Chiếu sáng đô thị không chỉ đảm bảo an ninh, an toàn giao thông mà còn góp phần cải thiện hướng tới giá trị thẩm mỹ đô thị, làm thay đổi sâu sắc hình ảnh của đô thị. Chất lượng tiện nghi đô thị được nâng cao cũng nhờ một phần ở chiếu sáng đô thị. Trước các yêu cầu về tốc độ và chất lượng đô thị hóa, công tác quy hoạch chiếu sáng đô thị Việt Nam cần được quan tâm đổi mới toàn diện, đặc biệt hoàn thiện tốt hệ thống tiêu chuẩn quy hoạch chiếu sáng đô thị.
Thành phố Đà Nẵng về đêm
Quy hoạch chiếu sáng đô thị hiện nay
Chiếu sáng đô thị (CSĐT) không chỉ đảm bảo an ninh, an toàn giao thông mà còn góp phần cải thiện hình ảnh đô thị, hướng tới giá trị thẩm mĩ, làm thay đổi sâu sắc hình ảnh của đô thị. Chiếu sáng đô thị, trong đó có nghệ thuật chiếu sáng đô thị luôn gắn liền với lịch sử phát triển của đô thị. Chất lượng đô thị được nâng cao cũng nhờ một phần vào tiêu chí chất lượng chiếu sáng đô thị. Ngày nay, chiếu sáng đô thị đang có xu hướng được chính quyền các đô thị đặc biệt quan tâm nhằm đảm bảo an ninh, an toàn, tiết kiệm năng lượng, góp phần tạo ra sự khác biệt, hấp dẫn, làm tăng thêm giá trị thương hiệu, hình ảnh mang tính biểu tượng của các đô thị trong phạm vi toàn cầu. Nghệ thuật chiếu sáng đô thị ở các thành phố như NewYork, Paris, London, Thượng Hải, Hồng Kông, Singapore… đã đạt tới trình độ đỉnh cao. Nó không những làm tăng thêm vẻ đẹp, chất lượng, thương hiệu cho các thành phố này mà còn mang lại cho người dân nơi đây cơ hội phát triển kinh tế, niềm tự hào dân tộc, khơi dậy nguồn lực sống hướng tới ngày mai tươi sáng hơn… (Ví dụ TP.Neon (Pháp) trước năm 1989 là một đô thị buồn tẻ. Sau khi có quy hoạch chiếu sáng, thành phố đó trở lên sống động, mạnh mẽ trở thành một trong hai thành phố phát triển nhất của Pháp và là một trong những biểu tượng thành phố của lễ hội ánh sáng, đi đầu trong lĩnh vực chiếu sáng, nghiên cứu về chiếu sáng).
Trong thời gian qua, cùng với quá trình CNH – HĐH đất nước, tốc độ đô thị hóa của nước ta cũng ngày càng tăng nhanh, hệ thống đô thị quốc gia được quan tâm đầu tư phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều đô thị, điểm dân cư nông thôn, nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, du lịch, kết cấu hạ tầng… đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng mới, hoặc cải tạo mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển mới của đất nước… Năm 1998, tỉ lệ đô thị hóa mới đạt khoảng 24%, năm 2009 là 29,6%, năm 2012 là 31%, nhưng năm 2014 đã tăng lên trên 33%. Hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kĩ thuật đô thị, kể cả khu vực nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhìn chung, diện mạo kiến trúc, đô thị, nông thôn Việt Nam đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, đa sắc…
Cùng với sự gia tăng tốc độ, chất lượng đô thị hóa, công tác quy hoạch, chiếu sáng đô thị Việt Nam cũng được quan tâm nhiều hơn. Các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang… đã có được một cảnh quan kiến trúc đô thị lung linh về đêm, đặc biệt hấp dẫn trong những dịp lễ hội, sự kiện, xuân về… Để làm được việc này, thời gian qua, Việt Nam đó ban hành nhiều quy định liên quan đến chiếu sáng đô thị (CSĐT) như Nghị định số 79/2009/NĐ-CP ngày 28/09/2009 của Chính phủ về quản lý CSĐT, Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 11/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển CSĐT Việt Nam đến năm 2025, Thông tư hướng dẫn về CSĐT…
Một số chuyên gia cho rằng quy hoạch CSĐT (Nhất là chiếu sáng công cộng, chiếu sáng công cộng có tính nghệ thuật) ở Việt Nam hiện ít được quan tâm, đôi khi trong một vài sự kiện lại tạo sự lãng phí không đáng có… Kinh nghiệm ở Pháp cho thấy, quy hoạch CSĐT gồm có (1) Quy hoạch CSĐT tổng thể, (2) Quy hoạch CSĐT chi tiết và các quy chế về quản lý chiếu sáng. Nhưng ở Việt Nam, việc lập quy hoạch CSĐT tổng thể còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do sự phức tạp của hệ thống chiếu sáng, của việc cung cấp điện và cấu trúc đô thị thiếu đồng nhất cũng sẽ đòi hỏi nhiều thời gian để thực hiện, và nhất là vẫn còn thiếu các hướng dẫn về tiêu chuẩn quy chuẩn so với yêu cầu thực tiễn phát triển đô thị.
Việc chậm trễ lập quy hoạch chiếu sáng sẽ dẫn đến việc gia tăng sự khó kiểm soát chiếu sáng tư nhân trong không gian đô thị, đặc biệt là chiếu sáng thương mại, quảng cáo và nghệ thuật. Ô nhiễm chiếu sáng và sự lãng phí năng lượng vì thế sẽ nghiêm trọng hơn. Vì vậy, quy hoạch CSĐT chi tiết có thể là lựa chọn phù hợp đối với các đô thị Việt Nam hiện nay, nhất là trong bối cảnh thiếu các chuyên gia trong nước để thực hiện. Quy hoạch CSĐT chi tiết mang tính cục bộ, khu vực, tập trung vào trọng tâm, trọng điểm như chiếu sáng các khu vực trung tâm, quảng trường, các công trình là điểm nhấn, nghệ thuật mang tính biểu tượng,… của đô thị trong giai đoạn ngắn hạn thì dễ dàng thực hiện hơn. Điều đó sẽ thuyết phục người dân và các nhà đầu tư về tính hiệu quả của chính sách chiếu sáng đô thị.
Tuy nhiên, hiện nay căn cứ vào các văn bản qui định (Luật, Nghị định, Thông tư…) theo qui hoạch CSĐT mới chỉ được đề cập như là một nội dung trong quy hoạch cấp điện đô thị. Các đồ án Quy hoạch chung đô thị hầu như ít quan tâm đến vấn đề CSĐT hoặc nếu có cũng rất sơ bộ. Trong các đồ án Quy hoạch phân khu (QHPK), Quy hoạch chi tiết (QHCT) theo quy hoạch CSĐT cũng chỉ quan tâm chủ yếu đến chiếu sáng giao thông… Bởi vậy, theo các quy định hiện nay, quy hoạch CSĐT của Việt Nam không phải là quy hoạch CSĐT tổng thể bởi vì nó đòi hỏi các tính toán, dự toán tổng mức đầu tư, xác định nguồn vốn thực hiện. Nó cũng không phải là quy hoạch CSĐT chi tiết bởi vì nó bao trùm chiếu sáng của toàn bộ thành phố. Ngoài ra, đội ngũ kỹ thuật viên ánh sáng, nhà thiết kế ánh sáng của Việt Nam cũng thiếu và yếu. Việc đào tạo về chiếu sáng mới chỉ giới hạn trong lĩnh vực kỹ thuật cho các kỹ sư điện trong khi chiếu sáng hiện nay đòi hỏi tính kỹ thuật, công nghệ và thẩm mĩ cao.
Do hạn chế trong nhận thức nên đôi khi có người nghĩ rằng cứ có chiếu sáng là tạo được hình ảnh ấn tượng. Thực tế không phải vậy, nếu không được nghiên cứu kỹ càng, thiếu quy hoạch đồng bộ giữa CSĐT và cuộc cạnh tranh hạ tầng đô thị khác cũng dẫn đến tình trạng xây dựng chồng chéo, lộn xộn, không đáp ứng được các yêu cầu chung về kỹ thuật, đồng thời gây lãng phí, mất mỹ quan… sẽ chỉ gây sự thất vọng và tốn kém. Mỗi đô thị đều có các yếu tố văn hóa, lịch sử riêng, đặc điểm điều kiện tự nhiên, hình thái cấu trúc, kiến trúc cảnh quan và dấu ấn đô thị riêng… Bên cạnh đó năng lượng cho CSĐT chiếm tới hơn 50% năng lượng tiêu thụ của một đô thị. Vì vậy, CSĐT ngoài những nhu cầu cần thiết của đô thị, yếu tố kĩ thuật, kinh tế… cần phải làm nổi bật, tôn vinh các đặc điểm nổi trội ấy, gúp phần tạo dựng hình ảnh đô thị, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội chung của đô thị. Chính quyền đô thị cần phải có nhận thức đúng, nghiên cứu xây dựng chiến lược, lập quy hoạch về CSĐT, nơi nào cần chiếu sáng, khi nào cần chiếu sáng, chiếu sáng như thế nào và với giá thành hợp lý tốt nhất để đảm bảo đạt hiệu quả cao và tiết kiệm năng lượng.
Hoàn thiện hệ thống tiêu chí quy hoạch chiếu sáng đô thị
Để nâng cao chất lượng đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam, trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (số 445/QĐ-TTg, ngày 07/4/2009) phê duyệt “Điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050”, đã xác định mục tiêu chiến lược phát triển hệ thống đô thị quốc gia là: “Từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới đô thị; có cơ sở hạ tầng kĩ thuật, xã hội phù hợp, đồng bộ, hiện đại; có môi trường và chất lượng sống đô thị tốt; có nền kiến trúc đô thị tiến tiến, giàu bản sắc; có mối quan hệ và vị thế xứng đáng, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế, xã hội quốc gia, khu vực và quốc tế, góp phần thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ tổ quốc”.
Trên cơ sở đó, để góp phần nâng cao chất lượng đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam, Thủ tướng đã có quyết định số 1874/QĐ-TTg phê duyệt Định hướng phát triển chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025 với mục tiêu và các chỉ số phát triển cụ thể: Phát triển chiếu sáng đô thị phải đảm bảo gắn liền với phát triển đô thị, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo đảm văn minh đô thị. Tiếp tục nâng cao chất lượng chiếu sáng đô thị đảm bảo 100% các công trình giao thông, không gian công cộng và quảng cáo tại các đô thị (bao gồm: xây mới, cải tạo, nâng cấp) sử dụng các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện; trong đó phấn đấu từ 30% đến 50% các công trình sử dụng đèn năng lượng mặt trời đạt tiêu chuẩn. Đối với các đô thị loại đặc biệt, loại I: chiếu sáng các loại đường phố đạt tỷ lệ 100% chiều dài đường. Đối với các đô thị loại II, loại III: chiếu sáng đường phố đạt 100% chiều dài đường phố chính cấp đô thị; 95% chiều dài đường phố cấp khu vực; phấn đấu nâng tỷ lệ chiếu sáng ngõ, xóm (có chiều rộng từ 2m trở lên) đạt 80 – 85% chiều dài đường. Đối với các đô thị loại IV, loại V: chiếu sáng đường phố đạt tỷ lệ 85 – 90% chiều dài các tuyến đường phố chính đô thị và đường phố khu vực; phấn đấu nâng tỷ lệ chiếu sáng ngõ, xóm (có chiều rộng từ 2m trở lên) đạt 75% chiều dài đường. Xây dựng các trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng cho các đô thị loại III và loại IV. Hoàn thành việc hạ ngầm toàn bộ đường dây cấp điện chiếu sáng tại các đô thị.
Trước mắt đối với các đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang… cần thiết phải triển khai (1) Quy hoạch CSĐT tổng thể; (2) Quy hoạch CSĐT chi tiết và các quy chế về quản lý chiếu sáng làm cơ sở để thực hiện hiệu quả quyết định số 1874/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chẳng hạn, để góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến – Thành phố vì hòa bình, Thủ đô của Việt Nam “Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (QĐ số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011), bên cạnh các công việc có liên quan cần triển khai thực hiện như hoạch định các khu vực phát triển đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kĩ thuật như qui hoạch phát triển giao thông, điện nước… công tác quy hoạch chiếu sáng đô thị Hà Nội phải mang tính tổng thể, nhất là khu vực nội đô, lịch sử cũng cần phải được đặc biệt quan tâm tới Nghệ thuật chiếu sáng đô thị nhằm tăng thêm giá trị, tính biểu tượng hào hoa, linh thiêng và cơ hội tăng trưởng kinh tế của thành phố ngàn năm tuổi này.
Bao gồm Nghị định về CSĐT như Nghị định số 79/2009/NĐ-CP ngày 28/09/2009 của Chính phủ về quản lý chiếu sáng đô thị (CSĐT), Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 11/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng phát triển CSĐT Việt Nam đến năm 2025, Thông tư hướng dẫn về CSĐT…. TCXDVN về CSĐT như, TCXDVN 333:2005/Chiếu sáng nhân tạo bên ngoài các công trình công cộng và kĩ thuật hạ tầng đô thị/Tiêu chuẩn thiết kế, TCVN 4400:1987- Kĩ thuật chiếu sáng/Thuật ngữ và Định nghĩa; TCVN 259:2001 Tiêu chuẩn kĩ thuật chiếu sáng nhân tạo đường phố, quảng trường đô thị, 11 TCVN 18: 1984 – Quy phạm trang bị điện (Phần 1, 2), TCVN 5828: 1994 – Đèn chiếu sáng đường phố/Yêu cầu kĩ thuật, TCVN 4086: 1985- Quy phạm an toàn lưới điện trong xây dựng, TCVN 4756: 1989- Qui phạm nối đất và nối không các thiết bị điện… và các tiêu chuẩn Việt nam có liên quan khác… Gần đây nhất, ngày 22/7/2015 Hội đồng KHKT chuyên ngành Bộ Xây dựng đã tổ chức nghiệm thu các kết quả của Đề tài “Biên soạn sổ tay hướng dẫn quy hoạch chiếu sáng đô thị” do Công ty Cổ phần tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng (CONINCO) thực hướng dẫn thiết kế quy hoạch chiếu sáng đô thị: thiết kế chiếu sáng đường phố, thiết kế chiếu sáng các khu vực chức năng trong đô thị, thiết kế chiếu sáng công trình đặc biệt trong đô thị; hướng dẫn thiết kế chiếu sáng: thiết kế chiếu sáng cho đồ án quy hoạch đô thị, thiết kế chiếu sáng cho đồ án thiết kế đô thị hiện và sẽ sớm phát hành rộng rãi trong thời gian tới.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị trong giai đoạn tới, đặc biệt đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn hướng đến các giá trị tiện nghi, an toàn và phát triển bền vững, bên cạnh việc rà soát các hệ thống các Nghị định, Thông tư hướng dẫn công tác quản lý và quy hoạch CSĐT, rất cần cần rà soát lại một số TCVN trong lĩnh vực CSĐT đã có, đồng thời nghiên cứu xây dựng bổ sung thêm một số TCVN mới. Đơn cử, đối với TCXDVN 333:2005/Chiếu sáng nhân tạo bên ngoài các công trình công cộng và kĩ thuật hạ tầng đô thị – Tiêu chuẩn thiết kế (QĐ số 08/2005QĐ -BXD) đã được áp dụng gần 10 năm nay, Bộ Xây dựng cần lấy ý kiến phản hồi từ các địa phương, các đối tượng áp dụng… để đánh giá một cách khách quan những cái được cần phát huy, những tồn tại cần khắc phục điều chỉnh cho tốt hơn, phù hợp với thực tiễn hơn… Ví dụ như yêu cầu kĩ thuật chiếu sáng các công trình đô thị (Điểm đỗ giao thông công cộng ngoài trời, chiếu sáng đường cầu, đường hầm dành cho người đi bộ) cần lưu ý thêm yêu cầu kĩ thuật chiếu sáng các nút giao thông lớn, các nút giao thông khác cốt, các trục đường dẫn vào sân bay, bến cảng trong đô thị.
Đối với thiết kế chiếu sáng các công trình điểm nhấn như Công trình kiến trúc – Tượng đài – Đài phun nước…, cần nghiên cứu bổ sung thêm hệ thống các tiêu chí kĩ thuật chiếu sáng các Công trình kiến trúc là điểm nhấn, có tính biểu tượng trong đô thị. Ví dụ nội dung Bảng 12 về tiêu chuẩn chiếu sáng kiến trúc, mặc dù có lưu ý tới vật liệu bề mặt kiến trúc công trình là kính với yêu cầu độ chói của nền lấy trị số lớn hơn 5cd/m2 nhưng phải lưu ý thêm loại kính/chủng loại, màu sắc kính để có cách lựa chọn cho phù hợp… Phụ lục 5/Phương pháp chiếu sáng kiến trúc/phần minh họa không nên sử dụng loại mặt cắt dường như là của công trình tôn giáo (Mặt cắt cần có tính khái quát, kĩ thuật hơn). Phụ lục 7/Phương pháp bố trí chiếu sáng một số công trình TDTT ngoài trời… nên có thêm minh họa các mặt cắt ngang, dọc… của công trình (Chỉ có mặt bằng công trình là chưa đủ…).
Về xây dựng mới, để bổ sung bộ TCVN trong lĩnh vực CSĐT cần quan tâm đến cập nhật các nội dung TCVN về chiếu sáng nghệ thuật trong đô thị, TCVN trong chiếu sáng công trình ngầm đô thị, TCVN về chiếu sáng trong quảng cáo tại đô thị, TCVN về tiết kiệm năng lượng, an toàn trong CSĐT…
Kết luận
Chiếu sáng hiện nay không chỉ nhằm vào an ninh an toàn mà nó còn hướng tới giá trị thẩm mỹ, không khí đô thị và tiện nghi thị giác, cũng như làm thay đổi sâu sắc hình ảnh của đô thị. Vì vậy, một thành phố được chiếu sáng tốt sẽ thỏa mãn người dân đô thị, tạo ra và trở thành một yếu tố quảng bá hình ảnh đô thị đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững. Điều này đòi hỏi chính quy hoạch đô thị phải xác lập rõ các định hướng ngay từ ban đầu chiến lược quy hoạch hạ tầng chiếu sáng đô thị theo yêu cầu thực tiễn bắt đầu từ công tác hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn CSĐT hiện hành theo các tiêu chí: nơi nào cần, khi nào cần, chiếu sáng như thế nào và với giá thành tốt nhất, tránh được lãng phí và tình trạng ô nhiễm ánh sáng./.
TS.KTS Trương Văn Quảng
(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)
- Cần sử dụng hiệu quả đất đô thị
- Giải pháp bảo tồn bền vững kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hà Nội
- Cải tạo chung cư cũ: Hài hòa lợi ích ba bên
- Địa chủ hiện đại, tại sao không?
- Phân loại, phân cấp đô thị ở Việt Nam: Thực trạng & yêu cầu đổi mới
- Không gian công cộng tại Đà Nẵng: Thiếu nghiêm trọng!
- Chiến lược tăng trưởng xanh và thực tế triển khai tại Việt Nam
- Quy hoạch ngược bên bờ biển Nha Trang
- Đô thị TPHCM tiến ra biển hay tiến về sông?
- Lựa chọn nào cho Quy hoạch thoát nước Đà Nẵng?