Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Phản biện Cần sớm có Quy chuẩn - Tiêu chuẩn thiết kế công trình cao tầng hỗn hợp

Cần sớm có Quy chuẩn - Tiêu chuẩn thiết kế công trình cao tầng hỗn hợp

Viết email In

Đầu năm 2013, Bộ Xây dựng ra Quyết định 212 hủy bỏ 169 tiêu chuẩn xây dựng, chỉ giữ lại 20 tiêu chuẩn được cho là phù hợp nhất trong giai đoạn hiện nay. Điều này, đồng thời với việc cần phải có các tiêu chuẩn xây dựng mới thay thế các tiêu chuẩn cũ đã hủy bỏ. Đặc biệt cần thiết phải ban hành sớm một số tiêu chuẩn liên quan đến thiết kế nhà ở cao tầng. Hiện nay các tiêu chuẩn này chưa được bổ sung, ban hành thay thế khiến cho việc thiết kế, thẩm tra, cấp phép xây dựng các công trình xây dựng nói chung và công trình cao tầng nói riêng hiện đang gặp rất nhiều khó khăn.  


Công trình tháp cao tầng văn phòng và trung tâm thương mại Bitextco Financial Tower, TP.HCM
(Nguồn: AAPhoto) 

Cần có tiêu chuẩn mới thay thế tiêu chuẩn cũ đã hủy bỏ 

Trong số những tiêu chuẩn thiết kế bị hủy bỏ có những tiêu chuẩn quan trọng về vật liệu xây dựng, vật liệu chống thấm (TCXDVN 367:2006) và đáng chú ý là tiêu chuẩn thiết kế nhà ở cao tầng (TCXDVN 323:2004). Do chưa có tiêu chuẩn mới thay thế lập thời nên các kiến trúc sư, kỹ sư, các đơn vị tư vấn thiết kế rất lúng túng trong việc lựa chọn quy chuẩn-tiêu chuẩn phù hợp để áp dụng trong quá trình thiết kế đặc biệt với hạng mục nhà cao tầng, thậm chí cũng đã phải tìm đến các tiêu chuẩn nước ngoài. Tuy nhiên, việc phải áp dụng các tiêu chuẩn nước ngoài đôi khi lại liên quan các công tác thẩm tra, thẩm duyệt cũng như xin phép xây dựng. 

Ngoài ra, việc hủy bỏ tiêu chuẩn đang sử dụng mà chưa ban hành ngay tiêu chuẩn thay thế còn dẫn đến trường hợp sau. Đó là có những công trình mà công tác thiết kế hoàn thành từ trước thời điểm ban hành Quyết định 212 nhưng vì lý do khách quan nên bị tạm dừng, đến khi dự án khởi động lại, hồ sơ thiết kế được sử dụng để đi xin phép xây dựng thì không được chấp thuận với lý do tiêu chuẩn mà thiết kế áp dụng đã hết hiệu lực. Cũng vì không có các tiêu chuẩn xây dựng mới thay thế nên các bên không biết phải điều chỉnh như thế nào.

Trong khi chưa có các tiêu chuẩn phù hợp để thay thế thì cần phải có các thông tư hướng dẫn cụ thể có thể là các quy định tạm thời được áp dụng trong thời gian chờ phát hành tiêu chuẩn thay thế nhằm mục đích để giúp cho các KTS, KS và các công ty tư vấn thiết kế thực hiện tốt hơn.

Hệ thống tiêu chuẩn thiết kế công trình cao tầng có chức năng hỗn hợp

Về các quy chuẩn – tiêu chuẩn xây dựng liên quan đến công tác thiết kế các công trình dân dụng, phần lớn là tương đối đầy đủ về chủng loại cũng như về nội dung chi tiết cho từng công trình cụ thể có chức năng riêng biệt như nhà ở cao tầng, nhà ở thấp tầng, trường học, bệnh viện, chợ. Tuy nhiên, theo xu thế phát triển chung hiện nay, có những loại hình công trình có chức năng mới thì lại chưa có quy chuẩn – tiêu chuẩn nào đề cập tới ví dụ như loại hình công trình Căn hộ cho thuê (Service Apartment), Trung tâm thương mại (Shopping Center), thậm chí là Văn phòng (Office) hay lớn hơn nữa là tổ hợp công trình cao tầng có chức năng hỗn hợp (High-rise mixed use facility). Các tiêu chuẩn hiện nay được sử dụng “tạm” thường là về thiết kế Khách sạn (thay cho Căn hộ cho thuê), thiết kế Chợ (thay cho Trung tâm thương mại hay thiết kế Trụ sở cơ quan (thay cho Văn phòng).

Về nội dung chi tiết của các quy chuẩn-tiêu chuẩn liên quan, áp dụng cho công tác thiết kế một Tổ hợp công trình cao tầng có chức năng hỗn hợp, một loại hình công trình cao tầng mới xuất hiện, nhưng phát triển nhanh về số lượng làm xuất hiện rất nhiều các yếu tố cần đặt ra về tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế trong giai đoạn hiện nay. 

Về nội dung chi tiết của các quy chuẩn tiêu chuẩn liên quan, áp dụng cho công tác thiết kế một Tổ hợp: công trình cao tầng có chức năng hỗn hợp một loại hình công trình cao tầng mới xuất hiện nhưng phát triển nhanh về số lượng làm xuất hiện rất nhiều các yếu tố cần đặt ra về tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế trong giai đoạn hiện nay.

Một tổ hợp công trình có chức năng hỗn hợp có thể chia ra làm hai trường hợp phổ biến.

Trường hợp một là, tổ hợp công trình gồm các công trình có chức năng riêng được bố trí độc lập trong một khu đất, ví dụ trong tổ hợp dự án có các chức năng chung cư, bệnh viện, trường học thì sẽ có các công trình chung cư, bệnh viện, trường học được xây dựng riêng rẽ trong cùng một khuôn viên ví dụ như dự án Time City tại đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Trường hợp hai, là loại tổ hợp công trình mà tất cả các chức năng đều được tập trung vào 1 tòa tháp cao tầng nhưng được bố trí ở các khu vực tầng cao khác nhau ví dụ như tổ hợp công trình ở Hà Nội như Lotte Center, Indochina Plaza.

Đối với trường hợp hai, dường như việc áp dụng quy chuẩn – tiêu chuẩn của nhiều loại hình chức năng vào một công trình duy nhất là không đơn giản. Ví dụ như đối với quy định về đỗ xe, mỗi một loại chức năng khác nhau lại có các quy định về đỗ xe khác nhau. Về chỗ đỗ xe cho khách sạn thì quy định số chỗ trên số phòng, cho khách sạn thì quy định số chỗ trên m2 sàn (Quy chuẩn QCXDVN 01:2008/BXD) nhưng đối với căn hộ thì quy định số chỗ đỗ xe theo m2 khu đỗ xe trên m2 sàn căn hộ (Công văn hướng dẫn 1245/BXD-KHCN ban hành vào ngày 24/6/2013), như vậy khi tính toán diện tích bãi đỗ xe cho toàn bộ tổ hợp công trình thì sẽ tính theo quy định nào, số chỗ đỗ hay là m2? Hay là tùy theo nhà thiết kế?

Cần đặt ra câu hỏi như vậy bởi vì hiện nay xuất hiện hình thức đỗ xe tự động nhiều tầng, như vậy nếu áp dụng theo quy định nêu trong Quy chuẩn nói trên thì có thể tính được số chỗ đỗ xe và thiết kế khu đỗ xe cho phù hợp. Tuy nhiên nếu phải áp dụng quy định m2 đỗ xe thì sẽ rất khó áp dụng hình thức đỗ xe tự động nhiều tầng. Nếu quy định về cách quy đổi từ đơn vị chỗ đỗ xe sang m2 đỗ xe thì có lẽ việc thiết kế tính toán khu đỗ xe cho các công trình cao tầng có chức năng hỗn hợp sẽ dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, hiện nay vẫn chưa có quy chuẩn-tiêu chuẩn nào quy định cụ thể về số chỗ đỗ xe 2 bánh (xe máy, xe đạp), phương tiện giao thông phổ biến nhất hiện nay tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Nên chăng cũng cần ban hành thêm quy định về số chỗ đỗ xe 2 bánh nói trên.

Khi thiết kế một công trình cao tầng, thang máy là một trong những hạng mục thiết kế không thể thiếu được. Tuy nhiên hiện nay chúng ta chưa có một quy chuẩn-tiêu chuẩn nào quy định về các thông số cần thiết trong quá trình tính toán thiết kế thang máy như Năng lực vận chuyển trong 5 phút cao điểm (Handling capacity in 5 minutes) hay Thời gian chờ trung bình (Average of Interval time). Chúng ta đã có tiêu chuẩn TCVN 5744:1993 cho thang máy nhưng chỉ quy định về An toàn lắp đặt và sử dụng nên về cơ bản là không sử dụng được trong quá trình thiết kế công trình cao tầng. Chính vì vậy, hiện nay, trong quá trình thiết kế các công trình cao tầng vẫn phải tính toán thiết kế thang máy dựa vào các tiêu chuẩn nước ngoài cụ thể như JIS của Nhật Bản hay CIBSE-D của Anh.

Liên quan đến thiết kế kết cấu, hệ thống quy chuẩn – tiêu chuẩn hiện hành chưa có tiêu chuẩn Thiết kế cấu tạo kết cấu bê tông cốt thép (BTCT) cho công trình trên 25 tầng. Hiện mới chỉ có tiêu chuẩn TCXD 198-1997 (Nhà cao tầng – Thiết kế kết cấu bê tông cốt thép toàn khối) chỉ áp dụng cho công trình có chiều cao không quá 25 tầng. Chính vì vậy mà có dự án cao trên 30 tầng chúng tôi đã phải áp dụng tiêu chuẩn ACI của Mỹ vào thiết kế kết cấu để phân tích và tính toán tổng thể cho công trình cũng như các cấu kiện đặc trưng (cột lệch tâm xiên, vách lõi thang).

Về phòng cháy chữa cháy cho các công trình cao tầng, chúng ta cũng mới chỉ có các quy chuẩn – tiêu chuẩn về thang thoát hiểm, tuy nhiên theo kinh nghiệm của các nước phát triển có nhiều nhà cao tầng và siêu cao tầng thì cần phải có phòng lánh nạn đối với công trình siêu cao tầng. Xét thấy tầm quan trọng của việc áp dụng tiêu chuẩn trên sẽ mang lại sự an toàn cao hơn cho người sử dụng, hiện nay trong khi chưa ban hành quy chuẩn – tiêu chuẩn về phòng lánh nạn nói trên thì cơ quan PCCC đã có hướng dẫn cụ thể để các đơn vị thiết kế và chủ đầu tư áp dụng một cách kịp thời tiêu chuẩn PCCC Fire Code 2007 của Singapore về không gian lánh nạn cho công trình cao trên 100m.

Kết luận

Trên đây là một số vấn đề liên quan đến các quy chuẩn – tiêu chuẩn áp dụng trong thiết kế công trình dân dụng nói riêng và công trình cao tầng với chức năng hỗn hợp nói chung. Những vấn đề đưa ra ở trên là những vấn đề mà chúng tôi thường xuyên gặp phải trong quá trình thiết kế, nên qua bài viết này mong rằng các cơ quan chức năng sớm ban hành những quy chuẩn – tiêu chuẩn mới để thay thế những bản cũ đã bị hủy bỏ, bổ sung những nội dung cần thiết mà chưa được đưa vào các quy chuẩn-tiêu chuẩn hiện hành. Qua đây cũng mong muốn được góp phần chia sẻ với các KTS, KS về tầm quan trọng của hệ thống quy chuẩn-tiêu chuẩn đối với công tác thiết kế, về những vấn đề liên quan đến việc sử dụng các quy chuẩn-tiêu chuẩn hiện hành vào công tác thiết kế với mục đích là tạo ra những “sản phẩm” có chất lượng, thỏa mãn được các yêu cầu của các chủ đầu tư, đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới, phát triển bền vững và hội nhập với thế giới./. 

TS.KTS Nguyễn Văn Đông - Công ty TNHH thiết kế Châu Á Kume (KDA) 
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo