tác quản lý, bảo vệ các di sản thế giới ở Việt Nam được tốt hơn nhằm giữ gìn những giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và xác thực của các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới cần tăng cường công tác xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, quy chế, quy định ở cấp Trung ương và địa phương liên quan tới lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới cho phù hợp với tình hình thực tế. 

"Vượt cấp" trong quản lý

Trong lúc các bộ, ngành Trung ương và nhiều địa phương đang còn nhiều tranh cãi, chưa tìm ra được mô hình cụ thể nào, Nghị định về quản lý di sản của Chính phủ cũng đang ở mức dự thảo thì tỉnh Quảng Ninh lại rục rịch xây dựng phương án đưa Ban quản lý Vịnh Hạ Long xuống là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố Hạ Long (cấp huyện) khiến dư luận quan tâm.

Nhiều chuyên gia quản lý Vịnh Hạ Long đã sớm đưa ra một số bất cập nếu phương án trên được quyết định. Đó là một đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố Hạ Long không thể đủ quyền quản lý một di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới có phạm vi nằm ở địa bàn liên thành phố, bởi Vịnh Hạ Long nằm trên địa bàn hai địa phương thành phố Hạ Long và thành phố Cẩm Phả. Hơn nữa, việc quản lý Vịnh Hạ Long luôn đi đôi với quản lý Vịnh Bái Tử Long (nằm ở hai địa phương thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn), như vậy sẽ là vượt quá thẩm quyền của một phòng, ban thuộc thành phố Hạ Long.

Nhiều viện dẫn cho rằng khi đưa về thành phố quản lý Vịnh Hạ Long thì sẽ linh hoạt hơn trong việc xử lý các vi phạm của các đối tượng trên Vịnh vì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ dễ dàng ra được các quyết định xử phạt hành chính.

Tuy nhiên, các chuyên gia quản lý Vịnh phản biện hoạt động của các đối tượng cần quản lý trên Vịnh Hạ Long rất đa dạng, phức tạp thuộc nhiều chuyên ngành như du lịch, vận tải, môi trường, an ninh trật tự, an toàn cháy nổ... Việc giao quản lý cho một phòng, ban của thành phố sẽ không đủ quyền lực thực thi. Còn nếu thành phố phải phối kết hợp với các ngành giao thông, du lịch, công an, môi trường để cùng quản lý Vịnh Hạ Long thì việc thay đổi này không làm thay đổi về cách thức quản lý, bởi hiện tỉnh Quảng Ninh đã có quy chế phối hợp, quy định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của từng ngành chức năng trong quản lý Vịnh Hạ Long một cách rõ ràng, minh bạch.

Thực tế, Quy chế quản lý Vịnh đã có và rõ ràng, song sự phối hợp giữa các ngành chức năng chưa thực sự tốt, chính vì vậy hiệu quả quản lý Vịnh chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Một chuyên gia lâu năm quản lý Vịnh cho rằng cái thiếu trong quy chế phối hợp quản lý Vịnh Hạ Long là cơ chế phối hợp, nhất là cơ chế về con người, phương tiện và tài chính.

Trong dự thảo phương án của mình, tỉnh Quảng Ninh quy định dù Ban quản lý Vịnh Hạ Long trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long, chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (không chịu sự chỉ đạo chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh).

Nhiều ý kiến cho rằng nếu đưa Ban quản lý Vịnh Hạ Long về làm đơn vị sự nghiệp của thành phố Hạ Long thì Quảng Ninh mới chỉ giải quyết được vấn đề quản lý nhà nước về di sản, chứ chưa thể thực thi hiệu quả các chức năng về quan hệ đối ngoại, nghiên cứu, giám sát, tham mưu đề xuất các biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới. 

Nhiều ý kiến cho rằng quản lý Vịnh Hạ Long là quản lý lâu dài, Quảng Ninh cần thận trọng hơn nữa trong việc chuyển đổi mô hình, hoặc chờ đợi Chính phủ ban hành Nghị định quy định về bảo vệ và quản lý bền vững di sản thế giới ở Việt Nam, dự kiến trong năm 2015. Khi đó, Quảng Ninh lựa chọn mô hình quản lý nào cũng chưa muộn. 

Quảng Ninh cũng đã có chủ trương thực hiện việc quản lý Vịnh Hạ Long bằng mô hình hợp tác công-tư (tỉnh quản lý nhà nước, còn giao quyền quản trị cho doanh nghiệp). Đã từng có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia quản trị Vịnh Hạ Long nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa đưa ra quyết định lựa chọn đơn vị nào./. 

Văn Đức 
(TTXVN / Vietnam+)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo