Những năm gần đây, các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM… đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và quy mô, đồng nghĩa với việc xuất hiện nhiều khu đô thị, khu tái định cư với những tòa nhà cao tầng được xây dựng dày đặc. Tuy nhiên, tại những khu nhà này, mật độ dân số rất cao trong khi mật độ cây xanh, vườn hoa công cộng, trường học... lại rất khiêm tốn, dẫn đến hạ tầng quá tải, không đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Theo nhận định của các chuyên gia xây dựng, trong tương lai không xa, không gian công cộng sẽ bị thu hẹp hoặc mất đi nếu như các chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc tận dụng tối đa quỹ đất để xây những khu nhà cao tầng mà không thực sự quan tâm đến việc tạo một không gian sống xanh, trong lành kết nối giữa các khu nhà.
Tại KĐT Linh Đàm, nhiều tòa nhà mọc san sát nhau bó hẹp không gian sống của người dân. (Ảnh: Zing.vn)
Điều lo ngại này rất đúng khi trên thực tế, tại Hà Nội, tình trạng quá tải đang diễn ra tại nhiều khu chung cư cao tầng, khu đô thị (KĐT) mới như Trung Hòa - Nhân Chính, Linh Đàm, Xa La…
Đơn cử, KĐT Trung Hòa - Nhân Chính được đưa vào sử dụng năm 2009 với khoảng 2.400 căn hộ, quy mô dân số trên 10.000 người, nhưng chỉ sau vài năm, hàng loạt chung cư khác cũng đã liên tục mọc lên. Hiện có khoảng 30 tòa cao ốc cao từ 10 đến trên 30 tầng với số dân tăng chóng mặt tại khu vực này. Hạ tầng KĐT quá tải, hầm đỗ xe không đáp ứng đủ nên vỉa hè, sân chơi của nhiều tòa chung cư trở thành bãi đậu xe.
Hay như KĐT Linh Đàm từng là KĐT kiểu mẫu với các tòa nhà chung cư dưới 20 tầng có đường nội bộ rợp bóng cây, thảm cỏ vườn hoa. Nhưng từ năm 2009, quy hoạch này dần bị băm nhỏ khi hàng loạt tổ hợp chung cư cao tầng mọc lên khiến giao thông khu vực phía nam thành phố bị quá tải. Năm 2015, khi tổ hợp chung cư HH khu Tây Nam Linh Đàm với 12 tòa nhà được đưa vào sử dụng, chỉ tính riêng số cư dân tại đây đã tương đương với số dân của 2 phường cộng lại, đủ để thấy hệ thống hạ tầng xung quanh bị quá tải với hàng loạt bất cập phát sinh như áp lực điện, nước, thiếu sân chơi, trường học, an toàn phòng chống cháy nổ và quan trọng hơn là phá vỡ quy hoạch KĐT.
Đỉnh điểm vừa rồi về tình trạng quá tải hạ tầng chính là tình trạng mất nước tại KĐT này khiến người dân khu nhà VP3, NO3, N4A, N4B thuộc cụm chung cư 2A (bán đảo Linh Đàm), khu nhà ở xã hội Rice City Linh Đàm lâm vào cảnh khốn khổ, đảo lộn sinh hoạt.
Theo ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QH&KT) Hà Nội, các KĐT phải có đầy đủ hạ tầng xã hội theo quy hoạch. Tuy nhiên, các chủ đầu tư không thực hiện đúng khi triển khai thực hiện. Tình trạng phổ biến là các chủ đầu tư xây nhà trước rồi mới xây hạ tầng khiến chậm hơn so với quy hoạch. Hơn nữa, việc đô thị phát triển với tốc độ rất lớn cũng là nguyên nhân khiến hạ tầng xã hội không thể đáp ứng kịp.
Đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, trong thời gian qua đã nhận được nhiều đề nghị chấp thuận quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, các công trình hỗn hợp. Tuy nhiên, quy mô dân số tối đa của nhiều dự án chưa được dự báo chính xác trong các bản đồ án quy hoạch. Điều này đã gây khó khăn cho việc quản lý và kiểm soát việc gia tăng dân số. Hơn nữa, hạ tầng đô thị cũng bị ảnh hưởng khi dự án được triển khai thực hiện và đi vào khai thác vận hành. Do đó, UBND TP giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, Sở Xây dựng, Sở QH&KT, Sở KH&ĐT, UBND các quận, huyện và đơn vị liên quan báo cáo, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương, phê duyệt quy hoạch, kiến trúc dự án hoặc khi nghiên cứu, thẩm định, góp ý, thông tin với các đơn vị.
Đồng thời, yêu cầu khi tính toán quy mô dân số phải dự báo quy mô dân số tối đa khi dự án khai thác vận hành, quy mô trung bình của một hộ gia đình (dân số tạm trú, dân số thường trú và dân số không cư trú tại đô thị nhưng làm việc tại đô thị...). Đặc biệt, tại khu vực trung tâm thành phố, cần đảm bảo các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phù hợp yêu cầu thực tiễn quản lý, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu được duyệt, tuân thủ tiêu chuẩn thiết kế hiện hành và quy chuẩn xây dựng.
Một số ý kiến cho rằng, trước khi có chủ trương xây dựng các khu nhà cao tầng, các chủ đầu tư cần xác định thận trọng mục đích quy hoạch, giảm mật độ xây dựng, ưu tiên những phần quỹ đất dành cho trường học, khu vui chơi, cây xanh, chợ dân sinh, y tế..., từ đó giảm áp lực cho cho hạ tầng xung quanh, tránh tình trạng “trắng” không gian sinh hoạt cộng đồng tại các KĐT. Có như vậy mới tạo được không gian sống hài hòa, hạ tầng được kết nối đầy đủ tiện ích, đáp ứng được nhu cầu sinh sống của người dân.
Linh Anh
(Báo Xây dựng)
- BOT - Nhà nước cần “bảo hành” các sản phẩm lỗi
- Sụt lún trong đô thị
- Luật đặc khu kinh tế chỉ vượt trội khi so "ta với ta"
- Đường tránh, trạm thu phí và tư duy thiết kế bất cập
- Giữ “vành đai xanh” cho TPHCM
- Đà Nẵng: Cầu thị và cởi mở lắng nghe cộng đồng khoa học lên tiếng về bán đảo Sơn Trà
- Điều chỉnh quy hoạch, đất công cộng teo tóp
- Giải pháp hạn chế tình trạng ngập lụt tại TP.HCM và tình hình biến đổi khí hậu trong tương lai
- Tầm nhìn tương lai cho sân bay Tân Sơn Nhất
- Tầm nhìn siêu đô thị và bài toán cung cấp dịch vụ công